Ông bầu phủi & Chuyện những người cầm đội: Thầy Thiết
“Thầy ơi, vẫn penalty. Có đá không?” – “Đừng nói gì, chơi đi các con. Chơi vì giải, vì cái chung và vì cái tên đội mình thôi”. Từ trong sân, các cầu thủ quay về phía khu vực BHL chờ thầy và nhận được cái phẩy tay. Họ chấp nhận chơi tiếp, bị gỡ hoà rồi phân định thắng thua bởi loạt luân lưu…
Một tình huống rất phổ biến ở bóng đá phong trào: Trận bán kết với FC 6789 ở giải Ngọc Bảo, PSA dẫn bàn đến phút cuối, thủ môn lao ra tay bắt bóng và chân phóng vào tiền đạo. Tiếng còi cất lên và penalty, khán giả ùa vào phản đối, doạ dẫm và cả đội phản đối rời sân. Trận đấu đứng trước nguy cơ đổ vỡ và cần một người lên tiếng, cuối cùng HLV của PSA gật đầu.
Những tình huống như thế nhiều, rất nhiều trong sự nghiệp cầm quân “phủi” của HLV Ngô Tiến Thiết mà nói vui như ông vẫn trêu đùa bên cốc bia với những đồng nghiệp đàn em thân thiết như HLV Lê Huỳnh Đức (SHB.Đà Nẵng), Phan Thanh Hùng (HN.T&T), Phùng Thanh Phương (TP.HCM), Nguyễn Thanh Sơn (B.Bình Dương) “số ca khó với những tình huống oái ăm gặp phải của tôi gấp nhiều lần, cũng nhiều như số Cúp, huy chương đến vai trăm cái so với thành tích của các anh đấy…”.
Gia tài tự hào nhất
“Bọn học trò nó mới tặng đấy, đẹp phết. Bọn nó bảo tụi con mỗi đứa góp ít vẫn thừa tiền, mua cái điện thoại tặng thầy coi như kỷ niệm, chụp ảnh vui vui và thỉnh thoảng chém gió cùng…”. Giơ chiếc điện thoại Iphone6 mới toanh, ông cười khà khà kể. Với ông, đó là niềm vui và tự hào. Tự hào của một HLV “phủi” được rất nhiều cầu thủ phong trào, không chỉ ở Hà Nội, một tiếng hai tiếng gọi “thầy Thiết”. 20 năm làm các đội “phủi”, ông có một gia tài đồ sộ, đó là các học trò, tình cảm và sự quý mến của biết bao thế hệ.
Đến tận bây giờ, rất nhiều cầu thủ trong giới phủi Hà thành vẫn còn nhớ và biết ơn công lao dìu dắt của thầy Thiết. Từ thời còn Ngân Giang với nhiều cầu thủ vô danh bắt đầu khẳng định, đầu quân cho các đội khác để rồi có công việc, cuộc sống ổn định và thậm chí là lên chơi chuyên nghiệp.Sự nghĩa hiệp còn giúp ông thu nạp được nhiều quái kiệt từ Nam Định, Nghệ An thậm chí là cả Đắk Lắk, khi những anh em bóng đá không có chỗ ăn ngủ được kéo về nhà thầy Thiết ở hàng tháng trời.
Là một người sống chân tình, hào sảng, “coach” Thiết rất được lòng cầu thủ và có mối quan hệ tốt với giới bóng đá. Năm 2006, ông nhận lời về dẫn dắt Cường Quốc FC của ông bầu Cường “hói”, đội bóng khẳng định như một thế lực lớn của bóng đá phủi Hà Nội. Quan trọng hơn, đội bóng này có những thay đổi mang tính cách mạng, khi giữ sự ổn định với định hình về phong cách, đặc trưng mà bây giờ, nhiều đội vẫn nể vì có thể tập trung vào chơi bóng và chuyên môn, dù một thời được ví như “Lương Sơn Bạc của phủi Hà Nội”.
Năm 2012, coach Thiết được Công ty CP quản lý và khai thác tài sản dầu khí (PSA) mời về để phát triển phong trào. Mát tay, nên danh hiệu, cờ cúp cho PSA chật cả phòng truyền thống. Không chỉ vậy, ông còn giúp những học trò có công ăn việc làm ổn định để lo cho cuộc sống, giống như bao năm trước từng lo cho anh em đi đá bóng rồi có tương lai nên với nhiều học trò, thầy Thiết không chỉ là một người thầy mà còn là một ân nhân.
