Góc Cafe 24h

TPP chắc chắn không phải là… Tiền Phấp Phới, cũng không phải đàm phán xong rồi thì tiêu Tiền Phung Phí…

TPP còn gọi là Hiệp định hợp tác thương mại xuyên Thái Bình Dương, là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới. Hiệp định này được đàm phán từ năm 2010, giữa các nước Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Nhiều nhận định cho rằng TPP sẽ đem lại nhiều lợi ích kinh tế chính trị cho các thành viên. Đối với Việt Nam, giống như sự kiện gia nhập WTO, đây là cơ hội để nền kinh tế có bước đột phá. Nhiều dự đoán Việt Nam sẽ là quốc gia có thu nhập và xuất khẩu tăng mạnh nhất.

Vấn đề đặt ra là liệu TPP có phải là cái phao cho nền kinh tế? Câu trả lời là không, vì đi cùng cơ hội bao giờ cũng là hàng loạt thách thức. Có thể kể ngay, chúng ta phải hy sinh ngành chăn nuôi.

Nói thế để hiểu dù được nâng tầm thế nào đi chăng nữa, trước đây là WTO giờ là TPP thì quyết định cho thành công cuối cùng vẫn là con người vận hành với nó.

Café 24h: Trái bóng lăn cùng TPP

Tại sao thế, bởi câu chuyện TPP này cũng khiến nhiều người yêu bóng đá nhớ lại câu chuyện cách đây 3 năm, khi các ông bầu lập ra một công ty chuyên để tổ chức sự kiện bóng đá: VPF. Có rất nhiều kỳ vọng cho sự ra đời của VPF, nào là bản quyền truyền hình sẽ là hàng trăm tỷ, nào là 10 doanh nghiệp sẽ đứng ra bảo trợ cho bóng đá, V.League sẽ nhanh chóng  vượt qua Thái Lan tiến gần hơn tới những nền bóng đá hàng đầu châu lục.

Nhưng kết quả sau 3 năm, nói đúng hơn là sau “đám cưới” thì mọi thứ trần trụi đến khó tin: Công tác tổ chức có vấn đề, nhiều đội bóng bỏ giải, tiêu cực vẫn tràn lan.

Cho đến mùa giải V.League 2015 thì nhìn chung các đánh giá vẫn là một mùa giải…vứt đi với quá nhiều bê bối, nhạt toẹt về chuyên môn.

Đôi khi người ta đặt câu hỏi: Phải chăng là việc thành lập VPF sai? Thật ra là không, đó là quá trình chuyên nghiệp hóa hoàn toàn đúng đắn, cái sai chính là hạ tầng CLB, ý thức của từng cầu thủ cũng như những nhà quản lý, điều hành chưa đáp ứng được mô hình mà VPF, hoặc cố tình làm khác và làm vì cái gì đó chứ không phải vì bóng đá. Nói một cách khác, bóng đá Việt chưa kịp chuẩn bị cho một cuộc chuyển mình.

Điều tương tự có thể đến với tiến trình TPP nếu chúng ta không kịp chuẩn bị, không đáp ứng kịp thời những yêu cầu của nó. Đừng chủ quan bởi cũng như trong bóng đá, ngay cả khi tấn công, vẫn có thể thua nếu sân nhà không có sự chuẩn bị kịp thời.

Song An

Kết quả không ngoài dự đoán, chiều cao của tòa nhà vượt quy định. Thật ra, điều đó không quan trọng bằng việc cấp phép để xây dựng một tòa nhà to đùng ở nơi cực kỳ nhạy cảm cho dù, về mặt thủ tục, việc xây dựng tòa nhà ấy được nhiều cấp, nhiều ngành phê duyệt.

Một tòa nhà to đùng, có thể nói là “lỗi” đôi khi đã bị cho qua đến khi bị… tuýt còi, nhận thẻ vàng, thậm chí là thẻ đỏ nếu phải tháo dỡ một phần.

Hóa ra, một tòa nhà vẫn có thể chỉ là “cái lỗi nhỏ”, nếu như người ta cho đó là nhỏ. Cũng như với chính bóng đá, không thiếu những lỗi đã được trọng tài cho qua, không tuýt còi.

feat

Hai vụ việc gần giai đoạn cuối mùa giải khiến dư luận xôn xao, về 2 pha chấn thương của Anh Khoa và Abass. Nếu như Quế Ngọc Hải bị treo giò 6 tháng và gây tranh cãi ầm ĩ thì Thanh Hào vô tội, chính xác là không mắc lỗi cố tình triệt hạ nên không bị phạt.

Thế nhưng, đọng lại vẫn là câu chuyện từ những tiếng còi. Những tiếng còi méo, những tiếng còi không nghiêm hoặc chỉ là sự im lặng đã khiến ý thức bạo lực ở V.League có môi trường nảy mầm.

Với trường hợp Quế Ngọc Hải, không ít chuyên gia phân tích rằng lẽ ra trọng tài phải rút thẻ đỏ ngay, thay vì chỉ là thẻ vàng. Phải chăng là có chút nể nang khi đó là sân nhà của SLNA?

Hay với trường hợp Thanh Hào, lúc đầu trọng tài chỉ rút thẻ vàng, sau thấy chấn thương của Abass, lại rút thẻ đỏ cho dù chính trọng tài có thể thấy tình huống vào bóng của Thanh Hào không thật sự nghiêm trọng?
Chưa bao giờ V.League yên tâm với công tác trọng tài. Cái yếu của họ không còn là thể lực hay tư tưởng mà có thể là yếu… bóng vía. Từ yếu bóng vía dẫn đến cái sai và để lọt những lỗi to như cái… tòa nhà.

Với một cầu thủ, nếu trọng tài phạt sai, đã có Ban Kỷ luật VFF ra án phạt nguội để sửa sai. Tất nhiên, trọng tài thổi sai cũng sẽ bị liên đới trách nhiệm.

Và người ta cũng đang chờ xem liệu có án phạt nguội nào cho cái lỗi to như tòa nhà 8B Lê Trực.

Song An 

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM khi bị chất vấn về vấn đề tắc đường đã nói rằng: “Ùn tắc trên 30 phút được tính dựa trên tiêu chí là xe không di chuyển trong thời gian đó. Do đó, có thể hiểu rằng các vụ việc kẹt xe kéo dài thời gian qua chỉ là ùn ứ, vì xe vẫn có thể di chuyển, nhúc nhích được”.

Có một lời bình luận khá sắc trên cộng đồng mạng, rằng: “Phát ngôn của ông Cường cho thấy đang có xu hướng quan chức chuyển sang diễn hài”. Có bình luận gay gắt, rằng: “Với quan điểm ùn tắc, ùn ứ ấy thì có lẽ cần đưa vào y văn để giải thích cho một chứng bệnh liên quan đến giai đoạn cuối của quá trình tiêu hóa”.

Café 24h: V.League vẫn đang... nhúc nhíchCó nhà báo nghe chuyện thì liên hệ ngay: “Liệu có thể so sánh quá trình giao thông ở TP.HCM với tốc độ phát triển ở… V.League”. Tức là, nếu nhìn vào một lát cắt nào đó, chẳng hạn như tổng số bàn thắng, tổng số thẻ vàng hay trung bình số khán giả đến với mỗi trận đấu thì có lẽ V.League đã không di chuyển trong nhiều năm. Thậm chí, có người tính toán rằng: “Nếu bỏ yếu tố HA.GL ra ngoài V.League thì giải năm nay… đi lùi”.

Cũng chưa rõ là V.League đi lùi hay đi tiến nhưng sẽ có những quan chức VFF lập luận rằng thật ra chỉ là “không di chuyển” trong một thời gian thôi, bản chất là ùn ứ vì V.League vẫn đang di chuyển nhúc nhích.

Cũng không rõ khái niệm “ùn ứ” của V.League thể hiện ở điểm nào nhưng đây là giải rất nhiều số… 0. Chẳng hạn, có sống được bằng tiền bán vé không? Không. Có hết những trận đấu đậm mùi không? Không. Niềm tin của NHM vào bộ máy lãnh đạo VFF có tăng lên không? Không.

Bản thân mùa giải 2015 đã bộc lộ nhiều bất cập, cũng không cần phân tích nhiều bởi nó rất rõ. “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Cái loạn bắt nguồn từ sự thiếu nghiêm minh, thậm chí thiếu nghiêm túc của BTC giải.

