TheThao24.TV

Phiên bản Android

Hành trình dự tranh ASIAD của thể thao Việt Nam: Chuyện li kỳ về tấm huy chương & nhà vô địch đầu tiên

(thethao24.tv) – Từ ASIAD 1990, TTVN mới tái hội nhập với đấu trường lớn nhất châu lục song qua ĐH, giới chuyên môn cũng hiểu rằng đấu trường châu Á hãy còn rất xa. Thậm chí, 4 năm sau, trước ASIAD 1994, mục vẫn chỉ là “phấn đấu có thành tích cao hơn”, chứ chưa dám mạnh dạn đặt mục tiêu huy chương. Ở bối cảnh cách đây 20 năm mới hiểu vì sao  tấm HCV của võ sỹ taekwondo Trần Quang Hạ được coi như 1 thành quả kỳ diệu.

>>>Bóng chuyền nữ Việt Nam: Cả làng “ngắc ngoải” trừ… Thông tin

>>>Hành trình của Quang Liêm cùng cờ vua Việt Nam tại Olympiad 2014: Hay 1 trận, thua cả giải

>>>Chuyện bi hài của ĐTQG bóng chuyền nữ: Bỏ ASIAD để dự giải châu Á

Bị “mắng” vì dám tuyên bố huy chương

chinh1

Trước  thềm Á vận hội do Nhật Bản đăng cai tại Hiroshima, có một câu chuyện tưởng như tiếu lâm nhưng thật 100%, phản ánh chính xác tâm thế của ngành thể thao khi ấy.

HLV Đoàn Đình Long của môn mới được gây dựng trở lại karatedo đã bị lãnh đạo mắng là “khùng” khi tự tin khẳng định các học trò của mình sẽ lấy được huy chương ĐH. Không tránh khỏi mếch lòng song ông Long cũng thông cảm với lãnh đạo, đơn giản vì trong nhìn nhận của cả ngành, huy chương Asiad hoàn toàn ngoài tầm với. May mắn và xuất thần lắm, mới có thể giành HCĐ như Quốc Cường của môn truyền thống bắn súng từng làm được năm 1982, còn mới như karatedo rõ ràng đừng mơ.

Đoạt liền 2 HCB karatedo

chinh2

Thực tế, đó chỉ là vấn đề nhận thức bó buộc và niềm tin xuống quá thấp của cả ngành, còn HLV Đoàn Đình Long vẫn tin chắc rằng karatedo có “cửa” huy chương, đặc biệt ở nữ. Ông cùng các học trò dốc hết tâm sức cho việc tập luyện, thi đấu cọ xát, nung nấu cho ngày quyết đấu trên đất Phù Tang – nơi “khởi phát” của karatedo.

Để rồi, chính các võ sỹ karatedo đã giải cơn khát huy chương Á vận hội cho TTVN sau… 12 năm đằng đẵng. Ngoạn mục hơn, không chỉ 1 mà những 2 tấm đều màu bạc lấp lánh, giành được một cách đầy thuyết phục. Đầu tiên, nữ võ sỹ nhỏ bé mà kiên cường Phạm Hồng Hà đã thắng như chẻ tre ở hạng 53kg và chỉ chịu dừng bước trước nhà VĐTG người Nhật Bản Hasama Hiromo.  Tiếp đó, Trần Văn Thông (hạng 60kg nam) cũng  xuất sắc lọt vào đến trận chung kết, cũng chỉ chịu thua đúng võ sỹ chủ nhà Ymanoto. Điều thú vị khi 2 tuyển thủ của thầy Long lập công, chính vị lãnh đạo từng đưa ra lời “mắng” đã chúc mừng ông đầu tiên.

Võ sĩ Trần Quang Hạ & tấm HCV lịch sử

chinh3

Cả môn taekwondo còn chưa dám nghĩ đến huy chương thì tất nhiên Trần Quang Hạ cũng không phải là ngoại lệ, nhất là ở kỳ SEA Games 1 năm trước đó, anh đã thảm bại.

Dầu vậy tại giải, Hạ đã thích nghi nhanh chóng, luôn có được sự tập trung cùng phong độ cao nhất trong từng trận đấu để lần lượt “giải quyết” từng đối thủ ở hạng 58kg, với độ lì và sự chắc chắn đến đáng sợ như đánh giá của giới chuyên môn. Trong đó, bản lĩnh cao cường của tuyển thủ TP.HCM đã được rực sáng ở trận bán kết chạm trán ƯCV số 1 Y. Hironobu (Nhật Bản). 2 võ sỹ chơi ăn miếng trả miếng cực hay, quyết liệt và giằng co, đưa tới điểm số chung cuộc hòa 2-2. Nhờ ưu thế tấn công rõ rệt nên trong suốt trận đấu, Hạ là người giành chiến thắng. Vượt qua thách thức lớn nhất, tuyển thủ Việt Nam đã không mấy khó khăn đánh bại Berran (Indonesia) 3-2 để đăng quang.

Ngày 8/10/1994 đã đi vào lịch sử TTVN, với nhà quán quân Á vận hội đầu tiên của đất nước Việt Nam thống nhất – Trần Quang Hạ.

 

2 kỳ Vàng rồi 3 kỳ… phận bạc

box

Có thể thấy, trong suốt thập kỷ 1990, những chiến tích đáng kể nhất thể thao nước nhà đều gắn chặt với taekwondo, mở đầu từ tấm HCV ASIAD 1994 của Trần Quang Hạ, rồi được tái lập đầy ngoạn mục ở Đại hội 4 năm sau đó với Hồ Nhất Thống.

 Điều thú vị, Thống chính là “truyền nhân” của Hạ sau khi đàn anh giã từ thảm đấu, ở hạng 58kg, đã trở thành 1 sở trường của taekwondo Việt Nam.

Tuy chưa đến mức vượt trội hoàn toàn, song Nhất Thống đã có 1 giải đấu xứng danh ƯCV số 1, với sự toàn diện, cùng lối chơi tấn công áp đảo, để giành thắng lợi đầy thuyết phục tất cả các trận.

Sau thời kỳ thành công lớn, được coi như 1 trung tâm mới của thế giới, taekwondo Việt Nam đã có dấu hiệu chạm trần và hụt hơi, nhất là trong cách thức đào tạo rèn giũa tài năng chuyên biệt. Điều tai hại là các nhà quản lý huấn luyện môn, đã quá chậm phát hiện ra vấn đề này để kịp thời điều chỉnh. Trong 3 kỳ Á vận hội trở lại đây, môn này đều không thể có thêm một lần tái lập chiến tích Vàng, với khoảng cách ngày tụt lại so với nhóm dẫn đầu.

Tính đến ASIAD 2010, thầy trò taekwondo đã trải qua tới 8 trận chung kết toàn thua – một kỷ lục buồn, và chưa có dấu hiệu gì có thể tạo đột phá ở cuộc đấu trên đất Hàn Quốc vào tháng 9 tới.

 Hà Thảo

VN:F [1.9.22_1171]
Rating: 0.0/10 (0 votes cast)
VN:F [1.9.22_1171]
Rating: 0 (from 0 votes)