Michel Platini & tương lai bóng đá thế giới: EURO phình một, World Cup phồng hai

7 năm trước khi kế hoạch mở rộng VCK EURO lên 24 đội được thông qua, hẳn Michel Platini không lường đến việc một đội bóng “có số má” như Hà Lan có thể phải làm khán giả.

Giờ thì Iceland đã chính thức giành vé, sau khi góp phần xát muối vào nỗi đau của Hà Lan. Xứ Wales sắp được dự ngày hội lớn đầu tiên kể từ World Cup 1958. Và niềm vui cũng có thể đến với Áo hay thậm chí Albania, Estonia, Phần Lan và Hungary. Với quy mô 16 đội dự VCK như cũ, giành vé đến ngày hội là giấc mơ khó chạm tới với những ĐT kể trên. Nhưng chẳng cần phép màu để biến giấc mơ của họ thành hiện thực. Và Michel Platini cũng không phải là Chúa. Đơn giản, đó chỉ là một cuộc chơi sòng phẳng.

Michel Platini & tương lai bóng đá thế giới: EURO phình một, World Cup phồng hai

Khi kế hoạch mở rộng VCK EURO lên 24 đội được thông qua 7 năm trước, tại Bordeaux, thời điểm Platini mới ngồi vào ghế Chủ tịch UEFA được hơn 1 năm, những “ông lớn” như LĐBĐ Đức hay LĐBĐ Anh ra sức phản đối. Nhưng Platini cần và phải đáp lễ các LĐBĐ nhỏ đã ủng hộ ông chiến thắng trong cuộc đua với cựu Chủ tịch UEFA, Lennart Johansson. Và tất nhiên, một khi ý tưởng “hô biến kích cỡ” EURO được đưa ra, với cơ hội tham dự trở nên rõ ràng cho các đội tuyển trung bình yếu, các LĐBĐ các quốc gia đó cũng bỏ phiếu ủng hộ tắp lự, 51/54 thành viên UEFA. Giờ nếu hối tiếc nhất thì hẳn đó là… Hà Lan.

Ngày hội hay… ngày hành tội

Tuy nhiên, đấy cũng không chỉ đơn thuần là cuộc trao đổi sòng phẳng đôi bên cùng có lợi, giữa Michel Platini và các LĐBĐ đã hậu thuẫn ông. Bên dưới lớp kem hào nhoáng với ý nghĩa cao cả: giúp các đội tuyển trung bình yếu có cơ hội dự EURO, phát triển bền vững, không thể phủ nhận những lợi ích kinh tế đi kèm và đó là điều UEFA nhắm đến. Với 24 đội tranh tài ở Pháp hè tới, giải đấu sẽ kéo dài hơn và tiền cũng chảy vào túi UEFA nhiều hơn từ việc bán bản quyền truyền hình, tiền vé, quảng cáo…

Thực tế, ngay từ chiến dịch vòng loại, UEFA đã “vẽ” ra thêm cách kiếm tiền, từ ý tưởng “tuần bóng đá” của chính Platini. Theo đó, các trận vòng loại được bố trí thi đấu trải dàn từ thứ Năm tuần này tới tận thứ Ba tuần kế tiếp để thuận lợi cho việc phát sóng và bán quảng cáo. Dĩ nhiên mọi thứ đều có tính hai mặt và làn sóng phản đối dữ dội ý tưởng mở rộng EURO ngay từ đầu là một minh chứng.

Michel Platini & tương lai bóng đá thế giới: EURO phình một, World Cup phồng hai

“Tuần bóng đá” không “làm hồi sinh sự hấp dẫn của các trận đấu quốc tế” – như Platini hứa hẹn – mà điều dễ thấy là sự mệt mỏi của các cầu thủ khi lên tập trung ở ĐTQG bởi trước và sau đó họ không có nhiều ngày nghỉ vì phải chơi cho CLB. Và điều trớ trêu là mức độ hấp dẫn, sự cạnh tranh khốc liệt ở 268 trận đấu tại vòng loại phải giảm đi khi cơ hội giành vé của các đội tăng lên. Nên nhớ, ở vòng loại World Cup 2014 khu vực châu Âu, có tới 16 đội tuyển không thể thắng quá 2 trận. Lẽ ra cần một bài sát hạch để loại bớt những đội tuyển trung bình yếu để vòng loại ngắn gọn và chất lượng hơn.

