Có một điểm giống nhau, ấy là sai lầm của các trọng tài: họ đều bị đánh lừa.
Ở sân Thống Nhất, trong tình huống thủ thành Dương Hồng Sơn đối mặt với tiền đạo U 23 Hàn Quốc, ông trọng tài người Malaysia Yussof Karim đã nhận định Hồng Sơn phạm lỗi và chỉ tay vào chấm phạt đền.
Thực tế ông trọng tài đã bị đánh lừa bởi cú ngã điệu nghệ của tiền đạo người Hàn Quốc.
Nhưng như thế không có nghĩa là Hồng Sơn vô tội. Một cựu cầu thủ xem xong tình huống thì cười: "Một thủ thành nhiều kinh nghiệm như Hồng Sơn nhưng trong tình huống vừa rồi là dại, ở chỗ tạo điều kiện cho đội bạn đánh lừa trọng tài. Cầu thủ nào trong tình huống ấy cũng ngã".
Nghĩa là trong một trận đấu có sự tham gia của ĐTQG, chỉ một tình huống có đủ cái dại (của Hồng Sơn), sự tinh quái nhưng bản chất là lừa lọc (của cầu thủ Hàn Quốc) và cái sai (của ông trọng tài).
Ấy thế nhưng phản ứng của NHM, của truyền thông về bàn thua này rất…chừng mực. Có chăng chỉ là bực mình của một nhóm khán giả trên sân, bực bội theo thói quen, kiểu như phản ứng trước sai lầm của Tấn Trường trong trận đấu đầu tiên ở VFF Cup.
Nó khác hẳn với phản ứng "sôi sùng sục" có sức công phá của cơn bão Sơn Tinh tràn trên các diễn đàn. Đó là về sai lầm của trọng tài Clattenburg ở trận Chelsea- Manchester United.
Chỉ sau một trận đấu, ông Clattenburg rơi ngay vào tâm bão. Chiếc thẻ đỏ mà ông trọng tài này tặng Torres là một sai lầm? Hay nói đúng hơn là đã bị đánh lừa một cách ngoạn mục. Đỉnh điểm là việc công nhận bàn thắng của Javier Hernandez, bàn thắng ấn định tỷ số 3-2 cho M.U mà các phương tiện kỹ thuật đã khẳng định là cầu thủ này đã việt vị…
Đúng là cái logic trong bóng đá lại nằm ở những điều phi logic.
Tại sân Thống Nhất, ông trọng tài người Mã lẽ ra phải rút thẻ vàng cho tiền đạo Hàn Quốc vì pha ngã vờ thì lại khiến tuyển Việt Nam nhận quả penalty. Ở sân Stamford Bridge, lẽ ra Torres phải được hưởng quả phạt thì anh phải rời sân.
Thực ra, câu chuyện sẽ trở nên bình thường nếu tất cả coi sai lầm của các trọng tài đều là những sai lầm rất con người.
Hài hước là ở chỗ, chỉ một trận đấu tận nước anh, CĐV Việt Nam sẵn sàng buông ra những lời thóa mạ, phỉ báng thậm chí hạ nhục lẫn nhau.
Tất nhiên, ông trọng tài Clattenburg cũng là một nạn nhân.
Có vẻ như NHM Việt Nam rất mạnh dạn và giỏi phán xét về sai lầm của những người ở xa, chẳng liên quan gì đến mình. Thậm chí tự đưa mình vào xòng xoáy tranh cãi.
Còn những sai lầm gần gũi, lại được ứng xử một cách mờ nhạt, tới mức sau một thời gian còn cảm thấy như là không có sai lầm nào?.
Đâu đó, vẫn có tâm lý e dè khi nhắc đến những sai lầm, những cái chưa được của đội tuyển bóng đá Việt ngay cả khi ai cũng biết phải chỉ ra những sai lầm ấy thì đội tuyển mới có cơ hội sửa chữa.
Một đội tuyển sẽ khá nếu được phê bình một cách chân thực và cả tự phê nhằm hoàn thiện và vươn tới những tầm cao.