TheThao24.TV

Phiên bản Android

Tổng thư ký Liên đoàn Xe đạp Mô tô TTVN Đoàn Kim Phách: “Ăn đong, xin cho, thiếu mà vẫn lãng phí”

(thethao24.tv) – Ông Phách “xe đạp” đã thắng thắn đánh giá như vậy về thực trạng chung của các tổ chức xã hội – nghề nghiệp về thể thao, kể cả với chính môn mà mình đang làm Tổng thư ký. Là tổ chức hiếm hoi kiếm được hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho hoạt động song theo ông phía sau đó hãy còn bộc lộ hàng loạt vấn đề nan giải, thậm chí bế tắc.  

>>>Chuyện “tượng đài” bóng chuyền Việt Nam Lê Hồng Huy: 2 chức vô địch, 17 năm & niềm đam mê bất tận

>>>Bóng bàn Việt Nam vắng mặt tại ASIAD 2014: Vì đâu nên nỗi khốn cùng?

>>>Chuyện kỳ thú của bóng chuyền nam Việt Nam: Lời nguyền 11 năm cho nhà vô địch

Thể thao 24h: Năm nào cũng kiếm được cả chục tỷ đồng cho hoạt động, có vẻ như Liên đoàn Xe đạp Mô tô thể thao Việt Nam rất hoành tráng. Từ góc độ của mình, ông đánh giá như thế nào?

anhtem

Ông Đoàn Kim Phách: Đây là điều đáng mừng, nhưng tôi cho rằng cũng mới chỉ ở mức đạt yêu cầu tối thiểu thôi. Thực tế cũng mới chỉ có mảng tổ chức thi đấu được đảm bảo khi mà có tới 8 tỷ đồng vận động tài trợ được chi trực tiếp vào đó, chứ còn cho các mảng khác như hỗ trợ đào tạo trẻ, tập huấn ĐTQG hãy còn rất hạn chế, thậm chí chưa có.

Thực chất tiếng là kiếm được hàng chục tỷ đồng song chuyện kinh phí còn là thiếu và bị lệch nhiều, chưa kể ở chiều sâu nó đầy mong manh. Suy cho cùng, phải thừa nhận, cũng như hàng loạt Liên đoàn khác, việc tạo nguồn kinh phí của xe đạp vẫn mang nặng tính “ăn đong” và “xin cho”. Chúng tôi vẫn chưa thể tự chủ được, mới chỉ kiếm được tiền qua và cho từng giải đấu cụ thể chứ chưa thể làm bài bản, dài hơi như một đề án, kế hoạch tiếp thị tài trợ đúng nghĩa.

Nhưng dù sao so với mặt bằng chung, lâu nay xe đạp vẫn vào loại nổi bật nhất ở khả năng xoay sở kiếm tiền?

chinh1

Có thể là như vậy song theo tôi những kết quả đó có được vẫn chỉ phụ thuộc vào quan hệ, uy tín và sự năng động của một số cá nhân trực tiếp, cụ thể chứ không phải một cách làm, nền nếp hiệu quả và ổn định của một bộ phận chuyên trách. Kinh phí chưa được khai thác từ chính thương hiệu của xe đạp dù đã manh nha từ lâu.

Ở đây cũng có trách nhiệm của Liên đoàn, cũng như chính cá nhân tôi – Phó chủ tịch  kiêm Tổng thư ký 3 khóa liền. Tuy nhiên trong điều kiện hiện tại chỉ làm được như chúng tôi cũng đã rất khó rồi.

Cái “điều kiện hiện tại” như ông nói là như thế nào?

Đó là sự ràng buộc, vướng mắc về nhiều mặt khiến cho Liên đoàn vẫn chỉ tồn tại, hoạt động theo kiểu nửa vời, nhất là mối quan hệ chằng chéo với cơ quan quản lý nhà nước. Mà xin nói ngay không riêng gì xe đạp đâu nhé. Tất cả đều không rõ ràng về quyền, trách nhiệm, trong khi cơ chế, nhân sự chuyên trách, trụ sở đều thiếu. Đơn cử bộ phận tạm gọi thường trực điều hành của xe đạp đang có 4 người, chỉ có tôi là chuyên trách của Liên đoàn còn lại đều nửa của nọ nửa kia chỉ là cán bộ của bộ môn kiêm thêm việc Liên đoàn.

Quả thật quá khó để Liên đoàn có thể làm việc tự chủ và hiệu quả, làm gì chẳng rơi vào tình cảnh được chăng hay chớ.

Xin ông lý giải về nhận định có vẻ rất nghịch lý của mình về chuyện kinh phí vẫn  thiếu mà vẫn lãng phí?

Đúng quá còn gì, bởi  ngoại trừ bóng đá, bóng chuyền, còn lại ở các mức khác nhau các môn đều đang thiếu kinh phí nghiêm trọng cho phát triển. Bởi nguồn bao cấp của nhà nước chỉ rất hạn hẹp mà các Liên đoàn lại đang lẹt đẹt đều “ăn đong” nhỏ giọt cả.

Nhưng thiếu mà vẫn lãng phí vì thực tế cho thấy đáng ra chúng ta phải và hoàn toàn có thể kiếm đủ tiền, thậm chí ở mức cao nhất và có tích lũy chủ động cho hoạt động. Theo tôi, chẳng có chuyện bế tắc và bó tay đâu, vấn đề chỉ là có chịu làm và có đủ điều kiện để làm không hay thôi.

Mấu chốt giải quyết bức bách này là gì thưa ông?

Nó chỉ có thể có đột phá khi ngành thể thao phải tổ chức lại quyết liệt các Liên đoàn, cũng như thay đổi phương thức quản lý, mối quan hệ của mình.

 Nhưng khó lắm, thực tế này ai cũng biết cả song hàng chục năm nay đâu có thay đổi được gì.

Box:

 

Cách Liên đoàn đang bị kéo tụt lại 20 năm

 

“Tôi đã từng phát biểu thẳng rằng với cách thức quản lý, tổ chức như hiện nay, nhiều Liên đoàn đã và đang bị tụt hậu nặng nề, có khi còn thua cả thời kỳ cách nay 20 năm. Đừng nhìn vào khoản tiền vài tỷ hay vài trăm triệu kiếm được mà khẳng định là phát triển mà hãy suy xét ở mô hình, thực tế hoạt động của Liên đoàn vừa yếu vừa bất cập, nhất là so với đòi hỏi của xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ.

Cứ nửa vời như hiện nay rõ ràng gây khó cho cả ngành thể thao, các Liên đoàn, và cả nền thể thao chịu thua thiệt. Nhiều người còn cho rằng thà cứ như trước tức là ngành thể thao nắm tất cả có khi còn đỡ hơn, không nhiều phức tạp phát sinh như bây giờ. Chứ trên danh nghĩa quy định rõ quyền này, trách nhiệm kia mà thực tế lại chẳng làm gì, cứ bàn đi tính lại rồi đâu lại vào đấy”.

 Hà Thảo

VN:F [1.9.22_1171]
Rating: 0.0/10 (0 votes cast)
VN:F [1.9.22_1171]
Rating: 0 (from 0 votes)