Bóng đá Đức: Bồi đắp trẻ, đẻ ra Cúp

Muốn ĐTQG thành công, điều kiện cần là có đội ngũ giàu tài năng cùng lực lượng kế thừa nhiều triển vọng. Đức đang làm được điều đó nhờ tầm nhìn cùng tâm huyết của một “kiến trúc sư” âm thầm xây dựng chiến lược phát triển trẻ quy mô và lâu dài, bất chấp mọi rào cản.

Không lo trước, ắt họa sau

Câu chuyện bắt đầu từ lúc ĐT Tây Đức đang làm mưa, làm gió ở thập niên 70, khi Dietrich Weise – một HLV trẻ thời đó bỗng tự hỏi: tại sao đến nay, các đội trẻ nước nhà chưa kiếm nổi danh hiệu nào? Weise tâm sự: “Đức chưa hẳn là bá chủ châu Âu, nhưng việc không có bất cứ đại diện nào vào đến chung kết các giải trẻ thật đáng lo ngại. Tôi tin rằng đó là do chính sách của LĐBĐ Đức (DFB). Cỗ máy khổng lồ này có đại diện ở mọi vùng, nhưng ai cũng chỉ chọn cầu thủ họ thích. Vì tác động từ con người hoặc hoàn cảnh, không thiếu cầu thủ giỏi bị bỏ rơi”.

Bồi đắp trẻ, đẻ ra Cúp

Vậy là từ lúc được DFB bổ nhiệm làm HLV đội trẻ năm 1978, Weise không ngại săn lùng tài năng cả ở những nơi “khỉ ho, cò gáy” và chịu khó xem hàng trăm trận bóng trẻ khắp mọi miền đất nước, chưa kể còn âm thầm dự khán các buổi tập. Weise thú nhận: “Có lúc tôi phải quan sát một cầu thủ tới 5 lần, rồi ghi nhận hết vào hồ sơ”. Song song đó, ông còn yêu cầu ghi hình mọi trận đấu chính thức của các đội trẻ – một quyết định chưa có tiền lệ, đồng thời mời các cầu thủ chuyên nghiệp như Klaus Allofs hỗ trợ tìm kiếm tài năng.

Tuy nhiên, Weise tiết lộ: “Bí quyết của tôi là chưa từng bảo mình đang chú ý tới cậu bé nào. Tôi muốn các cộng sự làm việc công tâm”.

Hệ thống của Weise vận hành cực tốt: Đức vô địch giải trẻ đầu tiên khi thắng Pháp ở chung kết U.18 EURO 1981, cùng năm đó còn đăng quang U.20 World Cup ở Úc. Những lứa cầu thủ ấy sau này khá thành công ở Bundesliga, gồm cả thế hệ vô địch World Cup 1990 như Lothar Matthaeus, Juergen Klinsmann, Thomas Berthold, Olaf Thon… Tiếc thay, thành quả của 3 năm đó không được lãnh đạo DFB đánh giá đúng mức, nên năm 1983, Weise ra đi. Hậu quả là ngoại trừ U.16 còn vô địch EURO 1984 và 1992, Đức không còn đại diện nào thành công ở các giải trẻ cho tới năm 2008.

World Cup 2006 đến đúng lúc

Công tác đào tạo trẻ chìm lắng mãi tới tháng 8/1996, khi HLV ĐTQG Berti Vogts hối thúc Chủ tịch DFB, Egidius Braun đừng chỉ quan tâm tới các đội trẻ, mà cần biệt phái HLV tới từng bang để tạo điều kiện phát triển tài năng cho những cậu bé không được CLB tiếp nhận. Thế nhưng, DFB bác bỏ đề nghị đó, vì cho rằng không thực tế, chưa kể cũng ngại thò tay vào công việc của các CLB hoặc LĐBĐ khu vực… Nhưng chợt nhớ ra Weise – lúc đó đang làm HLV tuyển Liechtenstein từng làm bóng đá trẻ thành công, Braun gọi điện xin một kế hoạch chi tiết có tính khả thi, bởi “Đức đang đăng cai World Cup 2006, nên cần có ĐTQG hùng mạnh nếu giành được quyền tổ chức”.

