Vấn đề lao động nhập cư ở Premier League

Hàng rào chính sách

Như đã nói, kể từ mùa giải 2015/16, Premier League sẽ chính thức áp dụng hệ thống cấp giấy phép lao động mới cho các cầu thủ ngoài EU (những cầu thủ mang quốc tịch EU đương nhiên được hưởng quyền tự do đi lại và làm việc tại tất cả các quốc gia trong Liên minh châu Âu, bao gồm cả Vương quốc Anh). Thực ra chính sách này cũng không hoàn toàn mang tính thắt chặt và vẫn có những sự linh hoạt nhất định. Một mặt, các cầu thủ ngoài EU sẽ chỉ được xem xét cấp giấy phép lao động nếu như họ đang khoác áo các ĐTQG nằm trong Top 50 trên BXH FIFA thay vì Top 70 như quy định cũ. Nhưng mặt khác thì các ĐTQG cũng không bị đánh giá theo kiểu “cào bằng” như trước. Nếu như ĐTQG của họ đang đứng trong Top 10 thế giới thì các cầu thủ chỉ cần góp mặt trong 30% số trận đấu (trước đây là 75%) của ĐT trong vòng 2 năm gần nhất là đủ điều kiện xin giấy phép làm việc, nếu ĐTQG của họ xếp hạng từ 11-20 thì tỷ lệ này sẽ tăng lên thành 45% số trận đấu, nếu ĐTQG xếp hạng từ 21-30 thì tỷ lệ cần thiết là 60% và nếu xếp hạng từ 31-50 thì tỷ lệ vẫn là 75% như cũ.

Thế giới phẳng

Chính nhờ sự thay đổi trong việc đánh giá các ĐTQG mà Liverpool mới có thể dễ dàng xin được giấy phép lao động cho Roberto Firmino – người mới chỉ đá vỏn vẹn 10 trận (vừa đủ để vượt qua mốc 30%) cho ĐT Brazil kể từ năm 2014. Tuy nhiên, nói gì thì nói, quy định mới về thủ tục cấp phép lao động cũng sẽ khiến số lượng ngoại binh – hay chính xác hơn là số lượng cầu thủ ngoài EU – tại Premier League giảm đi đáng kể (theo ước tính của FA thì sẽ sụt giảm khoảng 1/3). Câu hỏi là vì sao Premier League, hay cụ thể hơn là FA, lại quyết định thay đổi chính sách cấp giấy phép lao động, ảnh hưởng của chính sách mới này đến đâu và liệu nó có gây ra hệ lụy gì cho Premier League hay không?

Động cơ chính trị?

Nói như Chủ tịch FA Greg Dyke, việc thay đổi tiêu chí cấp phép lao động tại giải Ngoại hạng là để “lựa chọn ra những cầu thủ (ngoài EU) thực sự xuất chúng, những người đã khẳng định được trình độ ở đẳng cấp cao nhất” và để “tìm ra thêm những Harry Kane mới”. Dyke cũng có cái lý của mình, bởi trong vòng 5 mùa giải gần nhất, 55% số cầu thủ ngoài EU có thời gian ra sân ít hơn số phút thi đấu trung bình của một cầu thủ tại Premier League và thậm chí 42% trong số này còn không hề xuất hiện trên sân trong mùa bóng thứ 2 của họ tại giải Ngoại hạng.

Nhưng thực ra, trừ khi Anh rời khỏi EU, những cầu thủ mang quốc tịch EU khác vẫn có quyền tự do làm việc tại Premier League và rất có thể là “ngoại vẫn hoàn ngoại”, tức lỗ hổng mà các ngoại binh ngoài EU để lại sẽ được lấp đầy bởi các ngoại binh trong EU. Chẳng có gì đảm bảo là các CLB ở giải Ngoại hạng, vốn luôn bị áp lực thành tích đè nặng (đến mức mà cứ mỗi mùa bóng lại có bình quân 10,76 HLV bị sa thải, tính từ năm 1996 tới giờ) lại có đủ kiên nhẫn để trao cơ hội cho các mầm non nội địa thay vì chi tiền (thứ mà họ không hề thiếu, đặc biệt là sau khi ký những bản HĐ truyền hình siêu khủng có giá trị lên tới 2 tỷ bảng/mùa) để đem về những cầu thủ ngoại thuộc dạng “dùng được ngay”.

