Ánh Viên khởi đầu ở giải VĐTG: “Đỉnh” thế giới còn rất xa

Việc đứng thứ 15 nội dung 200m hỗn hợp đã phản ánh chính xác đẳng cấp của kình ngư 19 tuổi của Việt Nam. Hy vọng phấn đấu giành huy chương của Ánh Viên là không thể, cho dù có thể lọt vào chung kết nội dung sở trường 400m hỗn hợp vào ngày 09/08 tới.

Hạng 15 đã là một cột mốc
Có thể thầy trò Nguyễn Thị Ánh Viên chưa hài lòng với thành tích trên đường bơi 200m hỗn hợp song rõ ràng thành tích đứng thứ 15 thế giới cũng đã là một cột mốc mới của bơi Việt Nam. Bởi trước đây, bơi chỉ có đại diện nhờ suất đặc cách và luôn đứng nhóm cuối ngay từ vòng loại. Với Ánh Viên, lần đầu tiên Việt Nam có một kình ngư dự tranh bằng “cửa chính”, lọt vào tới vòng bán kết rồi xếp thứ 15. Việc đứng thứ 15 trong số 39 kình ngư mạnh nhất thế giới ở một nội dung truyền thống và vô cùng khó khăn như thế là thành tích rất đáng nể. Theo xếp hạng mới nhất của Liên đoàn bơi quốc tế (FINA), Viên cũng chỉ đang đứng 29 thế giới.

Ánh Viên khởi đầu giải vô địch thế giới với vị trí thứ 15: “Đỉnh” thế giới còn rất xa

Cả 2 lần xuống nước ở vòng loại và bán kết, tuyển thủ quê Cần Thơ đều “bơi” ra 2 kỷ lục so với thành tích tại SEA Games 28, với thông số được rút ngắn tới 24% giây. Viên cũng có lý do để nuối tiếc vì thành tích 2 phút 13 giây 29 hãy còn kém nhiều so với cột mốc cao nhất VĐV này từng vươn tới, 2 phút 12 giây 66. Tuy nhiên, rất khó để đòi hỏi khi mà Viên phải thi đấu trước áp lực, bên cạnh các hảo thủ hàng đầu thế giới.

Chưa thể mơ huy chương
Có lẽ màn trình diễn với 2 kỷ lục SEA Games liên tiếp của Ánh Viên đã cho thấy rõ kỳ tích giành 8 HCV kèm theo 8 kỷ lục ở sân chơi khu vực chưa nói lên nhiều điều. Và đấu trường thế giới mới là thước đo chuẩn xác nhất, nơi đẳng cấp thực sự của Viên mới đang ở nhóm 2 và ở các nội dung mạnh nhất cũng chỉ nằm trong Top 15, Top 20 hay cao nhất là Top 10.

Mục tiêu phấn đấu có huy chương ngay tại giải này với Viên xem ra là không thể. Đơn giản vì khoảng cách giữa Viên với nhóm dẫn đầu còn xa vời vợi. Ngay đường bơi 200m hỗn hợp, giả dụ có tái lập được thành tích 2 phút 12 giây 66, Viên vẫn chỉ đứng thứ 14. Người xếp cuối trong 8 VĐV lọt vào chung kết cũng đã đạt 2 phút 11 giây 39.

Với mặt bằng chung đối thủ quá mạnh cùng tính chất cạnh tranh khốc liệt, có thể khẳng định, tình thế của Viên cũng khó khác gì nhiều ở 400m hỗn hợp – nội dung số 1.

Có lẽ Ánh Viên cần thêm ít nhất 1 năm nữa, cụ thể là tại Olympic 2016 cho hy vọng một tấm huy chương tầm thế giới. Tất nhiên, điều kiện tiên quyết đặt ra là quy trình tập huấn đặc biệt trên đất Mỹ của Viên cần phải chuyên biệt hơn nữa, trong đó khối lượng vận động, hiện được lượng hóa bằng khoảng 3500 km mỗi năm cần tiếp tục đẩy lên cao.

Phúc Tường

Viên đang tập như thế nào tại Mỹ?
Trên đất Mỹ, Ánh Viên đang tập luyện theo một chương trình ổn định gồm 9 đến 12 buổi mỗi tuần, 1-2 buổi tập mỗi ngày, với 1,5 -3,0 giờ mỗi buổi, 20-30 giờ mỗi tuần. Tổng khối lượng bơi tổng cộng hàng tuần của Viên từ 35 – 70km. Tùy theo các mục tiêu và giai đoạn, nó sẽ được điều chỉnh cho phù hợp. Viên đã giành 3 chuẩn A Olympic, và gần như chắc chắn sẽ có thêm 1 chuẩn A nữa để có thể được tranh tài nhiều nội dung tại Olympic 2016.

Có thể vào Top 8 nội dung 400m hỗn hợp
Dù khó song theo đánh giá, Ánh Viên có thể phấn đấu lọt vào chung kết đường bơi 400m hỗn hợp. Đây là đường bơi đủ dài để cô có thể phát huy tối đa sức bền, sự dẻo dai của mình. Trong luyện tập, Viên cũng đã bơi ổn định ở mức Top 8 nội dung này ở giải VĐTG lần trước.

“Chỉ 10 năm trước, khi chúng tôi còn làm thì chuyện Việt Nam có một kình ngư đứng thứ 15 thế giới như Viên là điều không dám nghĩ tới. Viên đã và đang tạo nên những điều phi thường cho bơi Việt Nam. Tôi nghĩ Viên hoàn toàn có thể sớm chinh phục các thứ hạng cao thế giới, như lọt vào chung kết một số nội dung thế mạnh. Với hy vọng phấn đấu có huy chương, dù có thể song tôi cho rằng cực khó, đòi hỏi Viên phải có một cuộc vượt “ngưỡng” mới. Thực tế, qua theo dõi Viên thi đấu nội dung 200m hỗn hợp đã thấy rõ những thách thức lớn đặt ra, từ hạn chế cơ bản về hình thể, sức mạnh, kỹ thuật xuất phát và quay vòng. Trong khi đó, mặt bằng chung trình độ của môn bơi thế giới ngày càng được nâng cao”.
Ngô Chí Thành – Nguyên Trưởng bộ môn thể thao dưới nước, HLV trưởng ĐTQG

“Tôi không thực sự hài lòng về kết quả của Viên ở 200m hỗn hợp. Nó khá thấp so với mục tiêu thầy trò tôi đặt ra. Có lẽ Viên đã gặp đôi chút khó khăn về tâm lý. Tôi đã quyết định Viên sẽ bỏ qua 2 nội dung 400m tự do và 200m ngửa để tập trung cho 200m tự do và 400m hỗn hợp. Chưa thể nói trước được gì song tôi tin rằng màn trình diễn của Viên sẽ rất khác, nhất là 400m hỗn hợp”.
Đặng Anh Tuấn, HLV ĐTQG