World Cup

Tại Copa America 2015, Neymar bị Liên đoàn bóng đá Nam Mỹ phạt treo giò bốn trận do hành động ẩu đả với cầu thủ đối phương và phản ứng với trọng tài trong trận gặp Colombia. Sau đó Liên đoàn bóng đá Brazil không kháng án, đồng nghĩa với việc chấp nhận mức phạt cho tiền đạo hay nhất của mình.

Sau trận đấu với Colombia, Brazil chỉ chơi thêm hai trận tại Copa America trước khi bị loại dưới tay Paraguay ở tứ kết. Điều này có nghĩa Neymar sẽ phải ngồi ngoài thêm hai trận tại vòng loại World Cup 2018.

Brazil's soccer player Neymar during a training session in Santiago, Chile, on June 19, 2015. Brazil will face Venezuela in a Copa America match on Sunday. Photo: DANIEL TEIXEIRA/ESTADAO CONTEUDO (Agencia Estado via AP Images)

Mới đây, LĐBĐ Brazil (CBF) đã quyết định sẽ gửi đơn kháng án về hình phạt của Neymar. Theo CBF, Neymar bị phạt vì lỗi trong một trận đấu thuộc Copa America, giải đấu của LĐBĐ Nam Mỹ. Vì thế, Neymar không đáng bị phạt “lây” sang cả vòng loại World Cup, giải đấu thuộc quyền điều hành của LĐBĐ thế giới (FIFA).

“Chúng tôi sẽ nộp đơn kháng cáo đến CONMEBOL và FIFA”, tổng thư ký CBF – ông Walter Feldman cho biết. “Copa America là giải đấu cấp châu lục và nó không liên quan đến vòng loại World Cup. Vì thế, Neymar không thể bị treo giò ở vòng loại World Cup 2018″, ông Walter Feldman nói thêm.

Lễ bốc thăm chia bảng vòng loại World Cup 2018 khu vực Nam Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 25/7 tới.

Tuấn Anh

Tuy nhiên, khuôn khổ bài viết này sẽ không đề cập đến mùa Hè nước Ý rực lửa năm đó mà sẽ tản mạn về Peter Shilton, người được đánh giá là một trong số những thủ môn vĩ đại nhất thế giới.

Peter Shilton là hình ảnh tiêu biểu của những siêu sao thể thao: Trên sân đấu là 1 người vĩ đại, rời xa sân đấu là 1 kẻ thất bại.

2face

Đỉnh cao của người hùng

Peter Shilton cùng tuyển Anh tham dự 3 kỳ World Cup, cùng với đó ông nắm giữ kỷ lục khoác áo Tam sư nhiều lần nhất với 125 trận. Trong quãng thời gian gần 30 năm chơi bóng, ông đã thi đấu hơn 1300 trận. Peter Shilton cũng lập kỷ lục là cầu thủ trẻ nhất trong lịch sử của Leicester ở tuổi 16. Shilton cũng chính là người đã khiến ban lãnh đạo CLB quyết định bán Gordon Banks cho Stoke. Cho đến thời điểm hiện tại, nhiều người vẫn tranh cãi Shilton hay Banks mới là thủ môn hay nhất trong lịch sử bóng đá Anh.

hand

Dưới thời HLV huyền thoại Bryan Clough, Shilton từng 2 lần vô địch Châu Âu (Champions League ngày nay) và 1 Siêu Cúp Châu Âu trong màu áo Nottingham Forest. Ông cũng 10 lần được bầu chọn là Cầu thủ xuất sắc nhất năm của Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp Anh. Shilton cũng được Hoàng gia trao 2 huân chương MBE và OBE cao quý vì những đóng góp cho thể thao, cùng với đó là 1 chỗ trong “Ngôi đền danh vọng”. Cùng những thành công đó, Shilton được hưởng những đặc quyền mà ít người có.

Thu nhập của Shilton lúc đó phản ánh sự sủng ái mà các ông chủ của đội bóng dành cho ông, từ Leicester đến Stoke, Nottingham và Southampton. Tại Derby County, CLB chuyên nghiệp cuối cùng trong sự nghiệp Shilton kiếm được 250.000 bảng/năm, thu nhập “khủng” nhất dành cho 1 cầu thủ thời điểm đó.

Ông cần những khoản tiền lương khổng lồ, để chi trả cho thói cờ bạc vô độ của mình.

Con bạc khát nước

“Ông ta sẽ không cho bất cứ người nào đi ngủ nếu đang thua bạc, cho dù lúc đó có là rạng sáng đi chăng nữa”. Lời của đồng đội cũ Malcolm MacDonald khi nói về thói máu ham mê cờ bạc của Peter Shilton.

Trong ký ức của MacDonald cùng với nhiều người khác, đó là hình ảnh thủ môn huyền thoại này luôn luôn gạ gẫm đồng đội tham gia “sát phạt” khi cả đội trong giờ nghỉ hoặc đi du đấu. Họ đã từng phải giấu tiền đi vì không muốn bị Shilton lôi kéo vào những ván đỏ đen. MacDonald nhớ lại: “Có lần chơi mà Shilton thua tôi đến 400 bảng hay hơn gì đó. Ông ta tuyệt vọng đến nỗi gạ tôi chơi 1 cây ăn 20 bảng”. Peter Shilton cũng rất thích đua ngựa và tất nhiên cũng cá cược cả bộ môn này luôn. Ông cùng 1 người bạn đã đầu tư tiền mua 2 chú ngựa đua nhưng sau đó cũng phải bán đi vì thua nợ quá nhiều.

gamble

Ông cũng tính làm giàu bằng bất động sản khi mua 4 căn nhà để đầu tư. Nhưng trong cuộc khủng hoảng suy thoái kinh tế, Shilton đã bị thua lỗ nặng. Ông thường xuyên phải vay nặng lãi cũng như phải mang gần như toàn bộ tài sản ra để thế chấp.

Những hệ luỵ do đánh bạc mang đến còn khiến Shilton phải trả giá bằng chính tình bạn với người bạn thân lâu năm John McGroven, đồng đội cũ tại Nottingham Forest và là cánh tay phải khi Shilton dẫn dắt Plymouth. Ông đã nợ McGroven số tiền là 7.000 bảng nhưng đã không tài nào trả nổi.

Và là kẻ nghiện ăn “chả”

Năm 1980, Shilton và một người phụ nữ tên Tina bị chồng cô ta bắt quả tang khi cả 2 đang “mây mưa” trong xe ô tô ngoài vùng ngoại ô vào lúc 5h sáng. Khi bị phát hiện, Shilton đã tăng ga và tông vào cột đèn điện bên đường. Ông bị cảnh sát phạt 350 bảng và treo bằng lái xe 15 tháng.

Một năm sau, Shilton lại bị bắt gặp khi đang “tòm tem” với vợ người khác. Cảnh sát khi đó đang đi tuần tra bên ngoài quán rượu. Khi bị gõ cửa và rọi đèn vào trong xe, Shilton cuống cuồng nổ máy để chạy trốn. Không may, chiếc quần đang nằm dưới chân đã khiến xe không thể tăng tốc nổi. Chiếc xe đâm sầm vào gốc cây cách đó vài mét và phá tan luôn danh tiếng của Shilton. Sau đó, ông nhận được câu hỏi châm biếm: “Shilton, vợ anh có biết là anh đi đá bóng không đấy?”

sex

Chính bản thân Peter Shilton về sau cũng đã thừa nhận, mỗi “bữa” trong ngày của ông đều phải có phụ nữ !

