TheThao24.TV

Phiên bản Android

Rời lưng “Hùm”, sự nghiệp tan từng mảng

“Pep Guardiola sẽ không tìm được CLB nào tốt hơn Bayern Munich”. Franz Beckenbauer từng nói như thế. Và “Hoàng đế” rõ ràng là có lý.

franz-beckenbauer

Từ chuyện gia hạn hợp đồng

Trong thời gian qua, truyền thông quốc tế tung ra vô số dự báo về tương lai của Pep Guardiola. Nguyên nhân chủ yếu là do hợp đồng sắp kết thúc vào năm 2016, nhưng ông tỏ ra không vội vã. Theo nhận định của giới truyền thông nước ngoài, không loại trừ khả năng Pep đang “đứng núi này, trông núi nọ”, đặc biệt khi Man City đang săn lùng HLV mới.

Trong khi ấy, Bayern đương nhiên muốn Pep ở lại. Trước hết, HLV này có kinh nghiệm nắm đội bóng hàng đầu, thậm chí còn từng vô địch Champions League với Barcelona. Kế đến, và có lẽ là quan trọng nhất, Pep nắm rõ tiquitaca. Lối chơi đẹp này chính là định hướng cho tương lai của ban lãnh đạo Bayern, sau khi toàn thắng mọi mặt trận nhờ vào lối chơi thực dụng.

Do đó, đội chủ sân Allianz Arena đã soạn thảo xong hợp đồng mới cho Pep. Chỉ cần ông ký vào là xong. Sự nhiệt tình của Bayern không khó nhận ra qua tuyên bố của Chủ tịch danh dự Franz Beckenbauer: “Chúng tôi hy vọng Guardiola ở lại thêm 10 năm. Ông ấy mới 44 tuổi, nên sau này vẫn còn nhiều thời gian để nắm một CLB khác. Hơn nữa, ông ấy sẽ không tìm được CLB nào tốt hơn Bayern”.

Những bài học của người đi trước

Câu cuối của “Hoàng đế” có thể xem như lời cảnh báo dành tặng cho “đại tướng” Pep. Bởi lẽ, lịch sử Bayern từng chứng kiến không ít nhà cầm quân xuất sắc khăn gói ra đi để rồi hủy hoại phần nào, thậm chí chôn vùi danh tiếng từng nhọc công tạo dựng. Erich Ribbeck (12/03/92 – 27/12/93) là một ví dụ, khi nắm tuyển Đức từ 1998-2000. Đó chính là 2 năm tồi tệ nhất lịch sử đội tuyển Đức, khi không chỉ dừng bước ngay sau vòng bảng EURO 2000, mà còn thua tới 8 và hòa 6 qua 24 trận dưới quyền Ribbeck – thông số kém nhất của các HLV tuyển Đức qua mọi thời đại.

Và tất nhiên, sẽ không thể xem như “lời nguyền” ở Bayern, nếu chỉ có Ribbeck. Felix Magath (01/07/04 – 31/01/07) là bi kịch khác. Dư âm ở Munich cùng vai trò mới đầy quyền lực HLV kiêm giám đốc thể thao phần nào giúp ông để lại dấu ấn trong giai đoạn ngắn ở Wolfsburg, nhưng sau đó là những ngày dài tăm tối. Đầu tiên, Magath bị Schalke sa thải. Trở lại Wolfsburg, ông chỉ đủ sức giúp “Bầy sói” đứng từ giữa bảng xếp hạng trở xuống, trước lúc phải ra đi. Đến Fulham, Magath hứa hẹn giúp đội bóng này trụ hạng, nhưng rốt cuộc phải tháp tùng họ xuống Championship, rồi bị mời ra khỏi cửa sau khởi đầu kém cỏi ở giải hạng Nhất Anh.

