Bóng đá Thái Lan: Chắc chắn ngay từ nền móng

Chiến thắng với tỷ số của một set tennis trước Việt Nam trong trận chung kết U.19 Đông Nam Á đã khẳng định vị thế thống trị tuyệt đối tại khu vực của bóng đá Thái Lan, từ các lứa U cho đến ĐTQG.

Cách lựa chọn Đội tuyển… lạ đời

Trước đó bóng đá xứ sở Chùa vàng đã vô địch AFF Cup 2014, U.23 giành HCV SEA Games 2015. Các đội U.16, Futsal và ĐTQG nữ cũng đăng quang tại các giải ĐNÁ.

Đáng chú ý, thành phần nòng cốt của đội U.19 Thái Lan vừa đăng quang tại Lào được tuyển chọn từ các trường học. Và cách HLV Anuruck Srikerd chọn quân cũng khiến không ít người Việt cảm thấy ngạc nhiên khi BHL U.19 Thái Lan đăng tuyển công khai khoảng hơn 1 tháng trước giải đấu. Sau đó lọc ra 30 cầu thủ từ khoảng vài ngàn hồ sơ trước khi gút lại 23 người vào danh sách đăng ký.

Chắc chắn ngay từ nền móng
Teerasil Dangda được khai phá từ bóng đá học đường Thái Lan.

Thật ra, cách tuyển quân của HLV Anuruck không phải sự đột phá hay mới lạ đối với người Thái. Leones dos Santos, cựu HLV U.16 Thái Lan, từng chia sẻ việc các trường học tại Thái Lan gửi hồ sơ các cầu thủ tới cho ông trước mỗi lần tuyển chọn cho các giải đấu. Thậm chí một số người còn liên hệ với ông qua tài khoản Facebook giới thiệu một tài năng nào đó. Theo ông Dos Santos, đó là điều rất bình thường ở Thái Lan.

Hai thông tin trên mang giá trị giúp người ngoài có thể hình dung phần nào về sự phát triển của bóng đá học đường Thái Lan.

Ngôi sao Dangda là thành quả của bóng đá học đường

Trẻ em tại xứ sở chùa Vàng được chọn lựa môn thể thao ở trường, và dĩ nhiên bóng đá luôn được ưa thích hàng đầu. Hầu hết các trường học tại Thái Lan, cả địa phương và quốc tế, đều có đội bóng tham dự các giải đấu liên kết với các CLB dành riêng cho các lứa tuổi như U.8, U.10, U.12, U.14… và thường xuyên có những khóa huấn luyện cho học sinh do các HLV có tiếng đứng lớp.

Bóng đá Thái Lan: Chắc chắn ngay từ nền móngNgoài ra, một trong những yếu tố giúp các học sinh phát triển kỹ năng bóng đá chính là việc được cạnh tranh, cọ xát thực tế liên tục ở các giải đấu đa dạng và ở khắp các tỉnh/thành. Thành phần của các đội tham dự được mở rộng từ các học sinh của các trường học, cho đến các cầu thủ thuộc các Học viện đào tạo bóng đá trẻ – vốn đang nở rộ với sự đầu tư từ tư nhân của các cựu ngôi sao Thái Lan và các CLB nước ngoài như Man City, Leicester, Reading hay Arsenal.

Ký kết hợp đồng hỗ trợ, kết hợp giữa các CLB và các trường cũng là một mô hình đang giúp bóng đá trẻ Thái Lan phát triển. Thậm chí còn đang diễn ra một cuộc đua ngầm giữa các đội bóng hàng đầu Thái Lan trong việc “bắt tay” hợp tác với các trường học vì đó là cơ hội cho CLB phát hiện ra tài năng trước những đội khác. Nhờ mô hình này, tài nguyên của bóng đá Thái Lan trở nên dồi dào hơn.

Teerasil Dangda là một trong những “viên ngọc” được khai phá từ bóng đá học đường. Cầu thủ sinh năm 1988 thể hiện tương lai hứa hẹn ở giai đoạn 2003-2005 khi anh đang theo học tại trường Cao đẳng Assumption Thonburi và chơi cho Đội tuyển trường. Sự nghiệp bóng đá chuyên nghiệp của Dangda bắt đầu năm 2005 trong màu áo CLB Không quân Hoàng gia Thái Lan, ở tuổi 18. Và giờ Dangda đang chơi cho Muangthong Utd, một trong những CLB mạnh nhất Thái Lan (trước đó Dangda đá cho Almeria tại La Liga).

Các trường quốc tế cũng đóng góp vào thành công của bóng đá học đường Thái Lan, trong đó trường quốc tế Ascot (Ascot International Schools) tại Bangkok là một hình mẫu điển hình. Họ mở riêng một Học viện đào tạo bóng đá trẻ có tên Ascot Football Academy (AFA); thành lập các đội trẻ và cử đi tham dự nhiều giải đấu khác nhau, trong cũng như ngoài biên giới Thái Lan. Chính sách của AFA mở cửa với cả những trẻ em bản địa thay vì thu hẹp trong phạm vi người nước ngoài.

Hiện tại, trong số 150 cầu thủ trẻ của AFA (khoảng 30% học sinh của Ascot là thành viên AFA), có 4 người (đều là học sinh Ascot) đang chơi cho các Đội tuyển trẻ Thái Lan, U.12 và U.16 mỗi đội 1 người trong khi 2 người đang chơi cho U.14.

AFA đang lên kế hoạch tổ chức giải đấu mang tên Super League có tính ngắn hạn, kéo dài tối đa 3 tháng dành cho các trường học, và đặt tham vọng phát triển đưa giải đấu ra nước ngoài. Mục đích chính của AFA là thúc đẩy chương trình phát triển bóng đá trẻ Thái Lan, và giúp trẻ em tại đất nước này tận hưởng niềm yêu thích bóng đá. Tại Thái Lan, những trường học làm bóng đá học đường có tổ chức và quy củ như AFA không hề hiếm.

Tình yêu bóng đá của người Việt, như chúng ta thường tự hào với nhau rằng chẳng thua kém quốc gia nào, và dĩ nhiên trong đó có người Thái. Nhưng từ tình yêu, đam mê biến thành hành động chung tay tạo ra cái nền cho bóng đá thì rõ ràng giữa ta và họ đang có độ vênh.

Q.Nguyên

Có vẻ như lời hô hào “Vượt qua người Thái” của những người làm bóng đá Việt hơi xa vời khi mà bây giờ chúng ta còn kém họ ngay từ nền móng.

Tôi xin chúc mừng thành công của đội U.16 và U.19. Chúng ta đang thấy trẻ em Thái Lan muốn được chơi bóng nhiều hơn. Tôi không loại trừ khả năng sẽ trao cơ hội cho một số cầu thủ tại ĐT Olympic, hoặc có thể trong quá trình chuẩn bị kỳ SEA Games 2017 sắp tới. Nhưng cần cân nhắc kỹ vì chúng ta nên thực hiện từng bước một, nếu vội vã sẽ dẫn đến kết quả không tốt”.

HLV trưởng ĐT Thái Lan, Kiatisak.

Café 24h: Chống tụt hậu bằng thể thao học đường

Ông Đoàn Minh Xương: Vì sao bóng đá Việt Nam thua kém Thái Lan?

Đằng sau chức vô địch của U.19 Thái Lan: Quả ngọt từ bóng đá học đường

Tiền đạo Phan Văn Long: “Bất ngờ ư? Không!”

HLV Nguyễn Phúc Nguyên Chương: “Thua từ cách làm”