Peter Shilton sẽ luôn được nhớ đến là một trong những thủ môn vĩ đại nhất thế giới với những pha cứu thua đã đi vào trong sử sách. Nhưng hiện giờ, ông đang hy vọng sẽ níu giữ lại được chút ít danh tiếng của quá khứ.

Năm 2013, khi tình hình tài chính đang lâm vào khó khăn trầm trọng thì Peter Shilton lại phải “đèo bòng” thêm món tiền phạt 1.000 bảng vì chạy xe trong lúc say rượu. Khi kiểm tra bằng ống thổi, nồng độ cồn trong người Shilton lúc đó cao gấp đôi hàm lượng cho phép.

Tại toà án, cựu thủ thành 63 tuổi này đã thừa nhận tội trạng của mình. Ông viện lý do vừa ly hôn vợ để bao biện cho việc không đủ tiền để đóng phạt.

BÁT VÂN

Khoảnh khắc người đồng đội cũ của Messi là Alexis Sanchez “xúc thìa” đưa bóng vào lưới Romero khiến cả đất nước Chile vỡ òa vì sung sướng. Khi đó, Messi đứng lặng hồi lâu với khuôn mặt không chút xúc cảm và ánh mắt vô định. Trong 1 giây, Messi ngoảnh đầu sang phía cột cờ góc quan sát các cầu thủ Chile nhảy múa ăn mừng rồi lặng lẽ bước đi.

Argentina thêm 1 lần nữa thất bại trong trận chung kết.
Argentina thêm 1 lần nữa thất bại trong trận chung kết.

Với người Argentina, thất bại này (và trận thua trước người Đức năm 2014) càng trở nên đau đớn hơn khi nó tiếp tục kéo dài quãng thời gian Albiceleste “hạn hán” các danh hiệu.

Hào quang quá khứ

Quay ngược lịch sử đúng vào ngày này cách đây 22 năm, là trận chung kết Copa America trên đất Ecuardor. Đoàn quân với những Goycochea, Fernando Redondo, Diego Simeone và Gabriel Batistuta dưới sự dẫn dắt của HLV Alfio Basile đã đăng quang sau khi đánh bại Mexico 2-1. Người hùng của Argentina năm đó là Batigol với cú đúp thần sầu.

Vinh quang năm xưa.
Hình ảnh này đã là của quá khứ rất xa.

Thế nhưng, người dân xứ Tango khi ấy lại chẳng mặn mà với chức vô địch này. Nhiều đội tuyển quốc gia Nam Mỹ khi đó coi giải đấu danh giá nhất của châu lục chỉ như sân chơi hạng 2. Mục tiêu của họ đương nhiên là World Cup. Và với người Argentina, khi đã 2 lần vô địch thế giới năm 1978 và 1986, thêm 1 lần vào chung kết năm 1990 thì chức vô địch Copa America có hay không cũng không mang nhiều ý nghĩa. Đặc biệt là 1 quốc gia mà những ngôi sao bóng đá nổi lên nhiều như sao hôm.

Tuy vậy không ai có thể ngờ được rằng chức vô địch năm 1993 lại là chiến tích cuối cùng mà Argentina có thể giành được. Kể từ thời điểm đó đến nay, đã là 6 kỳ World Cup và 7 kỳ Copa America trôi qua. Thế nhưng, một trong những quốc gia luôn vỗ ngực tự xưng là ông lớn của bóng đá Nam Mỹ lại không thể nếm mùi vị vinh quang, dù chỉ 1 lần.

Vô duyên ở các đấu trường lớn

Giống như những Maradona, Kempes, Caniggia hay Passarella đã từng thành công trong quá khứ, lứa cầu thủ trẻ tài năng của Argentina liên tiếp gặt hái những thành công mà bằng chứng là 5 chức vô địch World Cup dành cho lứa tuổi U20 từ năm 1995 đến 2007.

Chung kết 2007, họ bị Brazil đè bẹp 3-0 và lần gần nhất trên sân nhà là thua Uruguay tại tứ kết cũng chính trên chấm luân lưu. Tuy nhiên, thất bại ở Copa chỉ như vết kiến cắn so với nỗi đau bị loại tại World Cup.

Thất bại dường như đã trở thành thói quen.
Thất bại dường như đã trở thành thói quen.

Đất Mỹ 1994, Argentina thua Romania với nguồn cảm hứng mang tên Gheorghe Hagi sau khi Maradona bị đuổi về nước vì xét nghiệm dương tính với chất cấm. Bốn năm sau, tuyệt tác của Dennis Bergkamp khiến đội quân của ông Passarella chia tay giải ở tứ kết. Năm 2002, Argentina xách vali về nước ngay từ vòng bảng. Và 3 kỳ Mondial liên tiếp bước chân Argentina luôn bị Cỗ xe tăng Đức chặn lại, với 2 lần ở tứ kết và cách đây 1 năm trên đất Brazil khi mà thiên đường đã ở rất gần Messi và các đồng đội.

Ba năm nữa trên đất Nga, khi đó Mascherano sẽ 34 tuổi, cả Messi, Higuain, Di Maria và Aguero cũng đều chạm ngưỡng 30. Đó có lẽ cũng sẽ là giải đấu quốc tế lớn cuối cùng trong cuộc đời họ.

Và Messi..

Sau Copa America 2007 và World Cup 2014, đây là lần thứ 3 Messi thất bại trong trận chung kết 1 giải đấu lớn. Đã cùng Barcelona gặt hái vô số danh hiệu, có lẽ thất bại này sẽ rất khó nuốt trôi với cầu thủ được coi là vĩ đại nhất mọi thời.

Với những gì đã làm được, Messi đã đạt tầm huyền thoại. Giải đấu này dù không chứng kiến Messi bùng nổ nhưng anh vẫn đặt dấu ấn ở tài dẫn dắt lối chơi, hình bón người Argentina vẫn tìm kiếm từ thời Maradona và Juan Riquelme. Màn trình diễn siêu đẳng trong trận bán kết đã cho thấy rõ điều đó. Đã giành được cả HCV Olympic, Copa là 1 trong 2 danh hiệu Messi vẫn chưa có cho đến lúc này.

Messi cũng đã không còn trẻ nữa.
Messi cũng đã không còn trẻ nữa.

Sự nghiệp cầu thủ vô cùng ngắn ngủi, dù là với huyền thoại như Messi. Lịch sử chỉ vinh danh người chiến thắng chứ ít khi nhớ đến kẻ chiến bại. Đã trải qua 6 giải đấu lớn, thời gian để Messi sánh ngang với những gì Maradona làm được không còn nhiều nữa. Nếu không, thế hệ tài năng với Messi chỉ được người dân Argentina nhắc nhớ như 1 niềm đau.

Argentina tham dự Copa America năm nay có 9 người từng vô địch U20 thế giới năm 2005 (Gago, Garay, Zabaleta, Biglia, Aguero và Messi) và 3 người năm 2007 (Romero, Banega và di Maria).

Năm 2007, đội bại trận trước Argentina ở bán kết chính là U20 Chile. Đội hình Chile năm đó có sự góp mặt của những Gary Medel, Mauricio Isla, Arturo Vidal và Alexis Sanchez.

