Hà Lan: “Cơn lốc” xây nhà từ nóc!

Michel Platini ắt hẳn đang nhức đầu. Vì từ khi đề ra và triển khai ý tưởng mở rộng VCK EURO, mục tiêu của ngài chủ tịch UEFA chỉ là tăng cơ hội góp mặt trong ngày hội lớn của bóng đá châu Âu cho mấy đội Đông Âu. Và ngay cả trong giấc mơ, cựu tiền vệ người Pháp chắc chắn chẳng nghĩ tới nguy cơ một “hàng hiệu” như Hà Lan không vượt qua nổi vòng loại.

Nhưng giờ đây, sau hai cú sốc liên tiếp tại Amsterdam và Konya, “Cơn lốc màu da cam” thật sự đang đối mặt với hiểm cảnh ấy. Nếu bi kịch này thành sự thật, đấy chắc chắn là cú sốc lớn nhất của bóng đá năm 2015. Nhưng nếu xét kỹ, đây chưa hẳn là bất ngờ không thể xảy ra. Đơn giản là do “Cơn lốc” đang xây nhà từ nóc!

“Cơn lốc” xây nhà từ nóc!

Thành tích của các CLB Hà Lan ở các Cúp châu Âu đã dự báo sớm hiểm họa này. Vì từ sau khi PSV đánh bại Arsenal trước lúc gục ngã vào tay Liverpool ở Champions League năm 2007, Hà Lan không còn đại diện nào vượt qua nổi vòng bảng. Sự tụt dốc nay càng ghê gớm nếu nhớ rằng Ajax thậm chí không vượt qua được vòng loại Champions League 2015/16, nên Hà Lan chỉ còn đúng 1 đại diện là PSV. Nhưng trong tương lai gần, Hà Lan vắng bóng ở vòng bảng Champions League là nguy cơ có thật, vì họ hiện đứng thứ 10 trên bảng hệ số của UEFA và có thể trượt tiếp ở mùa tới theo cách tính phức tạp của tổ chức này.

Thực trạng đó khiến Hà Lan, vốn luôn tự hào có nhiều học viện đào tạo trẻ chất lượng nay không thể duy trì phương pháp từng có do các CLB buộc phải “bán lúa non”. Một mặt là do các CLB cần tiền để duy trì hoạt động. Mặt khác, họ không thể giữ chân các tài năng trước sức cám dỗ của các CLB nước ngoài, đặc biệt những đội thường dự vòng bảng Champions League. Hậu quả tai hại để lại cho ĐTQG là các cầu thủ được xuất khẩu khi vẫn là sản phẩm chưa hoàn chỉnh. Cũng chính vì vậy, xác suất rủi ro tăng cao, khiến không ít người trong số đó phải mài đũng quần trên băng ghế dự bị. Vì thế, tài năng vốn chưa chín muồi nay còn bị mai một. Ibrahim Afellay có thể xem như ví dụ tiêu biểu: sau thời gian dài được đánh giá đủ tầm chơi cho các CLB lớn như Barcelona, anh hiện trôi dạt tới CLB tầm thường của Premier League là Stoke City.

Tình trạng “ăn xổi, ở thì” này dẫn tới kết quả là Hà Lan có thể giới thiệu nhiều cầu thủ trẻ giàu triển vọng, nhưng rất khó phát triển hết tiềm năng như kỳ vọng. Bằng chứng là hiện nay, HLV Danny Blind không thiếu tài năng trẻ như Memphis Depay, Stefan de Vrij, Quincy Promes hoặc Georginio Wijnaldum, nhưng từ độ tuổi 28-31 được xem như “chín muồi” của đời cầu thủ, “Cơn lốc màu da cam” hiện chỉ có 2 đại diện là Afellay và Wesley Sneijder. Mất hẳn một thế hệ kế thừa, không bất ngờ khi Hà Lan trông xộc xệch như hiện nay với đội ngũ giàu kinh nghiệm gồm các tuyển thủ quá lớn tuổi dính chấn thương lắt nhắt, còn đội ngũ trẻ sung sức thường quá “non” với số trận thi đấu quốc tế thường không vượt quá mấy đầu ngón tay.

Trong tình cảnh đang xây nhà từ nóc như vậy, “Cơn lốc” còn bốc mới là chuyện lạ!

Thiên Tứ

Hà Lan: Thứ 3 ở World Cup, thành “ma đói” ở Euro