Nhìn từ án phạt của Quế Ngọc Hải: Đến VFF cũng… “chạy án”

Chỉ là một cầu thủ được gắn mác tuyển thủ QG nhưng nó đã khiến cho toàn bộ hệ thống của VFF lao đao, từ ông Trưởng ban Kỷ luật tắt máy điện thoại “trốn” đến những lãnh đạo cấp cao luôn ở “chế độ im lặng” để né tránh. Án tại hồ sơ vậy thì vì sao phải “ngâm án”, tuyên án như chẳng có án?

Rất nhiều câu hỏi được đặt ra ngay sau khi Ban Kỷ luật công bố án phạt Ngọc Hải bị cấm thi đấu 6 tháng, thay vì 3 tháng như chính thông tin từ VFF “bơm ra” trước đó, bên cạnh việc trung vệ này còn phải lo toàn bộ chi phí chữa trị cho Anh Khoa. Thoạt nhìn, mức án treo giò 6 tháng tại các giải thuộc hệ thống giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam có vẻ như rất nặng nhưng trên thực tế án phạt này “phạt mà không phạt”.

Đến VFF cũng... “chạy án”
Phó CT VFF, Trần Quốc Tuấn và Quế Ngọc Hải ở AFF Cup 2014.

Cụ thể, V.League 2015 chỉ còn 1 vòng đấu là kết thúc, trong khi mùa giải 2016 chưa định ngày khởi tranh. Theo dự kiến, ngày khai mạc V.League 2016 rơi vào khoảng cuối tháng 2 đầu tháng 3. Như vậy, nếu tính thời gian kết thúc thụ án 6 tháng của Ngọc Hải cũng rơi vào tháng 3/2016. Vậy phạt để làm gì, khi Ngọc Hải sẽ gần như “trắng án”? Tại sao không phải án phạt theo trận, như các nền bóng đá khác trên thế giới vẫn thường làm?

Hôm qua, khi Thể thao 24h liên hệ với TTK VFF Lê Hoài Anh để hỏi về án phạt, quan điểm của VFF như thế nào khi Ban Kỷ luật tuyên án, ông Hoài Anh chỉ trả lời: “Tôi không được phép bình luận về những án phạt, bởi Ban Kỷ luật hoạt động riêng biệt và xử án theo Quy định kỷ luật, hồ sơ vụ việc…”.

Tiếp tục với câu hỏi, “liệu Ngọc Hải có được triệu tập vào ĐTQG, U.23 QG khi đang trong quá trình thụ án?”, ông Hoài Anh nói: “Toàn bộ án phạt của Ngọc Hải đều nằm trong Quyết định kỷ luật. Mọi người có thể soi câu chữ trong đó, chứ tôi không thể trả lời”.

Nhìn từ án phạt của Quế Ngọc Hải: Đến VFF cũng... “chạy án”
Trưởng ban Kỷ luật VFF Nguyễn Hải Hường.

Nói như cách mà ông TTK VFF đề cập, có thể hiểu dù đang chịu án ở các giải thuộc hệ thống giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, trung vệ SLNA vẫn được phép thi đấu cho ĐTQG, nếu được HLV Miura triệu tập.

Một bản án mà những người có trách nhiệm ở VFF đã phải nâng lên đặt xuống đến gần 1 tuần, họ “lọc lõi” trong từng câu chữ chứ không hề “bê” nguyên cái điều lệ và Quy định kỷ luật để áp dụng, theo cách thường gọi của ông Nguyễn Hải Hường là “án tại hồ sơ”.

Một bản án mà trước và sau khi tuyên án, ông Trưởng ban kỷ luật lại phải tắt máy điện thoại tới 2 ngày. Nó khác hẳn với những lần trước, khi ông Hường luôn lên tiếng để nói vì sao và tại sao lại có án như vậy. Rồi đến Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng hay Phó Chủ tịch thường trực Trần Quốc Tuấn cũng “bóng chim tăm cá” khi được đề cập.

Và cái lạ ở chỗ, một bản án cho một cầu thủ, khi “phạm tội” rõ ràng, có quy chế, quy định và điều lệ xử phạt nhưng ở VFF họ vẫn sợ một điều gì đó, cứ phải né tránh trách nhiệm và tìm mọi cách để xử lý.

Lạ với một bản án, khi chính những người có trách nhiệm ở VFF lại không thể ra mặt lên tiếng, lý giải cặn kẽ vì sao và tại sao?

TRÚC AN

Lương ở SLNA của Ngọc Hải là 12 triệu/tháng và cầu thủ này còn hợp đồng đào tạo trẻ, chưa ký hợp đồng chuyên nghiệp, chưa có tiền tỷ nên nếu phải chịu mọi phí tổn thì cầu thủ này không có khả năng.

Ngọc Hải phải có trách nhiệm thanh toán toàn bộ chi phí chữa trị chấn thương cho Anh Khoa. Thử đặt câu hỏi, nếu cầu thủ của SHB.Đà Nẵng phải sang Singapore, Nhật Bản hay châu Âu… chữa trị chấn thương thì sao? Số tiền phải bỏ ra là bao nhiêu? Diễn tiến của chấn thương chưa biết thế nào nên không loại trừ khả năng Ngọc Hải cả đời đá bóng để nuôi Anh Khoa, dù đó là điều không mong muốn của cầu thủ SLNA. 

Café 24h: Tại sao phải trừng phạt?