BÁT VÂN (theo Sport Illustated)

Cũng vì thế, mục tiêu trước mắt của cựu trung vệ người Italia là được dẫn dắt Napoli hoặc đội tuyển Italia. Với Napoli, anh đã trưởng thành từ hệ thống đào tạo trẻ và gắn bó cùng đội 1 trong 3 năm trước khi khoác áo Parma, Juventus, Inter và Real Madrid. Còn với Azzurri, Cannavaro là đội trưởng của đội hình vô địch World Cup 2006 tại Đức.

16chan

Rắc rối cho Cannavaro là Napoli vừa thay Rafa Benitez bằng Maurizio Sarri, trong khi ở đội tuyển Italia, dẫn dắt Azzurri là Antonio Conte, người đã rất thành công với Juventus và có hợp đồng sau Euro 2016. “Hy vọng một ngày nào đó tôi sẽ dẫn dắt Napoli cũng như đội tuyển quốc gia”, Cannavaro chia sẻ. “Anh luôn phải ước mơ và nghĩ đến những mục tiêu lớn. Trước mắt, tôi sẽ cân nhắc một số đề nghị và tiếp tục học hỏi. Tôi sẽ đến Anh hoặc chờ xem Sarri ở Napoli hay Max Allegri ở Juventus”.

Liệu quãng thời gian ngắn ngủi dẫn dắt Guangzhou Evergrande vào tháng 11/2014 trước lúc được Luiz Felipe Scolari thay thế trong tháng 6 này có đủ giúp Cannavaro thành công trong tương lai hay không? Cựu trung vệ từng giành UEFA Cup năm 1991 với Parma thừa nhận “Ngoài học hành, tôi nghĩ một HLV phải có kiến thức về bóng đá. Nếu anh không biết nói gì với các cầu thủ, anh sẽ không đi được đến đâu”.

PHẠM HƯNG

Tôi cho rằng Juventus là đội xuất sắc nhất nhưng Inter có thể bám sát họ. Sau đó là Napoli và Roma…” Fabio Cannavaro nói về cục diện của Serie A mùa giải tới.

Ở giải năm ngoái Azzurri bị loại ngay từ vòng bảng, sau thất bại chua chát 0-1 trước Uruguay ở lượt đấu cuối mà chỉ cần một kết quả hòa đội bóng áo Thiên thanh sẽ đi tiếp.

17P

“Chúng tôi đã dành quá nhiều thời gian ngồi trước máy tính và quá ít cho sân tập. Toàn đội chỉ tập trung vào những bài test, những phân tích dựa trên máy móc. Đó là một sai lầm khi ông ấy (Prandelli) cố áp dụng công nghệ nhằm tạo ra đột phá. Đội bóng chỉ có thể chơi tốt nếu dành tối đa thời gian trên sân tập”, Bonucci chia sẻ. Không biết có phải vì cay cú do chỉ được chơi 1 trận ở Brazil, chính là trận thua Uruguay, mà Bonucci quay lại “tấn công” thầy cũ. Nhưng với ông thầy mới Antonio Conte, Bonucci không tiếc lời khen ngợi. “Với ông ấy, chung tôi luôn giữ được sự tập trung cùng tinh thần chiến đấu cao nhất. Conte xứng đáng nhận những lời động viên vì những gì đã làm được cho Azzurri sau một kỳ World Cup thảm họa”.

L.A

Cho đến chết, tôi cũng sẽ không thể quên những ánh mắt ấy: đôi mắt rực sáng của Salvatore Schillaci sau mỗi bàn thắng làm bùng nổ những cầu trường, đôi mắt ướt lệ trong tiếng khóc tấm tức của Maradona khi trận chung kết Argentina thua Đức kết thúc, và đôi mắt buồn nhòa nước tức tưởi của một cô gái Brazil có mái tóc vàng rất đẹp khi đội bóng của cô bị Caniggia nhấn chìm trong một đợt phản công. Bao nhiêu năm qua, tôi đã sống cùng với những hình ảnh ấy, cùng tiếng hát văng vẳng trong tâm trí của bản “Un’estate italiana” (Mùa hè nước Ý) qua giọng hát khàn khàn của Eduardo Bennato và Gianna Nannini.

27D

Salvatore Schillaci.

Dưới bầu trời mùa hè Italia…

… là những sân bóng đông nghẹt người từ Milano đến Bari; là những trận đấu căng thẳng từ vòng knock-out cho đến một trận chung kết phủ đầy màu đỏ và vàng của những chiếc thẻ và nước mắt trên mặt Maradona, cô độc và bất lực giữa những người Đức chiến thắng, thắng trên sân bóng, thắng cả trong chính trị khi đang đi trên con đường thống nhất; là những hình ảnh mà đến giờ bao người đã sống qua thời kì ấy không thể quên.

Đấy là World Cup của một thế giới mới, theo một trật tự mới. Chiến tranh Lạnh đã kết thúc. Bức tường Berlin đã sụp đổ. Liên Xô dự World Cup cuối cùng của họ trước khi đến EURO 1992 với một tên khác (SNG). Nước Đức đang háo hức trên con đường thống nhất (đội tuyển Đông Đức đá trận cuối cùng của mình hai tháng sau trận chung kết Italia 90, với cú đúp của Sammer, người đoạt Quả bóng Vàng sau đó 6 năm). Nam Tư hát bản tình ca lần chót trước khi họ cùng với chính liên bang của mình tan rã trong một cuộc nội chiến đẫm máu. Thế giới bước ra từ những cuộc đối đầu, những tấm màn sắt và tên lửa chĩa vào nhau. World Cup phản ánh những gì mà thế giới đang có, đang trăn trở, đau khổ và oằn mình trong những biến đổi không ngừng.

Truong Anh Ngoc

Nhà báo Trương Anh Ngọc.

Italia 90 sẽ mãi đi vào sử sách với tư cách là một trong những giải đấu có tỉ lệ bàn thắng thấp nhất và chất lượng chuyên môn trung bình, khi lối đá phòng ngự lên ngôi. Thứ tư duy ấy đã đẩy Brazil vào một cuộc tự sát và làm cho cô gái xinh đẹp có mái tóc vàng của tôi khóc mãi khi camera chĩa đến cô, trong trận thua Caniggia và Maradona. Nhưng tư duy ấy phản bóng đá cũng đã khiến chính Maradona ôm hận khóc trong một suy nghĩ rằng, FIFA và Italia muốn trả thù anh bằng một quả penalty ở chung kết. Nhưng đối với nhiều người, đấy là một World Cup đặc biệt. Truyền hình lần đầu tiên vượt qua mọi ranh giới để phủ bóng đá đi khắp hành tinh bằng công nghệ đột phá. Và với những người đã sống qua thời bao cấp, lần đầu tiên được xem gần như trọn vẹn một giải World Cup qua tivi, nhiều trong số đó vẫn còn đen-trắng, sẽ nhớ mãi những cú ngoáy mông của Roger Milla, những cú lên bóng điên rồ của thủ môn Higuita, cái lắc đầu thẫn thờ của Van Basten, cú đánh đầu của Caniggia xé nát trái tim của những người Italia trong trận bán kết, và nước mắt, rất nhiều nước mắt. Như của Gascoigne khi Anh thua Đức…

Italia 90 đã đi cùng một thế hệ, đã đồng hành cùng thế hệ ấy trong cả cuộc đời với hình ảnh về những con người ấy, những giọt nước mắt, và giọng hát của Nannini.