Lời nguyền ở Bayern càng kinh khủng nếu xét tới hành trình “hậu Munich” của HLV huyền thoại Giovanni Trapattoni (01/07/96 – 30/06/98). Vì sau những tháng ngày thành công vang dội với Juventus, Inter rồi đến Bayern, ông chỉ kiếm thêm có 2 ngôi VĐQG với Benfica và Salzburg. Bấy nhiêu là quá ít so với thực lực của 2 CLB này tại Bồ Đào Nha và Áo. Xen giữa là khoảnh lặng ở Cagliari và Fiorentina, cũng như khiến Italia dừng bước sớm ở cả World Cup 2002 lẫn EURO 2004. Gần nhất, Trapattoni vừa bị Ireland cắt hợp đồng do thua Áo nên tắt luôn hy vọng vượt qua vòng loại World Cup 2014.

Kẻ ăn thừa vĩ đại

Xem ra, Beckenbauer có lý khi cho rằng bất kỳ HLV nào đã tới Bayern đều cảm thấy “không còn cỏ ở đâu xanh bằng Munich”. Trước hết, chỉ có HLV kém lắm mới không kiếm được danh hiệu, vì “Hùm xám” hầu như luôn có sức mạnh áp đảo mọi đối thủ trong nước. Những hiện tượng như Wolfsburg chỉ mang tính nhất thời, bởi khi cảm thấy nguy hiểm, Bayern đều tìm mọi cách mua cầu thủ quan trọng nhất của đối phương, khiến đối thủ chỉ còn là ánh sao băng lướt qua Bundesliga rồi mất hút. Nhưng cũng chính vì vậy, không ít cựu HLV của Bayern bị ngộ nhận về tài năng, khiến họ ảo tưởng hoặc được đánh giá cao hơn so với thực lực khi đến chỗ mới. Đấy là chưa kể cảm giác thất bại có thể khiến họ bị sốc, dẫn đến chỗ đánh mất khả năng suy xét và sự tự tin.

Các HLV thường thất bại khi rời Bayern còn do “Hùm xám” hầu như luôn có đội ngũ đầy tài năng như hiện nay là Neuer, Ribery, Robben, Mueller, Lahm…, ở thập niên 70 bao gồm Beckenbauer, Gerd Mueller, Hoeness, Maier…, thập niên 80 có Rummenigge, Augenthaler…, thập niên 90 có Matthaeus, Effenberg…, hoặc đầu thế kỷ này với Kahn, Scholl, Lizarazu, Elber… Những đội ngũ như vậy đem đến lợi thế rất rõ. Trước hết, họ thừa khả năng nắm bắt và thực hiện mọi ý tưởng của HLV. Kế đến, khi kế hoạch không hiệu quả, những khoảnh khắc lóe sáng của thiên tài có thể giải quyết vấn đề. Một khi chuyển sang các đội khác, các HLV đều mất những ưu thế này, nên thất bại là điều dễ hiểu.

Về phần Pep, ông ắt hẳn phải càng hiểu rõ giá trị của Bayern, vì thành công hiện nay chủ yếu do kế thừa đội ngũ mà người tiền nhiệm Jupp Heynckes để lại, cũng như thành quả ở Barcelona đến từ gần như nguyên vẹn đội hình chính được Frank Rijkaard giới thiệu trước lúc ra đi. Thế giới hiện nay không có sẵn chỗ sở hữu lực lượng kế thừa tuyệt vời như Bayern, cũng như đường đua “độc mã” đến ngôi vô địch như Bundesliga. Man City ở Premier League chắc chắn càng không phải. Vì thế, ngay cả khi Bayern đang mở rộng vòng tay, Pep vẫn cần thực hiện cú lội ngược dòng lịch sử trước Porto để vào bán kết Champions League. Nếu không, coi chừng “Hùm xám” đổi ý!

MINH CHÂU

VN:F [1.9.22_1171]
Rating: 0.0/10 (0 votes cast)
VN:F [1.9.22_1171]
Rating: 0 (from 0 votes)