Rất may, giải năm nay chỉ có những sự cố mang hơi hướng bạo lực chứ không có những tình huống như ở Brazil, đất nước của bóng đá: Trọng tài Gabriel Murta sau khi bị các cầu thủ phản ứng vì một quyết định của mình đã chạy vào phòng thay đồ, cầm lấy khẩu súng để dọa cầu thủ.

Không trọng tài nào ở V.League có súng và cũng khó tin họ là những trọng tài mà đạn bắn không thủng. Thủng bằng tiền chưa chắc đã có nhưng thủng chuyên môn hẳn là rất nhiều.

V.League có vấn đề thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Hiển nhiên là BTC, là VPF, là VFF và đội ngũ Ban Kỷ luật VFF trong vai trò một quan tòa.

Không lẽ, phương thuốc để nền bóng đá này nhúc nhích với tốc độ nhanh hơn lại chính là một liều thuốc xổ (?!).

Song An

Thật ra, thâm ý này bắt đầu từ câu chuyện tiếu lâm bên… Hội Nhà văn, rằng có cái trụ sở 5 tầng, các nhà văn ở trên tầng 5 nhưng ngặt cái, tầng này không có nhà vệ sinh. Hỏi thì người ta bảo “vì các nhà văn hay… ị vào nhau nên cần gì nhà vệ sinh”.

Câu chuyên có ý tục nhưng mà cũng có lý do của nó, là việc nhiều người, chả cứ là nhà văn chỉ thích “vứt chất thải” vào nhà người khác. Để làm gì? Để thể hiện và có thể chỉ đơn giản là để… thích.

Lại nói chuyện không có nhà vệ sinh. Một dạo, người ta chụp được những tấm hình về sân Ninh Bình không có nhà vệ sinh, cầu thủ phải chạy ra một góc khuất để “chữa bệnh… đái tường”.

BĐVN không cần toilet? Phải chăng chỉ là nghĩa đen.

Hóa ra là thế này, hồi đầu mùa, bầu Đức tuyên bố mỗi CLB chỉ cần 15 tỷ đồng là khỏe re. Câu nói có thể căn cứ vào tình hình thực tế của HA.GL nhưng vô tình đưa các CLB khác vào… chỗ chết, nhất là những CLB nghèo chỉ trông vào ngân sách. Bầu Đức đang là ngôi sao, lại có quyền lực nên “nói chỉ có chuẩn”. Thế là, một số địa phương chỉ rót 15 tỷ đồng, coi như mức… đủ ăn. Thế là chết rồi, làm bóng đá mà chỉ đủ ăn thì ai làm (?!).

Café 24h: Khi bóng đá không cần... toilet

Thế là có dịp đấu tố nhau, rằng anh bảo 15 tỷ đồng nhưng tôi cần gấp đôi, gấp 3 như thế. Để rồi cuối cùng, bầu Đức vẫn nói 15 tỷ đồng là đủ. Khổ thế (!).

Rồi lại chuyện lãnh đạo đội Hải Phòng, năm nào tổng kết cũng có màn tấu hài. Ngoài thời điểm bầu Kiên đăng đàn, chỉ ra những bất cập của nền bóng đá thì từ bầu Trường, bầu Đệ và hôm qua đến lượt bầu Hùng đăng đàn tuyên chiến với VPF.

Những gì ông Hùng nói không sai, từ chuyện bắt bẻ câu chữ trong bản tổng kết của VPF cho đến cách hành xử của BTC trong việc chống tiêu cực. Thế nhưng, để có sức nặng như bài phát biểu của bầu Kiên năm nào thì không thể. Có lẽ, người ta cũng biết rằng, đến như bầu Kiên, quyết liệt là thế, giỏi giang là thế mà cũng không thể thay đổi ngay nền bóng đá.

Bây giờ ông Hùng hay ông nào nói ra cũng chỉ là cố gắng rút thêm sợi dây kinh nghiệm vốn dài lằng nhằng trong lòng bóng đá Việt.

Đôi khi người ta tự hỏi, vấn đề mấu chốt của một nền bóng đá “không chịu phát triển” như ở Việt Nam là gì? Là chuyện người ta thay vì cố gắng làm điều gì đó tốt đẹp hơn lại cố gắng “đấu tố” nhau. Hay thực chất cái gọi là đoàn kết liệu có thật sự tồn tại trong bộ máy VFF?

Đừng để người ta nói: Bóng đá nước mình không cần… nhà vệ sinh.

Song An

Thật ra đây chỉ là một trong chuỗi thâu tóm doanh nghiệp Việt của tỷ phú người Thái. Ngay từ khi vào thị trường Việt, khi đi thâu tóm doanh nghiệp, các tỷ phú Thái Lan ưu tiên ngành bán lẻ. Kết quả là phần nào các doanh nghiệp rơi vào tay tỷ phú Thái đa phần đều thuộc ngành này. Đáng nói tập đoàn Central Group của tỷ phú Chirathivat, người giàu nhất Thái Lan, thâu tóm thành công hệ thống siêu thị điện máy Pico của Việt Nam.

Trước đó, Central Group cũng nhận được nhiều sự chú ý lớn khi mua lại 49% cổ phần của Công ty đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT, đơn vị sở hữu Công ty thương mại Nguyễn Kim với hệ thống 21 siêu thị điện máy trên cả nước. Năm 2014, môt tỷ phú Thái Lan khác là ông Charoen Sirivadhanabhakdi suýt thực hiện được một thương vụ “khủng” nhất ngành bán lẻ Việt Nam, đó là mua lại Metro Việt Nam.

Tuy nhiên, thương vụ này sớm đổ bể dù ông này cũng thâu tóm thành công chuỗi bán lẻ Family Mart tại Việt Nam…

Café 24h: Kiếm tiền & tiêu tiền
Kiatisak.

Người Thái sang Việt để… đầu tư và kiếm tiền. Giống như câu chuyện Kiatisak cách đây gần 15 năm lặn lội sang Việt Nam, gia nhập HA.GL với mức lương khủng cùng những Dusit, Tawan coi V.League như “miền đất hứa” và tiếp theo là những cầu thủ khác đến Việt Nam để đá bóng kiếm tiền ở “miền đất hứa”.

Nói như thế để thấy người Thái nhanh nhẹn cho đến khi họ nhận ra những hào nhoáng của V.League thực tế chỉ là con bò bị vắt khô sữa.

Còn chúng ta thì sao? Thật sự người Việt khi muốn đến Thái Lan chỉ để… tiêu tiền: du lịch, tới Pataya xem sexshow…

Nó cho thấy 2 tâm thế khác hẳn: Người Thái đến Việt để kiếm tiền còn người Việt đến Thái để tiêu tiền, dù mức sống dân Thái cao hơn Việt Nam.

Tưởng là nghịch lý nhưng đó là yếu tố quyết định sự thành công của một nền bóng đá.

Vì Thái Lan có tư duy bóng đá kiếm tiền nên họ tìm đủ mọi cách kiếm tiền: Kêu gọi CĐV đến sân, tạo cơ chế thoáng cho doanh nghiệp đầu tư, biến mỗi trận đấu thành lễ hội. Với tư duy kiếm tiền, mỗi cầu thủ Thái thi đấu và luyện tập rất chuyên nghiệp, thi đấu cũng chuyên nghiệp bởi họ nghĩ chỉ cần một vài trận đá dở là túi tiền của họ bị ảnh hưởng.

Còn ở ta là tâm lý tiêu tiền: Đội bóng là của ông chủ, thoải mái đá mà không cần quan tâm tới NHM cảm nhận thế nào. VFF, VPF cũng chỉ tính kế tiêu tiền chứ không thấy có chiến lược phát triển để kiếm tiền và sống khoẻ nhờ tiền kiếm từ bóng đá.

Từ tư duy ấy dẫn đến tụt hậu. Nó lý giải vì sao cũng là nhà tài trợ Toyota nhưng giải Thái League kiếm tới vài trăm tỷ tức là gấp 10 lần khoản tiền nhà tài trợ rót vào V.League.