25 năm cho một giấc mơ

Bây giờ, sau 1/4 thế kỉ, nước Ý nhớ lại những đêm huyền ảo trong câu hát của Nannini. Bản “Mùa hè nước Ý” giờ chỉ còn được phát lại trên kênh sóng của những đài phát thanh có xu hướng hoài niệm. Hôm rồi, nhân kỉ niệm 25 năm ngày khai mạc World Cup năm ấy (8/6/1990), trên Radio Ti Ricordi, kênh chuyên phát những bản tình ca của quá khứ, người dẫn chương trình nổi tiếng Fabio Martini đã dành một thời lượng lớn để nói về nó. Ông bảo, nước Ý bây giờ chỉ còn sống bằng những hoài niệm về Italia 90, và khi mà nhạc Ý vốn rất lãng mạn về cả giai điệu lẫn câu từ dần bị rap hóa theo kiểu Mỹ, thì cái chất sống động và bốc lửa của “Mùa hè nước Ý” dễ tạo một cảm giác tiếc nuối nào đó.

Năm 1990, nước Ý vẫn còn trong tốp đầu của thế giới. Những sân cỏ Serie A bùng nổ thứ bóng đá đẹp nhất, với những ngôi sao sáng nhất của thế giới. Liên hoan âm nhạc San Remo vẫn sản sinh ra những bài hát lãng mạn nhất. Xe Vespa vẫn chạy trên những nẻo đường và đấu trường cổ La Mã vẫn kiêu hãnh in hình trên nền trời xanh thẳm. Nước Ý tự hào về một trong những World Cup lãng mạn nhất, để rồi bị Maradona và Argentina đánh bại ở bán kết. Ánh mắt rực sáng của Schillaci, những cú đi bóng của Roberto Baggio, lúc ấy còn trẻ lắm, là những gì còn đọng lại từ đội Thiên thanh ngày ấy và mãi mãi in đậm trong tâm trí của những ai đã từng đi theo những bước chân của họ. Và sau đó, là một thế giới khác với nước Ý, một nước Ý khủng hoảng và dần đánh mất mình trước thế giới. Hai năm sau là vụ bê bối “Bàn tay sạch” quét gọn cả một hệ thống chính trị, là những cái chết của các thẩm phán Falcone và Borsellino trong các cuộc ám sát của mafia, khiến người ta hoảng hốt tin rằng, mafia mới là những ông chủ của nước Ý, và rồi Berlusconi xuất hiện như một hiện tượng, đưa Italia vào một cơn cuồng phong kéo dài gần ba thập kỉ của những lời hứa hẹn, những chiến dịch tranh cử, các chính phủ lên rồi lại xuống cùng những bê bối không bao giờ dứt.

25 năm sau, Berlusconi vẫn tồn tại một cách mạnh mẽ trên bầu trời chính trị nước Ý, chống cự lại tất cả, dù đang trên con đường thoái trào không cưỡng được; chính trường Italia vẫn luôn dậy sóng như thuở ấy với bao scandal; mafia đang trỗi dậy; nhưng calcio đã chìm xuống đáy biển và từ lâu không còn là số 1; nước Ý đang vùng vẫy trong một cuộc đi tìm một cách tuyệt vọng vị trí của nó trên thế giới. Một phần nào đó của nước Ý vẫn trong những giấc mơ và lề thói, một phần nào đó tiếp tục sống với thực tại tàn nhẫn vì đã thức tỉnh. Di sản của Italia 90 là di sản hình ảnh của một quốc gia vật vã với hiện tại để sống với quá khứ. Những người trung niên thỉnh thoảng lại nhắc đến giải đấu mà nước Ý từng đăng cai. Những người trẻ còn quá nhỏ hoặc chưa được sinh ra vào thời điểm ấy chỉ hướng đến những chân trời khác để hy vọng và sống, khi họ luôn đứng trước nguy cơ hoặc đã trải qua tình trạng thất nghiệp. Quá khứ là một gánh nặng ghê người.

Năm ngoái, khi được một ê kíp làm phim của Ý đề nghị hát một bản tình ca Italia để họ ghi hình, tôi đã hát một đoạn của “Mùa hè nước Ý”. Bài hát ấy đến một cách hoàn toàn tự nhiên, bật ra trong cổ họng mà tôi không hề suy nghĩ, bởi đã thuộc làu từng chữ một từ 25 năm nay. Hóa ra, bản thân tôi cũng vẫn sống trong những hình ảnh của quá khứ, với những hình ảnh về những đôi mắt và giọt lệ ấy, như thể đấy là một phần của những kỉ niệm đã tạo nên chính con người mình. Và chính những hình ảnh ấy đã là nhịp cầu đưa tôi đến nước Ý, trong một hành trình đời kéo dài nhiều năm, không phải của một du khách, mà là một người sống trong lòng nó, vui buồn cùng nó.

Trên loa của kênh Radio Ti Ricordi, Nannini đang hát những câu ca bốc lửa của “Mùa hè nước Ý”. Cùng lúc, trong tôi vang lên những câu thơ của một thi sĩ quân đội viết cho riêng cô ca sĩ ấy sau khi Italia 90 kết thúc (nay, Nannini sắp bước vào tuổi 60): “Em đã hát như một thời thơ dại/Giọng khàn đi vì tiếng hát câu cười/Ru giấc mơ của những nhà vô địch/Ru nỗi buồn, ru cả những niềm vui”…

Câu đầu trong đoạn điệp khúc của bài “Mùa hè nước Ý” có đoạn: “Những đêm huyền ảo/Dõi theo những bàn thắng/Dưới bầu trời mùa hè nước Ý/Và trong đôi mắt em/Ánh lên khát khao chiến thắng/Mùa hè, một cuộc phiêu”. Cho đến nay, “Mùa hè nước Ý” (nhạc sĩ Giorgio Moroder sáng tác năm 1990) được coi là bài hát về World Cup hay nhất mọi thời đại.

TRƯƠNG ANH NGỌC (từ Roma, Italia)

Vì lẽ đó, không có gì lạ khi một số nhân vật trong làng bóng lục địa già – Michel Platini – manh nha ý định tẩy chay World Cup và ngay cả khi điều này không trở thành sự thực đi chăng nữa thì World Cup cũng đang có nguy cơ xuống giá hơn bao giờ hết.

T17

Ngồi mát ăn bát vàng

Quần đảo Cayman, một trong số các vùng lãnh thổ hải ngoại của Vương quốc Anh, chỉ có diện tích vỏn vẹn 264 km2 – bằng khoảng 40 lần diện tích của một sân bóng đá tiêu chuẩn –  và dân số chưa đầy 60.000 người (còn chưa đủ để lấp đầy những SVĐ như Old Trafford hay Nou Camp) và thậm chí còn không phải là thành viên Liên hợp quốc cũng như nhiều tổ chức quốc tế khác. Nơi đây vốn chỉ được biết đến với tư cách một thiên đường thuế, du lịch cũng như là địa chỉ quen thuộc cho những ai có nhu cầu rửa tiền (dù rất nhỏ bé, Cayman lại là trung tâm tài chính lớn thứ 5 thế giới với sự hiện diện của gần 300 ngân hàng, trong đó có những cái tên lừng lẫy như HSBC, Deutsche Bank, UBS hay Goldman Sachs) và chẳng có chút liên hệ nào với bóng đá cả. ĐTQG Cayman hiện đang xếp thứ 191 trên BXH của FIFA và tất nhiên chưa từng gây được bất kỳ tiếng vang gì trong khuôn khổ các giải đấu dù là cấp khu vực. Nhưng kể từ năm 2002 đến nay thì FIFA đã đầu tư khoảng 2,2 triệu USD vào việc xây dựng trụ sở mới cho LĐBĐ Cayman cũng như hai sân bóng cỏ nhân tạo, vì thổ nhưỡng trên quần đảo nhỏ xíu này không phù hợp để trồng nhiều cỏ tự nhiên.

