Chiếc Cúp của người Nghệ

Với bóng đá chuyên nghiệp và đỉnh cao, người Nghệ thất bại mà trận thua ở Pleiku và những giọt nước mắt của CĐV ở Cần Thơ là hình ảnh đáng quên. Thế nhưng đất Nghệ lại có một năm 2015 thành công rực rỡ, với bóng đá phong trào và những hoạt động không gắn với cái mác chuyên nghiệp. Đó là nghịch lý, khiến chính những người có trách nhiệm phải suy nghĩ, trăn trở và thay đổi...

Giải “cơn khát” bóng đá

Người Nghệ có đam mê mãnh liệt nhưng không phải ai cũng có thể một lần tới sân Vinh để “cháy” với đam mê của mình. Ở các huyện xa, một trận bóng đá đỉnh cao, nơi góp mặt của các tên tuổi lớn, có lẽ chỉ là trong giấc mơ. Hiểu được điều đó nên năm qua, SLNA đã cử các đội bóng trẻ về tận các huyện để thi đấu phục vụ bà con. Một trận đấu giao hữu thôi nhưng không khí như ngày hội lớn. Người già, trẻ con ở các bản làng, nô nức kéo tới SVĐ. Với họ, đó là hạnh phúc lớn và những người làm bóng đá xứ Nghệ cũng xác định, phải nỗ lực để giữ đam mê, niềm tin nơi NHM.

Bên cạnh các địa phương của Nghệ An, năm 2015 SLNA cũng đã đưa đội 1 vào tận Quảng Bình để thi đấu giao hữu. Chuyến du đấu còn có thêm các cựu tuyển thủ như Văn Quyến, Huy Hoàng và thực sự đã tạo ra “cơn sốt”. Nhiều người dân TX Ba Đồn (Quảng Bình) tâm sự rằng, họ chưa bao giờ được xem một đội bóng V.League về đây thi đấu nên chuyến thăm và thi đấu giao hữu của SLNA giống như là cột mốc, có ý nghĩa lớn, tạo ra động lực cho phong trào bóng đá địa phương.

Đưa bóng đá đến những nơi còn khát bóng đá để gần gũi với người dân khi SLNA không còn sức hút và có quá nhiều khoảng trắng khán đài sân Vinh nhiều năm nay, trong năm 2015 bóng đá phong trào Nghệ An cũng thực sự là điểm nhấn. Rất nhiều giải đấu được tổ chức và tất cả đều hướng đến mục tiêu tạo phong trào thể dục thể thao sâu rộng trong cộng đồng. Hàng chục giải “phủi” được các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp đứng ra, hàng trăm các giải phòng trào do các đơn vị hành chính tổ chức và chưa bao giờ, người ta thấy, mục tiêu xã hội hoá thể thao ở Nghệ An phát triển mạnh như lúc này.

Không chỉ trong tỉnh, các đội bóng phong trào của Nghệ An còn đi khắp nơi để tham gia nhiều giải đấu lớn nhỏ khác nhau, như câu chuyện gây ấn tượng mạnh của FC Văn Minh. Thậm chí, cộng động người Nghệ đang học tập và lao động ở các tỉnh thành cũng tự tổ chức các giải đấu, lôi cuốn hàng trăm, hàng ngàn người đồng hương tham gia, tạo ra những hiệu ứng rất tích cực. Xa quê, người Nghệ thông qua bóng đá để tập hợp, chia sẻ và gắn kết lại với nhau. Đó là giá trị lớn, chứ không phải là thắng thua ở các giải đấu nói trên.

Mỗi trận đấu, vạn tấm lòng

Đá bóng để thoả cơn khát cho nhiều đối tượng NHM nhưng đó chưa phải là mục đích duy nhất. Năm 2015, người Nghệ gây ấn tượng mạnh với những trận đấu từ thiện, giúp đỡ được rất nhiều cảnh đời bất hạnh. Riêng ý tưởng này, không chỉ có SLNA mà rất nhiều đội bóng “phủi” hay thậm chí là các cá nhân đều vào cuộc tích cực.

Tập hợp dưới cái tên Family No.1, hơn 20 cầu thủ xứ Nghệ đã có các trận đấu ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) và Đô Lương (Nghệ An) cực kỳ thành công. Ngoài việc tạo ra “biển người” vây quanh các khán đài, họ còn kêu gọi được hàng trăm triệu đồng ủng hộ trẻ em nghèo. Một điều thật đặc biệt là khi tổ chức các trận đấu như thế này, tất cả các cầu thủ xứ Nghệ, dù còn thi đấu hay đã nghỉ, dù đá cho đội bóng quê hương hay một CLB khác đều ủng hộ nhiệt tình và sẵn sàng gác lại mọi thứ để có mặt. Chuyện Công Phượng từ Gia Lai về hội ngộ với các cầu thủ xứ Nghệ ở trận đấu tại huyện Đô Lương là một ví dụ.

Ngoài Family No.1 với nhiều hoạt động ý nghĩa, các hoạt động xã hội thông qua cây cầu nối bóng đá diễn ra ra rất sôi nổi, tạo ra sức ảnh hưởng và giá trị. Đó là câu chuyện của các lão tướng Nghệ An đá giao hữu để ủng hộ mẹ Huy Hoàng bị bệnh nặng. Đó là trận đấu quyên góp tiền ủng hộ các cháu mô côi tổ chức Trung Thu của các cầu thủ xứ Nghệ xa quê, là trận đấu giữa ngôi sao SLNA với H.A.T của Tuấn Hưng để ủng hộ chăn ấm cho trẻ em miền biên viễn. Rất nhiều các trận đấu từ thiện và những người yêu, chơi bóng đá nỗ lực như là trách nhiệm với xã hội, trách nhiệm với cộng đồng. Và ở bất cứ giải đấu phong trào nào của người Nghệ, BTC cũng dành ra một phần tài chính để làm dành cho hoạt động từ thiện, xã hội như là một nguyên tắc.

Một năm kém về thành tích của đội 1 và các đội trẻ nhưng ở những giải đấu phong trào, người Nghệ lại “vô địch” gần như tuyệt đối. Không chỉ đăng quang ở các sân chơi quy mô và có độ uy tín lớn, người Nghệ còn biết kết hợp bóng đá phong trào để hướng đến các hoạt động xã hội ý nghĩa. Họ đã tạo ra được những giá trị nhân văn thông qua bóng đá và cổ vũ, thúc đẩy phong trào, lôi cuốn được cộng đồng.

Đó là giá trị và trong năm 2015, ở khía cạnh nào đó, người Nghệ đã có chiếc Cúp của riêng mình. 

LÊ GIÁP

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Vũ Quang Huy

Giấy phép số 91/GP-TTDT do bộ thông tin & truyền thông cấp ngày 09-05-2011

Địa chỉ tòa soạn: 65 Lạc Trung, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Địa chỉ liên lạc: 79 Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Điện thoại: (04) 32669666 - Fax: (04) 39429189

Email: baothethao24h@sport24h.com.vn

Powered by Netlink Tech