Nghịch cảnh “con độc” của TTVN: 11 tỷ cũng chỉ “lướt ngọn”

Có 48 tuyển thủ xuất sắc của 15 môn thế mạnh đang hưởng chế độ 800 nghìn đồng/ngày, với tổng kinh phí 11 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, khoản đầu tư này mới chỉ giải quyết một bước cho phần “ngọn” của TTVN.

250 triệu đồng cho 1 VĐV trọng điểm

Phải trải rất nhiều gian nan, ngành thể thao mới thuyết phục được các bộ, ngành liên quan về một chế độ đặc biệt dành cho các VĐV trọng điểm, với mức tiền ăn và tiền công 800 nghìn đồng/người/ngày. Nếu tính thêm cả tiền trang thiết bị dụng cụ, thuốc và thực phẩm thuốc chuyên dụng, mỗi suất đầu tư trọng điểm khoảng 250 triệu đồng/năm. Và trong năm 2015, tổng chi phí cho 48 tuyển thủ của 15 môn là trên 11 tỷ đồng. Những gương mặt được chọn phải đảm bảo tiêu chí có khả năng giành huy chương ASIAD, đoạt suất chính thức tới Olympic hay chí ít cũng lấy HCV SEA Games.

11 tỷ cũng chỉ “lướt ngọn”
Đôi chân chạy nhưng cái đầu vẫn chưa thông.

Đây là một sự thay đổi đáng ghi nhận, đặt trong nguồn lực hạn hẹp cùng thói quen đầu tư dàn trải lâu nay của TTVN. Đơn giản vì khoản 250 triệu đồng/năm này gấp đôi định mức đang áp dụng với các ĐTQG. Nó cũng cơ bản đáp ứng nhu cầu ăn tập, thuốc men, cũng như tạo ra động lực cần thiết cho các gương mặt “mũi nhọn” yên tâm phấn đấu. Đơn giản, mỗi người sẽ nhận được không dưới 10 triệu đồng/tháng riêng từ việc tập luyện.

Mới gọi là… có khác

Có sự khác biệt song chế độ đặc biệt của TTVN thực sự vẫn chưa có gì đột phá nếu so với mặt bằng chung nhiều nước ngay trong khu vực, chứ chưa nói đến chuẩn quốc tế. Đơn cử, mức tiền ăn và chế độ 800 nghìn đồng/ngày của một tuyển thủ trọng điểm Việt Nam chưa bằng 1/4 các đồng nghiệp của Thái Lan hay Malaysia.

Quan trọng nhất, chế độ mới chưa giải quyết được khâu quyết định nhất đối với một tài năng trong mục tiêu chinh phục các đấu trường quốc tế tầm cao: Xuất ngoại tập huấn, thi đấu. Hầu hết trong số 48 tuyển thủ trọng điểm có thể được nhận mức tiền ăn, tiền công song chuyện xuất ngoại tập huấn dài hay ngắn, được dự tranh bao nhiêu giải thế giới lại không hề là “của riêng”. Nó rất hạn chế vì  phụ thuộc cả vào sự cân đối của ngành thể thao, cùng từng bộ môn căn cứ nguồn kinh phí được cấp chung hàng năm.

Hiện tại, mới có siêu kình ngư Ánh Viên cùng 2 anh em ruột Quách Công Lịch – Quách Thị Lan đang tập huấn ở nước ngoài bằng nguồn kinh phí riêng, mà đơn vị chủ quản của họ đóng góp tới một nửa. Một vài trường hợp khác cũng được ưu tiên như Hoàng Quý Phước (bơi), Nguyễn Thị Huyền (điền kinh) lại đang gặp trục trặc. Số đông còn lại, tất cả đều xuất ngoại tập huấn thi đấu theo kiểu “ăn đong” với số lượng, mức độ ít ỏi.
Trên thực tế, chế độ đặc biệt cho 48 tuyển thủ trọng điểm với tổng kinh phí 11 tỷ đồng của TTVN cũng chỉ mới lướt “ngọn” để gọi là… có khác. Chưa thể có đột phá cho đích tạo ra thêm một vài “con độc” ở tầm cỡ thế giới, và hy vọng thoát ra khỏi nghịch cảnh “con độc” lại càng quá
xa vời.

HÀ THẢO

Theo tính toán tối thiểu phải có 100.000 USD mỗi năm, tương ứng với trên 2 tỷ đồng, ngành thể thao mới có thể đưa một tuyển thủ trọng điểm sang tập huấn ở một trung tâm đào tạo quốc tế chất lượng cao. Có nghĩa là, chế độ đặc biệt với tổng kinh phí 11 tỷ đồng cho 48 gương mặt xuất sắc trên thực tế cũng chỉ đủ cho 5-6 người xuất ngoại rèn giũa.

Việc mấy chục tuyển thủ ưu tú được tăng mức tiền ăn, tiền công lên gấp đôi, cũng như có thêm đầu tư về trang thiết bị dụng cụ, thuốc men cũng là một chuyển biến rất tích cực. Thế nhưng, tôi cho rằng nó vẫn mang tính nhỏ lẻ và dàn trải, chưa giải quyết được cơ bản bài toán đầu tư và phát triển. Chúng ta cần phải cố gắng tham mưu, vận động để nhà nước cho thực hiện một chương trình đào tạo trẻ và đào tạo tài năng, mang tính mục tiêu QG dài hạn, với nguồn kinh phí riêng đảm bảo. Trước đây, TTVN đã từng có chương trình như thế, mà nhờ đó mới có “điểm rơi” ngoạn mục tại ASIAD 2002 và SEA Games 2003, song rất tiếc đã không được tiếp tục vì nhiều lý do”.

Nguyễn Hồng Minh (Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao Thành tích cao, Trưởng đoàn TTVN).

Nếu ở cấp ĐTQG, ngay cả với các tuyển thủ hàng đầu, ngành thể thao mới chỉ có thể đầu tư theo kiểu lướt “ngọn”, nền tảng lực lượng phía dưới còn tệ hại hơn nhiều. Việc tìm kiếm, đào tạo VĐV trẻ từ lâu được khoán trắng cho các địa phương, đúng nghĩa may nhờ rủi chịu. Cơ quan quản lý nhà nước cao nhất về thể thao chỉ trông chờ vào các giải trẻ toàn quốc để tìm kiếm nhân tài, chứ không có bất cứ hình thức hỗ trợ gì cho các địa phương, cả về chuyên môn lẫn kinh phí.