Champions League: Đông Âu oanh liệt còn đâu!

Tại vòng bảng Champions League năm nay, bóng đá Đông Âu chỉ còn 5 đại diện: Zenit Saint Petersburg, CSKA Moscow (đều của Nga), Shakhtar Donetsk, Dynamo Kiev (đều của Ukraine) và BATE Borisov (Belarus).

Số lượng như thế thậm chí còn thấp hơn bình quân của thập niên qua, khi khu vực này thường có 6-7 đại diện góp mặt trong danh sách 32 đội dự vòng bảng. Tuy nhiên, thực trạng đáng buồn đó không khó hiểu, vì thể hiện của các đại diện Đông Âu ngày càng yếu kém. Bằng chứng là cách nay 5-6 mùa, khu vực này còn có đại diện ở tứ kết Champions League như CSKA 2009/10 hoặc Shakhtar 2010/11. Nhưng trong mấy mùa gần đây, thành tích tốt nhất chỉ là vượt qua được vòng bảng, rồi tất cả đều dừng bước ở vòng 1/8.

Đông Âu oanh liệt còn đâu!

Hiện tượng ấy thật sự là nỗi buồn cho những người… hoài cổ, thường tưởng nhớ về các nền bóng đá vang bóng một thời của khối Đông Âu như Liên Xô, Tiệp Khắc, Ba Lan, Romania hoặc Nam Tư. Một mặt là do Đông Âu từng sản sinh những huyền thoại cho Cúp C1/Champions League như Andriy Shevchenko hoặc Davor Suker. Mặt khác, Đông Âu còn có những CLB vô địch châu Âu từng tạo ra bất ngờ động trời như Steaua Bucarest 1986 và Red Star Belgrade 1991, chưa kể các đại diện từng vào tới chung kết như Partizan 1966 và Steaua Bucarest 1989. Nhưng giờ đây, Đông Âu đang phải hài lòng với các đại diện chỉ đủ sức vượt qua vòng bảng Champions League. Hơn nữa, thành tích này nay đang được xem như kỳ tích, vì thông thường thì sau lễ bốc thăm, các đại diện của khu vực này hiếm khi được xem như ứng viên sáng giá cho 2 vị trí đầu bảng.

Điều gì đã và đang đẩy bóng đá Đông Âu vào cảnh bi đát như vậy? Nguyên nhân một phần chắc chắn là do Champions League không còn là giải vô địch của các đội vô địch quốc gia đúng nghĩa như Cúp C1. Vì vậy, ngay cả khi chỉ xếp thứ 2, 3 hoặc 4 ở giải VĐQG, các đội mạnh như Real Madrid, Arsenal hoặc Man Utd vẫn được quyền dự Champions League. Càng nhiều đối thủ mạnh như thế ngáng đường, các đại diện Đông Âu càng khó tiến xa.

Tình hình thêm khó khăn cho Đông Âu khi việc mua bán cầu thủ sau thập niên 90 ngày càng dễ dàng hơn, nên tạo điều kiện thuận lợi cho các CLB giàu có của những giải VĐQG hàng đầu châu Âu cướp đoạt hầu hết tài năng của các nơi khác. Thật trớ trêu là trong bối cảnh đó, Đông Âu còn tự “bắn súng vào chân” do hào hứng bán “sao”, nhưng lại không tận dụng được nguồn tiền thu vào để tái đầu tư do tham nhũng và quản lý yếu kém. Hậu quả là ngày nay, các đại diện của Đông Âu ở vòng loại Champions League chưa chắc đã mạnh hơn những đối thủ đến từ Síp hoặc Israel…

Nhưng không chỉ chịu tác động từ kinh tế thị trường, các CLB Đông Âu – ngày trước hùng mạnh còn nhờ chế độ bao cấp – nay khó tạo bất ngờ phần nào là do hệ thống thi đấu mới của Champions League ưu ái những đại diện của các giải VĐQG hàng đầu như Tây Ban Nha, Đức, Anh, Italia và Pháp. Vì ở thể thức đấu loại trực tiếp từ đầu tới cuối như Cúp C1, xác suất rủi ro cho các đội mạnh và khả năng gây sốc của các đội nhỏ rõ ràng phải lớn hơn so với thể thức vòng bảng như hiện nay, khi các đội mạnh có thể thua tới 3 trong tổng số 6 trận mà vẫn tiến được vào vòng sau.

THIÊN TỨ