Sự nhiệt tình của FIFA không phải xuất phát từ việc Jeffrey Webb, người từng đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch FIFA và đã có lúc được coi là ứng viên hàng đầu để thế chỗ Sepp Blatter trên cương vị chủ tịch, là một công dân Cayman. Đó là cả một chiến lược của FIFA nhằm lấy lòng những quốc gia nhỏ, những nước hầu như không có bất kỳ tiếng nói gì trong làng túc cầu quốc tế và chỉ biết trông cậy vào sự ban phát quyền lợi của Blatter và các cộng sự. Đơn cử, Bob Kumar – GĐĐH LĐBĐ Fiji – từng tuyên bố “Chúng tôi ủng hộ FIFA, ủng hộ Blatter. Chúng tôi chẳng quan tâm đến những cáo buộc tham nhũng mà người ta đang nói đến” ngay sau khi 7 quan chức FIFA bị bắt giữ tại Zurich. Không ủng hộ cũng không được, bởi toàn bộ khoản kinh phí dùng cho việc phát triển bóng đá của đảo quốc này là do FIFA cấp phát (2,5 triệu USD chỉ tính từ năm 2011 đến nay). Đến thời điểm này mà nói thì chiến lược của Blatter là rất thành công…

Làm nhiều, hưởng ít

Châu Âu là nơi tập trung những ngôi sao sáng nhất, những giải đấu có doanh thu cao nhất, được nhiều người theo dõi nhất (không tính World Cup) trong làng bóng đá thế giới. 26 cầu thủ lọt vào danh sách bầu chọn Quả bóng vàng FIFA 2014 đều đang chinh chiến tại châu Âu, Champions League là đấu trường cấp CLB hấp dẫn nhất hành tinh và 4/5 nhà vô địch thế giới gần nhất (Đức, Pháp, Italia, Tây Ban Nha) đều đến từ lục địa già. Không chỉ có thế, châu Âu còn là nơi đóng góp nhiều nhất vào khoản thu nhập khổng lồ của FIFA trong mỗi kỳ World Cup. FIFA đã kiếm được tổng cộng 4 tỷ USD từ World Cup 2014, trong đó 1,7 tỷ đến từ việc bán bản quyền truyền hình, 1,4 tỷ là từ các nhà tài trợ và khoảng 900 triệu USD còn lại xuất phát từ hoạt động nhượng quyền thương mại (cho phép các hãng trò chơi điện tử, các công ty sản xuất đồ lưu niệm… được sử dụng logo và bản quyền hình ảnh của thương hiệu FIFA World Cup trên sản phẩm). Trong 1,7 tỷ USD doanh thu bán bản quyền truyền hình thì lại có khoảng 900 triệu USD (chiếm hơn 50%) đến từ các nhà đài châu Âu, trong khi gần 4,5 tỷ cư dân châu Á chỉ có thể mang lại cho FIFA khoảng 400 triệu USD tiền bản quyền truyền hình mà thôi.

Nói một cách hình ảnh, trong “công ty FIFA” thì “phòng UEFA” là nơi giàu có nhất, kiếm được nhiều tiền nhất, nhưng sự đóng góp ấy lại không đi kèm với quyền phát ngôn. Với cơ chế bầu cử hiện tại, một lá phiếu của Cayman, Fiji, quần đảo Virgin hay Samoa cũng có sức nặng chẳng kém gì phiếu bầu của Anh, Đức, TBN hay Pháp. Các nước nhỏ vừa nhiều, lại vừa dễ bị mua chuộc và sự ủng hộ của họ là quá đủ để Blatter nói riêng hay FIFA nói chung đưa mọi thứ đi theo hướng mà mình mong muốn, bất chấp sự phản đối (nếu có) của các “ông lớn”. Chẳng những không có nhiều tiếng nói, một phần thu nhập do UEFA kiếm được còn bị FIFA mang đi phân bổ lại cho những LĐBĐ nghèo. UEFA không nổi điên mới là lạ.

World Cup mất giá?

Trước áp lực từ phía UEFA (công khai ủng hộ hoàng tử Ali bin Al-Hussein trong cuộc chạy đua đến chức Chủ tịch FIFA), Blatter đã phải tạm thời nhượng bộ và tuyên bố không động đến số vé tham dự World Cup của châu Âu (trước đó ông này từng có ý định cải cách cơ chế thi đấu vòng loại để đảm bảo cho châu Đại Dương có một vé vào thẳng VCK World Cup và châu Âu có thể phải nhường ra một suất). Tuy nhiên chừng đó có vẻ là chưa đủ để xoa dịu cơn thịnh nộ của giới bóng đá lục địa già. Trong một cuộc họp của 54 thành viên UEFA diễn ra cách đây vài ngày, Allan Hansen -thành viên Hội đồng điều hành UEFA – đã đề cập đến khả năng tổ chức một giải đấu “Euro mở rộng” (mời thêm Brazil, Argentina, Uruguay hay Colombia tham dự) diễn ra 2 năm/lần để cạnh tranh với World Cup. Đó có lẽ là một quan điểm có phần cực đoan và nó không nhận được sự đồng thuận từ phía Chủ tịch UEFA Michel Platini – người đồng thời cũng khẳng định sẽ không yêu cầu các ĐTQG châu Âu tẩy chay World Cup 2018 – nhưng sự bất mãn của các nhà điều hành bóng đá châu Âu là rất rõ ràng.

Trong bối cảnh đó, World Cup 2018 rất có thể sẽ không nhận được nhiều sự chú ý như các  kỳ World Cup trước, đặc biệt là khi nó được tổ chức tại Nga – một quốc gia vốn vẫn tồn tại nhiều khoảng cách với các nước Tây Âu – và lại đang dính vào scandal cưỡng bức lao động. Phía Nga đã công khai bày tỏ ý định sử dụng sức lao động của tù nhân vào các công việc phục vụ World Cup như là một phương án nhằm tiết kiệm chi phí nhân công, nhưng có nhiều cáo buộc cho rằng nhà chức trách Nga yêu cầu những tù nhân này phải làm việc trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt (lao động 16-17 tiếng ngày và cứ 1 tháng rưỡi mới có một ngày nghỉ). Cần nhớ rằng bóng đá châu Âu vốn chưa bao giờ tách rời hoàn toàn khỏi chính trị (năm 1978, Johan Cruyff từng từ chối tham dự VCK World Cup tại Argentina để phản đối chế độ độc tài tại quốc gia Nam Mỹ này) và nếu NHM Tây Âu cũng như Bắc Mỹ  – nơi có quan hệ thân thiết với Tây Âu và xa cách với Nga – không dành nhiều sự quan tâm đến World Cup 2018 thì đó sẽ là một kỳ World Cup “mất giá” hơn bao giờ hết.

