Được văn hóa, mất thể thao

Theo một giáo sư thần kinh học và chuyên gia giấc ngủ ở Anh, mỗi thanh thiếu niên đều cần giấc ngủ hàng đêm dài từ 8 giờ rưỡi tới 9 giờ rưỡi.

Tuy nhiên, các phụ huynh đều biết rõ con cái họ thường không được ngủ nhiều như vậy, vì hầu hết rất khó đi ngủ sớm. Ông giải thích: “Trước tuổi dậy thì, bọn trẻ thường lên giường lúc 8-9 giờ tối. Nhưng khi đồng hồ sinh học thay đổi, bọn trẻ ngủ muộn hơn, thường từ 11 giờ tối trở đi”. Chuyển biến ấy có nghĩa là bọn trẻ cần phải ngủ tới 8 giờ sáng mới đủ giấc. Ngặt nỗi, hầu hết các trường đều vào học từ trước 8 giờ sáng.

Thực trạng này ảnh hưởng không chỉ tới phong độ thi đấu thể thao, mà cả khả năng tiếp thu bài của các em nhỏ. Một giáo sư đại học tại Mỹ thừa nhận: “Hầu hết HLV báo với tôi rằng các sinh viên chơi bóng đá, bóng rổ hoặc khúc côn cầu đều thể hiện tốt hơn khi có giấc ngủ sâu do các em có trí nhớ tốt hơn, nên dễ nắm bắt được ý tưởng của các thầy”. Tuy nhiên, các trường rất khó tiếp thu ý kiến này, vì các thầy – từ cả giáo viên thể chất cho đến các môn học chính – đều lo ngại thiếu thời gian dạy nếu cho các em vào học sau 8 giờ sáng.

12P

Dù vậy, những người làm công tác đào tạo tài năng trẻ trong thể thao vẫn kiên trì kêu gọi cho các em ngủ đủ giấc. Vì theo một HLV bóng đá ở trường trung học tại Mỹ, kinh nghiệm làm nghề lâu năm giúp ông nhận ra chỉ cần thấy cầu thủ nào rớt phong độ thì sau những câu hỏi liên quan tới chế độ ăn kiêng, tập luyện và ngủ bao nhiêu giờ mỗi đêm, đáp án thông thường là do thiếu ngủ. Các nghiên cứu sơ bộ đang xác nhận đúc kết này là chính xác, khi nhận thấy VĐV ngủ ngon giấc thường đạt thành tích tốt hơn. Một nhà nghiên cứu nổi tiếng cho biết: “Các HLV hiện nay bắt đầu xem giấc ngủ cũng có ảnh hưởng quan trọng cho thi đấu”.

Quan trọng không kém, các tài năng trẻ dễ dính chấn thương hơn nếu không ngủ đủ giấc. Còn nếu được ngủ đầy đủ, khả năng chiến thắng của họ tăng lên. Nghiên cứu sơ bộ khẳng định tài năng trẻ được ngủ nhiều hơn 8 giờ mỗi đêm có xác suất chấn thương thấp hơn tới 68% so với đồng đội thiếu ngủ. Một chuyên gia về y học thể thao của Mỹ phân tích: “Thiếu ngủ ảnh hưởng tới trạng thái thăng bằng của cơ thể. Do đó, khả năng giữ thăng bằng của các VĐV sẽ giảm khi thiếu ngủ. Hậu quả là họ dễ dính chấn thương do sự phối hợp giữa các bộ phận trong cơ thể với mắt thiếu chính xác”.

Từ đó, giới khoa học đưa ra lời khuyên, không chỉ cho các tài năng trẻ: “Các VĐV có thể tối ưu hóa kết quả của đào tạo và thi đấu bằng cách khai thác tối đa lợi ích đến từ giấc ngủ. Vì nếu thiếu ngủ, mọi phương án tập luyện đều không hiệu quả do cơ chế sinh học quyết định tất cả”. Do đó, ngay cả khi thanh thiếu niên ít bị chứng mất ngủ hơn so với người lớn tuổi thì nếu hiện tượng này xảy ra có chiều hướng nặng và mãn tính, các nhà khoa học khuyên người bệnh phải nhanh chóng tham khảo ý kiến của chuyên gia y học về giấc ngủ. Bởi lẽ, thiếu ngủ sẽ khiến các em khó phát triển, từ thể thao cho tới học đường.

THIÊN TỨ

CAPTCHA Image
Refresh Image