Café 24h: Nợ Thái là… nợ công

“Này, anh đang nợ 1.060 USD, tương đương 25 triệu đồng. Nhà anh 4 người, vị chi là nợ 100 triệu”.
“Điên à, nhà tôi đàng hoàng, con cái không bóng bánh cờ bạc rượu chè tự nhiên mắc nợ nhiều thế”.

Hoàn toàn có thể có những những mẩu đối thoại như thế, bởi có những thứ nợ như vô hình. Có thể kể ngay trong câu chuyện kia là… nợ công. Theo báo cáo từ tạp chí danh tiếng The Economist cung cấp, và thể hiện trên đồng hồ đo nợ được cập nhật theo thời gian thực: “Đến ngày 11/10/2015, nợ công của Việt Nam được ước tính ở mức 92,6 tỷ USD, chiếm 46% GDP, tăng khoảng 6,4 tỷ USD trong vòng 3 tháng qua và 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính trung bình, mỗi người dân Việt đang gánh 1.016 USD nợ…”

À hóa ra là nợ… công. Nợ công nghĩa là nợ chung, nợ chung có khi cũng chả ai khóc. Biết là nợ, thế thôi.

Nợ công chia theo đầu người thì có đến… 3.000 USD cũng chưa chắc đã khiến dân… giật mình.

Café 24h: Nợ Thái là... nợ côngNhưng nợ có mà như không, không mà như có, ấy là nợ tình cảm. Cái này đôi khi cũng chẳng biết nợ bao nhiêu mà trả, cũng không biết là nợ bao nhiêu người để tính. Nợ này là nợ riêng mà cũng như… nợ công.

Nhưng có một thứ nợ, không rõ ràng nhưng rất khó chịu, ấy là nợ bóng đá. Trong ao làng ĐNÁ, có lẽ, Thái Lan đang là “chủ nợ” của bóng đá Việt Nam. Đã có những thời điểm, như là trận chung kết AFF Cup 2008 ở Mỹ Đình, tưởng chừng bóng đá Việt Nam đã trả được hết cả vốn lẫn lời. Nhưng thực tế, nó chỉ là một khoản trả lãi nho nhỏ trong cả quá trình bóng đá Việt Nam đứng sau người Thái, tới mức cụm từ “đuổi theo người Thái” không còn có nghĩa là động từ mà còn hàm chứa sự so sánh, bất lực.

Đội U.19, với thành phần nòng cốt là của học viện HA.GL Arsenal JMG đã mang theo gánh nặng thu hẹp khoảng cách giữa bóng đá Việt và bóng đá Thái. Sau 1 năm, ở trận chung kết mới nhất, đội trẻ của Việt Nam thua sâu U.19 Thái Lan.

Bây giờ, câu chuyện thua Thái không còn nằm ở bóng đá: Từ chuyện hạt gạo Thái, cái bánh Thái đến trái cây Thái đang chiến thắng ngay thị trường nội.

Hôm qua, Đội tuyển Thái đến Việt Nam. Cái cách họ đến là cách của một chủ nợ, ung dung hơn và không có nhiều điều để mất. Bóng đá Thái đá với Việt Nam luôn nhẹ nhàng, ta đá với họ luôn cảm thấy bất an.

Cái nếp nghĩ cứ phải đá để trả nợ luôn khiến chân các cầu thủ tê cứng.

Đôi khi, cứ để món nợ bóng đá với người Thái như là… nợ công. Bỏ hết trong đầu và những tính toán hơn thua, chơi một trận không có hai chữ: Nợ nần. Đó là điều mà thầy trò HLV Miura cần, NHM cần…

Song An

ĐTVN trước cái bóng lớn của Kiatisak: Nhớ Calisto!