Kể cả khi World Cup 2018 giữ được mức thu nhập từ bản quyền truyền hình ngang bằng với World Cup 2014 thì đó cũng không còn là một con số vượt trội so với doanh thu của Premier League, Champions League hay VCK Euro. Căn cứ trên bản hợp đồng truyền hình mới (có hiệu lực từ mùa giải 2015/16) thì Premier League sẽ kiếm được xấp xỉ 2 tỷ bảng (tương đương khoảng 3 tỷ USD)/mùa từ các nhà đài, tức cao gần gấp đôi so với những gì mà FIFA nhận được trong một kỳ World Cup. Cũng từ mùa 2015/16 thì nguồn thu từ truyền hình của Champions League sẽ đạt mức 1,5 tỷ euro (1,8 tỷ USD)/mùa, tức ngang bằng với World Cup còn dự kiến VCK Euro 2016 sẽ mang lại khoản thu 1,1 tỷ euro (1,3 tỷ USD) từ truyền hình (nhưng nên nhớ là số trận đấu ở Euro ít hơn nhiều so với World Cup).

QUANG HẢI

gettyimages-47514069200000

Với những diễn biến mới nhất thì có vẻ như vị trí của Blatter tạm thời chưa bị đe doạ quá nghiêm trọng và sẽ chưa có thay đổi gì quá lớn trong cơ chế vận hành của FIFA.

Gần 20 năm tại vị đã giúp Sepp Blatter đặt dấu ấn sâu đậm lên FIFA và thực ra tương lai của FIFA cũng chính là tương lai của Blatter. Nếu như hoàng tử Ali bin Al-Hussein giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa rồi thì hầu như chắc chắn ông sẽ thực thi cải cách ở thượng tầng FIFA, mà đầu tiên là yêu cầu xem xét lại các chiến dịch vận động đăng cai World Cup 2018 và 2022. Còn thắng lợi của Blatter cũng có nghĩa là các “nhóm lợi ích” liên quan đến ông này sẽ tiếp tục được bảo vệ (dẫn chứng là vào cuối năm 2014, FIFA từng nhận được một bản báo cáo nội bộ do cựu công tố viên Michael Garcia cung cấp, tuy nhiên chỉ có 42 trang/350 trang báo cáo được FIFA công bố chính thức để tránh gây ảnh hưởng đến Nga và Qatar). Hiện tại Blatter vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi tâm bão: theo nguồn tin từ văn phòng Bộ Tư pháp Thuỵ Sĩ thì Blatter và 9 quan chức FIFA nữa sẽ bị giới chức Thuỵ Sĩ thẩm vấn để phục vụ cuộc điều tra về việc mua phiếu bầu World Cup 2018 và 2022 (trong số 9 cái tên còn lại có Michel Platini, người sẽ ở lại Zurich ngay cả khi đại hội đồng FIFA đã chấm dứt nhằm tạo thuận lợi cho công tác điều tra). Tuy nhiên sẽ là sai lầm nếu như cho rằng chừng đó là đủ để đánh gục Blatter.

Ở thời điểm này, Blatter đang phải đối mặt với ba thách thức chính. Một là cuộc điều tra của phía Mỹ về nghi án nhận hối lộ và rửa tiền, hai là sự quay lưng của UEFA (chính xác hơn là một số thành viên chủ chốt trong tổ chức này) và ba là thái độ hoài nghi của nhiều nhà tài trợ, những người đã rót hàng tỷ USD vào FIFA trong vài năm vừa qua. Nhưng với những gì vừa xảy ra trong vài ngày trở lại đây, dường như mối đe doạ nhằm vào Blatter nói riêng hay cấu trúc quyền lực hiện tại của FIFA không lớn như nhiều người từng lầm tưởng.

Người Mỹ cần thêm thời gian

Mục tiêu của người Mỹ có vẻ như không dừng lại ở nhóm quan chức FIFA vừa bị bắt giữ tại Zurich. Những nhân vật có liên quan đến hoạt động điều tra đều lần lượt khẳng định rằng “đây là một vụ án lớn, rất lớn, có lẽ là nghiêm trọng bậc nhất trong lịch sử của nhóm tội phạm cổ trắng” hoặc “mọi thứ vẫn chưa dừng lại ở đây, sẽ còn có thêm những con cá nữa lọt lưới”. Theo nhận định của giáo sư Stefan Szymanski (ĐH Michigan, Mỹ)  Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đang hy vọng khai thác được thêm thông tin từ những Jack Warner hay Nicolas Leoz, qua đó sử dụng họ như là điểm đột phá trong công tác điều tra (giống như cái cách mà Chuck Blazer từng khai ra những hành vi phi pháp của các cựu đồng nghiệp ở FIFA). “Nếu họ không muốn trải qua phần còn lại của cuộc đời trong cảnh tù tội thì phải hợp tác với cơ quan tư pháp, ví dụ như làm rõ hơn những nghi vấn xung quanh hoạt động của FIFA hoặc cung cấp thêm thông tin về hành vi phạm pháp của những quan chức cấp cao khác, Blatter chẳng hạn” – Szymanski phát biểu. Đúng là có những điều mà phía Mỹ cần làm rõ, chẳng hạn như ai là người đã phê duyệt chuyển món tiền 10 triệu USD từ tài khoản ngân hàng của FIFA tại Thuỵ Sĩ vào một tài khoản của Bank of America New York do Jack Warner kiểm soát (Blatter khẳng định đó không phải là mình), nhưng việc dẫn độ những quan chức vừa bị bắt tại Thuỵ Sĩ về Mỹ sẽ đòi hỏi thời gian vài tháng và không có gì đảm bảo là người Mỹ sẽ có được những thông tin mà họ mong muốn. Ngay cả Chủ tịch LĐBĐ Anh Greg Dyke cũng phải thừa nhận rằng gây áp lực lên cá nhân Blatter là điều gần như bất khả thi và một giải pháp hấp dẫn hơn là kêu gọi các LĐBĐ khác cùng tạo áp lực lên FIFA. Nhưng nội bộ của UEFA cũng không phải là bền chắc như thép…

UEFA phân hoá nội bộ

Sự phân bổ lực lượng trong cuộc bầu cử Chủ tịch FIFA vừa qua là tương đối rõ ràng. Về cơ bản thì các quốc gia châu Á, châu Phi, Nam Mỹ và Caribe nghiêng về phía Blatter trong khi châu Âu và Bắc Mỹ dành sự ủng hộ cho Ali bin Al-Hussein. Tuy nhiên ngay cả trong nội bộ UEFA cũng vẫn có những sự phân hoá nhất định, mà minh chứng là đã có tới 18/53 thành viên UEFA lựa chọn Blatter bất chấp những lời hiệu triệu của Michel Platini về việc dồn phiếu cho hoàng tử Ali. Trong số các lá phiếu ủng hộ Blatter có phiếu của Nga (dĩ nhiên) cùng với một số nước láng giềng Đông Âu, ngoài ra còn có Thổ Nhĩ Kỳ, Đảo Síp, Phần Lan và kể cả Tây Ban Nha, Pháp. Chủ tịch LĐBĐ TBN (RFEF) Angel Maria Villar Llona vốn là một đồng minh thân cận của Blatter nên việc RFEF bỏ phiếu cho ngài Chủ tịch sắp mãn nhiệm cũng không phải là chuyện gì quá đáng ngạc nhiên. Nhưng còn Pháp? Nên nhớ đó là quê hương của Platini, người từng nhiều lần lên tiếng đòi Blatter từ chức cũng như đe doạ dẫn đầu các quốc gia châu Âu tẩy chay World Cup. Theo như giải thích của Chủ tịch LĐBĐ Pháp (FFF) Noel Le Graet thì lá phiếu mà FFF dành cho Blatter là để đền đáp lại việc FIFA trao quyền đăng cai World Cup bóng đá nữ 2019 cho Pháp. “Đó là một nghĩa vụ” – lời Le Graet. Khoan hãy bàn về mức độ đáng tin cậy trong các phát ngôn của giới chức bóng đá Pháp (Platini cũng dính vào nghi vấn ủng hộ Qatar đăng cai World Cup 2022 để đổi lấy việc quốc gia vùng Vịnh này ký hàng loạt hợp đồng nhập khẩu vũ khí từ Pháp, nên những lời kêu gọi Blatter từ chức có thể chỉ là “chiêu trò” của ngài Chủ tịch UEFA), có thể nhận thấy một sự thực là người Anh đang tương đối đơn độc trong những nỗ lực lật đổ Blatter. Các nhà điều hành bóng đá châu Âu sẽ nhóm họp vào cuối tuần này tại Berlin nhằm bàn thảo kỹ lưỡng hơn, nhưng khi mà Chủ tịch LĐBĐ Đức Wolfgang Niersbach đã tuyên bố “Tẩy chay World Cup không phải là một hành động đúng đắn” thì có lẽ cuộc họp sắp tới cũng không giải quyết được gì.