Vấn đề lao động nhập cư ở Premier League (Kỳ 2): Thế giới phẳng

Cho nên sự thay đổi nêu trên của FA chủ yếu xuất phát từ nhu cầu chính trị. Những ngày này, nước Anh đang cực kỳ căng thẳng với vấn đề người nhập cư. Để đối phó với nạn nhập cư trái phép, Chính phủ Anh đang dự định ban hành một đạo luật mới, trong đó cho phép các vị chủ nhà được phép kiểm tra định kỳ giấy tờ của người thuê nhà mà không cần đến văn bản của tòa án. Nếu không hoàn thành nghĩa vụ kiểm tra của mình, chủ nhà có thể bị kết án tù tới 5 năm (!). Hồi tháng 7, Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May thậm chí còn thông qua một quyết định buộc các sinh viên ngoài EU (ước tính có khoảng 120.000 người thuộc dạng này nhập học mỗi năm) phải rời Vương quốc Anh ngay sau khi tốt nghiệp để tránh trường hợp họ ở lại đây kiếm việc làm (trước đây các sinh viên ngoài EU thường được cấp một loại post-graduation visa có thời hạn 2 năm và họ có thể tranh thủ thời gian 2 năm này để tìm cơ hội nghề nghiệp).

Thêm nữa, trong bối cảnh đảng Quốc gia Scotland vừa giành thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử hồi tháng 5 (chiếm được tới 56 ghế trong Hạ viện so với chỉ 6 ghế của nhiệm kỳ trước), nguy cơ Scotland rời khỏi Vương quốc Anh càng đến gần và người Anh bỗng nhận thấy rằng mình cần một biểu tượng văn hóa, một thứ gì đó đặc trưng cho “chất Anh”, “tinh thần Anh”. Bóng đá – với một giải Ngoại hạng Anh gồm nhiều cầu thủ Anh – chẳng hạn.

Đơn thuốc sai lầm

Bên cạnh việc hòa chung với xu thế của xã hội Anh, việc FA thay đổi chính sách cấp phép lao động tại Premier League còn nhằm mục đích chuẩn bị cho một bước chuyển đổi táo bạo hơn, dự kiến có thể bắt đầu từ năm 2016. Đó là gia tăng số lượng cầu thủ tự đào tạo (ngay cả định nghĩa “tự đào tạo” cũng sẽ được hiểu một cách chặt chẽ hơn, sẽ chủ yếu gồm toàn các cầu thủ nội) của mỗi đội bóng lên mức 12 thay vì 8 như hiện nay.

Trước mắt, ý tưởng này đã được 5 cựu HLV ĐT Anh (Graham Taylor, Glenn Hoddle, Kevin Keegan, Sven-Goran Eriksson, Steve McClaren) cũng như Chủ tịch UEFA Michel Platini (người đã hứa hẹn sẽ trao đổi với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean – Claude Juncker về tính khả thi của đề án) ủng hộ và nó hứa hẹn sẽ sớm được đem ra thảo luận với các CLB ở giải Ngoại hạng. Nhưng ngay cả khi Dyke thành công trong việc triển khai kế hoạch nêu trên đi chăng nữa thì đó cũng không phải, và không thể, là một liều thuốc hiệu quả cho những vấn đề hiện tại của bóng đá Anh…

