“Dị nhân” sân phủi Bình “Lẫm”: Đã hiếm lại quý

Không có nhiều người trẻ được may mắn chiêm ngưỡng hay đối đầu với Bình "Lẫm", và ký ức về anh đa phần chỉ là những hoài niệm của chiến hữu hoặc những “phủi già” về một thời với thứ bóng đá trình diễn, những pha bóng siêu tưởng, đem đến cảm xúc thăng hoa bất tận cho bất kì ai được may mắn chứng kiến.

"Dị nhân" Bình "Lẫm" (thứ hai từ trái sang - hàng đứng)

Đến tận bây giờ, chỉ đá vui để làm mấy cốc bia nhưng Bình “Lẫm” vẫn hay, khiến các em trẻ “lắc mắt” và khiến đồng đội lẫn đối thủ thích thú.

"Ro béo" của sân phủi

Bất kì ai khi lần đầu gặp Bình “Lẫm” đều có cảm giác coi thường cái thân hình ục ịch, cao 1m75 nặng trên dưới 85kg, thậm chí có thời điểm hơn 90kg của anh.

“Nhìn ông ấy đeo cái trống to tướng trước bụng thì ai cũng nghĩ là không biết đá bóng. Nhưng khi vào trận, tất cả đều ngã ngửa”, Minh “te” – đồng đội lâu năm của Bình “Lẫm” vẫn nói vậy và không quên nhắc về kỉ niệm lần đầu xem ông anh đá giải mà “yêu luôn và yêu mê mệt”.

Đó là khi đội đài VTC của Bình “Lẫm” đá giải truyền hình trên sân 10-10 năm 1998, một mình anh đi qua cả 7 người trong đó có thủ môn, đến sát cửa gôn, chờ trung vệ lao về lần nữa rồi bẻ phát cuối cho trôi tiếp, chuyền ngang sang cho Hùng “khèo” ghi bàn. Cả sân vỗ tay rào rào, các lãnh đạo xì xào tán thưởng pha bóng siêu việt chưa từng thấy. Năm 1999, Bình “Lẫm” cùng tổ VTC lên đá giao hữu sân 11 với Sư đoàn 316 đóng trên địa phận tỉnh Phú Thọ giáp Yên Bái, vô tình tạo nên một sự kiện hy hữu.

Chứng kiến những pha bẻ, lắc, giật, đi bóng qua 4-5 người như Ronaldo của Bình, Sư đoàn trưởng ngồi xem vỗ đùi đen đét, phấn khích đến nỗi bắc loa phóng thanh lệnh cho cả sư đoàn nghỉ giải lao tập trung ra sân để xem trận đấu. Lập tức, tiếng bước chân từ hàng ngàn binh lính đang tập luyện trên núi dội xuống rầm rập, nghe như thiên binh vạn mã lao tới, rồi tất cả nêm chặt 4 mặt sân bóng để xem một gã to béo nhảy múa với trái bóng.

Trong ký ức của nhiều người, Bình “Lẫm” chẳng khác gì một “Người ngoài hành tinh”. 2 chân như một, anh Bình tì đè, trụ vững như bàn thạch, cổ chân dẻo như cổ tay lại thêm cái lườn uyển chuyển trời phú. Bình “Lẫm” khống trái bóng dính chặt trong chân như có nam châm, bứt tốc đoạn ngắn cực tốt như Long “Kim”, quái như Việt “lì”, khéo như Tuấn “bin”, mềm như Anh “tệu”, bền bỉ và sút xa như Tú “khỉ”. Ở Bình “Lẫm”, người ta không tìm ra được một điểm yếu gì, anh tổng hòa tinh hoa của tất cả quái kiệt cùng thời và mỗi điểm lại nhỉnh hơn người khác một chút.