Các nhà tài trợ cần World Cup

Áp lực từ phía các nhà tài trợ cũng từng được coi là một mối nguy tiềm tàng đối với vị trí Chủ tịch của Blatter. Ngay sau những tin tức về cuộc bắt giữ ở Zurich xuất hiện trên mặt báo, một số nhà tài trợ đã lên tiếng bày tỏ sự quan ngại. Trong đó hãng dịch vụ tài chính VISA (chiếm tới hơn 40% thị phần thẻ tín dụng trên toàn thế giới) tỏ ra nặng lời nhất khi tuyên bố “Nếu FIFA không thay đổi, chúng tôi sẽ cân nhắc lại việc rót tiền tài trợ”. Tuy nhiên theo như tiết lộ của Andrew Woodward, cựu Giám đốc truyền thông của VISA, đó chỉ là một động tác giả nhằm đối phó với áp lực dư luận Mỹ (VISA là một doanh nghiệp Mỹ). “Các nhà tài trợ không cần FIFA, nhưng họ cần thông qua thương hiệu FIFA World Cup để tiếp cận với người tiêu dùng” – lời Woodward. Đơn cử, nhờ có FIFA mà Budweiser mới được phép bán bia tại các SVĐ ở Brazil trong quãng thời gian diễn ra World Cup 2014 và doanh số của hãng này đã tăng trưởng tới 4,3% trong năm vừa qua. Herber Hainer, CEO của Adidas, cho biết doanh số của nhà sản xuất trang phục thể thao này đã tăng tới hơn 20% trong năm 2014 và tất nhiên lý do chính là nhờ World Cup. “Tôi sẽ hỏi những gã đang có ý định chấm dứt hợp đồng tài trợ với FIFA xem liệu họ có bị điên không. FIFA World Cup là thương hiệu phổ biến nhất thế giới, mọi người đều quan tâm đến nó và họ chẳng cần biết liệu trong nội bộ FIFA có xảy ra tham những hay không” – vẫn lời Woodward. Tóm lại, mối bận tâm hàng đầu của các nhà tài trợ này vẫn là lợi nhuận và chừng nào World Cup còn mang lại tiền cho họ thì họ vẫn chưa cần thiết phải ngừng hợp tác với FIFA. Và chiếc ghế của Blatter sẽ vững hơn đôi chút, nhưng thiết tưởng cũng cần phải nhắc lại rằng World Cup 2018 và 2022 chưa chắc đã mang lại giá trị thương mại cao như những VCK trước đó…

Kỳ 5: Khi World Cup có nguy cơ mất giá.

QUANG HẢI

t17

Trông cả vào Blatter

Bất chấp những tai tiếng xung quanh vụ 7 quan chức FIFA bị bắt giữ vài ngày trước, bất chấp áp lực dữ dội từ giới bóng đá cũng như chính trị Tây Âu (Chủ tịch UEFA Michel Platini, Thủ tướng Anh David Cameron đều lên tiếng kêu gọi Blatter từ chức), bất chấp thái độ hoài nghi từ nhiều nhà tài trợ (Visa, Nike, Coca-Cola, Hyundai), Sepp Blatter vẫn giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Chủ tịch FIFA diễn ra vào chiều ngày 29/5 theo giờ địa phương. Tuy nhiên vụ scandal hối lộ vừa bùng phát không phải là không có ảnh hưởng: với chỉ 133 phiếu ủng hộ, Blatter không thể giành được 2/3 số phiếu trong vòng bầu cử đầu tiên và mặc dù hoàng tử Jordan Ali bin Al-Hussein (73 phiếu) đã rút lui ở vòng thứ hai thì đó vẫn là một thắng lợi khó khăn đối với ông già 79 tuổi người Thuỵ Sỹ.

Lần đầu tiên kể từ năm 1998, Blatter mới lại phải trải qua một màn so kè căng thẳng như thế. Năm 2002, ngay cả khi 11 quan chức FIFA mà đại diện là Tổng thư ký Michel ZenRuffinen cáo buộc Blatter đã lạm dụng quyền lực và gian lận tài chính ngay trước thềm đại hội thì ông này vẫn giành được 139/195 phiếu để đánh bại Issa Hayatou ngay từ vòng bỏ phiếu thứ nhất. Vào các năm 2007 và 2011 thì thậm chí còn không có ứng viên nào tham gia chạy đua cùng Blatter và ông nghiễm nhiên tái đắc cử ghế Chủ tịch FIFA.

Kết quả này sẽ là một liều thuốc an thần tạm thời đối với Nga và Qatar, hai nước chủ nhà của hai kỳ World Cup kế tiếp, bởi Blatter đã rất nhiều lần khẳng định sẽ không thay đổi quốc gia đăng cai World Cup 2018 và 2022 chừng nào mình còn tại vị. Tuy nhiên vị trí Chủ tịch của Blatter cũng chưa phải là đã an toàn tuyệt đối và khi mà thân mình còn khó giữ thì cũng không có gì bảo đảm là Blatter sẽ giữ được World Cup 2018 và 2022 ở lại với Nga và Qatar.

Cuộc điều tra còn chưa kết thúc

Như nhận định của nhiều đại biểu có mặt trong cuộc họp, vị thế của Blatter đang trở nên mong manh hơn và chưa chắc ông này đã có thể ngồi ghế Chủ tịch thêm 4 năm nữa bởi FIFA đang phải đối mặt với ít nhất 2 cuộc điều tra. Một mặt, phía Mỹ sẽ tiếp tục mở rộng điều tra nghi án nhận hối lộ & rửa tiền mà ít nhất 9 quan chức và cựu quan chức FIFA có dính líu, và một khi những người vừa bị bắt được dẫn độ về Mỹ (dự kiến sẽ mất khoảng 2 tháng) thì không loại trừ khả năng vụ án sẽ có bước tiến mới và ngay cả những nhân vật cấp cao nhất ở FIFA cũng có thể bị “sờ gáy” (nên nhớ là việc Chuck Blazer, cựu PCT FIFA, nhận tội vào năm 2013 đã giúp công tác điều tra đạt được những tiến triển đáng kể). Richard Weber, trưởng bộ phận điều tra tội phạm của Sở Thuế vụ Hoa Kỳ, tiết lộ: “Tôi khá tự tin rằng sẽ còn có thêm nhiều kẻ nữa bị kết tội”.

