Thất bại của HLV Guillaume Graechen và bầu Đức: Thủ phạm & Nạn nhân

Bất ngờ được cầm quân ở V.League nhưng với nhiều điểm thiếu và yếu, cộng thêm những mộng mị về lứa cầu thủ Học viện HA.GL Arsenal JMG cùng tính cách bảo thủ, độc đoán, HLV Guillaume Graechen đã phải trả giá.

Việc bị điều chuyển công tác trở lại làm thầy giáo gõ đầu trẻ để nhường lại “chiếc ghế nóng” cho trợ lý Nguyễn Quốc Tuấn, âu cũng là cái kết đã được dự báo trước khi HA.GL liên tục thảm bại và đứng trước nguy cơ cao phải xuống hạng.

Tờ giấy bị xé vội

HLV Graechen bỗng nhiên vụt sáng cùng các học trò ở Học viện HA.GL Arsenal JMG khi họ làm nòng cốt cho U.19 VN tại giải U.19 ĐNÁ năm 2013. Hàng loạt giải đấu trẻ, giao hữu với những kết quả tích cực cùng lối chơi đẹp mắt, tinh thần cống hiến và sự vô tư trong sáng đã ghi điểm trong lòng NHM. Từ đây, thầy trò ông Giôm trở thành “cơn bão” và là tâm điểm của BĐVN.

IMG_6774

Thế nên, trước khi V.League 2015 khởi tranh, bầu Đức không một chút do dự sử dụng nguyên cả lứa này cùng “thầy giáo” Giôm tham gia giải đấu chuyên nghiệp, một sân chơi có độ chênh rất lớn so với các giải đấu trẻ có tính chất giao hữu, tập huấn mà họ tham dự trước đó. Thậm chí, ông thầy người Pháp không có bằng HLV và để có “chứng chỉ hành nghề”, thầy Giôm được “đặc cách” đi học bằng A.

Có một vấn đề được nhìn ra, cảnh báo từ trước: Những hiểu biết, trải nghiệm của ông thầy người Pháp về V.League là con số 0. Không kinh nghiệm cầm quân, không có sự hiểu biết về đối thủ, không hiểu về những câu chuyện hậu trường cũng như môi trường khắc nghiệt ở sân chơi này. Thế mà trong cơn mộng mị với những bức tranh đẹp được vẽ nên trước đó, ông thầy người Pháp đã đặt ra mục tiêu trong 8 trận đầu tiên: Giành 16 điểm và ghi tới 23 bàn thắng. Mục tiêu ấy được ghi vào tờ giấy dán trong phòng họp của đội bóng như một “lời nhắc nhở” cho các cầu thủ phải thực hiện. Nó là quyết tâm, sự tự tin của HLV Graechen, người từng ảo tưởng đến mức tuyên bố “chỉ cần đăng ký danh sách mùa giải 2015 với 20 cầu thủ Học viện là đủ chơi…”.

Thế nhưng ông thầy người Pháp đã phải vỡ mộng khi chỉ 4 vòng sau đó, HA.GL liên tục nhận thất bại. Tờ giấy đó đã không còn hiện diện khi cả đội bước vào phòng họp nữa, vì nó bị chính tay ông thầy này xé vội. Trong tiềm thức, HLV Graechen cũng không nghĩ tới kịch bản xấu như thế, nhất là sau trận ra quân giành thắng lợi 4-2 trước S.Khánh Hòa BVN. Và tính đến thời điểm hiện tại, sau 21 vòng đấu, họ vẫn chưa đạt đến số điểm đã đề ra trước đó ở 8 vòng đấu đầu. Quá ảo vọng, thiếu thực tiễn, HLV Graechen mất kiểm soát với chính bản thân mình khi va đập thực tế.

Dưới một người, trên cả đội

Hành động tranh cãi trên sân Cao Lãnh với Trưởng đoàn Nguyễn Tấn Anh và việc phớt lờ những lời góp ý của các trợ lý là đỉnh điểm, cũng là cái kết cho sự bảo thủ, độc đoán của ông thầy người Pháp này. Ở Gia Lai, ngoại trừ bầu Đức ra “chỉ lệnh”, không một ai được đếm xỉa vào chuyện chuyên môn. Một tay quyết hết, không quan tâm đến lời góp ý từ xung quanh, HLV Graechen tự xây ốc đảo cho mình ngay trong khu kỹ thuật.