Bình “Lẫm” từng ăn tập chuyên nghiệp tại đội Bưu Điện vài năm rồi nghỉ, xuất khẩu lao động sang Đức làm việc và cũng chơi cho một số đội hạng Ba, hạng Tư. Khi về Việt Nam, tài nghệ tuyệt luân trên sân bóng của Bình “Lẫm” lọt vào mắt xanh của sếp Tần – Đài VTC, một người rất mê bóng đá và anh lập tức có suất công tác tại đây. Trong nhiều năm liền, bầu Hồng của FC Trà Dilmah cũng vì quá mê đôi chân có phép màu của Bình nên liên tục mời về chơi nhưng anh đều từ chối. Bình khá kén đội, hầu như chỉ chơi cho tổ VTC và Bách Khoa với những anh em như Vũ “phích”, Thiện “ếch”, Hùng “khèo”, Minh “te”, Nghĩa “mẩu”, Hùng “lô”, Thắng “béo”, Dũng “mùi”…

Ông chủ trên sân

Tuấn “bin” đá ở Mobifone hay Bắc Kỳ luôn là nhạc trưởng, được mọi người phục vụ nhưng khi sang chơi cùng tổ Bình “Lẫm” thì đều phải sắm vai người thợ. Về khả năng tổ chức trận đấu, lên công về thủ, Bình “Lẫm” hơn Tuấn “bin” một bậc. Chẳng có vị trí nào Bình không chơi tốt nhưng hay hơn cả và thành danh là tiền vệ trung tâm. Trên sân 7, đồng đội chỉ việc ném bóng vào chân Bình “Lẫm” và “phép màu sẽ hiện ra”.

Cái thân hình hộ pháp gắn trên đôi cổ chân nhỏ xíu đó cứ xoay, vờn, lắc vài nhịp là đã có vài người nằm một đống và khoảng trống cho đồng đội mở ra thênh thang. Bao giờ Bình “Lẫm” cũng bẻ sang hết tầm với của hậu vệ đối phương rồi mới nắn nót chuyền như đặt vào chân đồng đội và dù có là một người không biết đá bóng, khẽ chạm cũng có thể ghi bàn.

Nhiều người vẫn còn nhớ trận hòa kinh điển 3-3 giữa tổ Bách Khoa và Trà Dilmah trên sân Quảng An năm xưa, trận đấu hấp dẫn đến nỗi khán giả đòi đá thêm nửa tiếng thành 120 phút. Vừa vào trận, Bình “Lẫm” đã 2 lần đi qua Trung “Chinh”, Long “Kim”, nhứ cho Công “búa” nằm kềnh ra sân rồi dọn cỗ cho Minh “te” lập cú đúp. Đứng giữa bao nhiêu “hàng hiệu” nhưng Bình “Lẫm” vẫn biết cách tạo ra sự khác biệt. Lứa Trà Dilmah sau này của Kiên “mán”, Tuấn Anh “bà chị”, Linh “Becks”… vẫn không quên trận bán kết thua tổ Bách Khoa giải sân Chu Văn An năm 2011 mà “anh Bình “Lẫm” đá như khiêu vũ”.

Bình "Lẫm" cầm cúp, vô địch giải sân Chu Văn An năm 2011  

Hễ vào trận là đối phương lại cắt cử một, hai người chăm sóc Bình “Lẫm”. Cũng phải thôi bởi ai cũng hiểu nếu bắt chết được anh thì bắt bài được đối thủ, khi các đồng đội khó đá hơn. Nhưng nghĩ là một chuyện, làm được lại không dễ. Nào là tổ FC Leeds đá Quảng An năm 2002, cử Linh “cười” khi đó đang là đội trưởng U21 HA.GL và Bảo Quân (đội trưởng ĐT futsal VN) kèm ông anh nhưng cũng không ăn thua. Rồi tới tổ Thành “xì po”, Sang “bớp”, Hưng “chốc”… của Thanh niên Hà Nội cùng quây Bình “Lẫm” cũng bị nghịch và thua phát ức. Cựu cầu thủ CAHN Nguyễn Thanh Sơn hay còn gọi là Sơn “mão” nhiều lần rủ bằng được Bình “Lẫm” về sân làng Đơ đá để phục thù, gọi ra cơ man hảo thủ nhưng vẫn không tài nào đụng vào người gã béo. Cựu tiền đạo Tuấn Thành của CAHN hễ đi đá phủi là thích cùng đội Bình “Lẫm” bởi luôn được ông anh kiến tạo như dọn cỗ. Trước đó, Thành “gà tre”, Minh Hiếu đã nhiều lần đối đầu, muốn quây lấy bóng trong chân Bình mà không thành.