Thực ra cánh cửa của Premier League nói riêng hay bóng đá Anh nói chung vẫn chưa hoàn toàn khép lại đối với các cầu thủ ngoài EU và khoác áo một ĐTQG không nằm trong top 50 thế giới. Căn cứ theo quy định mới, CLB muốn chiêu mộ cầu thủ đó có thể nộp đơn kháng nghị lên một uỷ ban độc lập của FA và uỷ ban này sẽ dựa trên một số tiêu chí để quyết định xem có cấp giấy phép lao động hay không. Các tiêu chí này gồm có: 1/giá trị chuyển nhượng của cầu thủ đó (nếu nằm trong số 25% cầu thủ đắt giá nhất trong vòng 2 kỳ chuyển nhượng gần đây thì được tính 3 điểm, nếu nằm trong số 50% thì được tính 2 điểm), 2/tiền lương của cầu thủ đó (nếu nằm trong số 25% cầu thủ được trả lương cao nhất CLB thì tính 3 điểm, nếu nằm trong số 50% thì tính 2 điểm), 3/CLB chủ quản hiện tại của cầu thủ đó từng góp mặt ở đấu trường châu lục trong vòng 12 tháng gần nhất và cầu thủ đó ra sân nhiều hơn 30% số phút ở giải VĐQG (tính 1 điểm), 4/CLB chủ quản hiện tại của cầu thủ đó đang thi đấu ở “một giải VĐQG hàng đầu” (tính 1 điểm). Nếu cầu thủ này nhận được 4 điểm trở lên thì anh ta sẽ có cơ hội được cấp phép lao động, và hồi tháng 6 vừa qua Chelsea đã xin giấy phép thành công cho Bertrand Traore (tuyển thủ Burkina Faso, đứng thứ 66 thế giới) nhờ vận dụng các tiêu chí nói trên.

Đón đọc kỳ 3: Nhập khẩu lao động hay là chết

QUANG HẢI

Phân chia Nam – Bắc

Premier League 2015/16 vẫn chưa bắt đầu, nhưng nó đã sớm xác lập một kỷ lục. Đây sẽ là mùa bóng có ít đại diện đến từ miền Bắc nhất trong lịch sử giải Ngoại hạng. Chỉ có vỏn vẹn 7 CLB miền Bắc là M.U, Man City, Liverpool, Everton, Stoke, Newcastle và Sunderland góp mặt tại Premier League mùa giải tới, thấp hơn 2 đội so với mùa 2014/15 (có thêm Hull và Burnley, nay đã xuống hạng). Cả 3 tân binh của giải đấu hạng cao nhất nước Anh mùa bóng 2015/16 là Watford, Bournemouth và Norwich đều nằm ở phía Nam đảo quốc hình con thỏ, giúp miền Nam nước Anh khẳng định ưu thế tuyệt đối về số lượng tại Premier League. Và thực ra đây không phải là một hiện tượng gì quá mới mẻ. Kể từ mùa 2012/13, miền Nam nước Anh đã liên tục vượt trội về số lượng đại diện ở Premier League so với miền Bắc, còn nếu xét trong 24 mùa bóng của Premier League thì có tới 15 mùa mà miền Nam chiếm ưu thế, 6 mùa cân bằng và chỉ có 4 mùa bóng chứng kiến số đại diện miền Bắc vượt quá bán.

bbb
Những cầu thủ như Fabregas sẽ không còn được xem là “hàng nội”

Đó có thể coi là một điều khá bất ngờ, bởi từ lịch sử mà nói thì miền Bắc vẫn được coi là mảnh đất phù hợp hơn để phát triển bóng đá. Vào thế kỷ 18-19, những thành phố miền Bắc như Liverpool hay Manchester là nơi khởi đầu của cuộc cách mạng công nghiệp tại Anh, và lực lượng lao động đông đảo tại các trung tâm công nghiệp này là nguồn cung cầu thủ bất tận cho các CLB bóng đá – môn thể thao vốn vẫn được coi là thuộc về giai cấp lao động (người ta đã thống kê rằng vùng đất có bán kính 50km quanh thành phố Manchester là nơi có mật độ CLB bóng đá dày đặc nhất trên thế giới). Theo chiều ngược lại, miền Nam nước Anh được đánh giá là “học thức” hơn và đương nhiên là lượng người chơi bóng không đông đảo bằng (vì họ còn bận chơi các môn thể thao khác như golf, cricket, rugby hay tennis). Tuy nhiên miền Nam lại giàu có hơn hẳn miền Bắc và các CLB thuộc miền Nam nhìn chung cũng dư dả hơn so với những đối thủ phương Bắc. Lợi thế này lại càng được phát huy tối đa khi mà thị trường chuyển nhượng cầu thủ được tự do hoá, và có lẽ sự thắng thế của phe miền Nam là một xu hướng khó có thể bị đảo ngược trừ khi xuất hiện một sự thay đổi trong cấu trúc xã hội Anh. Một làn sóng dân nhập cư tới các thành phố miền Bắc chẳng hạn?