Bóng đá Đức: Bồi đắp trẻ, đẻ ra Cúp
Dietrich Weise (phải) chụp ảnh kỷ niệm với Chủ tịch Wolfgang Niersbach.

Lúc đó, tài năng cạn kiệt bị quy là vấn đề mang tính xã hội do bóng đá không còn sức hút bằng trò chơi điện tử hoặc các phòng tập gym tiện lợi hơn… Luật Bosman chào đời còn tạo ra dòng thác ngoại binh tràn vào Bundesliga, nên hạn chế cơ hội phát triển của cầu thủ trẻ bản xứ. Ngoài ra, hệ thống an sinh tuyệt vời khiến giới trẻ không xem thể thao như giải pháp đổi đời. Dù vậy, Weise vẫn tự tin: “Tôi bảo với Braun rằng Đức vẫn còn đủ tài năng, chẳng qua chúng ta chưa tìm được, cũng như chưa cho cầu thủ trẻ đủ thời gian chơi bóng”.

Sau đó, Weise đi thăm mọi liên đoàn và trao đổi với các HLV, kể cả ở những môn khác nhằm chứng thực ý tưởng. Trải qua 9 tháng nghiên cứu, họ nhận ra cầu thủ trẻ không vào được CLB chuyên nghiệp thường rơi vào ngõ cụt, ngay cả khi còn có sự hỗ trợ của các tổ chức. Vì nếu được các đơn vị này chiếu cố, họ còn có cơ hội được CLB tuyển dụng. Nhưng nếu không được quan tâm, họ coi như xong. Khổ nỗi, mối quan tâm ở mỗi nơi mỗi khác, tùy thuộc vào tài chính hoặc mối quan hệ. Hậu quả là bọn trẻ không được đối xử như nhau.
Vì thế, Weise kiến nghị thiết lập mạng lưới lên tới 115 trung tâm ở các vùng để phát hiện và phát triển tài năng trẻ với đối tượng là nhóm 13-17 tuổi. Đồng thời, Hiệp hội quốc gia chiếu cố bọn trẻ từ 11-12 tuổi. Đề nghị ấy được nêu ra vào mùa xuân 1998, nhưng DFB bác bỏ do quá tốn kém. Weise nhớ lại: “Tôi bảo với Braun là cần ít nhất 2,5 triệu DM (mark Đức, chỉ khoảng 825.000 bảng), vậy mà ông ấy nổi đóa và nhìn tôi bằng ánh mắt ‘hình viên đạn’: ‘Chúng tôi lấy đâu ra số tiền đó?’. Tôi giải thích là do cầu thủ trẻ cần có HLV giỏi. Hiện nay, dạy dỗ chúng chủ yếu là các ông bố, nhưng họ không có trình độ nên đừng xem đấy là biện pháp giải quyết vấn đề”.

Bừng tỉnh sau “cái tát” 1998

DFB chỉ bừng tỉnh khi Đức thua Croatia 0-3 ở World Cup 1998, trong lúc Pháp đăng quang nhờ cách làm học theo Weise ở thập niên 80. Vậy là 4 tuần sau “cái tát” ở Lyon, Weise nhận được 3,2 triệu DM (hơn 1 triệu bảng) để thiết lập 121 trung tâm ở các vùng với chương trình đạo tào mỗi tuần 1 lần trong 2 giờ cho 4.000 cậu bé từ 13-17 tuổi. Hiệp hội quốc gia cũng quản lý gần 10.000 trẻ dưới 12 tuổi. Tổng kinh phí đội lên 5,2 triệu DM/năm. PCT DFB Franz Beckenbauer từng xác nhận việc này: “Các kế hoạch từng nằm trong ngăn kéo một thời gian. Nay chúng tôi lấy ra và cải thiện chúng”.

