Tổng thư ký Hiệp hội Golf Việt Nam: “Chỉ có thể đột phá khi có Học viện đào tạo”

Thừa nhận việc mở rộng đối tượng tập luyện và đào tạo VĐV trẻ đang là điểm yếu và khó khăn lớn nhất của golf Việt Nam, ông Hảo cho biết chỉ có thể đột phá với các Học viện theo mô hình xã hội hóa.

– Thể thao 24h: Nhìn lại 1 thập kỷ gây dựng, ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của golf Việt Nam?

Ông Nguyễn Văn Hảo: Tôi cho rằng, golf Việt Nam đã có một bước tiến dài về nhiều mặt. Từ chỗ chỉ có 14 sân golf với 3.000 người chơi, đến nay đã có 36 sân cùng 30.000 người chơi, trong đó có 15.000 chơi thường xuyên. Hiện tại, có 14 địa phương đang đầu tư phát triển golf. Mỗi năm khoảng 20 giải golf được tổ chức, với 4 giải quốc nội chính thức. Chúng ta đã gây dựng được hệ thống tập huấn đào tạo VĐV đủ các tuyến, với lực lượng tăng trưởng đáng kể. Có một số gương mặt trẻ tài năng, được đầu tư tốt, hứa hẹn có thể vươn ra quốc tế.

“Chỉ có thể đột phá khi có Học viện đào tạo”

– Như đánh giá của các chuyên gia, số người chơi golf tại Việt Nam vẫn tăng rất chậm, phong trào vẫn nhỏ hẹp, cho dù có gấp 10 lần hiện nay đi nữa?

Thẳng thắn nhìn nhận, golf Việt Nam vẫn chưa tận dụng, phát huy đúng tiềm năng, điều kiện thực tế. Điều đó được minh chứng rõ qua số người chơi và phong trào. Nó không chỉ gắn với mặt bằng chung thu nhập của người dân còn thấp, mà còn xuất phát từ nhận thức chung chưa đầy đủ, thiếu thống nhất về môn golf.

Trong khi đó chúng ta cũng chưa có những giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ để thúc đẩy. Bộ môn Golf và Hiệp hội Golf Việt Nam đã rất nỗ lực, song cũng mới chỉ trong khả năng và nguồn lực có hạn của mình.

– Ông nghĩ gì khi golf vẫn là môn quá xa cách với thanh thiếu niên – đối tượng quan trọng của xã hội, cũng như nguồn cung cấp nhân lực cho mảng thành tích cao?

Đó là một vấn đề lớn mà chúng tôi luôn trăn trở và tìm mọi cách tháo gỡ song chưa mấy hiệu quả. Thực tế, trong vài năm gần đây, có một số chương trình, dự án dạy golf miễn phí song số lượng học viên rất hạn chế, thời gian cũng ngắn.

Dù các sân golf ngày càng rộng mở, với mức giá cùng các hình thức đa dạng nhưng thực sự vẫn chưa phù hợp và khó tiếp cận với trẻ em, nhất là chi phí. Chúng ta cũng chưa thể tạo ra những mẫu hình sân golf công cộng như nhiều nước.

Rõ ràng, với thực trạng như hiện tại, cả phong trào nói chung lẫn mảng đào tạo VĐV sẽ rất khó khăn.

Tổng thư ký Hiệp hội Golf Việt Nam: “Chỉ có thể đột phá khi có Học viện đào tạo”
Chủ tịch Hiệp hội Golf Việt Nam Nguyễn Văn Hảo.

– Theo ông, golf Việt Nam sẽ phải và có thể làm gì trước bài toán khó này? Chẳng nhẽ chúng ta sẽ phải chấp nhận golf không dành cho đối tượng trẻ và chờ đợi sự xuất hiện kiểu “lúa trời” của các golf thủ?

Chắc chắn golf Việt Nam sẽ phải đột phá, với giải pháp mang tính quyết định và khả thi là phải hình thành nên được các Học viện hay Trung tâm đào tạo trẻ. Chúng tôi đã đặt mục tiêu trong 5 năm tới, xây dựng Trung tâm đào tạo trẻ đặt tại Hà Nội và TP.HCM. Trước mắt, Hiệp hội Golf Việt Nam đang phối hợp với sân The Bluff Hồ Tràm mở Học viện golf Robert Rock để tuyển chọn, đào tạo VĐV trẻ. Ngoài ra, có thể trông đợi nhiều khi tập đoàn BRG, nơi đang sở hữu 3 sân golf, sẽ phối hợp với tập đoàn Nick Claus chuẩn bị mở Học viện đào tạo golf chuyên nghiệp theo đúng chuẩn quốc tế. Đó là những tín hiệu rất tích cực, và tôi tin rằng mảng đào tạo VĐV sẽ rất khác trong tương lai gần.

Dù vậy, để có thể thúc đẩy phong trào, nền tảng một cách căn cơ cần phải có sự “hợp sức” của các sân golf. Như sân golf Long Biên (Hà Nội) đã bắt đầu chuyển đổi một phần hoạt động theo hướng của một sân golf cộng đồng, trong đó chủ yếu nhắm tới trẻ em. Tất nhiên, chúng tôi hiểu rõ trách nhiệm “cầm trịch” và “cầu nối” của mình, và điều này sẽ được đặt ra ở Đại hội sắp tới của Hiệp hội Golf Việt Nam.

– Xin cảm ơn ông!

Hà Thảo (thực hiện)

 Golf Việt Nam sẽ phải phấn đấu nhiều năm nữa, có thể tính bằng thập kỷ, mới có thể hy vọng theo kịp được sự phát triển của nhiều nước trong khu vực; ví dụ để sánh với Thái Lan có thể phải mất 2-3 thập kỷ nữa. Thái Lan có 256 sân golf, với số người chơi lên tới 500.000. Họ cũng có vài chục Học viện, Trung tâm đào tạo chuẩn quốc tế; vài trăm golf thủ chuyên nghiệp, trong đó rất nhiều người đã đạt tới tầm châu Á và thế giới”.

Ông Nguyễn Văn Hảo.

Hỗ trợ các golf thủ về mặt… thủ tục

Hiện tại, Việt Nam có cả chục golf thủ đang tập huấn dài hạn ở nước ngoài, với kinh phí hoàn toàn do bản thân và gia đình tự lo. Không ai nhận được sự hỗ trợ của ngành thể thao và Hiệp hội Golf Việt Nam, không chỉ về kinh phí mà cả chuyên môn. Việc duy nhất mà các golf thủ này được hỗ trợ chỉ là nhận thông báo đều đặn về các giải đấu trong và ngoài nước để họ cân nhắc điều kiện tham gia.