Hoàng Quý Phước : 4 năm tụt dốc & Nỗi đau mang tên… Schooling
Tại SEA Games 2011, Quý Phước cùng Joseph Schooling được coi là 2 nam kình ngư triển vọng nhất Đông Nam Á. Sau 4 năm, nếu như đối thủ người Singapore đã vô địch cả ASIAD, lọt vào Top 8 thế giới thì “Rái cá sông Hàn” lại đang chìm nghỉm.
Xuất phát ngang ngửa thần đồng Singapore
Kình ngư sinh năm 1995 Schooling là thần đồng của cường quốc bơi lội ở Đông Nam Á, Singapore. Ngay SEA Games 26, kỳ Đại hội đầu tiên của mình, Schooling đã quyết tâm giành HCV ở tất cả nội dung dự tranh. Tuy nhiên, mục tiêu ấy đã bị chặn lại bởi chính Hoàng Quý Phước. Gương mặt lạ đến từ Việt Nam đã gây chấn động khi giành 2 HCV, phá 1 kỷ lục, trong đó trực tiếp đánh bại Schooling ở nội dung 100m bướm.
Khi ấy, 2 kình ngư này được đánh giá sẽ trở thành kỳ phùng địch thủ, niềm hy vọng vươn ra quốc tế của làng bơi ĐNÁ, với xuất phát điểm như nhau. Dù hơn Schooling 2 tuổi, song về hình thể, tố chất cũng như triển vọng, Phước không hề kém cạnh. Một vài chỉ số như sải tay, độ bám nước, đặc biệt bản lĩnh thi đấu, tuyển thủ người Đà Nẵng còn nhỉnh hơn.
Người lên đỉnh châu lục, người “chìm” ngay “hội làng”
Rất đáng buồn vì SEA Games 2011 rực sáng là giải đấu duy nhất Phước có thể sánh được với Schooling, thậm chí còn là tác nhân khiến Singapore phải đẩy nhanh kế hoạch đầu tư chuyên biệt cho thần đồng của mình. Phước đã nhanh chóng bị Schooling cho “ngửi khói”, với một khoảng cách ngày càng xa về đẳng cấp.
Phước chưa bao giờ tìm lại được phong độ cao nhất của mình, dù chỉ ở tầm mức khu vực. Phải nỗ lực và may mắn, anh mới đoạt được 2 HCV ở 2 kỳ SEA Games tiếp theo. Trình độ của anh coi như đã “đóng khung”, chính xác hơn “chìm nghỉm” ở đấu trường ĐNÁ.
Trong khi đó, Schooling có những bước thăng tiến như vũ bão lên đỉnh châu lục. Đỉnh cao nhất của anh là chiến tích giành 1 HCV, 1 HCB và 1 HCĐ ASIAD 2014; đoạt 9 HCV, phá 9 kỷ lục SEA Games 2015. Tài năng của đảo quốc Sư tử cũng lọt vào Top 8 và Top 10 một số nội dung sở trường tại giải VĐTG đang diễn ra tại Nga.
Vì đâu nên nỗi?
Nhìn nhận thẳng thắn, kể cả có được đầu tư cao nhất, phát huy tốt nhất tài năng của mình, Phước cũng sẽ không thể bằng Schooling, bởi khác biệt rõ rệt giữa 2 nền bơi, cũng như tính chuyên nghiệp, sức bền của 2 cá nhân. Thế nhưng, đó không thể là lý do quyết định để Phước lại thua kém đối thủ đến mức thảm hại như vậy. Phước vẫn hoàn toàn có thể vươn tới nhóm hàng đầu châu lục, để có thể có huy chương ASIAD, giành suất chính thức Olympic, một thứ hạng cao ở giải VĐTG. Điều cốt yếu nằm ở ngành thể thao cùng đơn vị chủ quản Đà Nẵng đã chăm lo cho Phước thiếu hiệu quả, và so với những gì Singapore làm với Schooling thì chúng ta phải thấy… xấu hổ.
Từ đầu năm 2012, Schooling đã được đưa sang Mỹ vừa học văn hóa vừa tập huấn, dưới sự kèm cặp của chuyên gia hàng đầu thế giới về đào tạo trẻ Lopez. Anh đã có một quy trình rèn tập chuyên biệt, đúng chuẩn quốc tế. Còn với Phước, cũng thời điểm mang tính quyết định của sự nghiệp và cũng đi Mỹ song chỉ vài tháng đã trở về do nội bộ ĐTQG mâu thuẫn, khả năng thích nghi kém.
Suốt mấy năm sau đó, anh đã lãng phí tài năng hiếm có khi chỉ quanh quẩn trong nước kết hợp với các chuyến rèn giũa ngắn hạn ở Trung Quốc. Mãi đến đầu năm nay, những người có trách nhiệm mới đầu tư trở lại cho Phước bằng một chuyến tập huấn Nhật Bản. Không chỉ đã quá muộn, mà chuyến đi tốn kém tới 1,6 tỷ đồng của anh cũng kết thúc dang dở với những bất cập về địa điểm, phương thức tập huấn.
HÀ THẢO
Bỏ thi 100m bướm tại giải VĐTG
Theo lịch trình, chiều qua, Hoàng Quý Phước tham dự nốt cự ly 100m bướm tại giải VĐTG trên đất Nga. Tuy nhiên, anh đã quyết định bỏ thi vào giờ chót, do sức khỏe không đảm bảo, cùng tâm lý bất ổn. Nếu dự tranh, với tình trạng thể lực và phong độ hiện tại, Phước cũng khó tránh một kết quả tệ hại giống 2 nội dung 200m tự do và 100m tự do trước đó. Sau giải, Phước sẽ trở về nước để điều trị dứt điểm chấn thương lưng dai dẳng, và ngành thể thao cũng đã phải liên hệ một địa điểm tập huấn mới cho anh, có thể tại Hungary hoặc Nga.