Ngoại hạng Anh thiếu tiền đạo: (kỳ 1) Khi Premier League vắng “số 9”
Premier League là cấu phần có lợi nhuận cao nhất của cỗ máy giải trí toàn cầu mang tên bóng đá, nhưng ngay cả một giải đấu giàu có như giải Ngoại hạng Anh cũng không thể có được tất cả những gì mình muốn, mà cụ thể ở đây là các tiền đạo đẳng cấp, những người thực sự nằm trong hàng ngũ siêu sao.
Cỗ máy kiếm tiền
Bóng đá, không nghi ngờ gì nữa, là môn thể thao phổ biến nhất và có giá trị thương mại lớn nhất. Ngay cả một vụ scandal khổng lồ xung quanh việc gian lận tài chính và rửa tiền ở thượng tầng FIFA cách đây vài tháng cũng chẳng mảy may làm ảnh hưởng đến sức hút của bóng đá. Sau một vài phát biểu bày tỏ sự quan ngại mang tính xã giao, rốt cuộc chẳng có nhà tài trợ nào rời bỏ FIFA nói riêng cũng như bóng đá nói chung và “cơn bão” từng quét qua Zurich hồi tháng 6 giờ đây bỗng trở nên hiền hoà như một trận gió thoảng. Giới doanh nghiệp cũng như khán giả hâm mộ chẳng những không quay lưng, mà còn đổ thêm tiền vào bóng đá: Kể từ mùa giải 2015/16, giá trị bản quyền truyền hình của Champions League sẽ gia tăng xấp xỉ 50%, còn từ mùa giải 2016/17 thì doanh thu từ truyền hình của Premier League sẽ tăng tới 70% (!).
Nói như giáo sư Stefan Szymanski (chuyên ngành quản lý thể thao, ĐH Michigan, Mỹ): “Người Anh phát minh và truyền bá bóng đá, nhưng bóng đá không phải là của riêng họ. Không giống như bóng bầu dục, cricket – vốn mang đậm chất Anh, hay bóng rổ, bóng chày – vốn đậm chất Mỹ, bóng đá là một sản phẩm toàn cầu”. Tính chất đó cho phép nó chinh phục gần như tất cả mọi thị trường trên thế giới, từ Đông Nam Á đến Bắc Mỹ, từ Trung Đông đến châu Đại Dương. Ngay cả tại một đất nước như Ấn Độ (vốn coi cricket mới là môn thể thao hàng đầu), bóng đá cũng đang dần dần tạo được dấu ấn. Nhờ sự hiện diện của những cựu danh thủ như Alessandro Del Piero, Robert Pires hay David James, mỗi trận đấu của Indian Super League đã thu hút được bình quân 23.000 người đến sân và biến nó trở thành giải đấu có lượng khán giả đông nhất châu Á. Nếu hơn 1 tỷ người dân Ấn Độ bắt đầu quan tâm đến bóng đá, ai mà biết quy mô của ngành công nghiệp giải trí này sẽ còn tăng trưởng đến đâu?
Giàu như Premier League
Động lực tăng trưởng chính của ngành công nghiệp bóng đá tất nhiên là Premier League. Nhờ sự phổ biến của tiếng Anh (giúp cho rất nhiều quốc gia ở châu Á, châu Đại Dương hay Bắc Mỹ dễ dàng tiếp cận với các thông tin về giải Ngoại hạng), công tác marketing bài bản của các nhà quản lý bóng đá cùng lợi thế của người đi đầu (trong số các giải VĐQG lớn ở châu Âu, Premier League là nơi đầu tiên áp dụng mô hình bán bản quyền truyền hình tập trung và chủ động tiếp cận các thị trường xa xôi bên ngoài lục địa già), giờ đây Premier League trở thành giải VĐQG giàu có nhất thế giới. Kể từ mùa giải 2016/17, nhà vô địch Premier League sẽ nhận được số tiền lên đến 146 triệu bảng (tương đương gần 200 triệu euro), tức nhiều gấp 2 lần so với đội vô địch Champions League (khoảng 80-100 triệu euro), cả 20 CLB ở Premier League đều nằm trong số 40 CLB giàu nhất thế giới và Premier League đã chi ra tới 530 triệu bảng trong kỳ chuyển nhượng mùa hè 2015 (nhiều hơn cả La Liga lẫn Bundesliga cộng lại), và đó chỉ là ba trong số rất nhiều thống kê cho thấy sức mạnh tài chính vượt trội của Premier League so với phần còn lại của bóng đá châu Âu nói riêng cũng như thế giới nói chung.
Với hầu bao rủng rỉnh của mình, giờ đây kể cả các đội bóng thuộc hạng trung bình và yếu ở Premier League cũng dễ dàng chiêu mộ được các cầu thủ xuất sắc từ tay các CLB danh tiếng bên kia eo biển Anh. Southampton vừa ký HĐ với Jordy Claise từ Feyenoord, Newcastle mua được Georginio Wijnaldum từ PSV, Crystal Palace đưa Yohan Cabaye (đang đá cho PSG) trở lại Anh, Watford thuyết phục được Valon Behrami rời Hamburg, Swansea bổ sung Andre Ayew (đang khoác áo Marseille) vào đội hình, còn Stoke City có được sự phục vụ của Ibrahim Afellay, người trước đó đang nằm trong biên chế Barcelona. Hàng loạt cầu thủ đang ở độ tuổi chín nhất nói lời chia tay với những cái tên danh giá ở châu Âu lục địa để chuyển sang khoác áo các đội bóng nhiều khả năng sẽ nằm trong nửa cuối BXH Premier League mùa giải tiếp theo. Đó tất nhiên không phải là lỗi của các CLB ở giải Ngoại hạng, mà chỉ đơn giản là một sự phản ánh chính xác quy luật cung cầu trên thị trường: Nơi nào trả lương cao, nơi ấy sẽ thu hút được những người giỏi nhất.
