Dybala “úm” ra bàn thắng?
Quả đá phạt đền thành công giúp Juventus tránh khỏi thất bại nhục nhã trước Chievo cuối tuần qua là pha ghi điểm nữa của Paulo Dybala. Đấy là bàn thứ 3 của chàng trai mặt búng ra sữa người Argentina sau 4 trận chính thức mùa này (cả Siêu Cúp Ý). Trước đấy Dybala chọc thủng lưới cả Lazio lẫn Roma. Nếu ai đó còn nghi ngờ năng lực của tân binh trị đắt giá nhất TTCN Italia hè này (32 triệu euro, cộng phụ phí lên tới 40 triệu), đó là lời đáp trả thỏa đáng. Và một khi Juve tính đưa Dybala về kế thừa trọng trách “số 10” Carlos Tevez để lại, thành công đã đến bước đầu. Nhưng từ Serie A bước ra Champions League là một môi trường hoàn toàn khác, với sự khốc liệt, thách thức rất rõ với một cầu thủ mới 21 tuổi và chưa một lần nếm trải Cúp châu Âu như Dybala.
Tevez đã mất 1 năm (mùa 2013/14) để đặt sang một bên lối chơi cá nhân, ích kỷ, và phần nào cũng bị gò bó trong mô hình chiến thuật của cựu HLV Conte, để tìm thấy thành công. Mùa trước anh thực sự bùng nổ khi biết thế nào là chơi cho toàn đội, giải phóng áp lực cho chính bản thân và tìm ra cách dứt điểm hiệu quả nhất. 7 bàn ở Champions League 2014/15 là minh chứng sống động.
Giờ Dybala có thể tái lập thành tích đó hay dù chỉ một phần? Chắc chắn Juventus không muốn trút hết sức ép lên vai một ngôi sao tuổi đôi mươi. Bằng chứng là Mario Mandzukic được đưa về. Đó là một “số 9” lợi hại trong vòng cấm, kinh nghiệm dày dạn với 22 bàn/63 trận ở Cúp châu Âu, 18 bàn trong số đó ghi ở Champions League. Và Alvaro Morata, người ghi bàn nhiều thứ 2 cho Juve ở Champions League 2014/15 (5 bàn), luôn biết cách chọc thủng lưới những ông lớn (Dortmund, Real và Barca), vẫn còn đó.
Nhưng cả hai chưa ghi được bàn nào kể từ khi Serie A khởi tranh và đêm nay chọn ai ở vị trí mũi nhọn cũng là dấu hỏi nghi ngờ ngang nhau. Như thế, niềm tin, không thể khác được, vẫn đặt lên đôi chân của Dybala cho nhiệm vụ xuyên thủng mành lưới Man City vốn chưa một lần rung lên trong mùa này. Tevez đã có 4 năm gắn bó đủ để anh hiểu rõ từ Joe Hart tới Vincent Kompany và cách thức phòng thủ của Man Xanh. Nhưng với Dybala, đêm nay bài học châu Âu đầu tiên bắt đầu từ… zero.
Không El Kun, chẳng lo cùn
Một trận đấu thú vị cũng là mối lo lớn cho Man City nếu Carlos Tevez còn khoác chiếc áo sọc đen-trắng và đứng ở bên kia chiến tuyến đêm nay. Nhưng bởi đó chỉ là giả thuyết… ảo, Vincent Kompany & đồng đội không cần bận tâm. Và đương nhiên Man City cũng chẳng cần nhớ về quá khứ với một Tevez chưa bao giờ ghi bàn cho họ ở Cúp châu Âu. Có chăng, vấn đề lớn nhất với Man City lúc này là đối phó việc Sergio Aguero vắng mặt do không kịp bình phục chấn thương đầu gối dính cuối tuần qua. El Kun mới có 1 bàn sau 5 vòng đầu Premier League, nhưng chưa bao giờ cần đặt dấu hỏi nghi ngờ về phong độ cũng như sự hiệu quả và tầm ảnh hưởng, đóng góp của ngôi sao Argentina với Man Xanh.
2 mùa gần nhất Aguero ghi tròn 60 bàn, với 12 pha lập công chia đều trong 2 mùa Champions League ấy sau vỏn vẹn 13 lần ra sân, tức hiệu suất ghi bàn của El Kun ở châu Âu xấp xỉ 1 bàn/trận, gần ngưỡng của những siêu sao hàng đầu như Ronaldo hay Messi. Nếu có Aguero, đó sẽ là một đêm mất ngủ cho hàng thủ đặc chất Ý của Juve vốn rất kiêng dè mẫu tiền đạo kỹ thuật, nhanh nhẹn và không ngại đâm trực diện vào các trung vệ. Nhưng bởi Man City đang xuýt xoa tiếc nuối, hẳn Juve thấy dễ thở hơn. Nhưng hãy nhớ, dù có hay không El Kun thì dàn tấn công của Man City cũng chỉ có thể chịu phán xét sau 90 phút, tức điểm mấu chốt vẫn là họ có thể ghi bàn và giành 3 điểm hay không.
Đừng quên, Man City sẵn sàng thanh lý các tiền đạo Dzeko, Jovetic, và chi ra cả 100 triệu bảng để đưa về Kevin de Bruyne hay Raheem Sterling để làm mới hàng công. Đó là những cầu thủ có thể bùng nổ theo những cách khác nhau, ghi bàn hoặc kiến tạo. Đừng ngạc nhiên nếu Sterling chơi ở vị trí cao nhất và tốc độ của chàng trai chỉ cao 1,7m sẽ làm chóng mặt những tòa tháp phòng ngự của Juve. Còn nữa, nếu cần một cái tên để gợi lại nỗi đau cho hàng thủ Juve thì đấy là David Silva. 3 năm trước chính tiền vệ này đã mở màn bữa tiệc chiến thắng cho TBN trước Italia ở trận chung kết EURO 2012, với một pha lập công bằng đầu dù anh cũng chỉ cao tròn 1,7m. Nguyên hàng thủ Juve hiện tại đã chơi ở trận đấu thảm họa đó và ký ức nào đâu dễ phai…
Lương Anh
Bê-tông mác… Anh
Trớ trêu là không phải Juventus mà Man City mới là đội đang phòng ngự rắn chắc. Khối bê-tông của đội bóng Anh đã trải qua 566 phút không bị xuyên thủng. Ngược lại, nếu mùa trước phải tới vòng 6 ở Serie A mành lưới Juve mới rung lên thì giờ sau 3 vòng đầu mùa, Gianluigi Buffon phải vào lưới nhặt bóng tới 4 lần.
Già dặn hay non kém?
Tổng số trận chơi ở Champions League của cả đội Juventus mùa trước, tính ở thời điểm xuất phát là 492 trận. Giờ con số là 508 trận, nhưng không thể nói là Juve già dặn và bản lĩnh hơn. Nên nhớ, số trận ở Champions League của các tân binh như Mandzukic (30 trận), Lemina (4), Khedira (45), Alex Sandro (21), Cuadrado (1) thậm chí chưa bằng một mình Pirlo (108 trận, tính đến hết mùa trước). Sở dĩ số trận toàn đội tăng là nhờ cộng dồn 13 trận ở mùa trước.