Đau đầu vì người nhập cư

Chưa rõ liệu các thành phố miền Bắc có thể thu hút được lượng lớn công dân nhập cư có trình độ (qua đó nâng cao sức cạnh tranh so với miền Nam) hay không, nhưng nhập cư đúng là một vấn đề nóng bỏng ở Anh những ngày này nói riêng hay trong giai đoạn 2015-16 nói chung. Cứ 100 người đang sinh sống tại Anh thì có tới 13 người là dân nhập cư, tỷ lệ cao nhất trong số các quốc gia lớn ở châu Âu và ngang bằng với một đất nước vốn nổi tiếng là cởi mở với người nhập cư như Mỹ. Nói thế để thấy là lượng người nhập cư ở Anh đông đảo đến mức nào. Bình quân mỗi năm lại có gần 600.000 người nhập cư mới vào Anh và con số này đang tăng dần theo từng năm, nhất là khi những đất nước mới gia nhập EU như Romania hay Bulgaria được hưởng đầy đủ quyền thành viên (giúp cho công dân của họ có quyền tự do lao động ở các nước thành viên EU khác).

ccc
Gael Clichy

Tất nhiên không phải người nhập cư nào cũng mang lại các hiệu ứng tiêu cực cho đảo quốc sương mù mà đa phần trong số họ là những người có trình độ và có thể bổ sung nguồn cung lao động cho những lĩnh vực mà nước Anh đang thiếu hụt, đặc biệt là trong các ngành kỹ thuật. Nhưng trong mắt một bộ phận người dân Anh thì những người nhập cư này đang lấy mất cơ hội việc làm của dân bản địa (tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Anh, những người trong độ tuổi từ 16-24 đã lên tới 14,4%) cũng như giành mất một phần trong “chiếc bánh” phúc lợi xã hội của họ (năm nay có khoảng 20.000 trẻ em ở Anh sẽ không được vào học ở đúng trường cấp 1 mà chúng đã chọn do lượng hồ sơ đăng ký quá đông). Vì thế, trong một cuộc thăm dò ý kiến hồi đầu năm nay, 30% số cử tri Anh cho rằng người nhập cư là vấn đề khiến họ quan tâm nhất. Cách đây vài ngày, Thủ tướng Anh David Cameron đã tuyên bố một cách rất cứng rắn rằng Anh sẽ trục xuất “một đàn” người nhập cư trái phép đang chực chờ ở cảng Calais, Pháp để chờ cơ hội sang Anh định cư. Cách dùng từ này bị cho là hơi thiếu tính ngoại giao, nhưng tỷ lệ ủng hộ đảng Bảo thủ lập tức tăng lên tới 11% (!) sau khi phát ngôn của ông Cameron xuất hiện trên mặt báo. Như thế là đủ hiểu vấn đề dân nhập cư có trọng lượng đến đâu trong lòng người dân Anh.

