Nhà báo Nguyễn Nguyên: Học viện và đội bóng
BĐVN đi sau Thái Lan 3 năm về việc liên kết với Học viện Arsenal JMG. Với người Thái thì không chờ đến 7 năm để ra lò lứa đầu tiên mà chưa tròn 4 năm tuổi, LĐBĐ Thái Lan đã chấm dứt hợp đồng.
Có phải bóng đá Thái Lan không có tiền hay không đủ kiên nhẫn để chờ hái quả như HA.GL đã có tiếng vang nhất định?
Cần phải trở lại thời điểm năm 2005 khi bầu Đức sang Thái Lan và được Kiatisak cùng Dusit dẫn đi xem Học viện liên kết giữa Arsenal JMG và chính phủ Thái Lan. Tại đây bầu Đức thấy các em nhỏ đi chân đất tâng bóng cả giờ đồng hồ không rớt và làm đủ mọi động tác với bóng, thế là ông mê và tìm hiểu. Hai năm sau thì bầu Đức ký kết hợp đồng liên kết đào tạo với Arsenal JMG lấy tên Học viện HA.GL Arsenal JMG. Điểm khác biệt của Học viện của bầu Đức với Học viện bên Thái Lan là một bên do tư nhân hợp tác còn một bên là do chính phủ Thái Lan ký kết.
Điểm chung của việc ký kết là phía Arsenal JMG chỉ tốn công nghệ và kiểm soát, ra giáo án toàn bộ còn phía đối tác thì bỏ tất tần tật. Phần thu của Arsenal JMG là đầu ra của mỗi lứa đào tạo có cầu thủ nào xuất sắc nhất được chấm thì Arsenal JMG toàn quyền sử dụng. Sau đó, những cầu thủ từ thứ nhì trở xuống khi chuyển nhượng cho các CLB thì hai bên sẽ chia đôi giá trị.
Tính đến nay thì phía Thái Lan thanh lý hợp đồng khi vừa hơn được nửa chặng đường còn HA.GL thì mới ra trường lứa đầu tiên nhưng vẫn chưa cầu thủ nào được Arsenal JMG chọn và cũng chưa cầu thủ nào được chuyển nhượng.
Về kinh tế liên quan đến thị trường chuyển nhượng mà Arsenal JMG nhắm đến thì lứa đầu tiên xem như thất bại. Tuy nhiên phía HA.GL thì lại khẳng định họ thắng lớn vì những lợi nhuận và tiếng vang mà lứa cầu thủ trẻ đấy mang lại khi khoác áo U.19 VN tạo ra những hiện tượng nóng kéo theo nhiều đối tác đến và tài trợ lẫn xin được quảng cáo cùng với giá trị cổ phiếu HAG tăng theo U.19.
Theo đúng kế hoạch thì sau 7 năm, các cầu thủ sẽ ra trường và tham gia thị trường chuyển nhượng. Tuy nhiên, bầu Đức lại tính đến việc duy trì lứa cầu thủ này và để phát triển đồng bộ thành một đội bóng.
Đó là hướng đi của bầu Đức, bắt đầu từ sức hút của lứa cầu thủ này. Còn với bóng đá Thái Lan thì việc thanh lý hợp đồng với Arsenal JMG lại có nguyên nhân riêng mà chính LĐBĐ Thái Lan thừa nhận là liên kết với Học viện Arsenal JMG không có lợi do Arsenal JMG nắm đằng chuôi với điều khoản Arsenal JMG có toàn quyền sử dụng hoặc chuyển nhượng cầu thủ tốt nhất.
Trong lứa cầu thủ mà Thái Lan liên kết với Arsenal JMG có không ít cầu thủ đang khoác áo Đội tuyển Thái Lan và có kỹ thuật rất tốt nhưng chỉ là nửa chu kỳ huấn luyện dang dở.
Chưa hẳn là người Thái nhìn ra đúng hay bầu Đức nhìn xa hơn nhưng mỗi nơi có một cách nhìn riêng. Cách nhìn mà phía Thái Lan là không có lợi còn với bầu Đức thì còn những khóa sau sẽ có nhiều cầu thủ chất lượng.
Với HA.GL thì rõ ràng việc biến đầu ra của một Học viện thành một đội bóng là giải pháp đột xuất vì Arsenal JMG không tính đến điều đó do lò này chỉ đào tạo tiền vệ và tiền đạo như đã từng thực hiện tại châu Phi và rất thành công. Bầu Đức thì để có một đội bóng đã phải thuê, mượn hoặc giữ lại những cầu thủ khác hay cho những cầu thủ đá trái vai như Đông Triều phải bất đắc dĩ biến thành trung vệ.
Cá nhân tôi cho rằng cách làm của bầu Đức rất táo bạo và chắc chắn phía Arsenal JMG cũng bất ngờ do họ không ngờ đến việc đầu ra của một Học viện lại thành một đội bóng hot ở Việt Nam.
Tất nhiên việc táo bạo đi thêm hướng so với quy trình của Arsenal JMG gốc thì cũng có 2 mặt mà chắc chắn phía Arsenal JMG không chịu trách nhiệm về những cầu thủ đã ra trường và duy trì thành một đội bóng. Ngay cả việc cử thầy cho đội bóng cũng vậy, thầy để đào tạo trẻ và thầy để đánh trận ở chiến trường hoàn toàn khác nhau mà chắc chắn là hiện nay HLV Guillaume Graechen đang “học”.
Học viện không thể thành đội bóng bởi Học viện giống như nơi đào tạo còn đội bóng thì còn phải nhiều thứ bổ sung trong đó có cả kinh nghiệm, chiến lược… mới hình thành đội bóng được.
Thế nên, chuyện của bầu Đức cũng là chuyện của một cú đột phá.
NGUYỄN NGUYÊN