Bậc thầy về tâm lý
Trên sân đấu, hiếm khi người ta thấy “coach” Thiết quát học trò hay nổi giận với trọng tài. Khi cần truyền đạt điều gì, ông thường ghé tai một vài học trò và căn dặn. Tuy nhiên, trong các buổi tập, ông là người rất nghiêm khắc. Tú “thổ”, cầu thủ gắn liền với cái tên Cường Quốc rồi quay lại chơi chuyên nghiệp cùng Hà Nội T&T đi từ hạng Ba lên V.League và vô địch, có lần khóc trên bàn nhậu khi nói chuyện với thầy, do hối hận khi từng vùng vằng với thầy trong một trận đấu. Hoặc như trường hợp của Tùng “mất trí”, cầu thủ này từng ôm mặt khóc ngon lành như một đứa trẻ trên sân tập khi nghe những lời mắng chí lý. Các học trò ở Cường Quốc kể rằng khi “coach” ngà ngà say, ông giảng giải về bóng đá cũng như cuộc sống rất “đi vào lòng người”.
Chuyện kể rằng, trước giờ bóng lăn một trận đấu quan trọng, “coach” Thiết tay cầm những lá bùa, tiến lại gần các học trò và bảo họ nhét vào trong tất hoặc giày. Ông nói với từng người rằng: “Thầy đã lấy được lá bùa may mắn này, kiểu gì chúng ta cũng thắng trận này, các con cứ thoải mái mà đá”. Chẳng rõ sự linh nghiệm của lá bùa đó đến đâu nhưng chỉ biết rằng, các cầu thủ của ông đã vào trận với trạng thái tâm lý rất tự tin, thoải mái và giành chiến thắng ngoạn mục.
Lại có một câu chuyện khác, ông từng ghé tai 2 cậu học trò cưng trước một trận đấu. Với cầu thủ đá ở vị trí tiền vệ trụ, ông bảo “hậu vệ cánh phải hôm nay đang bị đau chân, hỗ trợ cho bạn nhiều vào nhé”. Sau đó, ông lại ghé tai nói với hậu vệ phải và bảo “chiến hữu của con hôm nay bị đau đầu gối, hỗ trợ nhé”. Thực tế thì chẳng ai bị đau cả. Tuy nhiên, việc dặn dò này của “coach” đã giúp các học trò của ông có ý thức tốt hơn trong việc hỗ trợ lẫn nhau trong trận đấu.
“Thầy luôn đối xử với học trò như một người cha, quan tâm lo lắng đến quyền lợi của học trò, chia sẻ với họ như một người bạn tâm giao. Đó là lý do khiến những anh em từng được chơi cùng, dẫn dắt đều gọi là thầy Thiết, một cách đầy kính trọng…”, tiền vệ Hiệp “cóc” chia sẻ về người thầy của mình.
Hoàng Tuấn Anh
HLV Ngô Tiến Thiết sinh ra tại làng Quảng An, Tây Hồ (Hà Nội) vào năm 1963. Ông kể ngày bé ốm yếu, ho hen nên cha ông, một người rất yêu bóng đá, rèn cho chơi bóng để cải thiện sức khỏe. Bóng đá ăn vào máu,chơi tốt được chọn vào tuyển trường tham dự hội khỏe Phù Đổng năm 1981 và cùng người đồng đội, bạn học thân thiết Trần Đức Phấn (nay là Phó Tổng cục trưởng TDTT) giúp trường Xuân Đỉnh giành HCV. Sau này, khi đã là cậu sinh viên Xây dựng, ông có quãng thời gian 1 năm chơi chuyên nghiệp trong màu áo CLB Vận tải 1 ở vị trí tiền đạo cánh trái. Dù không có sự nghiệp cầu thủ ấn tượng nhưng những kiến thức cùng trải nghiệm học được đã dính liền với cuộc sống bóng đá, với vị thế của một HLV, cầm các đội phong trào.
Coach Thiết rất hâm mộ Jose Mourinho. Ông thường đọc các tài liệu về cách huấn luyện của HLV người Bồ Đào Nha và quan điểm “không có đối thủ nào là không thể đánh bại, quan trọng là phải biết điểm yếu của đối phương là gì”, bên cạnh việc đề cao sự chắc chắn trong lối chơi, không để bị thủng lưới trước.
Ngoài bóng đá, khi còn trẻ “coach” Thiết từng làm HLV tennis. Thời gian rảnh rỗi, ông thích đi câu cá để thư giãn và coi đó như một “cảm giác thiền”. Ông thường đi câu cá từ 10h sáng để… trốn các lời mời bia rượu của anh em bạn bè, chiến hữu.