Thất bại của HLV Guillaume Graechen và bầu Đức: Thủ phạm & Nạn nhân

Trong các trận đấu của HA.GL, có điều đặc biệt là hiếm khi thấy hình ảnh HLV Graechen trao đổi với các thành viên BHL. Không có tiếng nói trong việc chuyên môn, góp ý không nhận được sự hợp tác, phản hồi tích cực và các trợ lý cũng chỉ làm cho xong công việc của mình, chẳng khác nào con robot đã được lập trình sẵn. Dần dà, mối quan hệ giữa thầy Giôm với các trợ lý có khoảng cách ngày càng rộng. Tự tay “chặt đứt” những cánh tay nối dài của mình, HLV Graechen tự biến mình thành kẻ lạc lõng, dù ông vẫn là người có tiếng nói quyết định trong vấn đề chuyên môn.

Và cũng bởi toàn quyền trong các quyết định chuyên môn mà tính bảo thủ, độc đoán của thầy Giôm có “đất” để phát huy. Với phong cách làm việc thiên về cảm tính hơn lý tính, ông tự tạo khoảng cách giữa thầy trò.

Do thói quen và ý thích, ông ưu tiên sử dụng các học trò từ Học viện HA.GL Arsenal JMG mà “bỏ quên” các cựu binh cũng như những cầu thủ từ lớp năng khiếu. Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất V.League 2014 – Minh Vương bị đày ải trên băng ghế dự bị chỉ vì bị… ghét. Hay như một cựu binh làm phật ý trong một buổi tập, ông thầy người Pháp đã không trao cơ hội cho cầu thủ này.

Chỉ đến sau trận thua 1-4 trên sân Gò Đậu trước B.Bình Dương ở vòng 13, bầu Đức ra lệnh “hoặc thay đổi hoặc ra đi” thì tính bảo thủ của HLV Graechen mới bớt đi. Thế nhưng tất cả đã quá muộn. Với cách làm không giống ai của một ông “nhà giáo”, HLV này lãnh đủ mọi hậu quả do mình tự chuốc lấy.

HA.GL thất bại, HLV Graechen có lỗi. Thế nhưng thầy Giôm không hẳn là “thủ phạm” duy nhất trong thất bại của HA.GL. Bản chất, ông cũng chỉ là một “nạn nhân” của sự bốc đồng cùng sự ảo tưởng về lứa cầu thủ Học viện HA.GL Arsenal JMG của bầu Đức, với những nước cờ sai và có thể kéo theo thất bại của cả một cuộc chơi.

TRẦN KHÁNH

Buổi tập đầu tiên sau khi HLV Graechen bị điều chuyển công tác diễn ra trong không khí bình thường, không hề có sự nặng nề khi BLĐ đội bóng phố Núi xác định công tác tư tưởng với cầu thủ mới là yếu tố quan trọng và vẫn sẽ giữ lối chơi đã trở thành bản sắc.

“Thương mấy thằng em”

Sau thất bại của HA.GL trước Đồng Tháp, tiền đạo Công Vinh đã chủ động gọi điện cho Công Phượng để chia sẻ, động viên tinh thần cậu “đàn em” đồng hương. Thế nhưng do nỗi buồn thất bại, khi nguy cơ xuống hạng đang hiện trước mắt, Công Phượng đã chọn giải pháp im lặng, từ chối tất cả các cuộc gọi của bạn bè, người thân.

Hiểu và chia sẻ trước nỗi buồn của tiền đạo này, Công Vinh thẳng thắn bày tỏ với nỗi niềm của một người anh đi trước: “Nghĩ cũng thương bọn này, chắc thua buồn chán quá nên chỉ muốn trốn vào đâu đó. Gọi không thấy ai bắt máy cả. V.League vẫn còn 5 vòng đấu nữa là khép lại và cơ hội vẫn còn nhưng quả thực, cửa trụ hạng của HA.GL bây giờ sẽ là rất khó khăn…”.

P.A