HỘI CĐV SLNA: Giới hạn của sự chịu đựng

Thất vọng sau 2 trận thua HA.GL và XSKT.Cần Thơ, Hội CĐV SLNA đã chính thức ra “lời kêu gọi” tẩy chay đội bóng.

Phản đối bằng cách bàn nhau không đến sân trong 2 trận đấu còn lại, CĐV xứ Nghệ đang gián tiếp gây sức ép lên lãnh đạo CLB và nhà tài trợ.

Sau khi có số điểm an toàn, SLNA xuống phong độ một cách đáng ngờ. Họ thua 5/7 trận đấu gần đây, trong đó chủ yếu là những đội bóng yếu, dưới cơ. Điển hình là các trận đấu gặp HA.GL và XSKT.Cần Thơ, 2 đội bóng đang rất khát điểm để trụ hạng. Nó khiến CĐV bị tổn thương nghiêm trọng.

HỘI CĐV SLNA: Giới hạn của sự chịu đựngTừ kế hoạch “đốt cháy” thành Vinh ngày 13/09 khi SLNA gặp SHB.Đà Nẵng, Hội CĐV xứ Nghệ sau đó đã tuyên bố huỷ và ra luôn thông báo chấm dứt các hoạt động cổ vũ mùa giải 2015. Giống “giọt nước tràn ly”, khán giả quay lưng bằng những thông báo rõ ràng, cụ thể trên các diễn đàn.

Trên diễn đàn, nhiều CĐV dẫn những câu chuyện như cầu thủ ngày mai đá, buổi tối vẫn đi chơi đến nửa đêm ở các quán xá và tự xem mình như “Vua con”, khi ra đường mũ bảo hiểm không đội, mặt mũi thì vênh vênh.

Hay như việc phần đa cầu thủ xứ Nghệ, khi gần hết hợp đồng (mùa này 6 cầu thủ hết hạn) thường giữ chân để mùa sau kiếm hợp đồng “có giá”. Từ những câu chuyện trên, việc “bắt tay” hay cầu thủ “đi đêm” với các đội bóng khác là khó tránh khỏi. Chưa kể, khi cầu thủ ăn chơi quá đà thường dẫn đến những ràng buộc nên rất dễ bị điều khiển.

Thế nên, bên cạnh là nạn nhân của cơ chế cũ, cầu thủ cũng trực tiếp gây ra sự thất vọng khi để cái tôi của mình bên trên khát vọng cống hiến. Hội CĐV xứ Nghệ quay lưng là để các cầu thủ hiểu rằng, khán giả đủ hiểu biết để phân biệt thật giả; và tình yêu chỉ có thể dành cho những người biết trân trọng những giá trị từ khán đài.

Xa hơn nữa, cơ chế, sự quan tâm của nhà tài trợ với đội bóng cần phải thay đổi. Ngân hàng Bắc Á đã 6 năm gắn bó nhưng theo kiểu “hợp đồng khoán” với tỉnh chứ không quan tâm, sâu sát nhằm đổi mới và phát triển CLB.

Người Nghệ cần sự đột phá chứ không muốn tồn tại theo kiểu vật vờ như nhiều năm qua, nên chắc chắn muốn gây sức ép để cải tổ từ cấp thượng tầng. Nếu Bắc Á hoặc một doanh nghiệp nào đó muốn gắn bó với SLNA thì phải có trách nhiệm thay vì “cắn răng” gửi vào đó vài chục tỷ đồng mỗi năm.

“Quả bóng” lúc này có thể sẽ được chuyển sang cho UBND tỉnh Nghệ An.

LÂM VŨ

Phía sau sự hồi sinh của HA.GL: Giải cứu