Bởi bắt tay với những người muốn kiếm tiền thì ta có cơ hội có tiền, còn bắt tay với những người muốn tiêu tiền thì chỉ có thể mất thêm.

Song An

Chuyện của Thai League và V.League: Càng đi, càng lùi

Nói như thế chẳng khác nào “ám” con nhà người ta rằng: “Nhà này không phù hợp với việc… thi Đại học”. Thời buổi này, nói thế là xúc phạm nhau.

Những thất bại liên tiếp khiến tất cả mất tự tin, cho dù điều kiện quan trọng nhất để phát triển bóng đá là NHM thì chúng ta đang có. Không dễ để cả triệu người cùng ngồi xem hành trình thi đấu của lứa U.19. Hoặc hình ảnh CĐV Việt Nam đứng chờ với cờ đỏ sao vàng ở Đài Loan (Trung Quốc) đón tiếp thầy trò Miura cho thấy chúng ta không thiếu khát vọng.

Nhưng làm thế nào để bay cao?

Café 24h: Chống tụt hậu bằng thể thao học đườngĐối với thế giới, thể lực người châu Á kém nhất. Đối với châu Á thì thể lực người khu vực ĐNÁ kém nhất. Trong đó, do di chứng của nhiều năm chiến tranh, thể hình và thể lực của người Việt vẫn đang khiến nhà chức trách Việt Nam đau đầu khi chúng ta thấp bé, nhẹ cân hơn nhiều so với các nước trong khu vực.
Vậy thì chỉ có thể nhìn vào… Tây Ban Nha để phấn đấu. Một đội hình không nhiều cầu thủ cao to nhưng vẫn lên đỉnh thế giới bằng kỹ, chiến thuật phù hợp.

Nhưng để có kỹ chiến thuật phù hợp thì phải có con người đầy đủ kỹ năng. Điều đáng mừng là hiện nay nhiều nơi đào tạo bóng đá dài hạn, kiểu Học viện HAGL, PVF, Viettel, Nutifood… nhưng về căn bản những mô hình này vẫn thiếu ổn định.

Ai cũng hiểu rằng cách làm tốt nhất vẫn là phải phát động phong trào bóng đá rộng khắp ở các cấp bắt đầu từ bóng đá học đường, điều đó tốt hơn là phụ thuộc vào một đơn vị.

Nhưng ai có thể đảm bảo một chiến lực quy mô đòi hỏi sự chung tay của cả Bộ GD&ĐT lẫn Bộ VHTT&DL?
Lại so sánh với Thái Lan. Không chỉ bóng đá, nhiều môn thể thao của Việt Nam đang tụt hậu rất xa: Bóng chuyền, Bóng bàn, Taekwondo…

Thái Lan lấy đâu ra nhân tài nhiều thế? Xin thưa là từ thể thao học đường. Đây không phải là vấn đề mới nhưng thử đánh giá lại: Thể thao học đường, bóng đá học đường của Việt Nam thế nào? Gần như là một số 0 tròn trĩnh.

Nó giống như phần đầu của bài viết khi ai đó bị nhận xét rằng “không phù hợp để thi Đại học” là có thể “đổ máu”.

Giáo dục của Việt Nam là thứ giáo dục hướng đến tranh đua, thi cử chứ không phải là giáo dục để có những con người toàn diện. Vì thế, hoạt động thể chất ở trường học là rất hời hợt, không tác dụng nếu như không nói là phản khoa học (đưa thể dục vào những tiết học cuối cùng trong ngày).

Than vãn về thể thao Việt Nam không phát triển hoặc chúng ta đang có thứ bóng đá “không chịu phát triển” chẳng giải quyết được gì khi chúng ta chưa định lượng được một cách cụ thể: Để có một ĐT U.19 mạnh cần bao nhiêu trường PTCS, PTTH phát triển môn bóng đá, cần bao nhiêu trung tâm, địa phương cùng làm bóng đá.

Một mảnh đất làm sân bóng cho các em còn qua quá nhiều khâu xét duyệt thì nói chuyện bóng đá học đường vẫn còn xa vời.

Vậy thì bao giờ mới bằng được Thái Lan?

Song An

Bóng đá Thái Lan: Chắc chắn ngay từ nền móng

Có vẻ như bị tác động ít nhiều bởi sự dài dòng lê thê của những bài diễn văn khai mạc ở trận tuyển Việt Nam- Manchester City nên vừa rồi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – một người rất yêu bóng đá- cũng đã yêu cầu Bộ giáo dục phải tổ chức lễ khai giảng sao cho đúng thực chất là của các em, mời quan chức phát biểu ít thôi, đừng bắt trẻ em đứng nắng và cố gắng gọn nhẹ, hiệu quả.

Đó được coi như nỗ lực để phần nào chống căn bệnh hình thức. Thế nhưng, ngay cả cái lễ khai giảng cũng đang đại diện cho căn bệnh hình thức ấy: Gọi là khai giảng nhưng thực chất là các em đã học từ trước đó cả tháng. Nghĩa là chả có gì mà “khai” cả. Một cách vô tình, chúng ta đang truyền cho chính lứa con cháu của mình cái gọi là không thực chất, bệnh hình thức để rồi khi chúng lớn lên trong tế bào đã có ADN của bệnh hình thức rồi, thì chữa sao đây?

Cái bệnh hình thức, chẳng nói đâu xa, là chuyện dễ thấy của bóng đá. Hỏi chúng ta đã hài lòng về V.League chưa? Câu trả lời là “chưa”. Ấy thế sao vẫn cứ thành công tốt đẹp? Vẫn cứ hân hoan cuối mùa…

Café 24h: Đừng bao giờ trách các emCó người nói vấn đề của BĐVN bây giờ rất đơn giản: Không cần thay quan chức VFF, không cần phát hiện tiêu cực, không cần cảnh cáo các đội bóng, chỉ cần thay khán giả là xong.

Nhưng cái khó là nếu đã có thể thay khán giả thì đã…thay rồi.

Bệnh hình thức khiến con người ta dễ dàng hài lòng với những hào nhoáng bề ngoài. Năm ngoái, đội U.19 đá tưng bừng, lãnh đạo chém gió tưng bừng nào là sẽ vô địch SEA Games năm 2017, nào là lên tầm châu lục, “đủ tuổi” lọt vào World Cup. Những lời nói có cánh ấy ru ngủ chính những nhà hoạch định bóng đá.
Không thực chất và đúng bản chất của vấn đề.

Hai đội U.19 thực chất là được nuôi theo kiểu “gà nòi” chứ không phải là sản phẩm của một thứ công nghệ đào tạo bóng đá. Đã có những chuyên gia cảnh báo rằng chúng ta cần phải có 1.000 lò đào tạo như HA.GL, PVF thì may ra mới có một vài chục cầu thủ như Công Phượng.

U.19 VN thua và nhận sự chỉ trích. Không nên bắt các em chịu trách nhiệm hay đòi hỏi những điều quá lớn lao như “dân tộc, quốc gia”, bởi đó chỉ là biểu hiện của căn bệnh sính hình thức. Bóng đá suy cho cùng chỉ là cuộc chơi và nếu có thất bại thì lại là câu chuyện của người lớn.

Chứ không phải ngồi rình rồi tính chuyện tranh công.

Song An

Tại sao lại phải khoác cho bóng đá một manh áo rộng đến thế? Các em U.19 của HLV Hoàng Anh Tuấn không đáng phải gánh một trọng trách quá lớn để rồi sau một trận thua kiểu “sập hầm” như trong môn tennis lại quay sang chỉ trích?

“Gieo thế nào thì gặt như vậy”, các cụ nói không sai bao giờ. Chúng ta cứ loay hoay đi tìm câu trả lời cho câu hỏi lớn: “Bao giờ thì vượt Thái Lan?” Xin thưa là bóng đá không phải là chìa khóa để giải quyết vấn đề và nếu nói cho đúng thì bóng đá cũng chỉ là kết quả của một quá trình, một hình ảnh phản chiếu của xã hội.

Café 24h: Bình thườngVấn đề ở đây là chất lượng, năng suất lao động. Nếu một công nhân Thái được Tổ chức Lao động thế giới đánh giá cho năng suất cao gấp 9 lần công nhân Việt Nam thì coi như đội U.19 của Việt Nam vừa rồi đấu với… 9 đội U.19 Thái Lan cùng trình độ. Vì thế, thua 0-6 còn là nhẹ.

