22h00 (20/9), Southampton – Man Utd: Phản công dễ đâm “Quỷ đỏ”

Sau chiến thắng Liverpool và thua PSV Eindhoven, Man Utd sẽ khép lại một tuần nặng nề bằng chuyến đi lành ít, dữ nhiều tới sân St Mary’s.

Cầm bóng kiểu “Quỷ đỏ”

Luke Shaw gãy chân, Man Utd buộc phải thay đổi. Vì Louis van Gaal nhiều khả năng sẽ giữ nguyên cặp trung vệ Chris Smalling và Daley Blind đang thể hiện rất tốt ở Premier League, hậu vệ đa năng Marcos Rojo sẽ được điều ra biên trái. Đồng thời ở tuyến giữa, Morgan Schneiderlin cùng Michael Carrick sẽ trám chỗ của Ander Herrera và Bastian Schweinsteiger, song vấn đề chỉ do thể lực. Còn ở tuyến trên, Wayne Rooney sẽ trở lại đá chính.

Phản công dễ đâm “Quỷ đỏ”

Nhưng dù có xáo trộn về nhân sự, tư tưởng của “Quỷ đỏ” vẫn không thay đổi, cho dù chủ trương cầm bóng nhiều của Van Gaal thường xuyên gây tranh cãi. Bằng chứng là trong chiến thắng Liverpool tuần trước, Man Utd cầm bóng vượt trội ở hiệp đầu, nhưng tỏ ra đáng gờm hơn hẳn ở hiệp 2 khi cầm ít bóng hơn. Dù vậy, Van Gaal lại cho rằng đội nhà “đá hiệp 1 tốt hơn”, ngay cả khi không tạo nhiều cơ hội. Vì vậy, họ sẽ tới St.Mary cũng với mục tiêu nắm quyền kiểm soát bóng. Vấn đề là ý tưởng đó có giúp họ làm chủ được tình hình?

Bởi lẽ, giữ bóng nhiều không đồng nghĩa với kiểm soát tốt các khoảng trống, vì để làm được điều sau còn cần có tốc độ cao. Nhưng qua các trận thua Swansea và PSV, Man Utd rõ ràng đang thiếu yếu tố ấy do họ đều cầm bóng nhiều hơn, nhưng dễ dàng sụp đổ khi đối phương phản công. Nguyên nhân không khó giải thích: Man Utd giữ bóng nhiều hơn, nhưng đối phương khai thác các khoảng trống tốt hơn.

Điều trớ trêu là các khoảng trống ấy chỉ lộ ra khi Man Utd có bóng. Bởi đấy là lúc các học trò của Van Gaal di chuyển ngay đến những vị trí hỗ trợ tấn công. Khi đó, các hậu vệ biên đồng loạt dâng cao, các tiền vệ trung tâm di chuyển tới những vị trí thuận lợi nhận bóng, trong lúc toàn bộ đội hình ngay lập tức chuyển từ tư thế phòng thủ sang tấn công. Đây chính là lúc các khoảng trống lộ ra, vì lúc đối phương phản công chính là khi các cầu thủ Man Utd đều không ở vị trí sẵn sàng phòng ngự.

Schneiderlin chống “Các vị Thánh”

Swansea từng đánh gục Man Utd từ tình huống như vậy, và Southampton đủ sức để làm điều tương tự. Đến đây có lẽ cần nhắc lại 1 bàn thua của “Quỷ đỏ” trước “Thiên nga”, khi Rooney để mất bóng và các hậu vệ biên đang đứng sai vị trí còn cặp tiền vệ phòng ngự đều bị chia cắt, Swansea tận dụng tốc độ chiếm lĩnh các khoảng trống để chỉ cần 3 đường chuyền là đủ bóng nằm gọn trong lưới.

Phản công dễ đâm “Quỷ đỏ”

Bàn mở tỷ số của Southampton trước Norwich càng khẳng định sự nguy hiểm của “Các vị Thánh”, khi Norwich đang lùi sâu đội hình về sân nhà, nghĩa là không phải điều kiện lý tưởng để phản công. Vậy mà chỉ cần một đường chuyền chính xác, James Ward-Prowse đã đặt Sadio Mane vào vị trí thuận lợi trong vùng 16m50 trước lúc anh tạt bóng cho Graziano Pelle ghi bàn. Tình huống ấy chứng tỏ HLV Ronald Koeman đang nắm trong tay những tiền vệ giàu kỹ thuật cùng các tiền đạo và cầu thủ chạy cánh có tốc độ cao giúp Southampton phản công rất sắc bén.

Dĩ nhiên, Man Utd chẳng phải là không có biện pháp hóa giải, và thú vị vì đấy chính là Morgan Schneiderlin vừa rời Southampton ở hè 2015. Tính tới nay, Schneiderlin là tiền vệ đánh chặn hay nhất của Man Utd ở Premier League với số pha cắt bóng mỗi trận cao hơn tất cả, chuồi bóng thành công cũng cao hơn hết, chưa kể tỷ lệ chuyền bóng chính xác 90% nghĩa là anh để mất bóng ít nhất và hiếm khi tạo cơ hội cho đối phương phản đòn.

Do đó, Schneiderlin xứng đáng nhận được sự tin cậy để che chắn bộ tứ phòng thủ ở St Mary’s. Chỉ có điều là trước các cầu thủ tấn công có tốc độ cao như Shane Long, Sadio Mane và Pelle, trách nhiệm của Schneiderlin thật sự rất nặng nề. Nếu anh hoàn thành nhiệm vụ, Man Utd sẽ trở thành đối thủ đáng gờm nhất uy hiếp ngôi đầu của CLB cùng thành phố. Nhưng nếu anh thất bại, đấy là lúc Van Gaal buộc phải cân nhắc lại triết lý bóng đá lạ lùng của ông.

tttt

Minh Châu