Lá cờ đầu Nhật Bản
Khi hậu vệ Saki Kumagai thực hiện quả 11m quyết định và hoàn tất màn ngược dòng không tưởng của Nhật Bản trước đội tuyển Mỹ trong trận chung kết World Cup 2011, cô không chỉ viết nên một chương mới cho bóng đá Nhật Bản mà còn cho cả bóng đá nữ thế giới.
Với chiến thắng đó, Nhật Bản đã trở thành quốc gia đầu tiên không phải là Đức, Na Uy hay Mỹ vô địch một giải lớn (World Cup hoặc Olympic) kể từ khi những giải này diễn ra vào năm 1991. Cộng thêm đó là Brazil, đội đã kết thúc ở vị trí thứ hai hay thứ ba tại 4 kỳ World Cup hoặc Olympic. Nhờ vậy, bóng đá nữ đã trở thành một trong những môn thể thao hiểu đơn giản nhất là “trên nặng, dưới nhẹ” trong 25 năm qua. Nói đến bóng đá nữ, tất cả sẽ chỉ biết đến Đức, Mỹ, Na Uy và Brazil, những đội tuyển đã giành 23 trong 27 các vị trí nhất, nhì và ba tại Olympic và World Cup từ năm 1991 đến 2008. Để so sánh, trong 6 kỳ World Cup gần đây của bóng đá nam, 10 đội tuyển khác nhau đã đứng trong Top 3.
Tuy nhiên, ở World Cup 2011, phần còn lại của thế giới có vẻ như đã đuổi kịp nhóm những đội bóng hàng đầu. Không chỉ có Nhật Bản đánh bại Đức và Mỹ, hai đội tuyển thay nhau dẫn đầu ở 29 trong 31 BXH từng tháng của FIFA, để giành chức vô địch, các đội bóng trung bình khác cũng cho thấy sự tiến bộ vượt bậc.
Để thấy rõ hơn, ở World Cup 2011, cách biệt tỷ số trung bình ở các trận đấu chỉ là 1,5 bàn, thấp nhất trong lịch sử World Cup tính tới trước World Cup 2015. Thực tế là kể từ khi World Cup bóng đá nữ mở rộng lên 16 đội vào năm 1999, hiệu số bàn thắng trung bình đã giảm mạnh và số kết quả bất ngờ tăng lên.
Thay đổi này chắc chắn có sự đóng góp không nhỏ của Nhật Bản và những đội tuyển khác của châu Á. Đây là điều ít ai ngờ vì lâu nay, châu Á vẫn được xem là vùng trũng trên bản đồ bóng đá thế giới, nếu không muốn nói thành công của các đội tuyển nữ và đội tuyển nam hoàn toàn trái ngược nhau. Còn nhớ ở World Cup 2014, 4 đội tuyển Iran, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia không thắng nổi một trận nào và đều đứng cuối vòng bảng. Một năm sau tại World Cup bóng đá nữ, cả 5 đội cùng có ít nhất một trận thắng, trong đó Thái Lan là đội duy nhất không lọt vào vòng knock-out.
Ấn tượng nhất, Nhật Bản có cơ hội bảo vệ danh hiệu họ giành được cách đây 4 năm khi gặp Mỹ trong trận chung kết tại Vancouver. Những đội tuyển còn lại cũng tạo được dấu ấn mạnh mẽ: Hàn Quốc đánh bại Tây Ban Nha đầy kịch tính để lần đầu tiên vượt qua vòng bảng; một đội tuyển Trung Quốc trẻ trung chỉ chịu thua sát nút 0-1 trước Mỹ ở vòng tứ kết; và Australia đã chơi rất xuất sắc trước lúc bị Nhật Bản loại cũng ở vòng đấu này bằng tỷ số 1-0.
Trong khi đó, ở lần đầu tiên tham dự World Cup bóng đá nữ, Thái Lan để lại ấn tượng bằng trận thắng Bờ Biển Ngà 3-2.
Đi tìm lời giải thành công
Theo Moya Dodd, cựu phó chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) và là thành viên của Uỷ ban điều hành FIFA, cũng như là cựu tuyển thủ Australia, chìa khóa thành công của các đội tuyển nữ châu Á là họ nhận được sự hỗ trợ đáng kể về tài chính. “Các cầu thủ nữ châu Á luôn thi đấu tốt như Đài Loan (Trung Quốc) ở thập niên 1980 và Trung Quốc trong thập niên 1990”, Dodd nói. “Nhưng ở giải năm nay, AFC đã hỗ trợ cho 5 đội tham dự khoản tiền 200.000 USD mỗi đội. Chẳng hạn như đội tuyển Australia có gần 5 tháng để chuẩn bị”.
Còn theo Tom Byer, chuyên gia tư vấn bóng đá trẻ của Bộ giáo dục Trung Quốc, các đội tuyển nữ châu Á tự tin vào khả năng của họ hơn so với những đồng nghiệp nam. “Chiến thắng của Nhật Bản tại World Cup 2011 đã mang đến hy vọng và sự tự tin cho các đội tuyển nữ châu Á, rằng họ không hề thua kém những đội tuyển của châu Mỹ hay châu Âu”, Byer nói.
Ngoài ra, không chỉ thành công ở World Cup hay Olympic, bóng đá nữ châu Á cũng đạt thành tích nổi bật tại các giải trẻ. Trong 4 kỳ World Cup bóng đá nữ dành cho lứa U17 được tổ chức cho đến nay, 3 chiến thắng thuộc về các đội tuyển của châu Á là Nhật Bản, CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc.
Ở đây, đành rằng mọi so sánh giữa bóng đá nữ và bóng đá nam là hoàn toàn khập khiễng nhưng nếu bất lợi của các cầu thủ châu Á nói chung so với châu Âu hay châu Mỹ và châu Phi là thể hình và thể lực, bóng đá nữ châu Á lại tập trung nhiều hơn về mặt chiến thuật và sự chuẩn bị. Theo Byer, đây có lẽ là khác biệt lớn nhất giải thích vì sao bóng đá nữ châu Á thành công được ở World Cup. “Tính kỷ luật trong tập luyện thể thao và học tập ở châu Á rất được đề cao”, Byer nói tiếp. “Nói chung, trẻ em châu Á học và thực hành nhiều hơn trẻ em phương tây, bởi vậy, kỹ năng của chúng có xu hướng thành thạo hơn…”.
Cuối cùng và không kém phần quan trọng, bóng đá nữ châu Á không đi sau châu Âu và châu Mỹ trong quá trình phát triển. Trong khi bóng đá chuyên nghiệp của nam có mặt ở châu Á muộn hơn so với châu Âu và Nam Mỹ, bóng đá nữ thế giới và châu Á cùng phát triển song song trong vòng 25 năm qua. Vì thế, chiến thắng của đội tuyển Nhật Bản vào năm 2011 có lẽ không phải là chiến thắng may mắn hay cuối cùng mà Nhật Bản hay châu Á có dịp tận hưởng khi họ đã chứng tỏ họ cũng mạnh như các đồng nghiệp châu Âu hay Bắc Mỹ.
Nếu bóng đá nam chỉ được phân chia giữa châu Âu và Nam Mỹ thì bóng đá nữ là tranh chấp giữa 4 trung tâm lớn gồm Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Âu và châu Á.
MẠNH HÀO
Nhật Bản đã trở thành quốc gia đầu tiên không phải là Đức, Na Uy hay Mỹ vô địch một giải lớn (World Cup hoặc Olympic) kể từ khi những giải này diễn ra vào năm 1991.