Mỗi trận bóng đá thua người Thái, ta đều thấy tiếc nhưng ai đã và sẽ tìm cách để ngang bằng rồi vượt qua người Thái? Mấu chốt là ở thứ gọi là văn hóa với công việc, mức độ chuyên nghiệp.

Nhìn HLV Hoàng Anh Tuấn – một trong những HLV được cho là trình độ hiện nay, nhiều người nhớ đến lời ví von rất “độc” của ông thầy này khi yêu cầu các cầu thủ Khánh Hòa đá V.League, đại ý là “phải tự coi mình như… con chó, thấy bóng phải tranh như tranh khúc xương”. Cái kiểu ví von dân dã ấy nó lại cho thấy dù thầy có khá bao nhiêu nhưng môi trường nó chỉ có đến thế thì không giải quyết được vấn đề.

Hãy nhìn đội ngũ HLV của Thái Lan, rất đông và nó cho thấy sự chuyên nghiệp đến ngạc nhiên. Thua Thái Lan là bình thường, thắng mới là điều cần phải nói.

Nhiều người cũng nhắc đến việc nếu là lứa U.19 của Công Phượng, Tuấn Anh… thì liệu có thua không? Tôi tin chắc đến 80% là lại thua, chỉ có điều cách thua và tỷ số thế nào thôi. Bởi lẽ chúng ta chưa giải quyết được phần gốc trong câu chuyện xây dựng “con người – chiến thắng” ít nhất trong thể thao.

Thà chấp nhận thực tế đau thương còn hơn sa lầy và ảo tưởng. Nó cho ta một bài học thế này, dù U.19 năm ngoái của bầu Đức theo công nghệ Arsenal hay U.19 năm nay nòng cốt là PVF theo công nghệ Ukraine pha Việt Nam với sự đầu tư của tập đoàn Vingroup thì tất cả chưa đủ.

Chúng ta còn thua Thái nếu vẫn chỉ trông vào một nền bóng đá chỉ biết ăn đong và trông vào ruộng lúa của người khác thay vì phải chung tay tạo ra những cuộc cách mạng bóng đá.

SONG AN

Phía sau sự hồi sinh của HA.GL: Giải cứu

Hóa ra là thế này: Giải “5 lít” ấy, chả phải là giải bia rượu gì đâu mà là giải bóng đá V.League nhà mình. Chữ V theo ký tự La Mã là số 5, V.League đọc trại thành… 5 lít, thế thôi.

Thật ra, nếu bóng đá khiến người ta mê như mê… bia thì đã đỡ đằng này chữ V đẹp như thế, tiếng “Tây” còn là biểu tượng cho chiến thắng thế mà cứ bị đọc ngược xuôi, đến khổ.

Sau một mùa giải V.League "xuống chó lên voi", "lũ trẻ nhà bầu Đức" học được gì?
Sau một mùa giải V.League “xuống chó lên voi”, “lũ trẻ nhà bầu Đức” học được gì?

Nào là giải “vờ” League. Đá thật thì ít mà đá… vờ thì nhiều. Cái này thì không ai có đủ bằng chứng để khẳng định nhưng hàng loạt những trận đấu vừa qua, muốn tin là đá thật cũng khó. Một đội như Hà Nội.T&T, hiệp 1 biến đội chủ nhà thành “quân xanh” nhưng hiệp 2 bỗng nhiên xìu rồi thua ngược như đùa. Ừ thì bóng đá thiếu gì trận đấu “lội dòng nước ngược ngoạn mục” nhưng lội dòng khác với được cho phép “đè mặt” và… lội. Ở trận đấu với SLNA đã thấy có nhiều bất thường, giờ đến trận với Hà Nội.T&T, chưa kể là nhiều trận còn có độ “vờ” rất cao.

Ông Trịnh Minh Huế nói ở V.League có một loại chiến thuật vào dạng “độc”, ấy là thuật tàng hình. Những cuộc mua bán, xin cho đều… tàng hình? Trước đây bóng đá Việt có “người đi xuyên tường”, giờ có “thuật tàng hình” và nó cũng chỉ là thứ “vờ” League.

Ít khi Ban Kỷ luật lại thiếu việc làm như hiện tại. Trong khi NHM thì sốt ruột, còn các ban chức năng của VFF lại “không nghe, không thấy, không biết” hoặc trả lời cho xong chuyện: “Có thấy tiêu cực đâu?”

Liệu người ta có vờ không? Vì ngoài bóng đá, ở đời thiếu gì những điều tưởng thật nhưng đó chỉ là “vờ”.

Giải đấu “5 lít” cho thấy vai trò của những ông chủ. Những người như bầu Đức vẫn là một thế lực ẩn mình của “vờ” League.

Ai dám đấu lại bầu Đức? Khó tìm! Có những cái mất đi một cách nhẹ nhàng nhưng khả năng lấy lại không cao: Khi bầu Đức nói HA.GL phải là một biểu tượng của bóng đá đẹp, xuống hạng cũng phải đẹp thì thử hỏi, cuối mùa này, các cầu thủ HA.GL học được gì? Hay cứ phải là “đi với ma thì phải mặc áo giấy”.

Hay là nên nghĩ tích cực thế này: Phải vui vì các cầu thủ của HA.GL đã trưởng thành, V.League có nhiều trận đấu ngược dòng ngoạn mục, trung bình cứ 10 phút V.League (vòng 24) có 1 bàn thắng, đó là bóng đá tấn công…

Tốt nhất là nên nghĩ tích cực để đỡ phải đau đầu vì đằng nào cũng chẳng đổi thay được bản chất của vấn đề.

Tung hoa, bắn pháo giấy chào mừng giải “5 lít” thành công…

Song An 

Chủ tịch CLB Đồng Tháp: “Đánh hội đồng hay cứu đã rõ”

Nếu Dê Gà ở Việt Nam thì sẽ xảy ra mấy trường hợp sau đây:

Thứ nhất, việc chậm công văn (ở Tây gọi là thủ tục hồ sơ) chắc chắn là quên khoản…bôi trơn. Ở Việt Nam muốn được việc thuận lợi thì không có bôi trơn không được, nhất là mấy chuyện “đút vào, rút ra” mấy cái hồ sơ, dự án là phải bôi cật lực. Không có bôi trơn thì bị hành bằng chết mà cuối cùng là hỏng việc mình.

Thứ hai nếu quy trách nhiệm, ở Việt Nam thì để mất hoặc ảnh hưởng tới “của một đống tiền” như thế, chắc chắn là do lỗi anh… đánh máy. Ở Việt Nam nhiều tội cuối cùng “anh đánh máy chịu”. Nghề này không biết lương có cao không mà áp lực ghê.

Thứ ba, có vẻ Real tiếng là đội bóng Hoàng gia lại thiếu đi khoản “quan hệ”. Nếu ở Việt Nam thì kiểu gì chẳng bốc điện thoại “gọi cho… một ông anh”, kiểu: “Anh xem thế nào chứ em có thằng em ngoan hiền, biết điều, anh có cách nào can thiệp bên LĐBĐ Tây Ban Nha chiếu cố giúp em, mai em mời anh… ăn trưa”. Mà ăn trưa không phải là ăn trưa đâu nhé.

Tây nhiều chuyện hài, còn ta nhiều chuyện… vui.

Café 24h: Ồ, vui quá!
Thấy thế mà không phải “thế”?

Chẳng phải để một thủ môn chậm từ CLB này sang CLB khác mà bóng đá Việt còn biết cách “đẩy” hẳn một CLB từ chỗ cửa chết đến thiên đường.

Hôm qua V.League chứng kiến những sự kiện kỳ lạ. HN T&T thắng dễ 2-0 rồi để HA.GL thắng lại 3-2. Cái tỷ số ấy, cách chơi ấy cho thấy ngay là HN T&T có ý thương HA.GL. Từ “thương” tới “nhường” chỉ là khoảng cách của sợi tóc.

Điều lạ lùng là việc ấy diễn ra công khai, trước mắt tất cả và nguy hiểm là tất cả coi đó như một “thành quả” của V.League. Bầu Đức từ chỗ nói toạc là “HA.GL bị đánh hội đồng” để rồi không hiểu sao cuối cùng lại “được thương hội đồng”.

