Chuyện xuất ngoại tập huấn của Nguyễn Thị Huyền: Đi không nổi, ở không đành…

Dù không muốn đi song kế hoạch đưa Huyền sang Nga rèn giũa sau một kỳ SEA Games rực sáng vẫn được đưa ra như một sự ứng phó, giờ bất thành và hậu quả là thầy trò Huyền chỉ tập cầm chừng để chờ… xuất ngoại.

“Bỗng dưng muốn… đi Nga”
Tại SEA Games 28, Nguyễn Thị Huyền trước đó chỉ tập luyện trong nước dưới sự dẫn dắt của thầy nội vẫn trở thành VĐV điền kinh xuất sắc nhất Đại hội, với 3 HCV kèm theo 2 kỷ lục và 2 chuẩn Olympic. Thậm chí, tuyển thủ quê Nam Định còn trực tiếp đánh bại người đồng đội trở về từ Mỹ là Quách Thị Lan trên đường chạy 400m.

Chính màn trình diễn quá xuất sắc của Huyền đã đặt ra một đòi hỏi hoàn toàn chính đáng là đưa ngôi sao đang lên này sang nước ngoài tập huấn để có thể phát huy cao nhất tài năng. Dù không có kế hoạch từ đầu năm, ngành thể thao vẫn quyết định ưu tiên một khoản kinh phí riêng cho Huyền, với địa điểm được nhắm tới là Mỹ, nơi Quách Thị Lan đang tập luyện.

Chuyện xuất ngoại tập huấn của kỷ lục gia Nguyễn Thị Huyền: Đi không nổi, ở không đành...
Thế nhưng mọi chuyện trở nên phức tạp vì bản thân Huyền từ chối đi Mỹ, xuất phát từ 4 tháng giống như “ác mộng” VĐV này từng trải qua. Còn HLV Vũ Ngọc Lợi thì lại chỉ muốn học trò tập huấn tại Nga. Và qua cân nhắc nhiều mặt, ngành thể thao cũng đồng ý chiều theo nguyện vọng của thầy trò Huyền.
Dở từ đầu đến cuối
Từ đây những người có trách nhiệm lại đặt mình vào thế khó. Bởi họ gần như không có đầu mối nào, cũng chẳng nắm bắt được gì về các địa điểm bên nước Nga. Đáng nói hơn, nếu có đưa Huyền sang ngay từ cuối tháng 6 cũng chỉ có 2 tháng tập luyện vì sau đó thời tiết sẽ lạnh giá kéo dài.

Có thể thấy những người có trách nhiệm đã dở ngay từ đầu khi đồng ý với đề xuất đi Nga phần nào đó rất ngẫu hứng và không hợp lý từ HLV trực tiếp của Huyền. Tuy nhiên, đó không phải là điều quan trọng nhất, bởi nếu các bộ phận chuyên trách khảo sát, liên hệ thành công, chí ít Huyền cũng đã có một chuyến rèn chân ngắn hạn giá trị Nga chuẩn bị cho giải VĐTG.

Còn giờ đây chuyến đi Nga của Huyền chắc chắn đã bất thành khi qua gần 2 tháng vẫn chưa kết nổi với một địa điểm nào, và thời tiết nơi đây sắp lạnh trở lại. Sự chậm trễ cùng kết quả tệ hại này đã gián tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến thầy trò Huyền bởi suốt thời gian qua họ chỉ tập luyện cầm chừng để chờ… xuất ngoại. Có lẽ không có VĐV nào dự tranh giải VĐTG mà lại chuẩn bị một cách hời hợt như Huyền – đại diện duy nhất của điền kinh Việt Nam.

Chẵng nhẽ lại “ở nhà”?
Thực ra, cá nhân Huyền nhiều lần bày tỏ mình không nhất thiết phải xuất ngoại tập huấn và muốn nhường lại cơ hội cho các em trẻ triển vọng. Chỉ có điều, vì nhiều lý do cô chưa có được sự dứt khoát giống như Vũ Thị Hương ngày trước.

Và ở tình thế nửa vời và lỡ dở như hiện tại, quá khó để ngành thể thao quyết định cho Huyền ở nhà, nhất là khi cô chính là tuyển thủ điền kinh đầu tiên giành suất chính thức tới Olympic. Trong khi đó, đường chạy tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội- nơi ĐTQG tập huấn đang xuống cấp, chế độ dinh dưỡng thuốc men còn nhiều hạn chế. Nếu chuyển Huyền về địa phương Nam Định, nơi đường chạy được nâng cấp nhờ đăng cai Đại hội TDTT toàn quốc 2014, lại không đảm bảo sự quản lý tập trung, cùng sự thống nhất của tổ chạy tiếp sức.

Qua trường hợp của Nguyễn Thị Huyền, một lần nữa lại phải ngao ngán với cách tổ chức đào tạo, đầu tư cho các tài năng của TTVN.

Hà Thảo

Thông số cao nhất của Nguyễn Thị Huyền hiện tại mới chỉ đang xếp thứ 29 thế giới ở 400m rào (56” 15) và thứ 62 ở 400m (52” 00). Muốn lọt vào Top 8 tại Olympic 2016, Huyền sẽ phải “giải quyết” được 2-3 giây ở cả 2 nội dung, một thách thức quá lớn.

Chưa cuộc xuất ngoại nào thành công
Điểm lại tất cả các chuyến xuất ngoại tập huấn của điền kinh Việt Nam trong nhiều năm qua, ở các địa điểm khác nhau, thật đáng buồn đáng vì chưa có cuộc nào thành công như mong đợi. Từ Trương Thanh Hằng, Vũ Thị Hương khi trước, Nguyễn Thị Lan gần đây, cho đến lứa của Nguyễn Thị Huyền, Quách Thị Lan bây giờ. Từ Trung Quốc, Đức, Bulgary cho tới Mỹ. Thậm chí, một số trường hợp đáng phải coi là thất bại, điển hình như Vũ Thị Hương với chuyển rèn chân trên đất Đức hồi 2009 kết thúc dang dở chỉ sau vài tháng do dính chấn thương. Đến nỗi sau đó, Hương luôn “nói không” với tập huấn nước ngoài.
Ngoài nguyên nhân năng lực chuẩn bị, tổ chức yếu kém, các cuộc xuất ngoại luôn gặp trục trặc, khó khăn, thậm chí bất thành còn do khả năng thích ứng rất hạn chế của chính các VĐV, HLV trong cuộc. Hiện tại, điền kinh Việt Nam đang có 2 tuyển thủ đang tập huấn tại Mỹ là anh em ruột Quách Công Lịch – Quách Thị Lan. Mọi chuyện với 2 tài năng trẻ một nhà này đang có vẻ rất ổn sau khi đã phải trải qua những bài học “trắng mắt”.