Nguyễn Thị Huyền dự giải điền kinh VĐTG: Chưa đấu đã thua
Với tình trạng thể lực, phong độ rất tệ do không hề có sự chuẩn bị, kỷ lục gia SEA Games này coi như cầm chắc thất bại tại giải VĐTG khởi tranh từ 22/08 tới.
Thầy cũng phải “than Trời”
Đúng 1 tháng trước giải VĐTG, HLV Vũ Ngọc Lợi của Nguyễn Thị Huyền cực chẳng đã phải gửi một lá đơn viết tay lên ngành thể thao để xin tạm nghỉ dưỡng bệnh vì quá chán nản, bất lực trước học trò. Theo ông, không chỉ mất quá nhiều thời gian vào việc lên truyền hình, các cuộc giao lưu, rồi xin nghỉ để học trả nợ hay bị đau chân mà điều quan trọng chính là ở thái độ hời hợt, ứng phó trong tập luyện của tuyển thủ từng đoạt tới 3 HCV, phá 2 kỷ lục SEA Games 28. Tình trạng của học trò nghiêm trọng đến mức làm ông sinh bệnh.
Mọi chuyện nhanh chóng được giải quyết và ông Lợi vẫn sát cánh cùng Huyền ở giải VĐTG. Thực tế lá đơn chỉ là một hình thức để HLV kỳ cựu cảnh báo học trò, trần tình với những người có trách nhiệm. Dù Huyền sau đó đã khéo léo lên tiếng thanh minh cho mình, song ai cũng hiểu những phản ánh đầy bức xúc của ông thầy hoàn toàn chính xác. Chỉ nhẩm tính sơ sơ số buổi nghỉ tập chính thức của Huyền cũng đã lên tới cả chục, chưa kể rất nhiều buổi dở chừng hay ứng phó.
Dự giải thế giới như đi… lĩnh thưởng
Nguyễn Thị Huyền là đại diện duy nhất của điền kinh Việt Nam giành suất chính thức tham dự giải VĐTG 2015 trên đất Trung Quốc nhờ đạt chuẩn tại SEA Games 28. Đây là một vinh dự lớn và một cơ hội quý giá cho cô phấn đấu nâng tầm bản thân, và phần nào đó cả điền kinh Việt Nam.
Thế nhưng thay vì có một kế hoạch chuẩn bị gấp rút, kỹ lưỡng cho cuộc đấu quốc tế đỉnh cao, nhất là khi quỹ thời gian còn rất ngắn sau SEA Games, Huyền lại gần như dừng lại để nghỉ ngơi và xả hơi, trong hào quang choáng ngợp của kỳ tích SEA Games.
Ở đây, thực sự Huyền cũng chỉ là một trường hợp điển hình cho nếp nghĩ nếp làm của cả ngành thể thao coi SEA Games như một “mùa gặt” cao điểm mà sau đó cứ việc nghỉ dài dài. Sự chểnh mảng càng lớn bởi chính những người trong cuộc đều coi việc Huyền giành suất dự giải VĐTG đã là một chiến thắng, trong khi khả năng tranh chấp các thứ hạng cao lại không có. Huyền đã thua ngay từ cách tiếp cận và khâu chuẩn bị. Đó cũng không phải là thất bại của riêng cô.
Trước giải VĐTG, thầy trò Huyền đã đăng ký chỉ tiêu thành tích “khiêm tốn” một cách đáng kinh ngạc cho đường chạy sở trường 400m rào: 56” 50 tới 57” 50, kém xa thông số 56” 15 của mình ở SEA Games 28. Hàng loạt lý do được “rào đón” sẵn cho Huyền ngay từ bây giờ, nào điểm rơi phong độ, nào tâm lý trong lần đấu đấu giải thế giới, thậm chí ảnh hưởng của chuyến tập huấn tại Nga bất thành… Chỉ có điều, sự thật Huyền đã tập luyện, chuẩn bị tệ như thế nào lại cố tình bị lờ đi.
Có nghĩa là, Huyền sẽ dự giải VĐTG giống như một lần đi… lĩnh thưởng. Một phần thưởng dành cho việc đã giành được suất dự tranh mà không cần quan tâm sẽ phải thể hiện mình như thế nào.
HÀ THẢO
Sau siêu kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên, kỷ lục gia điền kinh Nguyễn Thị Huyền chính là tuyển thủ Việt Nam có mức thưởng cao thứ 2 nhờ thành tích tại SEA Games 28. Tính cả tiền mặt lẫn hiện vật từ nhiều nguồn khác nhau, VĐV đoạt 3 HCV, phá 2 kỷ lục Đại hội này nhận được trên 1,2 tỷ đồng. Mới nhất, đơn vị chủ quản Nam Định đã quyết định thưởng cho Huyền 90 triệu đồng.