TheThao24.TV

Phiên bản Android

Câu chuyện bóng đá: Trọng thị con người

(thethao24.tv)- BĐVN hợp tác toàn diện và coi Nhật Bản là hình mẫu để học. Sẽ rất khó với những cái khó của một nền bóng đá vẫn được xem là lát cắt phản ánh bộ mặt của xã hội và để học người Nhật như thế nào, từ đâu cũng là điều không hề đơn giản. Nhưng chúng ta sẽ làm được, nếu muốn học và học từ những bài học nhỏ, đơn giản nhất như việc trọng thị bóng đá, trọng thị con người…

>>>Câu chuyện bóng đá: Một “định nghĩa khác” về bóng đá

>>> HN.T&T VÀ V.NINH BÌNH ĐÁ LƯỢT VỀ AFC CUP 2014: Khó như lên trời

>>> Xét xử vụ đánh bạc ở V.Ninh Bình: Những giọt nước mắt, cái cúi đầu & lời xin lỗi

Từ những chuyện “chuyện nhỏ”

Khi U.13 SLNA rời khách sạn ở Shizuoka để về Tokyo, giám đốc khách sạn bước lại chào, gửi những lời chúc cùng một món quà nhỏ bầy tỏ tấm lòng. Đó là chiếc khăn truyền thống của CLB địa phương, trên đó có số áo và chữ ký của một tuyển thủ QG Nhật Bản dành tặng. Đó là một kỷ vật được nâng niu, trân trọng và họ quyết định gửi tặng U.13 SLNA.

chinh1

Khi vừa đặt chân đến Nhật Bản, địa điểm đầu tiên U.13 SLNA được đưa tới là trụ sở chính của Yamaha, được nghe giới thiệu về lịch sử của một cái tên và tham quan khu triển lãm các sản phẩm của thương hiệu này. Sau những câu chuyện, những tấm ảnh mà những cậu bé xứ Nghệ lần đầu tiếp xúc, một câu chuyện rất ý nghĩa, với thông điệp đặc biệt được gửi đi: Yamaha hay SLNA cũng thế, đó là một thương hiệu lớn. Để gây dựng, tồn tại và phát triển theo cả một chiều dài lịch sử thì con người, tự hào và văn hóa mới là thứ quan trọng nhất. Quan trọng như chính những cậu bé mới tập bóng đá khoác lên mình chiếc áo SLNA, họ chính là tương lai và sẽ quyết định tới thành công của một CLB.

Khi du đấu ở Shizuoka, một vùng đất có nhiều điểm tương đồng với SLNA và có truyền thống đào tạo của bóng đá Nhật. Cả 3 trận đấu của U.13 SLNA với U.12 Azul Claro Numazu B, U.12 Azul Claro Numazu A và Vivace, Ban lãnh đạo và các HLV của đội bóng này, dù chơi nghiệp dư ở giải hạng Tư do LĐBĐ Nhật Bản tổ chức nhưng về quy mô, mức độ chuyên nghiệp thì ngay đến các đội V.League hiện nay cũng còn lâu mới theo kịp, đều có mặt tiếp đón. Họ ra chào hỏi, bắt tay và trò chuyện với từng cầu thủ. Họ thân chinh mua từng chai nước, túi bánh để cầu thủ ăn lót dạ giữa trận đấu. Và họ có thể đứng cả giờ sau trận đấu giữa vòng tròn của các phụ huynh để trò chuyện, chia sẻ trong sự ngạc nhiên của những vị khách đến từ Việt Nam.

Đích thân TGĐ Yamaha motor Việt Nam tháp tùng U.13 SLNA sang Nhật, chăm sóc và sát sao từ cái nhỏ nhất 24/24. Khi tất cả nghỉ ngơi, chính Masaru Ono đi mua thùng nhựa để dùng và tặng đội mang về, rồi mua từng chai nước, túi đá và khăn mặt cho các em nhỏ. Thậm chí, khi di chuyển thì 2 quan chức “to” nhất của nhà tài trợ này trực tiếp động chân tay, khiêng đồ chứ không để các cầu thủ nhí làm.

Đến một “chuyện nhỏ”

Chưa hết vụ HLV U.15 Kiên Giang xúi học trò “đá gãy chân chúng nó đi” đến vụ BHL U.11 Thăng Long (TP.HCM) phản ứng trọng tài, mạt sát rồi không cho học trò thi đấu tiếp ở giải nhi đồng toàn quốc, không chỉ năm nay mà năm nào ở các giải trẻ cũng có “phốt” mà vụ kiện tụng ầm ỹ của VPF để tìm lại công bằng sau khi bị loại vì cách làm tắc trách, phi thể thao của những người tổ chức năm trước là một ví dụ.

