Café 24h: Dư luận là cái anh nào?
Một thế giới phẳng, phẳng hơn khi có sự tham gia của cộng đồng mạng. Cùng với nó là những đánh giá đa chiều về một vấn đề xã hội nào đó.
Bản chất con người vốn là bầy đàn. Hãy xem, để bảo vệ mình trước những ác thú và hiểm họa từ thiên nhiên, con người có gì? Không nanh vuốt, không tốc độ… chỉ có thể dựa vào nhau để tồn tại. Đặc tính này nó cũng tạo ra những đặc tính về tâm lý khác, gọi là hiệu ứng của xã hội.
Sự xuất hiện của mạng xã hội khiến chúng ta dễ chia sẻ hơn, dễ bầy đàn hơn trong nhìn nhận đánh giá và tất nhiên, tư duy của mỗi người sẽ bị ảnh hưởng một cách tích cực hay tiêu cực từ một luồng dư luận nào đó.
Nó là câu chuyện về một em gái ở Quảng Trị, thi Đại học được 29 điểm nhưng không thể đỗ vào trường của ngành Công an vì một lý do liên quan đến lý lịch. Chuyện này có nhiều điều cần phải làm rõ nhưng nó có vẻ như đang đi theo hướng thế này: Cộng đồng mạng tạo thành một làn sóng mong muốn những quy định ngành phải thay đổi vì “nếu không sẽ phí mất nhân tài”.
Quy định về lý lịch tồn tại bao nhiêu năm nay dù có những bất cập nhưng cũng có lý do để nó tồn tại và trở thành một nguyên tắc riêng của một ngành. Vậy thì có thể vì một cá nhân mà phá đi nguyên tắc? Chưa kể có đến hàng ngàn người ở cái gọi là “cộng đồng mạng” liệu đã hiểu hết vấn đề hay chưa, hay vì tính bày đàn nên cứ cho mình quyền phán xét.
Điều này khiến tôi nhớ lại câu chuyện về một học trò phải đạp xe đạp 300 km để đi thi Đại học cách đây mấy năm. Cộng đồng mạng xúc động, chảy nước mắt và khi anh này có kết quả điểm thi không cao thì tất cả cùng hùa vào: Cần tạo điều kiện cho một thanh niên có ý chí sắt thép như thế. Dưới sức ép dư luận, Quân đội cho anh này vào học và chưa đầy mấy tháng sau, người ta phát hiện anh có vấn đề về… thần kinh. Tôi cũng từng viết trên mục café 24h về câu chuyện này và đặt câu hỏi: Tại sao phải đặt mình ở cái thế đạp xe 300km, chỉ có bánh mì và chai nước trong khi có bao nhiêu phương án khác khả thi…
Dẫn ra 2 câu chuyện trên để thấy rằng không phải lúc nào số đông cũng đại diện cho lý trí. Không phải quyết định gì thuận theo số đông cũng được đánh giá cao.
Bây giờ là vấn đề của VFF và án phạt cho Quế Ngọc Hải. Thật tình thì bất kỳ án phạt nào của Ban kỷ luật đối với Ngọc Hải lúc này đều gây tranh cãi hết. Nhưng như đã đề cập chút ít ở chuyên mục này số trước, phía sau án phạt là gì mới là điều quan trọng. Còn dư luận, số đông đôi khi như con thú. Đòi hỏi của số đông chưa chắc đã là sự công bằng cho một cá nhân hay đối tượng nào đó, mà chỉ là để giải tỏa cơn uất ức của chính mình.
Nếu chúng ta có một nền bóng đá minh bạch, có những quyết định thường xuyên sáng suốt thì có lẽ bóng đá và cơ quan quản lý của nó là VFF đã không bị đặt vào bối cảnh là luôn đối mặt với một đối thủ khó nhằn, đó là dư luận, dù ai cũng biết, dư luận tưởng là cụ thể nhưng lại “ảo” vô cùng.
Song An