TheThao24.TV

Phiên bản Android

Chuyện chỉ có ở thể thao Việt Nam: May mà ASIAD 2010… thất bại

(Thethao24.tv) – Chẳng ai muốn đoàn TTVN bất thành tại ASIAD 2010 nhưng khi nó xảy ra như một hệ quả không thể khác, điều quan trọng đó lại chính là sự khởi đầu cho những chuyển biến mau lẹ.  Cụ thể bản chiến lược phát triển TDTT Việt Nam giai đoạn 2010- 2020, nhờ đó mà được kịp thời điều chỉnh theo hướng Olympic, châu Á, thay vì nặng về SEA Games gắn với căn bệnh thành tích cố hữu.

Nhanh chưa từng có

Lâu nay, là ngành mang tính xã hội hóa vào loại cao nhất, nhưng thật nghịch lý  thể thao vẫn luôn bị phê phán chậm đổi mới về cách nghĩ cách làm, luôn đổ hết cho các lý do lịch sử và khách quan. Thế nhưng sau ASIAD 2010 thua  “trắng mắt”, đã có hiệu ứng tức thì thể hiện qua sự thay đổi của danh sách 10 “trọng điểm nhóm 1”.

chinh51

Từ yêu cầu của lãnh đạo, Ban soạn thảo đã họp “khẩn” để đưa ra quyết định: loại 4 môn wushu, thể hình, billiards&snooker, cầu mây, thay vào đó là 4 môn bơi, cầu lông, bóng bàn, boxing nữ.

Nếu như không có “sự cố” ASIAD chắc hẳn không thể có chuyện này, đơn giản vì wushu, thể hình, billiards&snooker, cầu mây đều là những môn có “thành tích” đầy mình.  Đơn cử wushu luôn đóng góp nhiều huy chương nhất tại các kỳ SEA Games, ASIAD  rồi cũng giành nhiều huy chương nhất, trừ Vàng. Hay cầu mây, ASIAD  2006 còn giữ vai số 1 khi xuất thần mang về cú “đúp” HCV. Trong khi đó, ngược lại bơi, cầu lông, bóng bàn, boxing nữ lại rất lẹt đẹt, thậm chí thời điểm đó,  đến huy chương, chứ chưa nói HCV SEA Games cũng cực khó.

Khác biệt ở chỗ 4 môn sau mới là môn cơ bản, có trong chương trình Olympic. Chỉ có quan tâm, đầu tư xứng tầm cho những môn như thế mới có thể tạo ra bước tiến mang tính nền tảng, thực chất cho TTVN.

Sự thật đã lên tiếng

Không khỏi giật mình, bởi suýt chút nữa người ta đã định bỏ qua bơi- 1 trong 2 môn trọng yếu nhất của mọi nền thể thao ra khỏi nhóm “mũi nhọn”, chỉ vì thành tích đỉnh cao của nó quá yếu, cả thảy mới chỉ giành được 3 HCV SEA Games, đều của kình ngư Hữu Việt. Quá may cho môn bơi, cũng như thể thao nước nhà, vì một khi được phê duyệt rồi, thực sự là một thảm họa, chứng tỏ sự lệch lạc và tụt hậu về nhận thức của ngành thể thao. Có thể có phần cực đoan, nhưng dù có đoạt bao nhiêu huy chương quốc tế, thậm chí cả Asiad đi chăng nữa, wushu, thể hình, billiards&snooker, hay cầu mây cũng chẳng so sánh được về vị thế của bơi, nhất là với 1 đất nước chằng chịt sông ngòi, có bờ biển dài như Việt Nam. Suốt một thời kỳ dài, chúng ta đã để môn bơi “ngụp lặn”, thế mà lại còn qua đây định cho nó “chìm” thêm nữa.

chinh52

Xét ở mặt nào đó, việc Việt Nam đã thua ở ASIAD, và sự thật đã lên tiếng đúng lúc. Không chỉ bơi, mà những đồng đội của nhóm môn Olympic dẫu còn chậm tiến về thành tích như bóng bàn, cầu lông, boxing  được “cứu vớt”.

Rốt cuộc, ngành thể thao đã chịu (hay nói cách khác là buộc) phải nhìn vào thực tế: phải làm thể thao một cách cơ bản, nghĩa là ưu tiên tập trung cho các môn Olympic, dù có chậm, có khó khăn đến đâu.

Tiếc rằng vẫn chỉ mang… danh hão

Ngay sau ASIAD 2010 thảm bại, ngành thể thao đã khẳng định quan điểm phải làm lại và làm khác, trong đó việc xác lập 10 môn trọng điểm nhóm 1 để tập trung chính là một giải pháp quyết định, mang tính gốc rễ cho sự phát triền lâu dài và bền vững.

chinh54

Qua 4 năm, gần như không có sự khác biệt nào trong sự nhìn nhận, đầu tư cho các 10 môn mũi nhọn ấy, thay vào đó tình trạng cào bằng, dàn trải, ăn đong thời vụ vẫn phổ biến. Có khác chăng, các môn này được ưu tiên hơn một khoản kinh phí so với chính mình, cũng như các môn còn lại, tuy nhiên cũng chỉ đủ  bổ sung thêm một số tuyển thủ, có thêm một vài chuyến xuất ngoại tập huấn thi đấu. Cá biệt một vài trường hợp ở bơi, điền kinh, tiêu biểu như Anh Viên  được cấp một khoản kinh phí riêng để sang nước ngoài rèn giũa dài hạn. Trong khi đó, điều cần nhất, là tuyến trẻ, việc định hướng hỗ trợ các cơ sở phát hiện, đào tạo những nhân tố mới, cũng như chuyện áp dụng khoa học công nghệ, chế độ dinh dưỡng thuốc men đặc biệt, đều chưa được ngành thể thao “động” đến.

Bởi thế, kết thúc một chu kỳ ASIAD 4 kéo dài 4 năm, chỉ thấy duy nhất bơi – môn suýt bị loại khỏi nhóm 10 môn trọng điểm- tạo đột phá thực sự. Các môn còn lại đều giậm chân tại chỗ, thậm chí một số ngày càng tụt hậu như taekwondo, bóng bàn. Thậm chí, riêng bóng bàn, cần phải đặt ra vấn đề nghiêm túc ngành thể thao đang “làm” môn này như thế nào mà để dẫn đến thảm cảnh về nhiều mặt như hiện tại, và còn nên tiếp tục giữ chỗ trong nhóm 10 môn trọng điểm hay loại ra để nhường chỗ cho một môn xứng đáng, triển vọng hơn nhiều là thể dục dụng cụ.

Hà Thảo

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

VN:F [1.9.22_1171]
Rating: 0.0/10 (0 votes cast)
VN:F [1.9.22_1171]
Rating: 0 (from 0 votes)