Bóng đá nhà ta vui thật, B.Bình Dương vô địch trước 2 vòng mà nhạt hoét còn những trận đấu mà phẩm giá của nó không đến nửa xu vì sự lừa dối lại được biến thành những điều bình thường.

Đó là “bôi trơn”, là “quan hệ” hay trách nhiệm cho sự xuống cấp của nền bóng đá do… CĐV.

De Gea có thể tiếc là không ở Việt Nam để việc của mình trôi chảy nhưng thật sự là trình độ De Gea không chơi ở Việt Nam được. Bởi nói như ông Trần Bình Sự, mình còn hơn Chủ tịch FIFA S.Blatter ở khoản… giữ lời.

Bóng đá ta ở đẳng cấp cao quá, cao tới chóng cả mặt. Thế mới tài!

Song An

HA.GL 3-2 Hà Nội.T&T: Họ đã được cứu

Nếu là chuyện của phong độ, việc “ngôi sao” Công Phượng không được gọi là xứng đáng, với những gì tiền đạo này thể hiện ở V.League. Nhưng nếu đơn giản là chuyên môn, rất khó thuyết phục nếu HLV Miura không chọn Tiến Dũng hay Tuấn Anh – cầu thủ chơi rất hay thời gian gần đây và thật sự xứng đáng.

Anh HLV Miurra - Cong Phuong

Là phong độ, vậy tại sao Công Phượng có mặt khi ĐTVN đá giao hữu với Man City, dù cũng tịt ngòi và “lặn mất tăm” trong màu áo HA.GL, trong khi 2 chân sút nội ghi bàn nhiều nhất là Văn Thắng, Đình Tùng không có chỗ? Phải chăng, đá với Man City là “ăn cỗ” và việc lên Tuyển là “quà” còn làm nhiệm vụ ở VL World Cup thì khác?

Và phong độ, lý giải sao về trường hợp Quang Hải, tiền đạo trước đó từng được gọi lên theo diện “chữa cháy” khi cần, đang chơi thăng hoa?

Ở đây, có một câu hỏi được đặt ra: Liệu có hay không sự can thiệp, khi HA.GL đang gồng lên lo trụ hạng và muốn tập trung những gì tốt nhất để bằng mọi giá phải ở lại V.League? Có hay không sự đặc cách cho đội bóng của bầu Đức và bản danh sách do ông Miura ký tên bị chi phối bởi bàn tay, tính toán nào đó?

Thực ra, cũng không đến mức to tát hay nghiêm trọng hoá vấn đề đến thế, dù nó là chuyện công bằng hay những giá trị, nguyên tắc cần tôn trọng tuyệt đối với ĐTQG. Và lên hay không lên ở một trận đấu, không phải chuyện của cá nhân Công Phượng hay cầu thủ HA.GL mà ở đây, vấn đề phải là màu áo ĐTVN và cách mà người ta lâu nay vẫn ứng xử.

Tự bản thân các cầu thủ được gọi hay “được” không phải gọi, họ sẽ nghĩ gì trong đầu và tác động từ trong ý thức ra sao? Rồi những vấn đề tưởng như rất nhỏ nhặt như thế, như cái lắc đầu ngao ngán đầy bức xúc ở đợt tập trung đá với Man City của nhiều cầu thủ khi được cho mua mỗi người 2 cặp vé hạng 2, hạng 3 rồi khi ế vé thì “tháo khoán” cho các tuyển thủ, nên nhìn nhận như thế nào khi lâu nay người ta cứ rao giảng những thứ to tát như màu cờ sắc áo, danh dự và trách nhiệm?

Chợt nhớ tới uất hận của những cầu thủ bị người đứng đầu nền bóng đá cho vào “danh sách đen” và “cấm cửa” lên Tuyển, đến câu chuyện hậu thất bại AFF Cup 2014 rồi cả những tuyên bố, những bài giảng về đạo đức… cùng một tiêu chí nghề nghiệp vô cùng đặc biệt mà lâu nay cầu thủ Việt Nam vẫn ý thức sâu sắc:

“Cầu thủ không phải những thằng mất dạy…”!

ĐỘC PHONG

Những chuyện chỉ có ở V.League: Doping tiền, áo giáp & chống trộm

Hết giải, đúng là Đồng Nai xuống hạng thật. Cả lớp lẫn thầy giáo đồng loạt vỗ tay khen ngợi, phục lăn về sự hiểu biết lẫn tài “đoán bóng đá như thần” của bạn An. Khi được hỏi, An cười và tiết lộ: “Do em là fan cuồng của HA.GL nên hay đọc báo. Trên mạng, người ta đọc trước kịch bản Đồng Nai xuống hạng nên em nói theo, vậy thôi…”.

Hoá ra là vậy!

Một câu chuyện có tính chất tưởng tượng, nhân câu chuyện bài học về lòng dũng cảm đi trên thuỷ tinh trong sách Thực hành kỹ năng sống dành cho học sinh lớp 1 do NXB Giáo dục phát hành, vốn đang “nổi như cồn” đến mức người ta chế ra đủ các loại ảnh và ngay lập tức xuất hiện một ứng dụng về cái gọi là lòng dũng cảm.

Vui thôi nhưng kể ra, hoàn toàn có thể có một ứng dụng như thế dành cho các CĐV về cuộc đua trụ hạng ở V.League giai đoạn cuối giải này. HA.GL, XSKT.Cần Thơ, Đồng Nai hay Đồng Tháp sẽ xuống hạng? Câu hỏi khó mà dễ, dễ mà khó giờ là mối quan tâm duy nhất của giải đấu cao nhất của BĐVN, như thực tế bao năm qua vẫn thế.

Café“ 24h: Bạn An giỏi thật!”
Đồng Nai có cố chạy cũng không thể hết “nắng”?

Trên lý thuyết, cơ hội vẫn dành cho tất cả trong 3 trận còn lại. Thế nhưng “điểm mặt, chỉ tên” và chẳng cần dựa vào chuyên môn hay quy luật nào của trái bóng tròn, kết luận được đưa ra là Đồng Nai nhiều khả năng nhất “phải chết”.

Cái kiểu tính điểm và đọc trước kết quả dù bóng chưa lăn, đúng là “đếm cua trong lỗ”. Ấy thế mà bao năm qua, cứ cuối mùa giải, các đội chạy đua trụ hạng là người ta lại “đếm cua” và thật tài tình, cuối cùng thực tế chứng minh là “đếm” chuẩn, kết quả y hệt như dự đoán.

Lạ là ở chỗ đó.

Cái lạ đó lý giải kiểu gì cũng khó, như trường hợp của Đồng Nai nếu mùa này phải xuống hạng thì có lẽ cũng chỉ biết giải thích: Do họ không chịu… “thay tướng”.

HA.GL bết bát, là ƯCV số 1 cho suất hạng Nhất mùa sau và cho HLV Graechen nghỉ, đưa trợ lý Nguyễn Quốc Tuấn lên thay và “đổi vận” ngay, 2 trận thắng cả 2 để rộng đường thoát. Còn XSKT.Cần Thơ, cả GĐ1 chết dí ở đáy BXH, HLV Nguyễn Văn Sỹ được cho lên đường, một trợ lý được nhấc lên và một HLV lão làng được mời về làm GĐKT. HLV trưởng thì không ai “nhớ mặt, nhớ tên”, người có tiếng nói quyết định thì nhiệm vụ quan trọng nhất là công việc của một “Giám đốc… điều hành”, vậy nhưng họ lại đầy cơ hội sống sót.

HA.GL thay, XSKT.Cần Thơ thay và chỉ có Đồng Nai không thay, thế nên không “đổi vận”.

À, hoá ra là thế!

ĐỘC PHONG

V.League chỉ còn cuộc chiến trụ hạng: “Tử thần” gọi tên ai?

“Cầu mong họ thắng, hoặc ít nhất không thua. Bởi nếu không, rất nhiều người sẽ khổ…”. Trước trận đấu với Đồng Nai, một HLV đang cầm quân ở V.League thành thật chia sẻ như vậy. Nếu HA.GL thắng, mọi thứ sẽ khác và nhiều người sẽ… thở phào, như ĐT.LA và S.Khánh Hoà, những đối thủ bị vào cái thế nắm trong tay quyền phán quyết ai sẽ phải xuống hạng mùa này, chẳng hạn. Họ mà thua, đá kiểu gì cũng khó ở tình thế nhạy cảm như hiện nay. Còn HA.GL thắng, chuyện thắng/thua ở những trận cuối sẽ được nhìn nhận ở lăng kính khác, đó là sự thật mà cũng là may mắn với đối thủ của HA.GL.

