Nhà báo Phan Đăng: Khi ông Ba Đức “cặp đôi”

Liệu có vì vậy mà đến một lúc nào đó, trong một bối cảnh biến động nào đó, ông bầu giàu tham vọng này này đứng dậy làm trưởng và làm chủ?

2db

1/ Năm 2011, khi cựu bầu Nguyễn Đức Kiên “cầm cờ khởi nghĩa”, thành lập VPF thì ông Đức đã lập tức đi theo tiếng gọi của bầu Kiên. Ông Đức hồi đó từng thổ lộ: “Cả đời mình, tôi chưa từng làm phó cho ai, nhưng vì sự phát triển của BĐVN, tôi sẵn sàng làm PCT VPF”. Về mặt danh nghĩa, làm PCT VPF có nghĩa ông Đức làm phó cho ông Chủ tịch Võ Quốc Thắng, nhưng trên thực tế, ai cũng hiểu ông Đức với ông Kiên mới thực sự là một cặp bài.

Cặp bài ấy gắn với nhau ngay từ ngày diễn ra Đại hội cổ đông VPF, khi bầu Kiên nói giữa văn võ bá quan: “Tôi với anh Đức bận lắm, đừng bầu chúng tôi vào Hội đồng quản trị làm gì” để rồi cả hai lại nổi cáu khi một đại diện cổ đông lên tiếng: “Nếu bận như vậy thì các anh hãy chủ động rút lui đi”. Cặp bài ấy gắn với nhau trong vụ VPF đấu VFF để đòi lại quyền sở hữu thương quyền và bản quyền V.League. Đến khi VPF bị một bộ phận dư luận đặt dấu hỏi “đã thực sự làm được gì cho BĐVN?” thì lại là cặp bài ấy, người trước, người sau lên tiếng: “Đó là những câu hỏi không có tinh thần xây dựng”. Ngay cả khi bầu Kiên xộ khám và CLB Bóng đá Hà Nội đứng trước cảnh bơ vơ thì ông Đức vẫn là người quan tâm, lo liệu cho cái số phận bơ vơ ấy…

Sau này nhiều người bảo nếu ông Kiên không xộ khám thì chắc chắn cặp bài bầu Kiên – bầu Đức còn nói thêm nhiều tiếng nói đanh thép và VPF sẽ ghi được những dấu ấn thực sự trong lịch sử phát triển BĐVN.

2/ Năm 2013, khi VFF rục rịch nhân sự cho một Đại hội nhiệm kỳ mới, và khi PCT tài chính VFF (rồi sau đó tạm quyền Chủ tịch) Lê Hùng Dũng công khai ý định ứng cử (dù trước đó từng nhiều lần nói về chuyện sẽ rút khỏi bộ máy) thì bầu Đức lại là người ủng hộ ông Dũng nhiệt thành. Ông Đức – ông Dũng đã kết hợp hoàn hảo với nhau để đưa CLB Arsenal sang Việt Nam du đấu, và cũng vẫn ông Đức – ông Dũng kết hợp với nhau để mang về nhiều hợp đồng quảng cáo, tài trợ cho BĐVN. Lần này ông Đức tiếp tục chấp nhận làm phó, nhưng lại đưa ra điều kiện: Tôi chỉ làm phó, nếu anh Dũng làm Chủ tịch.

Sau này thì quả nhiên ông Dũng làm Chủ tịch và ông Đức làm PCT phụ trách mảng tài chính. Thế nhưng, công việc kinh doanh bận rộn khiến bầu Đức nhiều lần vắng mặt trong những cuộc họp Thường trực VFF. Và trong hiếm hoi những lần đăng đàn, bày tỏ ý kiến cá nhân của mình về các vấn đề thời sự của nền bóng đá thì có vẻ giữa ông Đức với những thành viên còn lại của Thường trực lại tồn tại một độ vênh. Chẳng hạn khi ông Lê Hùng Dũng hết lời ca ngợi HLV trưởng Toshiya Miura thì ông Đức chỉ đưa ra những đánh giá dè dặt và thận trọng. Mới đây, khi U.23 VN thắng U.23 Malaysia 5-1 ở vòng bảng SEA Games 28, và khi ông Dũng phát biểu trên một mặt báo rằng: “Với sự dẫn dắt của Miura, trước sau gì BĐVN cũng có HCV” thì trên một mặt báo khác, ông Đức lại bảo: “Thắng Malaysia có gì mà sướng. Cứ vào chung kết, thắng Thái Lan rồi sướng đến đâu cũng được”.

Ở đây phải nhắc lại một chi tiết là thoạt nhiên ông Dũng, ông Đức đã “quy hoạch” cho lứa U.19 HAGL tham dự SEA Games, nhưng vì nhiều biến động khác nhau từ Tổng cục TDTT và từ quan điểm cầm quân của HLV trưởng Miura mà lứa U.19+ ấy chỉ trở thành thiểu số của U.23 VN. Nhưng đấy chỉ là một trong nhiều ví dụ cho người ta một cảm nhận: Càng tham gia VFF, bầu Đức càng bị đẩy xa hơn khỏi kế hoạch và mong muốn ban đầu.

3/ Rõ ràng, nếu thời gian kết hợp giữa bầu Đức với bầu Kiên quá chóng vánh và chưa kịp để lại những “cú đấm” thực sự thì sự kết hợp giữa bầu Đức với “bầu” Dũng lại xuất hiện nhiều cái vênh ngoài kịch bản.

Và như thế, hai lần “cặp đôi”, với hai lần làm “phó” (dù trước đó, chỉ làm trưởng, chứ không bao giờ chịu làm phó) bầu Đức đều phải chứng kiến những diễn biến không như ý.

Liệu có vì vậy mà đến một lúc nào đó, trong một bối cảnh biến động nào đó, ông bầu giàu tham vọng này này đứng dậy làm trưởng và làm chủ?

PHAN ĐĂNG