Bin Hammam vãi tiền mua World Cup cho Qatar như thế nào?

(thethao24.tv)- 30 quan chức bóng đá châu Phi nhận tiền qua tài khoản hoặc trực tiếp trao tay từ Mohamed bin Hammam. Nhưng những phiếu bầu từ châu Phi là chưa đủ để Qatar có thể chiến thắng ngoạn mục trước những đối thủ lớn như Mỹ, Nhật Bản và Australia…

>>> Posters của 32 đội tuyển tham dự World Cup 2014

>>> Ứng viên vô địch World Cup 2014: đội tuyển Pháp

>>> Nhìn nhận, đánh giá bảng H World Cup 2014

Mua bán ở châu Phi diễn ra thế nào?

Ông trùm xây dựng Qatar, Mohamed bin Hammam có ghế trong Ủy ban Điều hành FIFA (Exco) từ năm 1996 và cũng từ thời điểm đó, Bin Hammam bắt đầu có mối quan hệ chặt chẽ với quan chức thuộc các Liên đoàn Bóng đá châu Phi (CAF). Mohamed bin Hammam được xem là người có công lớn trong nhiệm vụ “hối lộ” các quan chức CAF trong chiến dịch tranh cử Chủ tịch FIFA của Sepp Blatter năm 1998.

SNN0208GX1---111_1990424a

Bin Hammam vãi tiền mua World Cup cho Qatar

Châu Phi có 1 Phó Chủ tịch, 3 thành viên trong tổng số 24 thành viên của Exco – những nhân vật trực tiếp bỏ phiếu cho các ứng viên đăng cai VCK World Cup nên dĩ nhiên Bin Hammam phải “quan tâm đặc biệt” tới các chiến hữu ở CAF trước cuộc bỏ phiếu quyết định chọn chủ nhà World Cup 2022.

Theo tài liệu mới được tờ Sunday Times công bố, dựa trên hàng triệu email bị rò rỉ của Mohamed bin Hammam thì các quan chức châu Phi nhận 5 triệu USD tiền hối lộ từ người đàn ông quyền lực của bóng đá Qatar. Trong đó, từ hơn 10 tài khoản của các công ty thuộc sở hữu Bin Hammam, tiền đổ vào tài khoản của các Chủ tịch Liên đoàn bóng đá như Togo 22.4000 USD, Niger 50.000 USD, Dijibouti 30.000 USD cùng viện trợ xây dựng cơ sở y tế, Yemen 10.000 USD, Somali 100.000 USD, Sao Tome 232.000 USD…

Ngoài ra, trước cuộc bỏ phiếu quyết định, Bin Hammam tổ chức một bữa tiệc hoành tráng cho các quan chức bóng đá châu Phi và chi ra khoảng 400.000 USD để đảm bảo chắc chắn họ sẽ ủng hộ ông ở FIFA và Qatar trong chiến dịch đăng cai VCK World Cup.

Không chỉ châu Phi

Hàng triệu email rò rỉ mà Sunday Times công bố là bằng chứng không thể chối cãi của sự thực Bin Hammam dùng tiền mua phiếu bầu từ các quan chức châu Phi. Nhưng trước cuộc bỏ phiếu quyết định hồi tháng 12/2010, hai thành viên Exco là Reynald Temarii của Tahiti và Amos Adamu của Nigeria bị loại bỏ vì bê bối “nhận hối lộ”. Điều đó có nghĩa, từ lục địa đen, Qatar chỉ nhận được 3 phiếu tuyệt đối.

Ở vòng 4 quyết định, Qatar nhận được 14 phiếu, Mỹ được 8 phiếu. Vậy ngoài 3 phiếu từ các đại diện châu Phi trong Exco, 11 phiếu còn lại cho Qatar – quốc gia không đủ điều kiện tổ chức World Cup vào mùa Hè vì quá nóng là của ai?

Trong Exco, UEFA có 2 Phó Chủ tịch và 5 thành viên, tức chiếm giữ tới 7 phiếu bầu. Chủ tịch UEFA kiêm Phó Chủ tịch FIFA, Michel Platini được xác định là bầu cho Qatar vì tiền thì các thành viên còn lại trong Exco thuộc quản lý của “sếp” Platini ở UEFA sao dám bỏ phiếu cho Mỹ? Châu Á có 4 phiếu bầu nhưng khác với châu Phi hay khu vực CONCACAF của chiến hữu Jack Warner, Bin Hammam khó mua người châu Á, bởi dẫu ông trùm Qatar từng là Chủ tịch AFC nhưng khu vực này thuộc “phạm vi ảnh hưởng” của Sepp Blatter, mà lá phiếu bầu của Chủ tịch FIFA trong cuộc đua đăng cai được cho là dành cho nước Mỹ.

“Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng” và FBI vào cuộc

Sau khi tài liệu về vụ mua bán phiếu bầu cho Qatar được Sunday Times công bố, ông Ken Macdonald – nguyên giám đốc Cơ quan Công tố Anh bức xúc miêu tả FIFA giống như “đống phân” và yêu cầu tìm thêm bằng chứng kết tội Bin Hammam, vì hành vi gian lận của ông này và những kẻ có liên quan, theo Macdonald là “tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.

Phát biểu trên chương trình Murnaghan của Sky News, Macdonald quả quyết: “Hành vi mua bán phiếu bầu, gian lận ở các cuộc đua giành quyền đăng cai World Cup không chỉ gây tốn kém cho các nước tham gia đăng cai, mà còn vượt quá sự chịu đựng của người hâm mộ. Nếu tôi trở lại là công tố viên dù chỉ 1 phút, thì tôi có thể nói rằng, đã có bằng chứng về tội phạm đặc biệt nguy hiểm”. Cũng theo cựu giám đốc Cơ quan Công tố: “Họ đã sử dụng những đồng USD, tiền Mỹ cho việc gian lận, điều đó có nghĩa Bộ tư Pháp ở Washington hoàn toàn có thẩm quyền thụ lý vụ việc”.

Nhưng chẳng cần Macdonald phải nhắc nhở, bởi ngay sau khi Qatar giành chiến thắng trước người Mỹ, trước sự ngỡ ngàng của người hâm mộ trên toàn thế giới vào tháng 12/2010, Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã vào cuộc.

Đối tượng điều tra của FBI là Jack Warner – vị Chủ tịch CONCACAF kiêm Phó Chủ tịch FIFA bị cấm hoạt động bóng đá vĩnh viễn vì nhận hối lộ số tiền 1,2 triệu USD của Bin Hammam nhằm lật đổ ghế Chủ tịch FIFA của Blatter trong cuộc bầu cử năm 2011. Nhưng giờ đây, ngoài cựu quan chức bóng đá người Trinidad and Tobago, FBI có thêm quá nhiều bằng chứng sau tài liệu được công bố từ Sunday Times để xử lý những tên “tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.

Sỹ Đoan

VN:F [1.9.22_1171]
Rating: 0.0/10 (0 votes cast)
VN:F [1.9.22_1171]
Rating: 0 (from 0 votes)