Chelsea thành công nhờ “hút ít thuốc, uống ít rượu”: Bóng đá Việt còn “say” đến bao giờ?

Trường Đại học Durham vừa công bố bảng xếp hạng sức khỏe ở Premier League với Chelsea đứng đầu. Những tiêu chí được đưa vào các thang điểm rõ ràng là khá rộng, song phần nào giải thích được thành công và thất bại trong bóng đá.

sua bdv

Theo bảng xếp hạng… tiêu thụ rượu, thuốc của Premier League 2014/15, các chuyên gia nhận ra những người sống quanh sân Stamford Bridge của Chelsea có chỉ số sức khỏe tốt nhất trong 20 khu vực. Bằng chứng là đàn ông và phụ nữ của vùng này có tuổi thọ nhiều hơn tới 6-7 năm so với đồng hương ở quanh sân Etihad của Man City. Đứng trong Top đầu còn có những người dân gần sân Old Trafford của Man Utd và White Hart Lane của Tottenham. Điều trớ trêu là dù Old Trafford chỉ cách Etihad khoảng 4km, nhưng tuổi thọ bình quân giữa hai khu vực cũng cách nhau tới 4 năm. Sức khỏe tệ hại nhất Premier League là những cư dân sống bên sân Anfield của Liverpool và Goodison Park của Everton.

Từ bảng so sánh này, có thể hình dung được rằng lối sống của các cầu thủ Chelsea có phần lành mạnh hơn so với đồng nghiệp ở nơi khác. Bởi rừng nào, cọp nấy. Vì nơi anh ở có cuộc sống lành mạnh, anh lẽ nào cảm thấy thoải mái khi ăn chơi nhảy múa? Còn nếu sống trong khu vực đầy rẫy tệ nạn với những chốn ăn chơi đầy cám dỗ như vũ trường, quán bar, cực khó để giữ được lối sống bình dị mà không len lén thử một tí. Nhưng đó là đối với người bình thường, còn với các cầu thủ – triệu phú, tiền bạc để ăn chơi thì thật sự không phải là vấn đề.

Rượu và thuốc lá không phải chuyện đùa

Nhìn rộng ra thế giới, ảnh hưởng của rượu và thuốc lá phần nào cũng tác động tới sức mạnh của các nền bóng đá. Vì vậy, không bất ngờ khi hầu hết các cường quốc bóng đá thế giới đều có lệnh cấm hút thuốc nghiêm ngặt, đặc biệt là Brazil thường đi tiên phong trong các quyết định liên quan tới cấm hút thuốc. Song song đó, tỷ lệ dân nhậu ở các nước này cũng có dấu hiệu giảm xuống. Thống kê ở Italia cho biết tỷ lệ này giảm đến 24,6% trong thập niên qua. Ở Brazil, dân nhậu cũng đang giảm đáng kể, dù rượu nước mía Cachaca là một đặc sản được ưa chuộng. Ngoại lệ có lẽ là Đức, nơi bia rẻ như nước.

Từ hiện tượng “nhậu nhẹt” và “hút xách” ở các cường quốc bóng đá, không khó hiểu khi bóng đá Việt Nam cứ mãi lẹt đẹt, thậm chí ngày càng có dấu hiệu xuống dốc. Vì xét về thể hình và sức mạnh, người Việt vốn không bằng dân Nam Mỹ hoặc châu Âu, nay lại làm quen với rượu và thuốc lá từ khá sớm, nên dễ dàng đánh mất những điểm mạnh lẽ ra phải có như sức bền và tư duy nhạy bén.

Theo thống kê của Bộ Y tế cách đây không lâu, Việt Nam là một trong 15 nước có tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới. Còn về chuyện bia rượu, người Việt Nam mỗi năm tiêu thụ hàng tỷ lít. Riêng với loại bia thông dụng Heineken, Việt Nam là thị trường bán chạy thứ 3 trên thế giới.

Một “thành tích” khiến tất cả phải.. rùng mình.

Một khảo sát gần đây của FIFPro (Hiệp hội cầu thủ thế giới) cho biết có tới 26% cầu thủ bị trầm cảm do tác động của rượu và thuốc lá. Trong số đó, 19% nghiện nặng và 7% ghiền hút. Ngoài ra, 32% uống rượu do sở thích, 12% hút thuốc thường xuyên.

MINH CHÂU

Bình luận (0)