Chuyện siêu kỳ thủ Lê Quang Liêm: Ngành thể thao “mất kiểm soát” hoàn toàn
Lê Quang Liêm là tuyển thủ duy nhất mà ngành thể thao đang rơi vào tình thế mất kiểm soát. Việc dự tranh, kể cả các giải đấu quan trọng nhất của ĐTQG, cũng hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân kỳ thủ này.
Ngôi sao duy nhất không đầu tư
Tính đến thời điểm này, sau 18 năm tập luyện thi đấu cờ vua, Quang Liêm không có bất cứ khoản đầu tư riêng nào từ ngành thể thao, kể cả trung ương lẫn địa phương. Nếu so với những gì kình ngư Ánh Viên hay đô cử Kim Tuấn đang nhận được, đó là một sự thiệt thòi, phần nào đó là bất công lớn. Khoản duy nhất mà Liêm nhận được chỉ là việc dự tranh các giải đấu trong màu áo ĐTQG, thực chất cũng giống như quyền lợi và nghĩa vụ của các tuyển thủ khác.
Ngay từ những năm 1999-2000, khi cờ vua Việt Nam bế tắc về kinh phí, gia đình Liêm đã tự bỏ tiền đầu tư cho con, thậm chí nhiều lần chi toàn bộ từ 50 đến 70 triệu đồng, để con cùng HLV được dự tranh tài một vài giải quốc tế. Kể từ đó, mỗi năm gia đình Liêm đều đặn chi 200-300 triệu đồng giải quyết những khâu khó, mang tính đột phá. Đơn cử như các giải đấu quốc tế dạng mời song không có trong chương trình chính thức hay thọ giáo chuyên gia ngoại. Chưa kể việc gia đình Liêm tạo lập cho con những điều kiện đặc biệt về internet, sách cờ các loại – những điều khoảng chục năm trước vô cùng xa lạ với làng cờ Việt.
Thụ hưởng kiểu “lúa trời”
Với sự đầu tư theo kiểu “lúa trời” như thế, có được một Quang Liêm vươn tới đẳng cấp quốc tế đã cả một thành quả ngoài sức tưởng tượng của cờ vua Việt Nam. Anh đã liên tiếp mang về cho môn này hàng loạt chiến tích ngoạn mục, đủ cả khu vực, châu lục và thế giới mà đỉnh cao là chức VĐTG cờ chớp 2013. Anh cũng là kỳ thủ Việt Nam duy nhất từng lọt vào nhóm Siêu Đại Kiện tướng quốc tế, được ví như một hiện tượng đặc sắc cho một trường phái riêng, có thể chinh phục những ngôi vị cao nhất.
Rất đáng buồn và đáng tiếc, thay vì phải coi Liêm là một trọng điểm hàng đầu, ngành thể thao lại chỉ đứng ngoài xoa tay và thụ hưởng theo đúng kiểu “lúa trời”. Ngay cả trong thời kỳ bùng nổ nhất của tài năng, Liêm cũng không nhận được bất cứ điều gì khác biệt. Các nhà quản lý huấn luyện coi việc Liêm đoạt các thành tích vang dội gắn với các khoản tiền thưởng đáng kể, rồi tự tái đầu tư cho mình, là một chuyện đương nhiên. Càng đáng nói hơn vì kế hoạch tập huấn, thi đấu hàng năm cũng gần như được khoán trắng cho chính Liêm cùng gia đình.
Và không thể đòi hỏi
Với trường hợp của Quang Liêm, rất may mắn cho cờ vua Việt Nam vì có một kỳ thủ và một gia đình đầy đam mê, có điều kiện và tính chuyên nghiệp cao như thế. Trong nhiều năm, nhờ sự chủ động của Liêm và gia đình, mỗi năm kỳ thủ số 1 Việt Nam mới có thể dự tranh cả chục cuộc đấu, đoạt nhiều danh hiệu chấn động làng cờ thế giới, tiêu biểu như chức vô địch giải Aeroflot sáng giá mà ngành thể thao chỉ biết đến qua các phương tiện truyền thông.
Cũng chính vì thế khi Liêm quyết định sang Mỹ du học tại trường Đại học Webster, ngành thể thao cũng không thể có ý kiến gì, dù biết rằng đó là một “canh bạc” đối với sự nghiệp của anh. Và giờ, ngành thể thao, cụ thể là Bộ môn và Liên đoàn Cờ Việt Nam đã hoàn toàn mất kiểm soát với ngôi sao hàng đầu của mình. Việc Liêm tập luyện thi đấu cờ vua như thế nào trên đất Mỹ, họ không hề được biết chứ chưa nói có thể tác động, điều chỉnh. Ngay cả các giải đấu của ĐTQG, từ SEA Games đến châu Á, ngành thể thao chỉ có thể thông báo rồi chờ đợi Liêm thu xếp, căn cứ vào lịch học – thi của mình.
Ngay giải vô địch châu Á 2015 mới đây, sở dĩ Liêm có thể dự tranh cũng nhờ anh đang trong thời gian nghỉ hè nên có thể “tranh thủ” được.
Hà Thảo
Cũng chỉ có Liêm mới từng có những đợt tập huấn đặc biệt như lần thọ giáo chuyên gia người Nga ở một resort tận Phan Thiết với học phí 50 USD/giờ. Với tần suất mỗi ngày 4 giờ trong 2 tuần liên tục, Liêm đã tiêu tốn 60 triệu đồng. Hay riêng tiền học và đấu cờ qua mạng với các danh thủ thế giới, mỗi năm anh cũng đã tốn vài ngàn USD.
Ngay từ khi tài năng của Liêm mới phát lộ, tôi đã nhìn nhận vấn đề lớn nhất đối với kỳ thủ vô cùng đặc biệt này chính là sự nửa vời giữa chuyện học văn hóa và tập luyện thi đấu cờ vua. Tôi đã đề xuất với lãnh đạo phải chủ động để đưa Liêm vào một quy trình bài bản, cao độ nhất cho nghiệp cờ với khoản kinh phí khoảng 100.000 USD/năm song không được chấp nhận. Bây giờ mọi chuyện đã ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, và hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân Liêm. Dĩ nhiên, nếu Liêm cứ như hiện tại, đó sẽ là một sự lãng phí ghê gớm, bởi anh đang trong thời kỳ có thể phát triển tốt nhất của mình”.
Đặng Tất Thắng, Phó Chủ tịch Liên Cờ Việt Nam,
Nguyên Trưởng bộ môn Cờ Tổng cục TDTT.