Không chỉ vậy, Weise còn bôn ba tìm nơi thích hợp kéo dài mạng lưới săn tài năng tới tận những chốn “sơn cùng thủy tận”. Ông còn thuyết phục các địa phương dành đất xây sân, cũng như thuê cựu cầu thủ chuyên nghiệp làm HLV, cung cấp trang thiết bị và bao cả tiền xăng cho phụ huynh đưa rước con. Weise tuyên bố: “Ý tưởng của chúng tôi là trong phạm vi 25km, mọi người đều tìm được trung tâm đào tạo”. Tầm nhìn và tâm huyết như thế của Weise rõ ràng vượt hẳn người cùng thời, vì trong cuộc hội thảo năm 1999 quy tụ các HLV trẻ, chẳng ai quan tâm tới việc ông đang làm, phần nào do tất cả tin rằng đây là ý tưởng nói dễ, nhưng khó làm.

Do đó mãi tới vài tháng trước EURO 2000, Bundesliga mới đáp ứng chương trình hành động của Weise. Và đến mùa 2001/02, DFB tiến thêm một bước khi yêu cầu tất cả 18 CLB hàng đầu đều phải đầu tư vào bóng đá trẻ, nếu muốn tiếp tục có giấy phép thi đấu chuyên nghiệp cho mùa sau. Dĩ nhiên là trước đó, tiền vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất với các ý kiến chống đối đại loại như: “Tốn bao nhiêu? Có cần thật không?”. Nhưng khi Đức xếp chót bảng A của EURO 2000, tất cả phải nhìn về một hướng, đặc biệt do tháng 7 năm ấy, Đức được trao quyền tổ chức World Cup 2006.

Có thể đã không thấy Toni Kroos

Từ tháng 10/2000, guồng máy đào tạo trẻ vận hành mạnh mẽ khắp nước Đức. Ngay cả Bundesliga 2 cũng không đứng ngoài cuộc. Trong hai năm đầu, các CLB đầu tư tới 114 triệu euro (77,5 triệu bảng) cho các trường học. Hệ thống của DFB tăng lên tới 366 chi nhánh để hàng năm cử 1.300 HLV đào tạo cho 600.000 cậu bé ít nhất 1 lần. Ngân sách hoạt động lên tới 14 triệu euro, nhưng như Weise nhận thấy: “Bỗng nhiên nhiều hay ít hơn 1 triệu euro không còn là vấn đề nữa”. Chủ tịch mới của DFB Gerhard Mayer-Vorfelder cũng xác nhận: “Chúng tôi chỉ tập trung phát triển đào tạo trẻ để xây dựng lực lượng đủ sức thách thức thế giới năm 2006”.

Kết quả là từ năm 2003, DFB cấp bằng đặc biệt cho HLV đào tạo trẻ. Một năm sau, U.19 Bundesliga chào đời. Giải VĐQG U.17 ra mắt năm 2007. Nhờ đó, giới quan sát có dịp đánh giá kỹ hơn về tài năng của từng cầu thủ trẻ, đồng thời buộc các CLB phải rót thêm tiền vào công tác huấn luyện trẻ khi cần thiết. Và quan trọng nhất là hè 2014, Đức vô địch World Cup với ít nhất 10 tuyển thủ xuất thân từ những nơi “sơn cùng, thủy tận”, đơn cử như Toni Kroos. Nếu không có “kiến trúc sư” Weise, mấy ai ngờ vùng Mecklenburg-Vorpommern xa xôi hẻo lánh sản sinh được siêu sao như thế?

Minh Châu

“Cách mua sắm vô tội vạ với giá trên trời của các CLB ở Premier League chỉ làm hại ĐT Anh. Tin vui là dòng tiền đã và đang chảy về Bundesliga. Nó sẽ giúp Tuyển Đức mạnh hơn bởi những năm qua có tới 110 triệu bảng đã được trích ra để đầu tư vào đào tạo cầu thủ trẻ”. – HLV Joachim Loew