IMG_2213

Đá sân khách, chủ nhà chơi 3 “Tây” còn HA.GL vì sự an toàn nên dù tâm lý không vững nhưng Văn Tiến vẫn phải đứng trong cầu môn thay vì Minh Nhựt. Thế nhưng ở trận đấu chơi để tự cứu mình, HA.GL đã chơi tốt và thắng xứng đáng.

Chính họ với việc chơi bóng đã mang đến cảm xúc, kịch tính và những phút giây nghẹt thở cho khán giả chứ không phải Đồng Nai với 3 cầu thủ da màu và thứ bóng đá đáng buồn khi thường xuyên sử dụng những pha nhồi bổng cho “Tây” chạy hệt “bóng đá làng”.

Xà ngang từ chối quả 11m của Hải Anh và những tình huống đá ra ngoài khó hơn vào trong, nhưng Đồng Nai không thể ghi bàn mà không hiểu tại sao. Đúng là thần may mắn đã mỉm cười HA.GL, nhưng cũng vì họ xứng đáng hơn.

Và có vẻ như, ở trận đấu mà cả HA.GL lẫn Đồng Nai phải tự đứng, tự chiến đấu trên đôi chân của mình, số phận đã lựa chọn đội bóng của bầu Đức.

HA.GL thắng và họ sẽ sống. Với chiến thắng này, tự đội bóng này chứng minh mình và có thể nó còn giải quyết rất nhiều vấn đề. Ví dụ, đó là câu trả lời cho những nghi hoặc và thậm chí là “bất công” mà họ phải hứng chịu, sau trận thắng bất ngờ trước SLNA.

HA.GL may mắn và may cho V.League, nếu đội bóng này không xuống hạng mùa này. Vẫn còn những giá trị tốt đẹp để trông vào, tin tưởng và hy vọng, khi HA.GL có thể sống sót bằng chính khả năng của mình.

Đó là điều khiến nhiều người thở phào sau một trận đấu cân não mà kết quả có thể xem như là minh chứng cho sự công bằng của cuộc chơi.

Chúc mừng HA.GL, chúc mừng bầu Đức và chúc mừng cả V.League…

NGUYÊN ANH

“Hay thì ăn, thua thì chịu. Cũng chỉ là một trận đấu, gì mà ầm ĩ…”, bầu Đức nhẹ tênh và bảo rằng bận việc nên sẽ không đến sân. Chuyện thắng thua, trụ hay xuống hạng, giờ cũng chẳng có gì phải to tát cả.

“Xuống hạng cũng được, vẫn vui”. Hơn một lần, bầu Đức tuyên bố thế. Thậm chí, ông còn bảo rằng có khi xuống hạng Nhất lại… tốt hơn. Tốt cho HA.GL, tốt cho giải đấu hạng 2 này vì sẽ giúp hạng Nhất vốn đìu hiu sẽ vui, xôm tụ hơn.

Có thể, với nhiều người thì đó chỉ là cách nói, như là sự chống chế khi “sự đã rồi”. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó thì có khi bầu Đức nói thật và nói đúng, ít nhất ở khía cạnh niềm vui.

Bao nhiêu tiền của, công sức và tâm huyết dành cho Học viện HA.GL Arsenal JMG, khi nhấc nguyên lứa Công Phượng lên đá V.League, điều khiến bầu Đức hào hứng nhất là niềm vui mà lứa cầu thủ trẻ tài năng này có thể mang đến cho khán giả, giải đấu. Như ông từng sướng và cười tít mắt khi sân Pleiku vỡ còn HA.GL đi đến sân thì ở đó có lễ hội với các CĐV, đó mới là thứ giá trị nhất.

Café 24h: Vui thôi...

Chỉ tiếc rằng, niềm vui đó không kéo dài được lâu. Và bầu Đức cũng hiếm hoi có cơ hội sướng để rồi sau một vài trận đấu, chính ông cũng không còn xuất hiện trên sân để “coi tụi nhỏ đá và đã” nữa. Với những người hiểu, gần ông bầu này thì quả thực đó mới là nỗi đau lớn nhất chứ không phải chuyện thắng thua, khi không còn tìm thấy niềm vui và cảm giác sướng nên muốn đến sân cũng không thể.

Có thể bầu Đức ảo tưởng và sai lầm nhưng có vẻ, ông bầu này đang lạc lõng, cô đơn ở V.League, sân chơi mà ở đó, niềm vui hay những giá trị thuần khiết, nguyên bản nhất của bóng đá bị đè bẹp bởi toan tính, thắng thua thành tích và quá nhiều cái to tát nhân danh bóng đá.

V.League 2015, SLNA có thứ hạng hay thành công như thế nào thì cũng còn lại gì, khi chính CĐV của họ quay lưng vì bị tổn thương, vì thấy không được coi trọng và cảm giác phản bội?

B.Bình Dương với dàn sao nếu mùa này lại vô địch, cái gì sẽ đọng lại nếu trong ngày đăng quang Gò Đậu vắng hoe với một nhúm CĐV và chỉ lãnh đạo, cầu thủ chia vui với nhau?

Đá “chung kết” với B.Bình Dương, CĐV Thanh Hoá gửi đi thông điệp: Thắng hay thua phụ thuộc nhiều thứ, quan trọng đội bóng phải chơi như thế nào để khán giả luôn bên cạnh đội, để vui và tự hào chứ không thể một ngày nhìn lên khán đài thấy vắng tanh…

Bóng đá phải là niềm vui, sự thích thú và giờ thì HA.GL mang trên mình sứ mệnh cứu vãn niềm vui bóng đá.
Vậy thì cứ vui mà chơi thôi, sao phải khổ?

ĐỘC PHONG

Phía doanh nghiệp cũng xác nhận là họ đã bỏ ra khoản tiền lên tới 2 tỷ đồng để chạy quảng cáo điện tử trên sân một số CLB lớn ở xứ sở sương mù.

Câu hỏi là “quảng cáo đó nhắm đến đối tượng nào?”. Nếu là đối tượng khách mua là người Anh thì không chắc bởi nếu thế từ “Tôn” gắn với doanh nghiệp phải chuyển ngữ ra tiếng Anh. Rõ ràng đối tượng hướng đến chính là cộng đồng người Việt, khán giả Việt.

Nghĩa là doanh nghiệp Việt chọn còn đường “đi vòng”: chạy sang Anh để người Việt biết đến họ nhiều hơn thông qua… TV. Đó là cách làm khôn ngoan mà ông bầu Đoàn Nguyên Đức đã sử dụng khi quảng bá thương hiệu HA.GL trên sân Emirates của Arsenal.

Bóng đá vẫn có sức hút rất lớn với các doanh nghiệp nhưng tại sao V.League vẫn ở trong cảnh “đói ăn” và không phải đội bóng nào cũng dư tiền bạc. Câu trả lời rất dễ dàng, đó là V.League không thể là nơi để xây dựng và gửi gắm những thương hiệu có độ tin cậy và hướng đến chữ “sạch”.

Café 24h: Thua sân nhà

Toyota tài trợ cho V.League với khoản tiền chỉ bằng…1/6 so với khoản tiền họ đã bỏ ra đối với bóng đá Thái Lan. Vì sao thế? Vì chúng ta làm thương hiệu kém và cũng bởi luôn bộc lộ sự yếu kém của bóng đá nước nhà.

Thế nên, nhiều doanh nghiệp lại chọn cách đến với bóng đá bằng con đường tạo ra các trại hè, như Toyota hay Yamaha, hoặc thậm chí là thích bắt tay với giải phong trào.

Không doanh nghiệp nào tin tưởng và an tâm khi nội tình V.League 2015 vẫn còn rất nhiều gam màu tối và độ trung thực – nói như ông Trần Bình Sự là “không ai có thể khẳng định được sự trong sạch thời điểm này”.
Nó giống như câu chuyện bao nhiêu năm cứ nhắc đi nhắc lại đến nhàm chán, cách đây mấy chục năm khi Giám sát Tô Hiền nói thẳng: “Ai không tiêu cực thì giơ tay?”- cuối cùng thì tất cả đều cúi mặt.