Bình “Lẫm” đá bóng khỏe mà uống bia cũng khủng khiếp. Trong lễ thôi nôi của con trai đầu lòng năm 2004, anh ngồi uống một mạch từ 11h đến 17h, hết 40 vại bia cỡ lớn mà không say. Gần 30 năm qua, Bình vẫn duy trì thói quen “uống sâu” nhưng kỳ lạ thay, đá vẫn hay. Mới đây thôi, Bình “Lẫm” ra sân Nhà máy nước đá. Ở tuổi 46, anh vẫn khiến đám đàn em trầm trồ bởi những pha bứt tốc đoạn ngắn, đi bóng qua 2-3 người mà trong đó, nạn nhân có cả Cán “Cris” – một anh tài của Trà Dilmah, trẻ bằng một nửa tuổi ông chú. Phàm những người đá bóng đều hiểu, để có thể thường xuyên cầm bóng đi qua vài người lại lên công về thủ như Bình “Lẫm” là rất tốn thể lực nhưng có vẻ với “dị nhân” này, đó không phải vấn đề. Nhiều năm chơi bóng cùng, các chiến hữu đều nhận thấy Bình hiếm khi chấn thương, thường xuyên bị đối phương nhăm nhe đá xấu nhưng không bao giờ anh trả đũa mà chỉ cười.

Bóng đá phủi Hà thành đã ban tặng một Bình "Lẫm" đẹp mê hồn, sáng rực rỡ giữa muôn vàn kì hoa dị thảo cùng thời để bây giờ, mỗi khi nhắc về anh, ai cũng chung một nhận định: "Hiếm có khó tìm".

Bình "Lẫm" hay còn gọi là Bình "đen" tên thật là Nguyễn Quốc Bình, sinh năm 1970 và thuộc thế hệ "phủi già" cùng thời những Bắc "què", Tuấn Anh "xiếc", Tuấn "Samsung", Việt "lì", Tú "mẩu", Long "Kim", Anh "tệu", Tú "khỉ", Tuấn "bin"... Không khoác áo những đội lừng danh như Ngọc Hà, Trà Dilmah, Ngân Giang nhưng Bình "Lẫm" vẫn được “quần hùng Hà Nội” từ dân chuyên nghiệp như Hồng Sơn, Minh Hiếu, Tuấn Thành… đến dân phủi có “số má” dành cho sự ngưỡng mộ tuyệt đối bởi tài năng thuộc dạng của hiếm.

Chuyên gia Hải “bạc”: "Được xem anh Bình đá là một may mắn lớn bởi nhiều năm qua đến tận bây giờ, chưa có một ai hay và dị như vậy”. 

Tuấn “bin”: "Rất phục cái lườn mềm mại và khả năng làm bóng, đột biến của anh Bình. Khi đối đầu cũng rất khó để tôi đi qua được anh ấy”.

HOÀNG TUẤN ANH

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Vũ Quang Huy

Giấy phép số 91/GP-TTDT do bộ thông tin & truyền thông cấp ngày 09-05-2011

Địa chỉ tòa soạn: 65 Lạc Trung, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Địa chỉ liên lạc: 79 Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Điện thoại: (04) 32669666 - Fax: (04) 39429189

Email: baothethao24h@sport24h.com.vn

Powered by Netlink Tech