Nhưng không. Thực tế, có lẽ chỉ có 36 ĐT thật sự tranh chấp cho… 24 suất dự VCK. Như thế đào đâu ra chất lượng ganh đua? Thậm chí, nhìn ra xa hơn, mùa hè tới với 24 đối thủ ở Pháp, sẽ phải cần đến 36 trận chỉ để loại 8 đội tuyển ở vòng đấu bảng để rồi sau đó là thể thức knock-out giống như World Cup. Quá dài và mệt mỏi. Hẳn khi đó người ta sẽ chỉ nhìn về quá khứ, với VCK 16 đội như ở EURO 2000, một trong những giải đấu quốc tế hay nhất lịch sử, với sự tiếc nuối, thèm thuồng.

Thổi phồng World Cup

“Bóp méo” quy mô VCK EURO và biến giải đấu thành… gánh xiếc rong trên khắp châu lục (ở VCK 2020). Khai sinh ra một Europa League kém hấp dẫn hay ủng hộ Qatar đăng cai World Cup 2022 để rồi lịch sử bóng đá thế giới buộc phải ghi nhận một kỳ World Cup… mùa đông nếu không muốn bỏ phiếu chọn lại quốc gia đăng cai. Những ý tưởng và hành động của Platini khiến nhiều người phải đặt câu hỏi, liệu ông đang đóng góp, xây dựng cho sự phát triển của bóng đá châu Âu nói riêng và bóng đá thế giới nói chung, hay là… phá hoại.

Một điều chắc chắn là quyền lực của Platini có thể còn lớn hơn nhiều, khi ông đánh bại vị Chủ tịch đang vướng vào bê bối tham nhũng hối lộ, Sepp Blatter, cũng như những ứng viên khác được đánh giá nhẹ ký hơn, trong cuộc bầu cử vào vị trí Chủ tịch FIFA diễn ra cuối tháng 2 năm sau. Và khi trở thành người quyền lực nhất thế giới bóng đá, có lẽ, Platini cũng chẳng ngại thổi phồng World Cup, từ mô hình chuẩn cho việc xếp khung thời gian thi đấu với 32 đội tuyển tham dự lên thành 40 hoặc thậm chí 48 đội tranh tài. Chẳng phải FIFA có tới tận 209 thành viên và có thể còn mở rộng nữa, tức gấp 4 lần quy mô thành viên hiện tại của UEFA đấy sao!

LƯƠNG ANH

“Ném đá” Platini
Ngoài UEFA, 3 LĐ thành viên khác của FIFA là LĐBĐ châu Á (AFC), LĐBĐ Bắc Trung Mỹ và Caribbean (CONCACAF) và LĐBĐ Nam Mỹ (COMMEBOL) đều công khai ủng hộ Michel Platini ngồi vào ghế Chủ tịch FIFA ở cuộc đua diễn ra cuối tháng 02/2016 tới. Được xem như ứng viên nặng ký nhất, tuy nhiên, Platini cũng đang bị công kích nhiều nhất.
Mới đây ứng viên Chung Mong-Joon, tỷ phú người Hàn Quốc từng có 17 năm giữ chức PCT LĐBĐ châu Á (AFC), đã công kích việc “Platini bắt tay với lãnh đạo AFC để rồi từ đó tổ chức này gửi thư tới từng LĐBĐ thành viên đề nghị… ủng hộ Platini”. Trong khi đó, một ứng viên sáng giá khác, Hoàng tử Jordan, Ali Bin Al-Hussein đã nói thẳng rằng “Platini được Blatter “bảo kê” trong cuộc đua vào vị trí Chủ tịch FIFA và điều này chẳng tốt chút nào cho bóng đá thế giới”.

Một trong những “sản phẩm” của Michel Platini, Europa League, kể từ khi ra đời thay thế UEFA Cup (2009/10), với quy mô lớn hơn, cũng đánh dấu sự tụt dốc thê thảm về chất lượng. Mùa giải năm ngoái có tới 481 trận, trong đó 276 trận diễn ra trước vòng đấu bảng với chất lượng thấp. NHM có chăng chỉ ngó ngàng đến giải đấu kể từ vòng knock-out. Thật tiếc bởi 20 năm trước, UEFA Cup 1993/94 dù chỉ có 126 trận và mức độ cạnh tranh cũng như chất lượng tốt hơn hẳn.