Lâu nay, từ lãnh đạo VFF đến các quan chức CLB, HLV đến các thành phần của bóng đá, ai cũng kêu gọi “xây nhà từ móng”, làm lại và phát triển công tác đào tạo trẻ. Thế nhưng đa phần đều “nói cho vui” chứ làm thì không, hoặc có làm thì cũng quá nhiều vấn đề. Theo dõi, đi sát các giải trẻ thì mới biết có quá nhiều nghịch lý, tréo ngoe tồm tại mà đến chính những người tâm huyết nhất cũng lắc đầu.

Chẳng nói đâu xa, ngay chính U.13 SLNA vô địch giải U.13 toàn quốc mới đây là minh chứng. Một giải đấu trẻ được đầu tư, quan tâm lớn như thế, thầy trò ra Hà Nội đá được hỗ trợ chi phí 6,8 triệu đồng trong vòng hơn nửa tháng. Vô địch xong, tất cả mới ngã ngửa và chính Chủ tịch Nguyễn Hồng Thanh cũng bổ chửng khi lỡ tuyên bố số tiền thưởng cho đội là 60 triệu nhưng thực tế là 15 triệu. Một câu chuyện buồn và có gì đó rất bất nhẫn khiến nhà tài trợ dù tâm huyết, cam kết gắn bó lâu dài nhưng cũng phát nản, phải tính đường rút lui vì sợ mang tiếng.

Người ta có thể đốt hàng chục, hàng trăm tỷ cho một đội đá V.League, hạng Nhất nhưng nói không với mấy trăm triệu làm cái mặt sân tử tế cho cầu thủ trẻ tập kỹ thuật cơ bản, sẵn sàng bỏ luôn đội, không tham dự các giải trẻ và không cần tuyến sau cho đỡ tốn tiền. Thực trạng đau lòng đó đã, đang và sẽ tồn tại ở BĐVN. Đó không thể là chuyện tiền bạc mà là sự tử tế với bóng đá.

Sự tử tế đó, chúng ta quá thiếu và cần học người Nhật, trong cách họ trọng thị và dành những gì tốt đẹp nhất cho bóng đá, bắt đầu từ việc đào tạo con người. Thế nên rất mong sẽ có nhiều những Viettel hay SLNA nữa, để sau một chuyến “du học” thì cái được lớn nhất chính là sự thay đổi ngay từ trong nhận thức về bóng đá.

Như sự chia sẻ rất chân thành của HLV Hữu Thắng, người trực tiếp sang Nhật cùng U.13 SLNA và vỡ ra nhiều điều: “Quá nhiều thứ để học, để làm và cái cần học nhất chính là thái độ trọng thị với con người, với bóng đá…”.

“Hãy cùng chúng tôi đi đanh thức… ”

“Một chuyến đi đáng nhớ và tôi rất vui với tinh thần học hỏi, ý chí và ý thức của các em U.13 SLNA. Hy vọng đây sẽ là trải nghiệm quý giá để các cậu bé này bổ sung vào hành trang sự nghiệp cũng như cuộc sống sau này của họ…”, Giám đốc marketing Yamaha motor Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Hà chia sẻ sau khi kết thúc chuyến du đấu cùng U.13 SLNA.

“Để thực hiện xã hội hoá bóng đá thì tôi nghĩ là một mình Yamaha không thể làm thay đổi cả nền bóng đá. Bằng khả năng và những hoạt động như thế này, chúng tôi muốn đánh thức các doanh nghiệp khác cũng có đam mê, tâm huyết nhưng chưa có hướng đi cụ thể thì có thể cùng chung sức với Yamaha. Chúng tôi luôn mở cửa và sẽ đặt mục tiêu làm công tác xã hội là ưu tiên chứ không phải chú trọng cho mục tiêu thương mại. Chúng tôi rất hy vọng sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp nữa chung sức để tạo ra nhiều sân chơi như vậy và như thế chắc chắn sẽ đưa nền bóng đá phát triển.

Ví dụ như Trại hè bóng đá Yamaha từ năm 2014 mở rộng thêm ở Vinh bên cạnh Hà Nội, các HLV Nhật Bản đánh giá rất cao thành công của và năm tới chúng tôi dự tính sẽ nhân rộng mô hình trại hè này. Rất hy vọng sẽ nhận được sự chung tay, góp sức của nhiều doanh nghiệp để tổ chức thật nhiều hoạt động trại hè, cái festival bóng đá. Nếu được nhân rộng, mở rộng quy mô thì chúng tôi nghĩ đây sẽ là cách rất tốt nhất để xây dựng nền tảng vững chắc cho BĐVN…”.

Độc Phong

VN:F [1.9.22_1171]
Rating: 9.0/10 (1 vote cast)
VN:F [1.9.22_1171]
Rating: 0 (from 0 votes)
Câu chuyện bóng đá: Trọng thị con người, 9.0 out of 10 based on 1 rating