Nhà báo Phan Đăng: Giá trị Nhật

Ngày mai, trọng tài người Nhật Takuto Okabe sẽ xuất hiện ở sân Hàng Đẫy điều  khiển trận HN.T&T – Bình Dương. Sự xuất hiện ấy khiến người ta chợt nhìn lại và suy ngẫm về giá trị Nhật trong lòng BĐVN. Cái giá trị ấy có từ khi nào nhỉ?

Dĩ nhiên không phải từ khi các cựu danh thủ Nhật kính tặng các cựu danh thủ Việt Nam một chiếc giày nhỏ với hàm ý bóng đá Nhật chỉ là giày nhỏ so với BĐVN một thời, mà từ khi nhiệm kỳ VII VFF xong xuôi nhân sự và ông chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng xác định hợp tác chiến lược cùng người Nhật. Liên tục những chuyến xuất ngoại của các quan chức bóng đá và Tổng cục TDTT sang Nhật, trong đó có cả những chuyến xuất ngoại mà người “xuất” lại là người của vụ tổ chức cán bộ, khiến dư luận không thể bán tín bán nghi.

Cùng với những chuyến Đông du, BĐVN đồng thời chào đón những nhân tố Nhật qua giúp đỡ, hỗ trợ mà người tiên phong lĩnh ấn chính là cố chuyên gia Tanabe. Ở vị trí cố vấn đặc biệt cho TGĐ VPF Võ Quốc Thắng, ông Tanabe đã không ngại chỉ ra những điểm chết trong kết cấu các CLB Việt Nam, khi sự sống còn của mỗi CLB lại phụ thuộc vào túi tiền và cảm hứng của một ông bầu. Sau đó, cựu trưởng BTC V.League Tanaka Koji lại chỉ ra một điểm chết khác về sức bền, sức chạy của cầu thủ V.League qua con số “mỗi trận, mỗi người chỉ chạy bình quân 5,6 km”, trong khi với cầu thủ châu Á, chỉ số này lên tới 10 km.

Nhà báo Phan Đăng: Giá trị Nhật
Liệu có nên “bê” nguyên mô hình của người Nhật vào bóng đá Việt Nam?

Trong khi những chuyên gia, những nhà quản lý như các ông  Tanabe, Koji chỉ giống cơn gió thoáng qua, chợt đến, chợt đi trong lặng lẽ thì sự hiện diện của các HLV Toshiya Miura (ĐTQG nam) và Norimatsu Takashi (ĐTQG nữ) vẫn còn cho đến tận bây giờ. Tuy nhiên không khó thấy rằng sau một chút hào hứng ban đầu, cả ông Miura lẫn ông Takashi đều khiến không ít người đặt dấu hỏi vì phong cách, quan điểm huấn luyện có phần khô khan máy móc.

Từ chuyên gia Nhật, HLV Nhật cho đến trọng tài Nhật, phải thừa nhận giá trị Nhật đã khiến BĐVN bị đánh động khá nhiều. Nhưng từ chỗ “bị đánh động” đến chỗ thực sự chạm tới động lực của sự phát triển thì “những cánh én Nhật” lẻ loi (trong đó có những cánh én không thật sự như chúng ta mơ ước lúc đầu) không dễ gì làm được. Điều này một phần có thể nằm ở chất lượng của từng cánh én nhưng phần nhiều nằm ở cái nền tảng và cái hệ thống có phần trì trệ, lạc hậu của BĐVN. Chẳng thế mà khi mới đến Việt Nam, ông Miura đã sửng sốt với việc khá nhiều nhân viên VFF uống bia trong giờ nghỉ trưa, và bắt đầu giờ làm buổi chiều khá trễ…

Ở đây cũng phải kể thêm một chi tiết tham khảo rằng trong khi chúng ta vẫn đang cố bám vào giá trị Nhật như bám vào cái cứu cánh duy nhất, ít ra là trong tư tưởng của những quan chức chóp bu VFF, thì chính người Nhật và ĐTQG Nhật lại đang diễn ra một cơn khủng hoảng niềm tin. ĐT Nhật mới đây đã đứng hạng bét ở giải bóng đá Tứ hùng Đông Á khi thua CHDCND Triêu Tiên 1-2, rồi lần lượt hoà Hàn Quốc và Trung Quốc. Kết quả ấy khiến HLV Vahid Halihodzic lên “đoạn đầu đài” và nhiều khả năng phải ra đi không kèn không trống. Trước đó, HLV Aguirre bị buộc phải từ chức vì bị tố cáo dính líu đến nạn dàn xếp tỷ số khi còn hành nghề ở giải VĐQG Tây Ban Nha.

Ai đó sẽ bảo người Nhật cẩn thận, chi li là thế mà vẫn không tránh khỏi việc chọn nhầm thì chuyện chúng ta chọn nhầm chiến lược (giả dụ thế) cũng chẳng có gì to tát? Nhưng thực ra vấn đề không đơn thuần ở chuyện ta chọn lựa gì, tìm kiếm cứu cánh gì mà còn nằm ở chỗ sau từng giai đoạn của sự lựa chọn, ta có tổng kết, rút kinh nghiệm từ đó chỉnh sửa, thay đổi chính sách cho phù hợp với thực tiễn của mình hay không?

Chọn lựa một giá trị không có nghĩa là cứ ngồi im, nhắm nghiền mắt lại để cái thứ giá trị ấy liên tục dắt tay chỉ việc cho mình.

PHAN ĐĂNG