Ai có thể tin các CLB Anh sẽ thống trị Champions League những năm tới nhưng người Tây Ban Nha và người Đức thì không. Vì cách tiếp cận và ứng xử với giải đấu số 1 châu Âu, về cái tầm, trong suy nghĩ của người Tây Ban Nha và Đức thì Premier League còn khá nhiều bất cập.
Tiềm lực Premier League có yếu không? Sự thật là “Có”, nếu đặt cạnh những Barca, Real, Bayern… song vấn đề là ngay cả khi so sánh với những Atletico, Sevilla, Juventus, Wolfsburg, Leverkusen… các đại diện của Premier League vẫn không nhỉnh hơn. 4 đội ra quân loạt mở màn vòng bảng, 3 đội thua trận (mình Chelsea giành chiến thắng) trong khi với La Liga và Bundesliga là câu chuyện rất khác. Không có sự bất công nào ở đây bởi ngoài Man City phải đụng độ Juventus, 3 đội còn lại đều gặp những đối thủ dưới cơ. Không thể viện lí do Man Utd bị xử ép trước PSV, không thể viện cớ Arsenal đen đủi mất người trước Dinamo Zagreb. Vì với bóng đá, những lời bào chữa ấy thật hài hước.
Mà hãy nhìn thẳng vào sự thật, việc không có khả năng cạnh tranh ở châu Âu là sai lầm từ quan điểm của Premier League – giải đấu quá coi trọng danh hiệu VĐQG thì khát vọng Champions League phải giảm bớt. Ở Đức, giành Bundesliga mà thiếu chức vô địch Champions League là… vứt đi. Ở Tây Ban Nha, lên đỉnh La Liga mà không làm “Vua châu Âu” chỉ là hạng xoàng xĩnh. Hãy cứ xem người Đức đang dè bỉu Bayern của Pep Guardiola và nên hỏi cảm giác thế nào của người Tây Ban Nha về 2 chiếc Cúp (La Liga và châu Âu).
Ở đây, không phải là câu chuyện Real, Barca, Bayern đã có sự phân cấp với phần còn lại ở giải VĐQG, mà thực sự họ rất chú trọng thành tích ở châu Âu. Với người Anh, sức ép và niềm vui dồn vào ngôi vương Premier League là quá nhiều. Họ đang bị mất cân bằng trong cách ứng xử giữa các sân chơi. Không ai còn coi thất bại của Chelsea trước PSG tại vòng 1/8 mùa trước là kết quả xấu xí, sau khi đội quân của Jose Mourinho đăng quang ở Premier League.
Và để phục vụ nhãn quan ưu ái bóng đá đẹp của người thích bóng đá Anh, các CLB Premier League chọn giải pháp chơi bóng “hồn nhiên”, thay vì đáng ra họ phải toán tính rất nhiều ở các cuộc chiến ngoài châu Âu.
Bóng đá ngày nay ít nhiều đang trở nên xa vời với định nghĩa “chiến thuật” nhưng đấy chỉ là để phục vụ người xem và trong một giới hạn sân chơi nào đó, còn thực tế sân cỏ Champions League vẫn phải áp dụng nó. Chiến thuật ở đây không đơn giản là những chi tiết về về hệ thống chơi bóng, con người trên sân mà bao hàm cả những triết lý bóng đá cũng như giải pháp “vắt óc” để đưa ra trong những tình huống cụ thể trên sân. Tóm lại, chiến lược ấy mang tầm vóc, bao quát và cũng phải rất cụ thể.
Điều đó khiến họ bị đánh giá thiếu “khôn ngoan và kinh nghiệm”, song thực chất là lười suy nghĩ và tính toán cho các trận đấu ở châu Âu. Hiệu ứng kéo theo là giảm bản sắc thi đấu của các cầu thủ, không buộc những đôi chân phải chiến đấu bằng mọi giá trên sân. Đúng hơn là họ thiếu quyết tâm và khát vọng ở mức độ cao nhất.
Cứ thất bại triền miên như thế, các cầu thủ đánh mất sự tự tin – điều người ta nhìn thấy rất rõ ở các đội bóng của La Liga như Atletico, Bilbao, Sevilla hay những CLB trung bình khá của Đức, chứ không thấy ở những ông lớn của Anh. Có lẽ, sự toan tính và thực dụng của Jose Mourinho là sự khác biệt trong lòng Premier League.
MẠNH KHÁNH
Thành tích các giải ở lượt đầu vòng bảng Champions League
La Liga 10 điểm 5 đội dự
Bundesliga 9 điểm 4 đội dự
Serie A 4 điểm 2 đội dự
Ligue 1 4 điểm 2 đội dự
VĐQG Bồ 4 điểm 2 đội dự
VĐQG Nga 3 điểm 2 đội dự
Premier League 3 điểm 4 đội dự