Phía sau kỳ tích của Lý Hoàng Nam: Nhặt bóng cho mẹ & ngủ gật trên lưng bố

Hành trình bước tới đỉnh một Grand Slam trẻ của Nam bắt đầu từ những lần nhặt bóng cho mẹ trên sân rồi ngủ gật trên lưng bố khi vượt 60km mỗi ngày từ Tây Ninh sang Bình Dương tập luyện.

Bén duyên nhờ nhặt bóng cho mẹ
Khi lên 6 tuổi thì cậu bé Nam được mẹ chở đến sân tennis để chơi, trong khi mẹ thi đấu thì Nam chạy chập chững nô đùa với trái bóng đầy cách thích thú. Nhiều hôm, Nam còn tự tay nhặt bóng chạy đến đưa cho mẹ khiến nhiều người phải phì cười vì sự ngộ nghĩnh của cậu bé. Thế rồi, trong một lần tình cờ thì cậu bé người Tây Ninh được một người bạn của mẹ cho cầm vợt đánh thử. Chính sự ngẫu nhiên ấy đã đưa Hoàng Nam đến với tennis.

cba

“Lúc nhỏ, Nam thường được tôi chở đến sân tennis để chơi. Thế nhưng những cây vợt ngày ấy đắt tiền lắm nên tôi không dám đưa cho con cầm chơi. Khi đó, nó còn rất nhỏ nên chỉ thường chạy nghịch với bóng và một lần giải lao thì người bạn của tôi đưa vợt cho Nam đánh thử. Bất ngờ, Nam có những động tác cho thấy có năng khiếu nên người bạn khuyên tôi cho con học tennis. Chuyện Nam đến với tennis bất ngờ như thế đấy”, bà Đỗ Thanh Yến kể lại kỷ niệm đầu tiên của con trai.

Trước những tố chất đặc biệt mà Hoàng Nam thể hiện ngay từ nhỏ, bà Đỗ Thanh Yến nghe lời khuyên của bạn nên thuê thầy dạy tennis cho con vào thứ 7 và Chủ nhật. Nhờ vậy, Hoàng Nam sớm có được những kỹ thuật cơ bản. Đến năm lên 9 tuổi, Nam nhanh chóng thể hiện được khả năng khi giành ngôi vô địch U.10 tại Nha Trang, mở ra một ngã rẽ mới với những năm tháng tập luyện ở B.Bình Dương.

Từ những lần ngủ gật trên lưng bố
Nếu như bà Yến là người có công rất lớn đưa Hoàng Nam đến với giới banh nỉ trong những ngày còn chạy chập chững thì bố của tay vợt trẻ này – ông Lý Hoàng Việt là người đã nâng đỡ giấc mơ cho con bay xa, với những tháng ngày làm tài xế đưa đón không mệt mỏi.

Sau chức vô địch U.10 tại Nha Trang, Hoàng Nam đến với B.Bình Dương qua lời giới thiệu từ một người bạn của bà Yến. Khi ấy, ông Việt buồn bã vì không muốn xa con trai, trong khi Nam còn quá nhỏ. Thế nhưng niềm đam mê của Nam cùng lời động viên của vợ đã khiến ông chịu thay đổi và hàng tuần đưa đón con đi trong nhiều năm trời ròng rã.

“Hồi ấy, mọi thứ khó khăn chứ không được như bây giờ. Hàng tuần, Nam tập ở B.Bình Dương từ thứ Hai đến thứ Sáu và mỗi lần đón đi, đón về vất vả lắm. Từ nhà sang Gò Đậu phải mất đến 60km nhưng chồng tôi bất kể nắng mưa, ngày nào cũng đưa đón Nam đi tập. Nhiều hôm, tôi nhìn cảnh hai cha con đi mà thấy thương lắm. 5h sáng Nam phải dậy và nằm ngủ trên lưng chồng tôi cho đến tận Bình Dương. Thật sự, vất vả vô cùng vì đường xá ngày ấy không thuận lợi lắm…”, bà Yến trải lòng đầy xúc động và cho biết nếu không có công lao của bố thì không có Lý Hoàng Nam – nhà vô địch Wimbledon trẻ của ngày hôm nay.

Thành quả của con, giấc mơ của bố mẹ
“Xem xong con giành chức vô địch Wimbledon trẻ thì cả nhà tôi vui lắm. Suốt cả đêm không ngủ vì không thể tin nổi là điều ấy đã xảy ra. Thật sự là tôi chưa bao giờ dám mơ đến điều ấy. Nam điện thoại về cho tôi cũng bảo rằng con cũng không dám tin là điều này đã diễn ra”, mẹ của Hoàng Nam nói mà sụt sùi trong niềm hạnh phúc.

Trong suốt giải đấu năm nay, gia đình Hoàng Nam đã xem tay vợt trẻ này thi đấu bằng mọi cách. Những vòng đầu tiên chưa phát sóng trực tiếp nên cả gia đình phải coi bằng cách cập nhật trực tiếp qua mạng. Từ vòng tứ kết trở đi, bà Yến cùng chồng coi con thi đấu trực tiếp qua tivi lẫn máy tính mà cổ vũ như đang ngồi trên khán đài. Mỗi lần cậu coi trai giành điểm, gia đình nhảy cẩng lên vì sung sướng. Họ đã thật sự vỡ òa khi con trai bước lên ngôi cao nhất ở Wimbledon trẻ.

Văn Nhân

Xa nhiều đến nỗi thành… quen
“Năm nay, Nam đi nhiều lắm nên tôi rất nhớ nó. Sau mỗi giải thì nó chỉ kịp về thăm hai vợ chồng được một chút rồi sang B.Bình Dương tập tiếp. Nhớ lại ngày xưa, tôi xa con là không chịu được nhưng mãi rồi cũng quen thôi. Ngày ấy, nó về là ôm tôi để kể nhiều thứ lắm. Nó nói tập mệt mỏi, ê ẩm hết cả người và nhớ bố mẹ. Tôi động viên con hãy cố gắng phấn đấu vì đam mê, vì tương lai của con. Bây giờ, Nam vô địch Wimbledon trẻ nhưng tôi vẫn khuyên con như thế. Hành trình phía trước là rất dài và cần phải nỗ lực hơn nữa để có thể hoàn thiện bản thân”, bà Yến chia sẻ.

Thương con phải hy sinh tuổi thơ
Điều mà vợ chồng bà Yến luôn cảm thấy Nam đã rất thiệt thòi là phải đánh đổi cả tuổi thơ cho nghiệp banh nỉ. Như tâm sự từ đáy lòng của người mẹ này thì “tôi thấy con đam mê nên cho theo tennis nhưng thấy thương nó lắm. Mỗi ngày Nam phải tập luyện vất vả và chịu thiệt thòi nhiều thứ, khi không có nhiều bạn bè lẫn có nhiều vui khác. Năm lên 10 tuổi, con đã phải xa gia đình và không có nhiều kỷ niệm tuổi thơ như những bạn bè khác…”.