Cầu thủ Anh quá dễ đắm chìm vào tệ nạn
Vụ truyền thông và CĐV đồng loạt tẩy chay Sunderland, sau khi đội bóng này đưa Adam Johnson – vừa được tạm thả sau bê bối quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên – vào sân thi đấu chỉ là một vết nhơ mới, trong hàng loạt scandal của các cầu thủ Vương quốc Anh.
Chủ tịch LĐBĐ Anh (FA), Greg Dyke, cùng các đồng sự mới đây nỗ lực đưa hàng loạt giải pháp, nhằm tạo cơ hội cho các tài năng bóng đá Anh có thêm nhiều cơ hội thi đấu. Tuy nhiên, liệu có bao nhiêu HLV yên tâm đặt sự nghiệp cầm quân của mình cùng cơ hội chơi bóng tại Cúp châu Âu, trụ hạng tại Premier League lên những đôi chân bê bối, trải dài từ cưỡng dâm, hút thuốc lá, xì gà, shisha, nghiện rượu, đánh bạc, cá cược bóng đá bất hợp pháp… cho đến lừa đảo tài chính lên tới 30 triệu bảng? Thành công của Premier League khiến mức lương của các cầu thủ ngày càng cao hơn, đồng thời làm bùng nổ về số lượng và tính nghiêm trọng các vụ bê bối ngoài sân cỏ.
Không còn dừng lại ở việc bí mật nghiện rượu như Paul Merson hay đam mê cờ bạc như Tony Adams, giờ đây, người ta dễ dàng đọc được những bài tường thuật, phỏng vấn, điều tra… về các vụ bê bối liên quan tới ngoại tình (Ryan Giggs, John Terry, Wayne Rooney), cưỡng hiếp (Ched Evans), dàn xếp tỉ số bóng đá (Sam Sodje, DJ Campbell và 6 cầu thủ khác), phân biệt chủng tộc (Terry), lừa đảo tài chính (Michael McIndoe)…
Trong bối cảnh FA đặt mục tiêu giành chức vô địch World Cup 2022 tại Qatar, chính các chuyên gia bóng đá Anh nhìn thấy ở đó một bức tranh sáng/tối hòa quyện. Rất lâu sau thời West Ham nổi tiếng là lò đào tạo cầu thủ trẻ thành công, Southampton trở thành hình mẫu đào tạo, trọng dụng và lăng xê các tài năng trẻ người Anh. Bản thân Mauricio Pochettino trước khi rời Southampton đến Tottenham, từng rất lạc quan về bóng đá Anh nói chung, Southampton nói riêng. “Các cầu thủ Anh có kỹ thuật tốt, dũng cảm, khát vọng, và điều cần nhất với họ là cơ hội thể hiện những phẩm chất đó trên sân. Southampton đang đi theo con đường đó và đưa mình lên Top đầu Premier League”, Mo Po nhận xét.
Vấn đề của bóng đá và cầu thủ Anh chính là sự tự mãn, một phần bởi yếu tố lịch sử, nhưng phần lớn xuất phát từ chính thành công của Premier League. “Các cầu thủ Anh không giàu khát vọng chơi bóng ở châu Âu, ngại tìm kiếm cơ hội ở môi trường mới, lười học hỏi từ những HLV tài năng bên ngoài vương quốc”, Glenn Hoddle, cựu HLV tuyển Anh, phân tích. “Họ hài lòng với thành công ban đầu, rụt rè trước những lời mời bên ngoài hòn đảo và dễ dàng để vật chất đánh mất sự tập trung và quyết tâm thành công cần thiết, đặc biệt là các cầu thủ trẻ”.
Thành công với “Thế hệ 92”, Sir Alex Ferguson có lẽ hoàn toàn có lý khi chỉ trích gay gắt đại diện của những Ravel Morrison, Paul Pogba, cung cấp những lời khuyên tai hại, đòi hỏi quá mức về tài chính khiến họ trở nên dễ dãi với bản thân. Pogba vẫn đang tỏa sáng ở Juventus, nhưng sự nghiệp Morrison xuống dốc không phanh chỉ vì những bê bối ngoài sân cỏ.
THÀNH LƯƠNG