Niềm tự hào thành Nam

Đó là tự hào, là bản sắc. Một giải đấu có 19 tuổi, với rất nhiều những điều đặc biệt mà có

Đó là tự hào, là bản sắc. Một giải đấu có 19 tuổi, với rất nhiều những điều đặc biệt mà có lẽ chỉ có ở Nam Định.

Q9

Bên cạnh Chùa Cuối (mà sau này là SVĐ Thiên Trường) bóng đá Nam Định nổi tiếng với một sân bóng đã thành thương hiệu đi vào ký ức của bao thế hệ: SVĐ Quảng trường Hoà Bình hay ngắn gọn, sân Quảng trường. Có nhiều điều đặc biệt ở mảnh sân đất giữa trung tâm thành phố, nơi mà mỗi buổi chiều dù đông hay hè luôn có ít nhất vài trăm CĐV ngồi xem bóng đá, trong đó có 19 cột cờ với những lá cờ vẫn tung bay phấp phới: Cờ Tổ quốc, cờ fair-play, cờ của Hiệp hội bóng đá phong trào Nam Định và cờ của 16 đội bóng phong trào.

Độc đáo và không đâu ở Việt Nam có, khi sự tồn tại của một đội bóng đúng nghĩa thể hiện ở việc lá cờ của CLB có còn được treo trang trọng trên cột sân Quảng trường hay không. Chuyên môn, quy củ và hàng loạt tiêu chí khắt khe để trở thành thành viên của Hiệp hội bóng đá phong trào Nam Định là cả một hành trình khẳng định mà mỗi CLB khi gia nhập hay được thay thế phải bắt đầu với nghi lễ thượng cờ, trước một trận đấu ra mắt được tổ chức long trọng nhất, có sự hiện diện của Trung tâm VH-TT-TT thành phố, Hội và lãnh đạo các CLB thành viên khác.

Sự danh giá đó là giá trị, chỉ có ở Nam Định và giải đấu phong trào mà năm 2015 này sẽ bước sang tuổi 19: Vodka men – sân chơi được giới bóng đá phủi chờ đợi nhất trong năm. Câu chuyện về lịch sử hình thành, phát triển của sân chơi này cũng khá đặc biệt, xuất phát từ ý tưởng tiên phong trong thời điểm bóng đá Nam Định rực rỡ nhất. Đó là năm 2004, thời điểm Sông Đà Nam Định “làm mưa, làm gió” ở V.League, khi những người nhiệt huyết nhất với bóng đá phong trào thống nhất “phải có một định hướng, cơ chế phát triển, có một tổ chức đứng ra để quản lý, điều hành và xây dựng đường lối hoạt động cho các đội bóng cũng như phải có những giải đấu lớn để thúc đẩy hơn nữa công tác xã hội hóa bóng đá…”.

Ngày 19/05/2004, ông Dương Văn Sơn cùng với các ông Trần Đức Định, Nguyễn Quang Hoan, Nguyễn Văn Minh đã đứng ra tổ chức giải Tứ hùng mang tên Tiger Cup với sự góp mặt của 4 đội bóng mạnh nhất gồm Barca Nam Định (Xi măng Tam Điệp), Trẻ Quảng trường, Cotinkin, Thành Nam. Giải đấu thu hút cả chục ngàn người quan tâm, hâm nóng bầu không khí của cả thành phố.

Sau mùa giải 2005 không nhiều dấu ấn, mùa 2006, giải đổi tên thành Giải bóng đá thành Nam mở rộng – Cúp Dệt 1983, gắn liền với việc “lá cờ đầu” Dương Văn Sơn chia tay Barca Nam Định đầu quân cho CLB Dệt 1983 và cùng BLĐ đội bóng đứng ra tổ chức. Sau 3 năm với rất nhiều thành công cùng tiếng vang lớn, một trong những bước tiến mang tính lịch sử là việc Hội bóng đá phong trào Nam Định ra đời, với sự đồng ý và hỗ trợ của Trung tâm VH-TT TT thành phố để quy tụ những đội bóng hàng đầu tham gia, định hướng phát triển theo tiêu chí chuyên nghiệp hoá.

Cơ cấu tổ chức, hoạt động quy củ và Giải bóng đá phong trào TP Nam Định – Cúp Vodka men lần 1 do Hội tổ chức từ năm 2009. Sau 6 năm liên tục với quy mô, chất lượng và sức lan toả mạnh mẽ, sân chơi này đã trở thành ngày hội thực sự, là món ăn tinh thần của NHM và cả niềm tự hào mang tên Nam Định.

Hiệp hội bóng đá phong trào Nam Định được thành lập năm 2009 với sự cho phép của Trung tâm Văn hóa – Thông tin – Thể thao TP Nam Định. Dù chỉ là tổ chức xã hội nghề nghiệp, có tính chất phong trào nhưng có cơ cấu tổ chức, hoạt động rất quy củ. Ngoài Chủ tịch và Phó chủ tịch, hội còn có Ban trọng tài, Ban thông tin – tuyên truyền, Ban y tế, Ban tổ chức các giải đấu, Ban thư ký, Ban chuyên môn… Tất cả đều trên tinh thần đóng góp, tự nguyện và phi lợi nhuận.

Ngày 19/05 này, Giải bóng đá phong trào TP Nam Định – Cúp Vodka men lần thứ 7 sẽ khai mạc tại sân Quảng trường với sự góp mặt của 16 đội bóng hàng đầu, quy tụ tất cả những gương mặt xuất sắc nhất của “phủi” cũng như dân chuyên nghiệp ở thành Nam.

BLV PHƯƠNG TRẦN

Bình luận (0)