Boxing nữ Việt Nam: 2 năm cho 1 câu trả lời “sống còn”

Boxing nam được khôi phục trở lại vào 2002 sau 8 năm ròng bị cấm hoạt động do sự cố vỡ sới tại giải VĐQG 1994. Việc gây dựng boxing nữ cũng được đặt ra ngay từ khi ấy song đã vấp phải rất nhiều ý kiến phản đối, cho rằng nó nguy hiểm, bạo lực và không phù hợp với phụ nữ Việt Nam.

Phải mất đến 2 năm kiên trì thuyết phục và đấu tranh, các nhà quản lý huấn luyện môn này mới được đồng ý cho làm boxing nữ theo diện thử nghiệm. Lực lượng ban đầu hoàn toàn nhờ cậy vào các võ sĩ wushu, karatedo, hay võ cổ truyền chuyển sang. Những người trong cuộc vừa làm vừa lo ngay ngáy vì nguy cơ có thể bị cho dừng bất cứ lúc nào. Rất may, quyết tâm và nỗ lực của họ đã được đền đáp xứng đáng bởi boxing nữ đã sớm vượt xa cả boxing nam lẫn nhiều môn võ thế mạnh khác để trở thành “mũi nhọn” hàng đầu của TTVN. Boxing nữ đã được đưa vào danh sách 10 môn trọng điểm nhóm 1, giành cả HCV giải trẻ thế giới, SEA Games và huy chương ASIAD.

Boxing nữ Việt Nam: 2 năm cho 1 câu trả lời “sống còn” ĐTQG nữ đang sở hữu một đội hình trẻ tài năng với 3 gương mặt đã đạt tới trình độ hàng đầu khu vực, áp sát nhóm hàng đầu châu lục gồm Lừu Thị Duyên, Hà Thị Linh, Nguyễn Thị Yến. Trong đó, Yến và Linh đều từng giành HCV SEA Games và HCĐ ASIAD. Họ đang nhắm tới đích giành ít nhất 1 suất tới tranh tài tại Olympic trên đất Brazil vào sang năm.

Trong tương lai, boxing nữ vẫn sẽ là một “mũi nhọn” hiếm hoi cho tầm cao ASIAD hay Olympic. Tuy nhiên, cũng như vật nữ, môn này đang bị bó buộc bởi nguồn lực kinh phí khi dựa cả vào khoản đầu tư hạn hẹp của nhà nước chỉ vỏn vẹn 20.000 USD mỗi năm, khoảng trên 400 triệu đồng cho việc tập huấn, thi đấu quốc tế. Các nữ võ sĩ, ngay cả diện trọng điểm, cũng chỉ có 1, 2 chuyến tập huấn ngắn hạn và dự tranh một vài giải đấu quan trọng. Nó chỉ bằng 1/5 mức đầu tư của một nước ngay trong khu vực là Thái Lan, chứ chưa nói đến chuẩn quốc tế.

Tình trạng bế tắc tưởng như kéo dài sẽ có hy vọng thay đổi với quyết tâm, nỗ lực của những người làm boxing khi vận động hình thành được một tổ chức xã hội – nghề nghiệp của riêng mình. Đại hội thành lập Liên đoàn Boxing Việt Nam sẽ được tổ chức vào hôm nay (12/9) đánh dấu một cột mốc quan trong cho sự phát triển. Rất đáng kỳ vọng bởi Liên đoàn này sẽ có dấu ấn xã hội hóa rõ nét với sự tham dự trực tiếp của nhiều tổ chức, thành phần ngoài thể thao, chứ không đơn giản là “cánh tay nối dài” của cơ quan quản lý nhà nước. Ít nhất, boxing nói chung, và đặc biệt boxing nữ sẽ nhận được sự hậu thuẫn của một kênh truyền hình và một nguồn kinh phí đảm bảo.

Sỹ Minh