Bây giờ nói Đồng Nai sẽ chơi tất tay. Họ đang phải trả giá cho những gì gọi là tiêu cực mùa trước và chính họ cũng đang vướng nghi án ở một số trận đấu “có mùi” ở V.League.

Lẽ ra cái phần của Tôn Đông Á phải là ở V.League với hàng trăm doanh nghiệp như vậy. Đằng này họ phải dạt thật xa để tiếp cận khán giả Việt bằng lăng kính khác. Thêm một khía cạnh mà bóng đá nước ta thua trên sân nhà.

Song An

Thế là ồn ào, bài học gì mà như “Sơn Đông mãi võ” thế. Nhiều phụ huynh cho rằng các em có thể bị thương khi dẫm lên thủy tinh, thậm chí sẽ là đại họa nếu em nào hiếu động tự đập vỡ chai và thử thực hành “dũng cảm” tại nhà.

Còn người viết sách thì nói đã nghiên cứu kỹ. Theo nguyên tắc trong vật lý, mảnh vỡ thủy tinh to cỡ 3cm2 và độ dày 3cm thì không thể cắt vào chân. Trên thảm thủy tinh, mảnh nào bé, tiết diện nhỏ thì áp suất lớn, sẽ bị chìm xuống dưới; mảnh nào to, thiết diện lớn thì áp suất bé, sẽ trồi lên trên. Và bao giờ các thầy cũng dùng những băng dính để dính lại những mảnh rất nhỏ. Như vậy đi trên thảm thủy tinh sẽ không bị đau, thậm chí còn êm chân.

“Quản trị cảm xúc không thể học thuộc lòng được, phải trải qua thực tế. Đây là kỹ năng sinh tồn và đa số chúng ta chết vì sợ hãi chứ không phải chết vì tai nạn. Chúng tôi không dạy an toàn, mà chúng tôi dạy dũng cảm. Dũng cảm là trong khủng hoảng phải làm chủ được cảm xúc. Bởi nếu không làm chủ được cảm xúc thì chúng ta không vượt qua được bất cứ khủng hoảng nào hết”.

Café 24h: Đá bóng trên sân đầy mảnh thủy tinh

Sở dĩ phải nói dài dòng vậy là tôi nhớ đến câu chuyện trong bóng đá. Đội bóng của bầu Đức, đội HA.GL đá ở V.League có khác nào một đứa trẻ đứng trước tấm thảm rải đầy thủy tinh. Bước tiếp, hay không bước? Bầu Đức đã chọn cách cho các cầu thủ trẻ của mình bước trên tấm thảm thủy tinh ấy. “Quản trị cảm xúc không thể học thuộc lòng được, phải trải qua thực tế. Đây là kỹ năng sinh tồn và đa số chúng ta chết vì sợ hãi chứ không phải chết vì tai nạn” – ở đây không phải là chuyện thắng/thua mà có lẽ là chuyện quản trị cảm xúc. Không ai dạy các cầu thủ HA.GL rằng thực tế áp lực thế nào, đầy rẫy những khó khăn ra sao mà phải để cho chính các cầu thủ trải nghiệm.

Cái giá phải trả, cũng có thể là những mảnh thủy tinh cứa vào chân hay chính đội HA.GL phải xuống hạng. Nhưng có một thứ mà tiền bầu Đức dù nhiều nhưng cũng không thể mua được, đó là kinh nghiệm và điều quan trọng nhất là bài học “không làm chủ được cảm xúc thì chúng ta không vượt qua được bất cứ khủng hoảng nào”.

V.League mùa này, HA.GL đá trên sân rải mảnh thủy tinh. Nhưng mùa sau, có lẽ là họ sẽ khác, rất khác.

Song An

Trước trận đấu, bầu Đức nói thế này: “Tôi đã khẳng định nếu HA.GL rớt hạng thì làm lại từ đầu, xem như đó là bài học quý giá cho việc làm bóng đá chuyên nghiệp. Chúng tôi đã chấp nhận điều tệ hại nhất là rớt hạng thì việc gì phải đi xin điểm, xin đội bạn nương chân. Nhục lắm! Và sẽ không bao giờ chúng tôi làm chuyện đó…”.

Còn HLV Ngô Quang Trường thì nói: “Tôi khẳng định không bao giờ có việc tôi chỉ đạo học trò chơi nương chân trước mọi đối thủ”.

Nếu tin thì thà tin luôn là kỳ thi tuyển sinh Đại học vừa rồi… thành công rực rỡ.

Tất nhiên, bầu Đức có thể không xin điểm. Ông có thể xin nhiều thứ khác chứ điểm chác thì xin làm gì, thích thì chơi, không thì thôi… ít nhất là 2 từ doanh nhân không thể khiến ông ngửa tay xin xỏ điều gì.

Café 24h: Nhục lắm, thật không?

Nhưng không xin mà “được cho” thì sao? Kiên nhẫn xem hết trận đấu SLNA – HA.GL mới thấy như là đang xem kịch. SLNA như không đá, lúc cần quyết liệt thì không quyết liệt, lúc chẳng cần quyết liệt thì phi ầm ầm.

Rồi bỗng nhiên được penalty, rồi trả lại penalty, rồi đứng im cho đội bạn ghi bàn. Một sự trơ tráo đến công khai. Ấy thế các CĐV HA.GL vẫn cổ vũ ầm ầm, gần 3.000 khán giả của SLNA thì đứng im trên sân, nhiều thời điểm như chết lặng.

Họ vui hay buồn, cũng đều đáng thương cả.

Chúng ta cứ phải ngồi với nhau, các bình luận viên hớn hở phân tích những cái hay về chiến thuật trong khi bản chất trận đấu có khi lại là 2 chữ “lừa đảo”.

Có vẻ như không ai thấy ngại ngùng hay cảm thấy cần phải nói lên một điều gì đó: Cả làng bóng đá thế rồi, không khác được.

Hôm qua, ở trên sân Tân An, ĐT.LA cũng như là thua Cần Thơ. Sẽ chẳng có phán xét gì cả, V.League đang ở cảnh chợ chiều. Vả lại, dù sao thì HA.GL cũng là đội bóng “Thái tử”, đội bóng của PCT VFF. Còn năm sau, bầu Hiển cũng có tới 4 đội chơi ở V.League, khi thêm CLB Hà Nội lên hạng.

Vấn đề là chúng ra xác định xem kịch thế nào mà thôi. Vả lại, nhục làm sao được khi cái sự nhục đã trở thành thói quen.

Song An

Nào là có một căn nhà Việt ở triển lãm Expo tại Italia, đành rằng công tác tổ chức có phần chưa được hoàn thiện, chưa chiếm trọn tình cảm của du khách cũng như chính người Việt khi tham quan. Thế là có một người viết lên facebook , đại loại rằng: “Nhà Việt nhếch nhác quá, nhục quá”.

Lập tức báo chí, nhiều báo lớn “nâng quan điểm”: Như thế rõ ràng là “nhục quốc thể”, không thể chấp nhận được, chưa kể có những phóng viên kỳ cựu không am hiểu về văn hóa nhận định rằng trong ngôi nhà đó trưng bày cả “quái thú nước lạ”, trong khi không biết đó là con nghê.

Chưa hết, có một anh thanh niên mới tốt nghiệp Đại học, chưa có việc làm lại vừa lên chức bố, cầm tấm biển đứng ngoài đường với mong muốn sẽ kiếm được việc làm để có tiền mua sữa cho con. Hình ảnh này gây sốt cộng đồng mạng và nhiều ý kiến cho rằng thanh niên kia không biết “nhục”, sao không tìm một việc gì đó để làm thay vì xin lòng thương hại của mọi người?

