Café 24h: Tổ nghề bóng đá là ai?

Tối hôm trước, hàng trăm nghệ sĩ ở khắp các lĩnh vực đã tề tựu dự buổi lễ cúng tổ nghề của sân khấu kịch do danh hài, nghệ sĩ Hoài Linh chủ trì. Từ năm 2010, nhà nước quyết định chọn ngày 12/8 âm lịch để làm ngày giỗ Tổ ngành sân khấu.

Chuyện tổ nghề này cũng không phải là lạ bởi ở Việt Nam, mỗi nghề đều có một ông Tổ. Các nhà nghiên cứu khẳng định giỗ Tổ nghề thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn” và “tôn sư trọng đạo” để nhớ ơn các bậc tiền nhân có công truyền dạy nghề và đây cũng là dịp để khuyến khích, hỗ trợ nhau trong công việc làm ăn. Chính vì vậy mà ngày giỗ Tổ các nghề là một nét văn hóa truyền thống cần được giữ gìn và phát huy.

abcdkjljk

Tổ nghề không phải là những người rất…xưa, kiểu ông Mai An Tiêm làm tổ nghề ngành trồng dưa hấu. Thậm chí những người rất gần, nhưng là người đầu tiên phát triển một lĩnh vực nào đó, cũng sẽ được cho là Tổ nghề. Chẳng hạn, ông Đặng Huy Trứ được phong làm ông tổ nghề nhiếp ảnh, giáo sư Tôn Thất Tùng là ông tổ nghề…ghép gan Việt Nam.

Câu hỏi đặt ra là, nếu bóng đá là một nghề thì ai là…Tổ nghề?

Cái này xem ra khó, bóng đá Việt, tính đến nay cũng đã trải qua 110 năm, kể từ khi có đội bóng đầu tiên. Nhưng có lẽ cũng chẳng ai biết nổi đâu là…cầu thủ đầu tiên, người đầu tiên chạm chân vào quả bóng. Chẳng ai biết đâu là ông HLV đầu tiên, không ai biết ông bầu đầu tiên. Và quan trọng nhất, ai là người đưa bóng đá vào Việt Nam. Chịu.

Một thứ bóng đá không có tổ nghề liệu có phải là một thứ bóng đá mất gốc?

Ở đây không phải là tìm ra ai là tổ nghề để…thờ cúng mà là ở chỗ dường như chúng ta, những cầu thủ đang cùng một nghề đang thiếu điểm chung, thiếu sự chia sẻ, thiếu một điều gì đó được trừu tượng hóa, hướng đến những điều tốt đẹp, hướng đến những điều cần giữ gìn.

Bóng đá Việt đang bị cái xấu, cái dở lấn át. Cái xấu cụ thể trên sân bóng với những pha bóng triệt hạ, đứt nghề của nhau. Cái xấu là những toan tính ăn thua trong từng trận đấu, từng giai đoạn của giải đấu.

Và bởi vì bóng đá Việt không có tổ nghề nên không ai phải xấu hổ với tiền bối khi cả một nền bóng đá tốn kém và nhận được nhiều sự quan tâm lại quanh quanh như một vũng lầy.

Sẽ khó nếu như không tìm ra một cái đích để lòng tự trọng hướng đến.

Chẳng nhẽ bóng đá, theo cách nói của bầu Kiên “chỉ là sân khấu 4 mặt”. Nếu thế, bóng đá Việt và những nghệ sĩ như Hoài Linh, dường như có chung một…tổ nghề, nếu còn những vở kịch trên sân.

Song An