Nỗ lực “nội địa hoá”

Phải đặt trong bối cảnh xã hội như vậy thì mới hiểu được vì sao các nhà điều hành bóng đá Anh lại cố gắng “nội địa hoá” Premier League, cụ thể là giảm bớt số lượng ngoại binh và gia tăng số lượng cầu thủ được đào tạo trong nước. LĐBĐ Anh (FA) đã nhiều lần tỏ ý muốn ban hành các chính sách khuyến khích tài năng bản địa, nhưng phải đến mùa giải 2015/16 này thì Premier League (và kể cả các giải đấu thuộc Football League) mới chứng kiến một sự thay đổi lớn trong cơ chế cấp giấy phép lao động. Trước đây, một cầu thủ ngoài EU sẽ được cấp giấy phép lao động tại giải Ngoại hạng Anh nếu như ĐTQG của anh ta nằm trong Top 70 trên BXH FIFA và anh ta góp mặt trong tối thiểu 75% số trận đấu của đội tuyển trong vòng 2 năm gần nhất. Tuy nhiên bắt đầu từ mùa 2015/16 thì tiêu chí này sẽ được thắt chặt hơn và ĐTQG của cầu thủ đó sẽ phải nằm trong Top 50 trên BXH FIFA. Điều này sẽ khiến lượng cầu thủ ngoài EU tại Premier League giảm đi đáng kể: FA đã đối chiếu lại số lượng hồ sơ xin giấy phép lao động trong vòng 5 mùa bóng gần nhất và kết luận rằng có tới 33% số trường hợp, hay nói cách khác là 42 cầu thủ, sẽ không được cấp phép làm việc tại Anh nếu áp dụng tiêu chí mới.

Chưa hết, bắt đầu từ năm 2016 thì rất có thể FA sẽ đưa ra quy định mới về số lượng cầu thủ tự đào tạo tối thiểu mà mỗi đội bóng phải sở hữu. Cụ thể, mỗi CLB sẽ phải có trong đội hình ít nhất 12 cầu thủ thuộc diện tự đào tạo thay vì 8 như hiện nay. Quan trọng hơn nữa, khái niệm “tự đào tạo” cũng sẽ được định nghĩa lại, theo đó một cầu thủ sẽ chỉ được coi là tự đào tạo nếu như anh ta trải qua tối thiểu 3 năm thi đấu tại Anh trước 18 tuổi (hiện nay là trước 21 tuổi). Tức là cánh cửa bước vào Premier League sẽ trở nên hẹp hơn đối với các tài năng ngoại quốc, nhưng chưa chắc là điều này sẽ mở ra cánh cửa dẫn đến thành công cho bóng đá Anh…

Quang Hải 

Nếu căn cứ trên quy định cũ thì các cầu thủ đến từ Israel (đứng thứ 51 trên BXH FIFA), Hàn Quốc (thứ 52), Ai Cập (53), Paraguay (54), Nigeria (55), Australia (59), Mali (61), Bolivia (66) hay Nam Phi (70) hoàn toàn có thể tranh tài tại giải đấu hạng cao nhất nước Anh. Tuy nhiên quy định mới về cấp giấy phép lao động tại Premier League sẽ khiến cơ hội chơi bóng ở Anh của họ gần như bằng 0, trừ khi CLB muốn sở hữu họ kháng nghị thành công trước một hội đồng độc lập của FA – những người sẽ đưa ra các đòi hỏi cực kỳ khắt khe.

Cách hiểu hiện tại về khái niệm cầu thủ tự đào tạo của Premier League vẫn có những kẽ hở nhất định. Nếu như một cầu thủ nước ngoài chuyển đến Anh vào năm 18 tuổi (hoặc sớm hơn) rồi trải qua 3 năm thi đấu ở đây thì anh ta sẽ mặc nhiên được coi là “tự đào tạo”, và đó đích xác là trường hợp của những Fabregas, Clichy, Szczesny, Schneiderlin, Borini…. Tuy nhiên dự thảo quy định của FA sẽ buộc các cầu thủ nước ngoài phải sang Anh từ năm 15 tuổi (một điều rất khó, bởi luật FIFA cấm các cầu thủ dưới 18 tuổi thực hiện những vụ chuyển nhượng quốc tế trừ khi anh ta đi cùng cả gia đình) và gần như chỉ có các cầu thủ Anh mới được xếp vào diện “tự đào tạo”.