TheThao24.TV

Phiên bản Android

“Em là nữ sĩ boxing”

(thethao24.tv) – Nhìn Lê Thị Bằng thanh thản, nhẹ nhàng ngồi trên khán đài với một vẻ rất nữ tính, thậm chí phần nào đó mỏng manh, không thể tin đó lại là nữ võ sĩ boxing vừa hùng dũng hạ gục đối thủ cực mạnh của Philippines để thẳng tiến vào bán kết, giúp cho boxing Việt Nam chắc chắn có tối thiểu 1 tấm HCĐ. Ngoài chiến tích xuất sắc, cô gái 22 tuổi này đã mang đến một hình ảnh rất đặc biệt về những cô gái đấm bốc.

>>>Nhật ký Asiad ngày 29/9: Đoàn Việt Nam tiếp tục tụt hạng

>>>Video: Nhật Bản 3-0 Việt Nam (Vòng bán kết bóng đá nữ Asiad 2014)

>>>Nhật ký Asiad 2014: Các môn vẫn khó giành HCV

Đang thuộc đội hình của boxing quân đội song Bằng được phát hiện, đào tạo từ Hưng Yên. Nếu như hầu hết các nữ võ sĩ “của hiếm” đều đến với boxing do ngẫu nhiên và phải mất một thời gian dài mới quen được chuyện đấm đá, thương tích mặt mũi thì cô gái sinh năm 1992 này lại khác hẳn.

Từ nhỏ đã mê boxing, 15 tuổi cô thiếu nữ sinh ra trong một gia đình không có ai theo thể thao đã trốn nhà lên tỉnh ứng tuyển, mà cũng chỉ nhắm vào đúng môn này. Ngay từ đầu, Bằng đã quyết tâm phải trở thành một võ sĩ boxing “tung hoàng” trên võ đài.

1111

Lê Thị Bằng (phải) cầm chắc tấm HCĐ tại Asiad 17.

Tố chất không có gì đặc biệt, thậm chí còn bị đánh giá “mỏng cơm” song có lẽ điểm giúp Bằng vượt lên chính là tình yêu và độ “lì” có một không hai. Đến các thầy cũng phải “khiếp” vì trong các buổi tập, có khi liên tiếp dính đòn đến sưng vêu cả mặt Bằng vẫn thản nhiên như không, lầm lũi “chiến đấu” tới cùng.

Tinh thần ấy cũng được thể hiện rõ ở việc nữ võ sĩ trẻ đã kiên định và bền bỉ để có thể thuyết phục, mà thực ra là buộc cả nhà, vốn phản đối quyết liệt, rốt cuộc phải ủng hộ cô con gái thứ theo nghiệp đấm bốc. Có đến 4 năm trời, Bằng gần giậm chân tại chỗ, đấu giải nào thua giải đó,  với mũ, găng đều là đồ cũ các thầy xin lại từ Hà Nội, mức thu nhập tuyến trẻ  chưa nổi 1 triệu đồng/tháng. Nhưng tất cả không khiến Bằng nản, mà càng phấn đấu hết mình để rồi tạo ra bước đột phá thực sự khi chuyển về đầu quân cho boxing quân đội, nơi có HLV giỏi, môi trường tốt.

Rất hồn nhiên, Bằng tâm sự với mình không tồn tại từ nào gọi là “sợ”, và có được thành quả như tại ASIAD nhờ quá trình “thua nhiều hơn thắng”. Chẳng nói đâu xa, ở SEA Games 27, Bằng đã bị loại ngay từ 1, người khác có thể mất tự tin còn chị không hề gì. Như nhận xét đầy thán phục của HLV trưởng ĐTQG Như Cường, cô học trò nhỏ bé có ưu điểm càng gặp đối thủ mạnh lại càng hay. Trận đấu tứ kết, phải chạm trán Josie Gabuco (Philipines) từng đoạt huy chương châu Á và dự Olympic vậy mà Bằng đã có màn trình diễn hoàn toàn của một người “cửa trên”, lập tức gây bất ngờ, tạo sự dồn ép và tấn công đối thủ suốt cả trận để giành thắng lợi 3/0.

chinh3

Nữ võ sĩ boxing Lê Thị Bằng.

Tiếp xúc với Bằng bên ngoài, khó ai tin đây là một võ sĩ boxing hàng đầu với một vẻ rất khác biệt so với đặc điểm truyền thống “hầm hố” của môn này – xinh xắn, tươi trẻ và nhẹ nhàng. Chị giống như một cô nữ sinh quen với đèn sách, chứ chẳng liên quan gì đến đấm đá.

Càng ngạc nhiên hơn vì theo Bằng, đôi tay của chị cấy lúa còn giỏi không kém gì đấm bốc. Gia đình Bằng ở quê giờ vẫn còn làm cả mẫu ruộng, cô bé đất Hưng Yên đã sớm quen với việc đồng áng, và mỗi khi được nghỉ lại ra đồng thoăn thoắt phụ giúp bố mẹ như thường.

Khuôn mặt Bằng luôn nhẹ nhõm, với làn da trắng min song để ý kỹ còn hằn sâu vết xạm dưới mắt và gò má- hậu quả của cả một thời gian dài “giơ mặt ra chịu đòn”, mà có lúc dù có thủ tốt đến đâu cũng khó tránh được những miếng hiểm.

Đúng như lời của ông thầy Như Cường, người đã không giấu được những giọt nước mắt sau chiến thắng của Bằng, rồi tiếp đó là Duyên, thì “phục lắm” mà cũng “thương lắm” những nữ võ sĩ đã đam mê, đã vượt qua muôn vàn gian khó gắn với đặc thù boxing Việt Nam trong sứ mệnh “mở đường”.

Hà Thảo 

VN:F [1.9.22_1171]
Rating: 0.0/10 (0 votes cast)
VN:F [1.9.22_1171]
Rating: 0 (from 0 votes)