Mặt khác, văn phòng Bộ Tư pháp Thuỵ Sỹ cho biết họ sẽ phối hợp với cảnh sát nước này thẩm vấn 10 nhân vật từng giữ chức thành viên Hội đồng điều hành FIFA (ExCo) vào năm 2010, những người đã tham gia bỏ phiếu lựa chọn quốc gia đăng cai World Cup 2018 và 2022. Nếu xuất hiện những bằng chứng cho thấy rằng các cuộc bỏ phiếu này đã bị thao túng thì khả năng World Cup 2018 và 2022 phải tìm kiếm một nước chủ nhà mới cũng không phải là nhỏ.

Người Nga tự tin

Câu hỏi tiếp theo được đặt ra là trong số hai quốc gia vừa nêu, Nga và Qatar, thì nước nào có nguy cơ “mất World Cup” cao hơn? Các quan chức Nga dường như tỏ ra khá tự tin. “Tôi không thấy có bất kỳ mối đe doạ nào đối với quyền đăng cai World Cup của Nga cả” – Bộ trưởng Thể thao Nga Vitaly Mutko phát biểu. Và họ đúng là họ có lý do để tự tin. Chỉ còn 3 năm nữa là đến thời điểm diễn ra World Cup 2018 nên việc tìm kiếm một nước chủ nhà mới là điều không hề dễ dàng và những chiếc máy tính mà phái đoàn Nga sử dụng trong quá trình vận động đăng cai đã bị phá huỷ toàn bộ (nên muốn truy tìm bằng chứng gì cũng khó). Theo lời Alexey Sorokin, Trưởng Ban Tổ chức World Cup 2018 của Nga, thì “Những chiếc máy tính đó là do chúng tôi đi thuê, và sau khi dùng xong thì chúng tôi phải trả lại cho chủ sở hữu. Chúng vốn thuộc về các trường đào tạo thể thao và nếu họ có lỡ tay làm hỏng chúng thì cũng là điều dễ hiểu” (!).

Ngoài ra, quá trình vận động đăng cai World Cup của Nga cũng tồn tại ít nghi vấn hơn Qatar. Trong số những quan chức bị bắt giữ lần này có Jack Warner và Nicolas Leoz, hai thành viên ExCo vào thời điểm năm 2010, nhưng cả hai đều không bỏ phiếu cho Nga và vì thế khó có thể nói rằng Nga đã mua chuộc Warner hay Leoz. Người Nga thừa nhận rằng chiến thắng của họ là một bất ngờ, nhưng bất ngờ ấy đến từ mối quan hệ tốt đẹp giữa các nhà quản lý bóng đá Nga với Sepp Blatter. Vyacheslav Koloskov, Chủ tịch LĐBĐ Nga, từng là thành viên ExCo trong giai đoạn 1979-2005 và từng thường xuyên chơi tennis cùng Sepp Blatter (cũng là thành viên Exco từ 1981-1998) khi cả hai còn trẻ.

Quan trọng nhất, Vitaly Mutko – từng giữ chức Phó Thị trưởng thành phố St.Petersburg cùng với đương kim Tổng thống Vladimir Putin trong giai đoạn 1994-1996 đã đóng vai trò chất xúc tác để hâm nóng lại mối quan hệ giữa Putin với FIFA (ông Putin đã trực tiếp gặp hơn 1/2 số thành viên ExCo – nhiều nhất trong số nguyên thủ của các quốc gia chạy đua đăng cai). Vì thế, có lẽ Nga không cần đến quá nhiều giao dịch mờ ám để giành được quyền tổ chức World Cup và ngay cả khi chúng có tồn tại đi chăng nữa thì – như đã nói – cũng rất khó bị phát hiện.

Qatar lo lắng

Tuy nhiên Qatar thì lại không có được vị thế vững chắc như thế. Ngay từ khi quốc gia vùng Vịnh này chiến thắng trong cuộc chạy đua đăng cai thì đã xuất hiện các nghi vấn hối lộ quanh chiến dịch vận động của Qatar. Mohamed Bin Hammam, cựu Chủ tịch LĐBĐ châu Á, cựu thành viên ExCo và là một nhân vật chủ chốt trong việc đưa World Cup 2022 về Qatar, đã bị cấm tham gia hoạt động bóng đá suốt đời kể từ năm 2012 vì dính líu đến việc đưa và nhận hối lộ.

Đến bây giờ thì sự nghi ngờ càng trở nên lớn hơn, và như Ghanem Nuseibeh – giám đốc Cornerstone Global Associates, một công ty tư vấn về rủi ro chính trị tại Trung Đông – nhận định thì: “Đây là thời điểm khó khăn nhất kể từ khi World Cup 2022 được trao cho Qatar. Và áp lực sẽ càng ngày càng nặng nề”. Khác với trường hợp của Nga, cả Jack Warner và Nicolas Leoz – những gương mặt sắp sửa dính vào vòng lao lý – đều đã bỏ phiếu cho Qatar. Trong đó Warner bị cho là đã nhận 1,2 triệu USD từ Kemco, một công ty do Bin Hammam nắm quyền kiểm soát, để đổi lấy phiếu bầu, ngoài ra Kemco cũng phải trả cho hai con trai của Warner, Daryan và Daryll, thêm 1 triệu USD nữa. Cả Daryan và Daryll Warner đều đã nhận tội gian lận, rửa tiền và thực hiện các giao dịch tài chính phi pháp trước cơ quan tư pháp Mỹ vào năm 2013 và gần như chắc chắn ông bố Jack của họ sẽ không thể thoát tội. Leoz thì yêu cầu phía Qatar thanh toán 2 triệu USD và ký với Paraguay một bản hợp đồng năng lượng trị giá hơn 1,6 tỷ USD (Sheikh Hamad của Qatar và Tổng thống Paraguay Fernando Lugo đã ký vào tháng 8/2010).

Nếu như giới chức Mỹ và Thuỵ Sỹ chứng minh được rằng Warner và Leoz có tội thì gần như chắc chắn tư cách chủ nhà của Qatar sẽ bị xem xét lại. Ngoài ra, trong số 10 cựu thành viên ExCo 2010 mà Thuỵ Sỹ muốn thẩm vấn thì Michel D’Hooghe, Angel Maria Villar Llona, Worawi Makudi và Issa Hayatou đều đang bị nghi ngờ nhận hối lộ và trọng lượng của các lá phiếu mà họ đã bỏ đương nhiên sẽ giảm đi đáng kể. Cũng giống như cơ hội giữ World Cup 2022 ở lại với Qatar…

Một số nhà cái đã bắt đầu đưa ra tỷ lệ cược cho nước chủ nhà mới của World Cup 2022. Tất nhiên Qatar vẫn là ứng cử viên hàng đầu, nhưng dựa trên tỷ lệ cược của Ladbrokes thì cơ hội của Mỹ (đặt 2 ăn 7) hay Australia (đặt 1 ăn 9) cũng không phải là quá nhỏ nhoi. Theo tỷ lệ cược của Betfair thì xác suất Qatar đăng cai World Cup 2022 thậm chí chỉ còn là 50/50 mà thôi. Một bản báo cáo mới được công bố ngày 27/5 của ngân hàng đầu tư JPMorgan Cazenove cũng cho rằng các tình tiết của cuộc điều tra tại FIFA chưa được công bố toàn bộ và một khi tất cả được đưa ra ánh sáng thì Qatar sẽ mất quyền tổ chức World Cup 2022.

QUANG HẢI

(Đón đọc kỳ 4: Tương lai nào cho FIFA?)