Phải tập, đừng ỷ vào thuốc!
Cải thiện cơ thể, tăng cường cơ bắp là nhu cầu chính đáng của nhiều người; nhưng không có con đường tắt để đạt được mong muốn đó.
Mạo hiểm với mạng sống
Tuần trước, một MC trẻ người Việt sinh năm 1988 qua đời, sau vài ngày nhập viện trong tình trạng tình trạng rối loạn tri giác, hôn mê sâu, viêm gan B cấp, suy gan nặng dẫn tới rối loạn đông máu, tổn thương thận cấp.
Theo thông tin người nhà thì anh này tập tạ và thời gian gần đây có sử dụng một loại sữa tăng cơ không rõ nguồn gốc.
Cũng trong tuần trước, Dean Wharmby, 39 tuổi – HLV thể hình nổi tiếng người Anh qua đời vì ung thư gan. Căn bệnh ung thư hành hạ anh chỉ còn da bọc xương; trong khi trước đó anh có một cơ thể cường tráng, có thời điểm lên đến 127kg.
Trong quá trình điều trị, Dean Wharmby cho biết anh sử dụng quá nhiều nước tăng lực (7-8 lon/ngày), thực phẩm chức năng, sữa tăng cơ. Ngoài ra, anh còn sử dụng một số loại thuốc kích thích để tăng cơ… và điều này dẫn đến sức khoẻ suy sụp.
5 năm trước, các bác sỹ đã phát hiện một khối u trong gan. Với sự điều trị tích cực, điều chỉnh lại chế độ dinh dưỡng, loại bỏ thực phẩm chức năng và các sản phẩm tăng cường cơ bắp… khối u đã biến mất sau 1 năm. Tuy nhiên, khi quay lại phòng tập, Wharmby lại quay về thói quen dinh dưỡng trước đây và đến cuối năm 2014 căn bệnh tái phát trở lại, không thể kiểm soát được nữa.
Cách ngắn nhất là… tập luyện
Hai câu chuyện trên trở thành chủ đề bàn tán rôm rả trên cộng đồng tập gym/thể hình: Nên hay không sử dụng thực phẩm chức năng, sữa tăng cơ để hỗ trợ phát triển cơ bắp. Người thì cho rằng, chàng MC xấu số kia sử dụng phải hàng kém chất lượng, hàng giả; hoặc có sử dụng cũng không đến mức kinh khủng như vị HLV người Anh. Người thì đề cao sự khổ luyện trong các bài tập, kết hợp ăn uống, nghỉ ngơi một các hợp lý, tránh xa các thực phẩm kiểu đó.
HLV Nguyễn Kiên – CLB Olympia (Hà Nội) cho biết, cá nhân anh không dùng thực phẩm bổ sung trong quá trình tập luyện, vì đó là lựa chọn của cá nhân anh. Tuy nhiên, tại nhiều phòng tập, các học viên vẫn được giới thiệu các dòng thực phẩm bổ sung với những tác dụng, như: Bổ sung năng lượng, phục hồi và tạo nét cơ bắp săn chắc, đốt mỡ tự nhiên, thời gian hấp thụ nhanh…
Thực ra, theo như tên gọi, thực phẩm bổ sung có thể được dùng cho những người cần kiểm soát hay bổ sung chất cho cơ thể; không chỉ những người tập thể thao mà người bình thường cũng có thể dùng được, theo chỉ định. Tuy nhiên, bác sỹ điều trị cho Wharmby chia sẻ: Bất kỳ một chế độ dinh dưỡng không cân bằng và vượt quá giới hạn cũng đều ảnh hưởng các cơ quan trong cơ thể; trước hết, gan và thận sẽ bị tổn thương, suy giảm chức năng…
Với kinh nghiệm hơn 10 năm tập luyện và hướng dẫn, anh Kiên cho rằng: Muốn cải thiện vóc dáng, cơ thể thì không còn cách nào khác ngoài tập luyện. Đó là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất. Các loại thực phẩm bổ sung, tăng cơ được quảng cáo nghe rất êm tai nhưng hãy nên cân nhắc kỹ trước khi sử dụng. Câu nói “No pain, No gain” (Khổ luyện thì thành công) chính xác trong môn thể thao này.
PHUTHONG
Ngoài luyện tập, nhiều người sử dụng thuốc, thực phẩm bổ sung với hy vọng tăng cơ, có hình dáng khỏe đẹp. Tuy nhiên, nếu dùng lâu dài hoặc quá liều có thể gây ra một số thay đổi có hại đối với lượng cholesterol, tổn thương gan, tăng huyết áp, loạn nhịp tim, đau tim, mất cân bằng nội tiết tố, dẫn đến giảm kích thước tinh hoàn, vú to ở nam… Do vậy, BS Lê Thị Tuyết Phượng – Trưởng khoa Nội tiêu hóa BV Nhân dân 115 khuyên: “Các loại thuốc và thực phẩm bổ sung phải được chỉ định của bác sỹ. Việc sử dụng không đúng rất nguy hiểm. Tăng cơ bắp chỉ là lợi ích trước mắt nhưng sẽ có nhiều tác hại khôn lường về sau”.