PCT – Tổng thư ký LĐ Quần vợt VN Nguyễn Quốc Kỳ: “Tôi đang muốn rút lui…”

Dù khẳng định không nản trước hàng loạt vụ lùm xùm xảy ra, song ông Kỳ (ảnh nhỏ) cũng thừa nhận tennis Việt Nam có rất nhiều việc phải thay đổi. Vị lãnh đạo Liên đoàn 2 lần… kiêm nhiệm này cũng cho biết đang tìm kiếm người thay mình song chưa được.

– Thể thao 24h: Ông nghĩ sao khi tennis Việt Nam liên tục nổi sóng với các hành vi phi thể thao, thiếu văn hóa, thậm chí chiêu trò đủ loại của các tay vợt, mà hầu hết là các tuyển thủ quốc gia?

“Tôi đang muốn rút lui...”

Ông Nguyễn Quốc Kỳ: Thực lòng tôi thấy buồn và đau. Phải nói thật, chưa nói về trình độ, rất nhiều tay vợt Việt Nam hiện tại không chỉ yếu về tâm lý, bản lĩnh mà còn còn tệ về thái độ, thiếu tư cách cần thiết của một VĐV. Như tại giải VĐQG 2015, nó đã xảy ra với cả một cựu binh đã 34 tuổi như Thành Trung rồi một gương mặt trẻ 18 tuổi là Linh Giang. Tôi cho rằng, đây là một lỗ hổng lớn trong đào tạo, rèn luyện VĐV của cả tennis khi chúng ta đã quá tập trung vào chuyên môn, thành tích trước mắt trong một thời gian dài.

– Những vụ lùm xùm, thậm chí theo kiểu lặp đi lặp lại của nhiều tay vợt, liệu có phải còn do chúng ta đã quá nương nhẹ, thiếu hẳn các hình thức mạnh tay trong quyền hạn của mình?

Thực ra, các hình thức xử lý đã luôn được áp dụng kịp thời và linh hoạt đấy chứ. Liên đoàn từng kỷ luật “nóng” rất nặng Ngô Quang Huy. Hay ngay sau hành vi phản cảm của Trung và Giang, chúng tôi đã có văn bản tới đơn vị chủ quản yêu cầu có các biện pháp răn đe, giáo dục. Tuy nhiên, có lẽ sự thống nhất và hiệu quả chưa cao, và chúng tôi sẽ xem xét để có những điều chỉnh. Tôi xin nhắc lại, gốc rễ của vấn đề vẫn phải là việc quản lý, đào tạo VĐV, đòi hỏi sự phối hợp của cả Liên đoàn, Bộ môn, các địa phương.

– Ông có biết rằng thời gian qua, nhiều nhà chuyên môn và NHM đều bày tỏ sự thất vọng về sự trì trệ kéo dài trong sự lãng phí tiềm năng của tennis Việt Nam, về vai trò mờ nhạt, yếu kém của các “đầu tàu”, nhất là Liên đoàn Quần vợt Việt Nam?

“Tôi đang muốn rút lui...”

Theo tôi, những ai cho rằng tennis Việt Nam chậm tiến, yếu kém chứng tỏ không theo sát các hoạt động thực tế. Là người trong cuộc, tôi cảm nhận rõ về bước tiến đáng kể về nhiều mặt sau một nhiệm kỳ, từ phong trào, hệ thống giải đấu cho tới thành tích đỉnh cao. Chúng ta thăng hạng ở Davis Cup, có nhiều nhân tố mới, nổi bật như Hoàng Nam, và mới nhất vừa đưa được ATP Challenger trở lại sau 10 năm. Liên đoàn trong bối cảnh kinh tế khó khăn, bó buộc về điều kiện, nhân sự song cũng đã nỗ lực hết mức.

Dù vậy, tôi cũng hiểu rõ rằng tennis Việt Nam còn rất nhiều việc phải thay đổi để tránh nguy cơ tụt hậu ngày càng xa so với mặt bằng chung quốc tế. Còn Liên đoàn phải nhìn nhận thắng thẳn rằng mới đạt tới mức độ rất thấp theo hướng xã hội hóa và chuyên nghiệp hóa. Đó là hai bài toán lớn và khó mà Liên đoàn sẽ đặt ra tại Đại hội khóa mới vào tháng 12 tới.

– Trong nhiệm kỳ mới, Liên đoàn sẽ có đổi mới gì mang tính đột phá về tổ chức nhân sự và hoạt động?
Ngoài một văn phòng mạnh với các nhân sự chuyên trách, cùng mảng tiếp thị – tài trợ – truyền thông phải trở thành trung tâm, các nhân sự chủ chốt của Liên đoàn sẽ phải mang tính chuyên trách và chuyên nghiệp hơn. Bản thân tôi cũng đang muốn rút khỏi vị trí Tổng thư ký để nhường chỗ cho người mới, song quả thật khó vận động, tìm kiếm người thay.

Chúng tôi cũng đặt mục tiêu phải hình thành một Quỹ hỗ trợ tài năng quần vợt trẻ ngay từ khóa tới, với một nguồn kinh phí tối thiểu phải vào cỡ chục tỷ đồng mỗi năm để trước hết ưu tiên chăm lo cho ĐTQG, chung sức đầu tư cho những tay vợt trẻ xuất sắc, tổ chức các giải quốc tế.

– Xin cảm ơn ông!.

Phúc Tường (thực hiện)