Chuyện của Thai League và V.League: Càng đi, càng lùi
BĐVN bắt đầu thử nghiệm chuyên nghiệp từ mùa 2000/01, lấy tên giải đấu cao nhất là V.League và cho phép các CLB sử dụng cầu thủ nước ngoài. 15 năm hoạt động theo định hướng chuyên nghiệp, bất chấp có sự tham gia của những cá nhân cũng như tổ chức có tiềm lực tài chính, bóng đá Việt vẫn dò dẫm đi tìm tính chuyên nghiệp.
Bài phát biểu không cần giấy của bầu Kiên trong tư cách vị khách không mời tại Hội nghị tổng kết mùa giải 2011 như một quả bom được kích nổ, được kỳ vọng sẽ đột phá vỡ tình trạng “nửa nạc nửa mỡ”, chuyên không ra chuyên, nghiệp dư không ra nghiệp dư. Nhưng cho đến hiện tại, bóng đá Việt vẫn giậm chân tại chỗ nếu đánh giá qua khả năng hút khán giả đến sân, hay doanh thu từ các hoạt động thương mại cũng như khả năng sống sót nếu bị “cắt sữa”.
Người Thái từng rơi vào tình trạng tương tự bóng đá Việt khi cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997, cộng thêm những vấn đề mãn tính khiến hệ thống bóng đá quốc gia này không có tính ổn định và lành mạnh, dẫn đến sự thờ ơ của NHM và làn sóng tháo chạy của các ngôi sao bản địa.
NHM Việt chắc chắn không quên sự kiện đình đám bầu Đức đưa ngôi sao của bóng đá Thái Lan và Đông Nam Á Kiatisak về Gia Lai đầu những năm 2000 – mở đầu cho làn sóng cầu thủ Thái ở phố Núi và sau này ở V.League. Trong khi đó, cựu danh thủ Therdsak Chaiman từng thừa nhận “lương cao và chi phí sinh hoạt rẻ” đóng vai trò quyết định khi anh ký hợp đồng với NH Đông Á năm 2004. Trước Việt Nam khoảng 2 năm (1998), giải đấu cao nhất của Singapore (S.League) cũng bắt đầu trở thành điểm đến lý tưởng của các cầu thủ xứ sở chùa Vàng.
Mọi thứ bây giờ đã thay đổi. Giải đấu cao nhất Việt Nam sạch bóng cầu thủ Thái Lan, trong khi Singapore cũng rất hiếm. Vậy họ đi đâu? Câu trả lời rất ngắn gọn: Thai League.
Làn sóng trở về bắt nguồn từ một sự kiện diễn ra khoảng nửa thập kỷ trước: LĐBĐ Thái Lan quyết định hợp nhất Thailand Premier League với sự tham dự gần như chỉ của các đội bóng Thủ đô Bangkok với các giải đấu tỉnh được tổ chức bởi LĐBĐ tỉnh, hoạt động như một thực thể riêng biệt với tham vọng truyền bá bóng đá chuyên nghiệp cho các tỉnh và do Công ty Sports Authority of Thailand điều hành. Giải pháp là để hợp nhất hai giải đấu thành một, và quá trình này kéo dài trong khoảng 3 năm để rồi ra đời hệ thống 2 hạng đấu chuyên nghiệp như hiện tại.
Như một kết quả của sự thay đổi này, rất nhiều các công ty Thái Lan và cá nhân, trong đó không ít các chính trị gia có tiềm lực tài chính “bơm” những khoản tiền đáng kể xây dựng các sân vận động, cơ sở hạ tầng và kéo các tài năng bản địa trở về. Datsakon Thonglao là một ví dụ. Cầu thủ này rời BEC Tero năm 2007 để gia nhập HA.GL, và rồi trở về Thái Lan 2 năm sau đó khoác áo Muangthong Utd với mức phí hợp đồng khoảng 200.000 USD.
Sự cộng hưởng đến từ các ngôi sao bản địa, những cựu cầu thủ nổi tiếng nước ngoài như Robbie Fowler và các HLV nước ngoài uy tín giúp Thai Premier League có sự chuyển mình mạnh mẽ. Với triết lý phát triển lấy NHM làm nền tảng, tạo ra bản sắc mang tính địa phương giúp các CLB đang hút các CĐV đến sân nhiều hơn, “chịu khó” bỏ tiền mua những vật phẩm lưu niệm và áo đấu hơn. Theo tính toán không chính thức, khoảng 3,5 tỷ bath (khoảng 2.000 tỷ đồng) đã lưu thông trong các giải đấu chuyên nghiệp Thái Lan. Phần lớn trong số đó đổ vào giải đấu cao nhất, hiện tại có tên chính thức Toyota Thai Premier League (tăng lên 20 đội từ năm ngoái).
Sự thành công giúp các giải đấu chuyên nghiệp Thái Lan nhận được sự quan tâm của nhiều nhà tài trợ. TrueVisions chi 600 triệu bath mua bản quyền phát sóng mỗi mùa Thai Premier League trong 3 mùa giải (2013 đến 2016). Thai Beverage, một trong những công ty nước giải khát lớn nhất Thái Lan và Đông Nam Á đang hỗ trợ 9 CLB tại Thai Premier League và số đội bóng tương tự ở giải Division 1.
Công ty TNHH Thai Premier League (TPL Co.Ltd) được thành lập để quản lý các giải chuyên nghiệp bao gồm Premier League, Division 1 và Divison 2 với những giải đấu khu vực. Doanh thu hàng năm của TPL khoảng 800 triệu bath, trong đó 600 triệu từ TrueVisions, 100 triệu từ nhà tài trợ Toyota và 100 triệu từ các nhà tài trợ khác. Mỗi đội tại Thai Premier League sẽ nhận 20 triệu bath hàng năm tiền bản quyền truyền hình từ TPL Co.Ltd.
Mô hình hoạt động của BĐVN không khác Thái Lan. Các giải đấu cũng do một Công ty cổ phần quản lý, như VPF đang điều hành, quản lý V.League, hạng Nhất và Cúp QG. Nhưng trớ trêu là chúng ta vẫn chưa tìm ra hướng đưa nền bóng đá cấp CLB phát triển như quốc gia láng giềng, thậm chí là hỗn loạn hơn cả thuở sơ khai bước lên chuyên nghiệp.
Hiển Trần
TPL Co.Ltd trước mùa 2014/15 đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Sportradar giám sát các hoạt động cá cược nhằm ngăn chặn nguy cơ các trận đấu tại Thai Premier League bị dàn xếp tỷ số. Sportradar sử dụng Hệ thống phát hiện gian lận (FDS) để theo dõi phát hiện các dòng tiền đặt cược bất bình thường trong tất cả 380 trận cả mùa Thai Premier League, qua đó có thể cảnh báo khả năng kết quả trận đấu bị can thiệp.
Café 24h: Kiếm tiền & tiêu tiền
Thái Premier League thay đổi nhờ Worawi