Tuy nhiên nó cho thấy rằng phần còn lại của châu Âu, ngoại trừ một số CLB thuộc hàng siêu giàu như Real Madrid, Barcelona, Bayern Munich hay PSG, không còn đủ khả năng cạnh tranh với Premier League trên phương diện tiền bạc. Ngay cả một CLB làng nhàng cỡ như Sunderland (mới chỉ 3 lần kết thúc mùa giải trong Top 10 của giải đấu hạng cao nhất nước Anh trong vòng 59 năm qua) cũng đang xếp thứ 27 thế giới về doanh thu và sự thống trị của Premier League trên thị trường chuyển nhượng sẽ còn tiếp tục một khi bản HĐ truyền hình mới (trị giá gần 3 tỷ bảng/mùa so với mức 1,8 tỷ bảng/mùa hiện tại) có hiệu lực kể từ mùa bóng 2016/17.
Có tiền bạc, thiếu tiền đạo
Tuy nhiên vẫn có những thứ mà Premier League không, hay chính xác hơn là chưa có được cho dù họ không hề thiếu tiền. Nhìn một cách vĩ mô, đó là thành tích ở đấu trường châu lục (2 trong số 3 mùa giải gần nhất, Premier League không có đại diện nào ở vòng tứ kết Champions League, sẽ bị Bundesliga vượt qua trên BXH hệ số của UEFA kể từ mùa giải tới và thậm chí có thể mất một suất dự Champions League vào tay Serie A sau vài năm nếu tiếp tục thi đấu tệ như thế này). Còn theo vi mô, đó là các “số 9”. Theo đúng nghĩa đen, 3 trong số 4 ứng cử viên hàng đầu cho ngai vàng Premier League 2015/16 là Man Utd, Man City, Arsenal vẫn chưa tìm được người mặc áo số 9 trong mùa giải tới (tất nhiên là kỳ chuyển nhượng vẫn còn hơn 3 tuần nữa mới kết thúc và họ có thể sẽ mua thêm vài tiền đạo, nhưng khả năng đó là không thực sự cao).
Còn theo nghĩa bóng, rõ ràng Premier League đang gặp khó khăn trong việc tuyển mộ các chân sút thực sự đẳng cấp. Đa số những bản hợp đồng quốc tế đắt giá nhất của Premier League ở kỳ chuyển nhượng này như Depay, Schweinsteiger, Darmian, Wijnaldum đều chơi ở hàng tiền vệ hoặc hậu vệ và kể cả Roberto Firmino cũng phù hợp hơn với vị trí tiền vệ công. Do đó, nhìn chung các đội bóng lớn tại giải Ngoại hạng Anh đều không sở hữu quá nhiều sự lựa chọn ở vị trí trung phong. Ngoài Rooney – người thường xuyên đá lùi sâu ở vài mùa giải gần đây, phương án dự phòng tiếp theo của Man Utd là James Wilson. Nếu Aguero không may phải vào phòng y tế (điều rất hay xảy ra), Man City chỉ còn biết trông cậy vào Wilfried Bony.
Arsenal chỉ có mỗi Giroud để chờ đợi, trong khi hai gương mặt sáng giá nhất trên hàng tiền đạo Chelsea là Diego Costa và Falcao đều cực kỳ nhạy cảm với chấn thương. Không phải là Premier League không muốn sở hữu những cây làm bàn thượng thặng như Ronaldo, Benzema, Messi, Neymar, Suarez, Lewandowski, Cavani hay Ibrahimovic, nhưng tiền bạc không phải lúc nào cũng đi kèm với tiền đạo…
Có một sự trùng hợp khá kỳ lạ là cả Man Utd, Man City lẫn Arsenal đều chưa xác định được chủ nhân của chiếc áo số 9 ở mùa giải tới. Sau khi Robin Van Persie ra đi thì tân binh Memphis Depay tạm thời nhận áo số 9, nhưng mới đây Depay đã chuyển sang khoác áo số 7 huyền thoại của những Cantona, Beckham và Ronaldo. Ở Etihad, áo số 9 cũng đang bị bỏ trống kể từ khi Alvaro Negredo rời CLB và người xứng đáng nhất với số 9 trên lưng là Sergio Aguero thì vừa quyết định chọn mặc áo số 10. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với Arsenal khi Lukas Podolski nói lời chia tay và hai chân sút sáng giá nhất là Theo Walcott, Alexis Sanchez lần lượt chọn cho mình các số áo 14 và 17.
Đón đọc kỳ 2: Vì sao những tiền đạo giỏi từ chối Premier League?
QUANG HẢI