Chẳng ngờ, có một ngày bóng đá phong trào lại là "kem chống nhục" cho bóng đá chuyên nghiệp
Chẳng ngờ, có một ngày bóng đá phong trào lại trở thành “kem chống nhục” cho bóng đá

Rồi mấy ngày nay xôn xao vụ 2 thiếu nữ không được nhập cảnh vào Singapore. Lúc đầu thì dư luận “phản đối”, rồi lại có thông tin rằng 2 cô gái kia có thể là “gái đứng đường” từng bị cho vào “sổ đen” sau nhiều lần nhập cảnh vào đất nước này. Thế là nhiều người đồng thanh: “Nhục, nhục quá”.

Tất cả những điều ấy cho thấy, cộng đồng mạng là một cơ thể nhạy cảm cần có một thứ mà cư dân mạng vẫn đùa nhau: Kem chống nhục!

Cái cơ thể bóng đá cũng đang quá nhạy cảm. Hàng loạt trận đấu cuối mùa V.League bỗng trở nên bất thường và “có mùi”, PCT VFF Đoàn Nguyên Đức công khai nói rằng đội HA.GL của ông bị “đánh hội đồng”, bản thân ông chả còn quan tâm nhiều tới VFF, trong khi đó mấy hôm nay thiên hạ rộ lên thông tin Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng bị bắt vì những sai phạm liên quan đến tài chính, tiền tệ trong vai trò là Chủ tịch HĐQT Eximbank.

Tất nhiên cả ông Dũng và Eximbank đều phủ nhận những tin đồn ác ý trên. Song cũng như thị trường chứng khoán, những thông tin này tác động tiêu cực tới nội tình bóng đá Việt và niềm tin của NHM.
Hôm qua, trong lễ ra mắt giải bóng đá phong trào mang tên Ngoại hạng Hà Nội, một lãnh đạo VFF có nói đại ý: “Bóng đá chuyên nghiệp thì Việt Nam có thể thua Thái Lan nhưng bóng đá phong trào thì có thể thắng. Có lẽ cần lên kế hoạch để tập hợp một đội tuyển phong trào sang Thái Lan đá một lần cho sướng, cho họ biết BĐVN vẫn có những điểm mạnh, điểm hay…”.

Lãnh đạo VFF cho rằng, những giải đấu phong trào được tổ chức tốt, thu hút được khán giả cũng sẽ góp phần khơi dậy niềm tin bóng đá cho NHM ở thời điểm này.

Chẳng ngờ, có một ngày, bóng đá phong trào lại trở thành một sản phẩm như… “kem chống nhục” cho bóng đá.

Song An

Chuyện tưởng chừng như “cũ rích” mà cuối cùng vẫn phải để đến Phó thủ tướng nhắc nhở. Lâu nay khi đón năm học mới là trường nào cũng lâm vào cái cảnh các cháu học sinh đứng nắng chang chang còn trên bục các vị quan chức đứng dưới ô, tán cây đọc những bài phát biểu dài lê thê, giới thiệu đủ loại, căn dặn rất nhiều. Tất cả những lời lẽ ấy hóa ra lại không thiết thực bằng một lời ngắn gọn.

Đó chính là sự quan tâm tới thế hệ trẻ nhất.

Chuyện “phát biểu ngắn” lại khiến người ta nhớ lại câu chuyện những bài phát biểu dài lê thê tới 17 phút trước trận đấu ĐTVN – Manchester City cách đây chưa đầy một tháng. Những phát biểu ấy đã khiến hãng thông tấn BBC lấy làm trò cười mua vui thiên hạ còn các cầu thủ Manchester City không biết có “thấm nhuần” những lời phát biểu ấy hay không mà về Premier đá ầm ầm, thắng cả Chelsea.

FLC Thanh Hóa - ứng cử viên vô địch gục ngã trước Đồng Nai
FLC Thanh Hóa – ứng cử viên vô địch gục ngã trước Đồng Nai

Điều cần nói là bệnh hình thức cần phải bỏ, đôi khi chúng ta cứ phải làm những thứ mà biết rằng chưa chắc đã thực chất.

Hồi đầu mùa bóng, đại diện trọng tài đều lên hô quyết tâm điều hành trận đấu trung thực, đại diện đội bóng lên cam kết không bắt tay, không nhường điểm.

Ấy thế mà bầu Đức tuyên bố đội bóng của ông bị “đánh hội đồng”. Bị “đánh hội đồng” là đánh có tổ chức, có bắt tay nhau để triệt hạ HA.GL, có tính toán để HA.GL rơi vào cửa tử.

Tất nhiên đá kém thì phải chịu thiệt, nguyên tắc nó là thế rồi nhưng V.League ngày càng “trở mặt” và cho thấy những “vết ố” của nó sau tấm màn nhung. Chẳng hạn như HA.GL “chết lặng” khi Đồng Nai đá tan tác ứng viên vô địch FLC Thanh Hóa. Chẳng thể nói gì, cãi cũng không được, dù ai cũng nhìn thấy “là nó” mà không thể bắt “nó”.

Hôm qua, đội trưởng của Thanh Hóa có tâm thư gửi NHM khẳng định không có tiêu cực trong trận đấu đó. Có thể đội trưởng của Thanh Hóa đúng, nhưng ai tin mới là điều quan trọng.

Bởi bệnh hình thức khiến người ta phải đặt dấu hỏi và nghi ngờ những gì tưởng chừng là thật nhất.

Song An

Lẽ ra chuyện này phải diễn ra lâu rồi chứ không phải cho đến bây giờ, khi HA.GL ở dưới đáy, khi HLV Graechen đấu khẩu với trưởng đoàn Tấn Anh và khi các cầu thủ trẻ mất niềm tin.

Bầu Đức phải làm cái việc chẳng đã như một lời thừa nhận: Tôi đã sai. Ông Đoàn Nguyên Đức – vốn tự hào là người không tốt nghiệp Đại học nhưng vẫn là một trong những người giàu nhất Việt Nam – chứa đựng bên trong sự giản dị của “áo thun quần jean” là một con người kiêu ngạo.

Bầu Đức có quyền kiêu ngạo với những gì mình làm được ngay cả khi ông tuyên bố “cả đời tôi chẳng làm phó cho ai” nhưng cuối cùng làm phó cho ông Lê Hùng Dũng và cả bầu Thắng ở VFF và VPF.

Về kinh doanh, đừng nói chuyện đúng sai với bầu Đức dù trong hàng loạt các dự án kinh doanh, chẳng phải dự án nào cũng “hái ra tiền” như tất cả vẫn tưởng. Nhưng bóng đá nó khác, làm bóng đá như đi trên dây và phức tạp tới mức nhiều ông bầu từng có tiếng là “liều ăn nhiều” như bầu Thụy, bầu Trường… đã phải bỏ bóng chạy lấy người.

Café 24h: Bầu Đức cứu V.League

Bầu Đức đã từng đúng khi áp dụng những chiến thuật kinh doanh vào bóng đá như việc lấy những ngôi sao về làm thương hiệu khi HA.GL chập chững lên chuyên nghiệp. Ông Đức đi trước về cách làm ấy và trở thành điển hình phong trào. Cho đến khi chính bầu này lại quay sang kinh doanh bóng đá với việc hợp tác cùng Arsenal để mở học viện bóng đá.

Song, đôi khi là những triết lý “không giống ai” như việc tuyên bố “HA.GL không cần HLV giỏi”.

Chỉ một nền bóng đá nghiệp dư mới không cần HLV giỏi. Tất cả những đội bóng lớn đều cần HLV giỏi. Cũng như tư duy “không cần qua Đại học” vẫn có thể giàu có nhưng biết đâu một người như bầu Đức nếu được đào tạo kinh doanh thì có thể sẽ giàu hơn gấp nhiều lần.

Bầu Đức sa thải Graechen trong bối cảnh V.League bỗng nhiên có quá nhiều bất thường: Từ trận đấu có tỷ số không tưởng 7-3 ở sân Chi Lăng, trận đấu giữa Đồng Nam- FLC Thanh Hóa kết thúc với tỉ số 5-2…
Ở góc độ nào đó, bầu Đức đã làm một việc nghĩa hiệp với V.League là “hút dư luận” vào câu chuyện Graechen thay vì những vấn đề nhạy cảm của V.League.

Chấp nhận mang tiếng dùng thầy … “dỏm”, đồng nghĩa với thừa nhận một sai lầm trong đầu tư nhưng bầu Đức đã biết cách chứng tỏ sự hảo hớn của mình trong lúc V.League cần ông bầu này nhất.

Song An