Còn có “ông Đại hội” trên 3.000 tỷ đồng khác

(Thethao24.tv)- Trút được gánh nặng như núi khi Việt Nam rút quyền đăng cai ASIAD 2019, giới chuyên môn cùng NHM lại nghĩ ngay đến Đại hội TDTT toàn quốc. Tuy chỉ là một sự kiện mang tính quốc nội song sự kiện này tốn kém không thua gì ASIAD. Và đáng nói hơn, nó ngày càng bộc lộ sự lạc hậu, căn bệnh hình thức và lãng phí một cách khó tin của TTVN.

Kinh phí vượt cả ASIAD

Có thể nhiều người không để ý nhưng ngay trong năm 2014 có một sự kiện thể thao quốc nội với chi phí thậm chí còn tốn kém hơn cả mức dự kiến 150 triệu USD của ngành thể thao cho ASIAD 2019: Đại hội TDTT toàn quốc.

Dù chưa có thống kê chính thức song giải đấu do Nam Định đăng cai này chắc chắn vượt qua con số 3.000 tỷ đồng. Cũng giống hệt như các giải đấu tại Việt Nam, quá nửa kinh phí do ngân sách nhà nước chịu trách nhiệm và chủ yếu là đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất hạ tầng.

Chỉ tính riêng nguồn chi cho một số công trình trọng điểm, nhà nước đã tốn tới trên 1.500 tỷ đồng, trong đó  NTĐ đa năng tỉnh Nam Định là 855 tỷ đồng, NTĐ đa năng Thái Bình cũng gần 400 tỷ đồng. Ngoài ra, nhà nước còn phải chi hỗ trợ xây dựng NTĐ đa năng tại Hà Nam, trung tâm huấn luyện và thi đấu đua thuyền, trường bắn cung tại Hải Phòng, rồi mua sắm trang thiết bị dụng cụ, tổ chức lễ khai bế mạc và 36 môn thi trong chương trình thi đấu.

Điều đáng nói, kinh phí ở kỳ Đại hội cách đây 4 năm tại Đà Nẵng cũng khoảng gần 3.000 tỷ đồng, với công trình Cung thể thao Tiên Sơn gần 900 tỷ đồng. Hiện tại An Giang cũng đang vận động đăng cai Đại hội 2018 có kinh phí lên tới 3.400 tỷ đồng và phần dành cho nhà nước vào khoảng 1.700  tỷ đồng.

chinh2

“Siêu” lãng phí

Nếu so sánh giữa đăng cai ASIAD với tổ chức Đại hội TDTT và khoản kinh phí gần như ngang nhau, người ta sẽ thấy “ông Đại hội” bất cập và “dã man” như thế nào. Thậm chí như đánh giá của nhiều chuyên gia, đó là một sự kiện siêu lãng phí. Đơn giản vì ngoài khoản chi khổng lồ, Đại hội ngày càng bộc lộ sự lạc hậu, căn bệnh hình thức và thành tích mà với những người hiểu là là không thể chấp nhận nổi.

Không phải ngẫu nhiên, trên thế giới chỉ còn một vài nước duy trì mô hình Đại hội TDTT toàn quốc bởi nó đã lạc hậu, không đáp ứng được đúng đòi hỏi của thực tế, nhất là việc phản ánh sự phát triển, cả thành tích cao lẫn phong trào.

Tiếng là hội tụ đỉnh cao của TTVN trong 4 năm nhưng Đại hội TDTT toàn quốc diễn ra như một “hội làng” không hơn không kém. “Sự kiện nghìn tỷ” này chỉ thuần túy là sự lắp ghép giải VĐQG thường niên của các môn theo cách hoàn toàn thủ công. Ngay cả ở VCK toàn quốc, Đại hội cũng mang nặng tính dàn trải, kéo dài lê thê cả năm. Các đơn vị chủ nhà chuẩn bị trong nhiều năm gắn với khoản kinh phí khổng lồ mà thực sự chỉ tổ chức mười mấy môn, cùng lễ khai mạc và bế mạc.

chinh3

Cùng đó, các kỳ Đại hội đều lặp đi lặp lại những hiện tượng chạy theo hình thức và thành tích thuần túy, phần nào đó tiêu cực. Đơn cử chuyện chạy đua chuyển nhượng VĐV mùa vụ, việc đi đêm, thậm chí mua bán huy chương…

Sau Đại hội TDTT toàn quốc 2010 phơi bày đủ thứ bệnh, trước áp lực của công luận và người dân, ngành thể thao đã cam kết đổi mới. Tuy nhiên, với những gì đã và đang diễn ra, thực tế đâu lại vào đấy.

Phúc Tường

VN:F [1.9.22_1171]
Rating: 0.0/10 (0 votes cast)
VN:F [1.9.22_1171]
Rating: 0 (from 0 votes)